Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Bàn tay Bác Nhận

Bàn tay Bác Nhận

- Nguyễn Ngọc Giao published 15/09/2018 17:15, cập nhật lần cuối 16/09/2018 18:52

Tưởng nhớ bác Phạm Văn Nhận (1919-2018)


Bàn tay Bác Nhận


Nguyễn Ngọc Giao


Theo Hải Vân (xem Diễn Đàn), năm sinh thực sự của bác Phạm Văn Nhận là 1919, chứ không phải 1921 như ghi trên giấy tờ. Như vậy, tính theo tuổi ta, năm nay 2018, bác đúng trăm tuổi. Tuổi thọ đáng quý, đáng mừng, song bác đã ra đi đột ngột tại nhà riêng, ở La Grande Motte (thị xã bờ biển Địa Trung Hải, sát thành phố Montpellier), để lại cho gia đình, thân thuộc và bạn bè một niềm tiếc thương vô hạn.

Cuốn phim Hai thế giới(1953) của Phạm Văn Nhận, mà Trung tâm Quốc gia Điện ảnh Pháp (CNC) và Viện Phim Pháp (Cinémathèque française) phục chế, đã được chiếu tại Sài Gòn và Paris. Tổng cộng buổi chiếu ở Việt Nam và ở Paris (Câu lạc bộ YDA và Cinémathèque Française) chắc không quá một nghìn khán giả. Con số ít oi, nhưng thể hiện ý muốn tìm hiểu và giới thiệu một nhà điện ảnh Việt Nam, cách đây 70 năm, là một trong những người đi đầu trong việc xây dựng nền điện ảnh Việt Nam. 

Trang Wikipedia tiếng Việt và bài báo Diễn Đàn nói trên đã cung cấp khá đầy đủ về cuộc đời hoạt động của Phạm Văn Nhận. Cuốn sách của Pierre Daum (Immigrés de force : Les travailleurs indochinois en France 1939-1952 xuất bản năm 2009), và hai cuốn phim tài liệu của Lê Lâm (Công Binh, 2012) và Laurence Jourdan (Asiatiques de France, 2013) cho ta gặp Phạm Văn Nhận trong cảnh ngộ những người lính thợ Việt Nam ở Pháp trong thập niên 1940.


PVN

Trong bài này, tôi chỉ xin ghi lại đôi điều mà tôi may mắn được biết về con người xuất chúng và vô cùng đáng quý ấy. Trong các bác "lính thợ" (những thanh niên 20-30 tuổi sang Pháp năm 1939-40, do chính quyền thuộc địa đưa sang chính quốc để phục vụ nỗ lực chiến tranh chống Đức), Lê Bá Đảng và Phạm Văn Nhận (người sinh năm 1920, người sinh năm 1919) là hai người sớm ra khỏi hoàn cảnh công nhân để hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật : hội hoạ và điện ảnh. Nhưng cả hai, đến cuối đời, đều giữ mối quan hệ son sắt với các bạn đồng đội thời trẻ. Và ở hai người nghệ sĩ này, ấn tượng sâu sắc mà tôi giữ mãi về họ : bàn tay sáng tạo mỗi ngày, mỗi giờ dường như nối liền khối óc với thế giới vật thể. Ở anh Đảng, bàn tay nghệ sĩ biến cục đất thó, sợi dây thép, trang giấy bản dày cộm... thành tác phẩm điêu khắc (hạt gạo), tượng Phật ngồi, không gian trừu tượng... Ở bác Nhận (theo phong tục, tôi gọi là bác, vì là bạn anh Hạc), thế giới vật thể là chiếc máy ảnh Lumière Super Eljy, cái camera của nhóm Sao Vàng mà năm 1946, bác học cách sử dụng từ hoạ sĩ Mai Thứ, người duy nhất trong nhóm Việt kiều năm ấy biết quay phim, hay là một động cơ điện, thiết bị chiếu phim, ghi âm, hay những khối sắt thép vô hồn...

Từ bàn tay ấy, ngày nay chúng ta có được những hình ảnh sinh hoạt của công binh Việt Nam ở các "căng" (trại) miền nam nước Pháp, đoạn phim chủ tịch Hồ Chí Minh dạo bộ với phái đoàn và kiều bào trên bãi biển Biarritz (nơi phái đoàn tạm dừng chân khi tới Pháp tháng 6-1946, trong khi chờ đợi thành lập nội các chính phủ mới ở Paris), cảnh tiếp đón ở sân bay Le Bourget, sân lâu đài Fontainebleau giữa hai phiên họp hội nghị, mít tinh ở hội trường Mutualité...

Từ đó, tại Pháp, hay sang thập niên 1950 ở Sài Gòn, Phạm Văn Nhận đã thực hiện những tác phẩm điện ảnh phản ánh cuộc sống của những thân phận con người (sinh viên Việt Nam ở Pháp, người phụ nữ Nam Bộ...). Giai đoạn sáng tác phim truyện của Phạm Văn Nhận đã bị cắt ngang khi cuốn phim Giọt máu rơi (1956) bị chính quyền Ngô Đình Diệm cấm chiếu. Tại sao ? Bác Nhận cho rằng chỉ vì hãng phim Mỹ Phương (của bác gái Hạ Thị Loan, và bác Nhận làm giám đốc điện ảnh) không chịu hối lộ cho viên chức kiểm duyệt. Nhưng xét về nội dung (đấu tranh của thợ thuyền), nó dễ bị kết án là "sách động" chống lại một chế độ mà hai khẩu hiệu "bài phong", "đả thực" hiện ra như chiếc lá nho che đậy bản chất và nhiệm vụ của nó : chống cộng.

Bác Nhận vẫn không rời lãnh vực điện ảnh : ông lao vào việc lồng tiếng (Việt và Hoa) cho những phim Mỹ, Pháp, Ấn mà hãng Mỹ Phương nhập khẩu để phát hành ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố. Ở đây, chúng ta được chứng kiến "bàn tay" mầu nhiệm  của con người ấy.Bạn đọc biết rằng các phim ngoại quốc trình chiếu ở Việt Nam cho đến gần đây không được lồng tiếng (ngoại trừ phim chưởng, với giọng Việt Hồng Kông rất khó nghe). Phụ đề tiếng Việt bắt đầu được phổ biến, ngày nay rất dễ dàng, nhờ tiến bộ kĩ thuật. Thị trường điện ảnh của một nước hơn 90 triệu dân, tới gần đây, vẫn ì ạch với lối thuyết minh đơn điệu. Nhắc lại như thế mới thấy được giá trị của việc lồng tiếng mà bác Nhận đã thực hiện cách đây 60 năm ở Sài Gòn.

Trong ngôi nhà xinh xắn ở La Grande Motte, một buổi chiều hè, tôi say sưa nghe bác kể cách làm : hồi ấy, phim mới được trình chiếu vào ngày thứ tư mỗi tuần (y hệt ở Pháp ngày nay), thế là 10g tối thứ bảy trước đó, bác cho xe hơi đi đón những diễn viên vừa hạ màn ở các rạp cải lương về trụ sở Mỹ Phương, ăn cháo gà rồi "diễn đối thoại" để lồng tiếng. Nhưng làm sao ghi lời đối thoại vào phim ảnh đã có sẵn "băng" âm quang học ? Giải pháp của bác Nhận là : xẻ đôi băng từ, ghi âm lên đó, rồi dán dọc theo phim ảnh, khi chiếu lên, có thêm máy chuyển băng từ thành âm, thế là khán giả vừa nghe âm nhạc của băng gốc, vừa nghe lời thoại tiếng Việt (hay tiếng Hoa nếu là bản phát hành cho các rạp Chợ Lớn). Cũng bàn tay vàng ấy đã sáng chế ra thiết bị làm phụ đề, tuy kỹ thuật này rốt cuộc không phổ biến rộng vì giá thành còn cao. Và có lẽ cũng vì khán giả đại chúng lúc đó chưa quen đọc phụ đề.

Bàn tay bác Nhận là môi giới giữa bộ não và thế giới vật chất, nó biến đổi thế giới vật thể theo ý của người nghệ sĩ - nghệ nhân để thực hiện ý tưởng. Điều đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật điện ảnh, mà còn là phương thức biểu lộ tình yêu. Lần chót chúng tôi đến La Grande Motte thăm hai bác, bác gái đi lại khó khăn, sức khoẻ suy yếu. Chúng tôi được chứng kiến tận mắt từng cử chỉ của bác Nhận chăm lo từng chút cho bác gái. Ít lâu sau, được biết bác Nhận đă bỏ ra ba tháng để thiết kế bộ thang máy để bác gái có thể di chuyển dễ dàng trong ngôi nhà hai tầng. (Nghe nói, báo hại, là mấy bà già hàng xóm thấy sáng kiến quá hay, bèn đua nhau... đặt hàng, dù bác không hề có ý định biến "công trình tình yêu" của mình thành phương thức sản xuất hàng hoá !).

Mấy năm gần đây, bác Nhận đi lại khó khăn, ít đi đâu xa. Cách đây ba năm, khi cuốn phim Hai Thế Giới được CNC và Cinémathèque Française phục chế và công chiếu, bác Nhận không lên Paris tham gia. Nhưng tôi được biết, trong những dịp còn rời Montpellier đi thăm nơi này nơi kia,bao giờ trong va-li, bác cũng mang theo bình đựng di cốt người bạn đời.

Bác Nhận đã từ biệt cõi đời. Giờ đây, tôi biết bác đang ở bên ai.

15.9.2018

Nguyễn Ngọc Giao


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss