Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Biết bao cuộc đời và cái chết lặng lẽ của một người « cộng sản nhưng mà tốt »

Biết bao cuộc đời và cái chết lặng lẽ của một người « cộng sản nhưng mà tốt »

- Jon Lee Anderson — published 19/09/2020 15:51, cập nhật lần cuối 19/09/2020 15:51
Đỗ Tuyết Khanh dịch từ tiếng Anh

 


Biết bao cuộc đời và cái chết lặng lẽ
của một người « cộng sản nhưng mà tốt »


Jon Lee Anderson

bản dịch của Đỗ Tuyết Khanh



Trong tình hình phong toả vì Covid-19, tin Fernando Barral qua đời ngày 4 tháng 5 tại Havana đi qua trong lặng lẽ nhưng vào một thời điểm khác thể nào cũng đã có hàng loạt bài nổi bật viết về cuộc đời trôi nổi của ông ta. Là đứa trẻ trong nội chiến Tây Ban Nha, 11 tuổi cùng mẹ trốn chạy sang Argentina rồi lại 11 năm sau bị chế độ của Juan Perón trục xuất sang Hungary vì tội “phiến loạn quốc tế”, Barral lớn lên vô quốc tịch và cũng không có cả tờ hộ chiếu. Sau khi trải qua cuộc nổi dậy ở Budapest năm 1956 và Liên Xô xâm lăng Hungary, ông đến Cuba trong những năm đầu của cách mạng Fidel Castro, theo lời mời của Ernesto (Che) Guevera, một người bạn  thời niên thiếu ở Argentina. Cuba từ đó trở thành quê hương của ông đến cuối đời. Barral làm việc ở Bộ Nội vụ Cuba, thành lập một bệnh viện tâm thần và nghiên cứu những vấn đề xã hội nhạy cảm. Vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, ông đến Hà Nội phỏng vấn John Mc Cain, lúc ấy là tù binh chiến tranh. Một người cộng sản trung kiên và cổ điển, Barral luôn luôn tỏ ra một lòng một dạ với cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa của Castro, dù trong thâm tâm có những vấn vương.

Cuộc đời của Barral bắt đầu ở Madrid năm 1928. Cậu bé Fernando tám tuổi lúc nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ và sống ba năm sau đó dưới bom đạn của quân phát-xít Francisco Franco. Thảm hoạ đến khi cha cậu, Emiliano Barral, một nhà điêu khắc nổi tiếng theo chủ nghĩa vô chính phủ, chết vì đạn pháo cối nã vào tuyến phòng thủ Madrid. Emiliano Barral trở thành liệt sĩ của chế độ Cộng hoà, một bưu thiếp được chính thức ấn hành để tôn vinh ông và thi sĩ Antonio Machado làm thơ ghi lên mộ bia ông.

Mùa xuân 1939, chế độ Cộng hoà bắt đầu sụp đổ, Barral và mẹ được đưa lên tàu thuỷ cùng những người khác di tản sang Algeria thuộc Pháp. Mang tiếng là « Đỏ », họ sống vài  tháng trong trại tập trung trước khi được phép sang Argentina, nơi có họ hàng. Họ lên chiếc tàu cuối cùng đưa những người tị nạn Cộng Hoà Tây Ban Nha rời châu Âu trước Đệ nhị Thế chiến, trong chiến dịch giải cứu do nhà  thơ và ngoại giao Chile Pablo Neruda đứng ra tổ chức.

Tại Argentina, Barral và mẹ định cư ở thành phố Córdoba. Anh kết bạn với Guevara có gia đình sống gần đó. María del Carmen (Chichina) Ferreyra, bạn gái của Guevera thời thanh niên, gần đây kể lại cho tôi kỷ niệm về Barral, tuổi trẻ đầy bi kịch của anh đã thu hút ra sao cô thiếu nữ. « Bao quanh anh là một vầng hào quang lãng mạn », Ferreyra nói. « Anh có đôi mắt thật u buồn và không bao giở mỉm cười. Lúc tôi khoảng mười ba mười bốn tuổi, ở một buổi tiệc sinh nhật, anh tiến đến gần và lấy bút chì vẽ lên cổ áo tôi hình búa liềm. Tôi rạo rực đến không nói ra lời. »

Trong Đệ nhị Thế chiến, Argentina được cai trị bởi một loạt tướng lĩnh phản động và từ nhóm này nổi lên sau đó nhà độc tài Perón, một phần tử tiền-phát-xít. Với quan điểm chính trị đã kiên định từ thời trung học, Barral gia nhập Đảng Cộng sản Argentina khi vào Trường Y của đại học. Anh chỉ huy hoạt động tuyên truyền chính trị của đảng bộ thanh niên, in truyền đơn và tổ chức các cuộc biểu tình chớp nhoáng và chiến dịch viết khẩu hiệu lên tường. Barral còn ước ao khởi động đấu tranh vũ trang nhưng bị các đồng chí, lúc ấy chống bạo động, ngăn cản. Anh bắt đầu toan tính về lại Tây Ban Nha để vào chiến khu của những người Cộng hoà vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại Franco. Nhưng chưa thực hiện được ý đồ thì bị mật vụ của Perón bắt giam cùng những « phiến loạn quốc tế » khác trước khi bị trục xuất như thành phần người nước ngoài bất hảo.

Lo lắng Barral sẽ gặp nạn nếu bị tống về Tây Ban Nha, Guevara tìm cách giúp và nhờ Ferreyra xem có ai trong những người bạn có thế lực chính trị của cô có thể can thiệp. Rốt cuộc, nhờ một dàn xếp vào phút chót, Barral được sang Hungary, nước cộng sản đồng ý cho anh tị nạn chính trị.

Ở Budapest, Barral bắt đầu cuộc sống mới, học tiếng Hung, tốt nghiệp y khoa và trở thành bác sĩ. Anh cũng cưới một phụ nữ Hung cùng học trường Y tên là Isabel Dubecz và, giữ vững niềm tin, gia nhập nhóm các cán bộ của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha sống lưu vong ở Budapest. Năm 1956, khi cuộc nổi dậy chống cộng ở Hungary bị quân đội chiếm đóng của Liên Xô đập tan, Barral bị giằng xé trước những gì chứng kiến nhưng anh thích ứng với tình thế, thậm chí thăng tiến sau cuộc đàn áp. Được một sĩ quan Liên Xô cấp giấy thông hành, anh tự do đi lại trong thành phố sau giới nghiêm và được cấp một căn hộ mới khang trang.

Tuy sống tiện nghi ở Budapest, Barral cuối cùng cảm thấy bồn chồn khắc khoải, tâm hồn lạc hướng. « Tôi bắt đầu trở thành trưởng gỉả », ông thú nhận trong quyển hồi ký Mis vidas sucesivas (Những cuộc đời tiếp nối của tôi), xuất bản năm 2010. Barral ao ước được tham gia một cuộc cách mạng đích thực, nhưng Franco đã đánh tan quân du kích cộng hoà, đường về lại Tây Ban Nha không còn. Năm 1961, cơ hội ra khỏi tâm trạng lưỡng nan đến với lá thư bất ngờ của Guevara, lúc ấy là cánh tay mặt của Castro và một bộ trưởng quan trọng trong chính phủ cách mạng Cuba. Guevara khuyến khích Barral sang làm việc ở Cuba, đồng thời báo trước là sẽ thấy có « ít nhiều hỗn loạn » vì « cách mạng đang đảo lộn mọi thứ ».

Barral đến Cuba tháng 5 /1961, một tháng sau sự thất bại của cuộc tấn công Vịnh Con Heo do cơ quan tình báo CIA yểm trợ. Thừa thắng xông lên, Castro tuyên bố cách mạng của ông “ thực chất là xã hội chủ nghĩa ”. Sau cuộc đọ kiếm với Hoa Kỳ, Cuba bước vào quỹ đạo Liên Xô.

Barral hăng say lao vào không khí sôi sục xã hội chủ nghĩa Cuba. Anh giảng dạy sinh viên y khoa trong một bệnh viện đại học và nhân cơ hội này nghiên cứu về tâm thần học hiện đại, môn cấm kị trong các nước chư hầu của Liên Xô như Hungary. Anh hết sức phấn khởi được giao nhiệm vụ ở tiền tuyến, làm sĩ quan quân y trong một tiểu đoàn đóng ở đông nam Havana – một vai trò có đủ quân phục và súng ống – trong cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962. Tâm trạng của anh lộ rõ trong hồi ký về thời điểm ấy : “ Dân chúng không khiếp sợ trước hiểm nguy cận kề vì muôn người như một sát cánh với Fidel, vị tổng tư lệnh của họ. Ít khi nào trong lịch sử có một quần chúng gắn bó chặt chẽ và hồ hởi như thế với lãnh tụ của mình. ” Barral sau đó tham gia các trận đánh chống lại nhóm phản cách mạng có hậu thuẫn của CIA, trong cuộc chiến được Castro mệnh danh là “ Trận chiến chống quân cướp ”. Năm 1963, anh được Guevara giới thiệu vào làm trong Bộ Nội vụ để thành lập bệnh viện tâm thần đầu tiên của Cuba.

Isabel, vợ của Barral, sinh một con gái nhưng họ ly dị không lâu sau đó khi anh yêu Laly Cusido, một sinh viên y khoa người Cuba. Hai người kết hôn, có hai con trai, và Laly trở thành bác sĩ tâm thần nhi khoa. Ở Bộ Nội vụ, Barral là một người được tin cẩn. Anh mặc quân phục, có quân hàm và hãnh diện là chiến sĩ chống đế quốc.

Lần đầu tiên trong đời, Barral cảm thấy mình thật sự có nơi có chốn, sẵn sàng làm bất cứ gì cho Cuba và cuộc cách mạng này. Giữa thập niên 1960, được tin sẽ thừa hưởng một gia tài đáng kể với một căn hộ rộng lớn ở Madrid và số tiền 100 000 đô-la, Barral không ngần ngại hiến tặng tất cả cho chính quyền Cuba. Về sau, khi cuộc sống khó khăn, Laly nhắc lại cái gia tài đã từ bỏ nhưng Barral gạt phăng. “ Ổng là vậy đó ”, Laly kể lại gần đây và cười buồn. “ Chẳng bao giờ coi nặng tiền bạc hay của cải ”. Nhưng bà cũng nói là chính quyền Cuba không hề đưa cho ông một biên nhận chính thức nào cho món quà hào phóng đó và tự hỏi không biết nó đã vào túi của một quan tham nào. “ Fernando là típ người Guevara nghĩ đến khi bàn về con người mới xã hội chủ nghĩa,” bà nói. “ Vấn đề chỉ là họ không làm sao tạo ra được một Fernando thứ hai ”.


fb


Tuy lòng trung thành của anh với cách mạng không còn phải chứng minh, ảnh hưởng lan toả của Liên Xô ở Cuba biến Barral thành đối tượng của một xăm soi đầy bất lợi. Các cố vấn vừa đến từ Liên Xô phán đoán hình thức tâm thần học theo phương Tây của Barral là phản mác-xít và hậu quả chẳng phải đợi lâu. Bị kết tội bất phục tùng tổ chức, anh bị tước vai trò điều khiển bệnh viện và điều đi làm bác sĩ lâm sàng ở miền đông Cuba trong 6 tháng. Anh vẫn còn ở đó tháng 10/1967 khi được tin Guevara chết, ở tuổi 39, trong một chiến tranh du kích mới ở Bolivia.

Mãn hạn 6 tháng kỷ luật, Barral được đề nghị trở lại công việc trước nhưng anh từ chối vì nguyên tắc và được phép chuyển qua nghiên cứu xã hội. Trong 20 năm sau đó anh tiếp tục làm việc ở Bộ Nội vụ và bí mật nghiên cứu về những cộng đồng có vấn đề nhất ở Cuba : các tù nhân chính trị, những người dự phóng lưu vong, và những thành phần bất hảo. Sau khi nghiên cứu hành vi của họ, Barral thường đề nghị những cách giải quyết đi ngược lại lập trường của Đảng, chủ yếu là trừng phạt. Các báo cáo của anh lần lượt bị xếp xó hay gạt bỏ.

Barral không buông tay, quyết tâm là người con ưu tú của cách mạng. Anh tham gia cuộc thi viết về “ Vai trò của người trí thức cách mạng ” và đoạt giải nhất. Phần thưởng là được đi thăm miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi anh thực hiện cuối năm 1969, vào lúc cao điểm của chiến tranh chống Mỹ. Muốn biết  phía Việt Nam chống chọi thế nào trước các tấn công dữ dội của quân đội Mỹ, Barral yêu cầu được tìm hiểu về tổ chức hậu phương của họ. Anh rất khâm phục vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam, nhận xét là đảng “ làm công việc giáo dục và tư tưởng sâu rộng trong toàn dân chúng, không giáo điều hoặc bè phái ”. Anh không nói thẳng ra nhưng điều đó ngược lại hoàn toàn tình hình lúc ấy ở Cuba.


Trong lúc ở Hà Nội, Barral muốn được gặp một tù binh chiến tranh. Một cử chỉ chưa từng có, phía Việt Nam chấp thuận và thu xếp cho anh gặp người tù binh sáng giá nhất của họ, phi công Mỹ John McCain. Bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội hai năm trước, McCain còn là con trai của chỉ huy trưởng quân lực Mỹ ở Việt Nam. Trong buổi gặp gỡ, Barral giấu liên hệ của mình với Cuba và tự giới thiệu là một bác sĩ tâm thần Tây Ban Nha. McCain tự hào khoe chức vụ chỉ huy trưởng của cha, truyền thống quân nhân lâu đời của gia đình và những kỳ tích phi công của chính mình. Buổi nói chuyện thoải mái vui vẻ nhưng Barral coi Mc Cain là một tội phạm chiến tranh, và viết gắt gao trong bài phóng sự đăng trên Granma, nhật báo chính thức của Cuba. “ Về mặt đạo đức và tư tưởng, đây là một người vô cảm, thiếu nhân tính, bàng quan trước những tội ác gây ra trên một dân tộc từ cái vị trí hầu như bất khả xâm phạm của chiếc phi cơ ”. Barral viết “ Tôi nghĩ anh ta bỏ bom những vùng đông dân cư như một trò chơi. Tôi nhận thấy anh ta chai sạn, nói chuyện tầm phào như đang ở bàn nhậu.”

Còn McCain sau đó trong hồi ký của mình mô tả Barral như “ một tuyên truyền viên Cuba đội lốt bác sĩ tâm thần kèm theo nghề tay trái là phóng viên.” Sau buổi Barral phỏng vấn McCain, những tù nhân chiến tranh Mỹ ở Việt Nam cảnh báo nhau không tham gia những buổi phỏng vấn như thế.

Với bản tin sốt dẻo về McCain và những thông tin góp nhặt được về hệ thống phòng thủ thời chiến của Việt Nam, Barral tuy thế chỉ nhận được sự thờ ơ ở Cuba. «  Bộ Nội vụ không quan tâm một tí gì đến chuyến đi Việt Nam của tôi, » ông buồn bã kể lại. « Dường như họ coi đấy là một chuyện hoàn toàn riêng tư, không cho phép tôi soạn những ghi chép rất dồi dào của tôi để viết thành sách, như các đồng chí Việt Nam chờ đợi. Cũng chẳng có dòng nào về việc này trong hồ sơ của tôi. Tuyệt nhiên không. »

Hồi ký của Barral đầy rẫy những nhận xét bên lề như thế – kể lể dông dài về những bạc đãi của Đảng Cộng sản. Nghịch lý là ông phấn đấu cả đời để thành một người cộng sản chân chính nhưng chỉ gặp cản trở từ các chính uỷ. Chẳng hạn ông quyết định rời Đảng Cộng sản Tây Ban Nha để vào Đảng Cộng sản Cuba. “ Tôi thấy không ổn nếu tiếp tục ở trong hàng ngũ ấy trong khi tuân thủ kỷ luật quân đội ở Cuba ”, ông viết, “ Không kể tôi có mâu thuẫn với họ về chủ trương ủng hộ Liên Xô triệt để của họ ”. Song các đồng chí Cuba cũng chẳng ưu ái gì hơn, phải hai mươi năm sau ông mới được chấp nhận là đảng viên thực thụ.

Barral là một người khiêm tốn, quên mình và bình thản chấp nhận mọi sỉ nhục nhưng trong lòng cảm thấy bị tổn thương. Sau khi chúng tôi gặp nhau và trở thành bạn lúc tôi sống ở Cuba giữa thập niên 1990, ông chia sẻ với tôi một vài mối bất bình của ông. Cái làm ông căm giận nhất là sự thờ ơ của các quan chức đối với công trình khảo cứu xã hội học về hình sự ở Cuba của ông. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đưa ra cụm từ « tội phạm móc ngoặc » để chỉ hệ thống có qua có lại phi chính thức, ông cảnh báo có thể làm sói mòn từ trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. « Trong tội phạm móc ngoặc này, quan hệ kinh tế là chủ yếu nhưng không chỉ có vậy, » ông viết, « Cảnh giác, nó có thể len lỏi vào quan hệ chính trị ! Không có gì lạ nếu giữa những tội phạm móc ngoặc có sự tương đồng của những kẻ đã xa rời các hành xử và nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. »

Những cảnh báo ấy chả lọt vào tai người nào ở Cuba trong những năm cuối thập niên 1980 và không ai đứng ra ủng hộ các giả thuyết của Barral. Bất đắc chí, ông nghỉ hưu ở Bộ Nội vụ năm 1989 về nhà tiếp tục triển khai những giả thuyết xã hội học của mình. Vài năm sau, khi Liên Xô sụp đổ và kinh tế Cuba tụt hậu thê thảm, cái Barral gọi là « tội phạm móc ngoặc » trở thành thực tế phổ biến ở Cuba, nhân viên Nhà nước ăn cắp tất cả những gì có giá trị có thể lấy được trong nhà máy, kho hàng và văn phòng để mua nhu yếu phẩm trên chợ đen. Chính quyền Castro vấp váp trước nạn khan hiếm hàng hoá và các mâu thuẫn đạo đức. Căng thẳng bùng ra mùa hè 1994, bạo loạn ở La Havana và trong nhiều tuần lễ hỗn độn sau đó năm mươi ngàn người đóng bè, lên thuyền trốn chạy Cuba.

Một hôm, Ernesto, con trai lớn của Barral và Laly theo nghề y của cha mẹ và say mê lướt sóng, leo lên ván buồm trực chỉ Key West. Mặt tái mét vì lo lắng, Barral và Laly đến nhà tôi ở  Havana, có điện thoại gọi đi nước ngoài, để khẩn cầu tin tức về con với họ hàng bên Mỹ. Ernesto bỏ đi trên người chỉ có quần tắm. Điều kỳ diệu, anh sống sót và đến được Key West sau 19 tiếng trên biển cả.

Trong một email gửi từ Florida, nơi anh làm lại cuộc đời, là một bác sĩ thành công có phòng mạch riêng và vẫn say mê lướt sóng, Ernesto ca ngợi sự nhẫn nhục suốt đời của cha anh. “ Khi ông cụ thấy đã đến lúc phải rời cõi trần, cụ ra đi nhanh chóng, không gây rắc rối phiền hà ”, anh viết. “ Cụ vẫn chủ động, ngay cả trong cái chết.

Barral luôn nói về vợ con với tự hào và trìu mến, và tôi chưa hề nhận thấy nơi ông một thoáng trách móc nào về quyết định của Ernesto bỏ xứ sang sống giữa bọn đế quốc Mỹ mà ông đã suốt đời chống đối. Trong hồi ký, ông khen ngơi những thành công của Ernesto, thậm chí vui vẻ nhận xét là anh ta “ bầu cho đảng Cộng hoà ở Mỹ ”. Con trai út của Barral, Fernandito, ở lại Cuba và nổi tiếng với tài trùng tu các xe hơi cổ điển Mỹ. Khi phim Fast and Furious 8 quay ở Cuba, anh là một trong những thợ máy làm việc trên hiện trường.

Con gái của Barral, Ana, là một nhà sinh vật học. Sau một thời gian làm việc ở Cuba rồi lấy bằng tiến sĩ ở Thuỵ Điển, cô hiện làm tại một viện nghiên cứu ở California. Trao đổi với tôi sau khi Barral qua đời, Ana trầm ngâm trả lời câu hỏi của tôi : “ Cha tôi có phải là tín đồ trung thành của Marx ? Tôi nghĩ ông là một người có lý tưởng, ông tin ở lý tưởng cộng sản. Ông tin ở hy sinh để đạt mục đích ấy và ông trung kiên với đại nghĩa.”

Tuy thế, biết ông là người quen chôn giấu những bất bình riêng của mình, tôi nhiều lần tự hỏi ông có buồn phiền việc Ernesto bỏ xứ ra đi. Gần đây tôi đặt câu hỏi ấy với Laly. “ Không,  không đời nào, ” bà thốt lên, “ Fernando có quan điểm của mình nhưng ông ấy không bao giờ để chính trị chia rẽ gia đình. ”

Barral qua đời, ở tuổi 92, là sự kiện mới nhất nhắc nhở là thế hệ cách mạng của Cuba rốt cuộc cũng dần dần chẳng còn ai. Fidel Castro 90 tuổi khi mất năm 2016 và ông em, Raúl, vừa mừng sinh nhật 89 tuổi cách đây không lâu. Cứ trên dưới mỗi tháng lại vơi đi con số những revolucionarios còn sống và sự ra đi của họ làm phai nhạt dần ký ức về thời kỳ sôi nổi của nhiệt tình cách mạng và đối đầu đã đặt Cuba vào tâm điểm của chiến tranh lạnh. Khi cách mạng không còn gì ngoài cái tên, Cuba ngày càng như kẻ mồ côi của lịch sử nhưng, trước mắt, đất nước này và số phận của nó vẫn nằm trong quyền kiểm soát của những người bảo rằng không hề có chuyện đó.

Miguel Díaz-Canel, 60 tuổi, một quan chức lão thành của đảng, kế vị Raúl Castro khi ông ta rời chức Chủ tịch nước năm 2018, nhưng lèo lái 11 triệu dân Cuba đến một tương lai ngày càng mong manh. Việc ông lãnh nhiệm vụ này theo chỉ thị của Đảng Cộng sản – tiếng nói chính trị duy nhất của Cuba trong nửa thế kỷ qua – trước mắt giữ được phần nào sự liên tục và ổn định, nhưng với các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn nữa của Mỹ và nguồn dầu nhập từ Venezuela giảm sút mạnh, viễn tượng thật u ám. Không có bao nhiêu giải pháp đưa ra ngoài hô hào hy sinh cho tổ quốc và nghị lực cách mạng, Đảng có thể phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng rõ nét của giới trẻ Cuba, hơn một phần ba sinh ra sau chiến tranh lạnh và không nặng nợ gì cả với thời kỳ ấy.

Nhà văn Cuba Carlos Manuel Álvarez, 31 tuổi, phân tích hiện tượng lưỡng đề thế hệ ở Cuba trong tiểu thuyết Los Caídos (« Những kẻ thất thế ») xuất bản năm 2018. Quyển sách có đoạn một nhân vật trong giấc mộng ngồi trong một chiếc xe lao nhanh qua những biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản để đi đến một nơi không rõ là đâu. « Tôi thấy Marx và Engels đứng trong một trạm gác lưu thông. Tôi thấy Rosa Luxembourg với một đóa hồng nhung cài trên tóc, đứng giơ tay xin quá giang. Lenin đang đẩy một xe kút kít chở xi-măng khô cứng, như để đi xây cái gì nhưng lâu quá, xi-măng đã đông đặc. Tôi thấy Che Guevara, chòm râu lưa thưa, lặng lẽ lê bước dắt chiếc xe đạp bị xẹp lốp. » Nhân vật hoang mang tự hỏi « Mình đang đi trên con đường nào thế ? Đi từ đâu đến đâu ? » Cuối giấc mơ trên đường về, nhân vật của Álvarez chợt hiểu ra : « Tôi thấy Che Guevara với chiếc xe đạp xẹp lốp, tôi thấy Lenin với cái kút kít chở xi-măng, tôi thấy Rosa Luxembourg với đoá hồng nhung cài trên tóc, tôi thấy Marx và Engels trong trạm gác. Ôi đau đớn ! Tất cả những trí tuệ lỗi lạc này đã bỏ đi khi tôi vừa tới. Đấy là ác mộng, đấy là tương lai. »


Jon Lee Anderson

Đỗ Tuyết Khanh dịch


NGUYÊN TÁC : Jon Lee Anderson, The Many Lives and Quiet Death of a Good Communist

The New Yorker, August 21, 2020



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss