CAO HUY THUẦN và THÍCH TRÍ QUANG
Cao
Huy Thuần
và Thích Trí Quang
Nguyễn Thùy An
Khác với các tác giả của những bài viết tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần trên không gian này, tôi chỉ là hậu bối, mà lại còn là hậu bối chỉ được tiếp xúc trực tiếp với ông trong hơn hai năm ngắn ngủi. Duyên “hạnh ngộ” của tôi với Giáo sư Thuần nẩy mầm từ một phần quan trọng trong nghiên cứu luận văn tiến sĩ về chủ đề “Thành phần thứ ba và Học thuyết Nixon,” mà tôi bắt đầu viết từ cuối năm 2021. Đó là hai chương về phong trào tranh đấu cho Hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nói chung, và của Thiền sư Thích Trí Quang nói riêng. Thiền sư Trí Quang, như nhiều người đã biết, là người thầy mà Giáo sư Thuần vừa kính trọng, vừa xem như tri kỷ. Vì chỉ muốn bàn về những gì nằm trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi xin dành bài viết này để tưởng nhớ mối thâm tình Giáo sư Thuần dành cho Thầy Trí Quang, tức cũng là dành cho Huế, cho Phật giáo, cho con người Việt Nam.
Dù đã đọc qua các
tác phẩm và tiểu luận của Giáo sư Thuần từ trước
đó, phải chờ đến khi nhận được lời khuyên và sự
động viên của Bác Trần Hải Hạc, tôi mới dám ngỏ
lời xin trò chuyện cùng ông. Như Giáo sư Thuần tự nhận
với tôi, ông “ít nói” và đã
nhiều lần “từ chối
phỏng vấn hay viết lại chuyện cũ.” Trong hồi âm đến
thư dài giới thiệu của tôi vào mùa xuân năm 2022, ông
đã không quên cho tôi biết cuộc trò chuyện mà ông đã
đồng ý, thực tế, là ngoại lệ : “Cô
đánh đúng chỗ
yếu của tôi. Cho nên tôi khó lòng không tỏ thiện cảm
và quý mến của tôi khi đọc thư cô. Nhưng xin cô nhớ
câu viết đầu thư của tôi : tôi rất ít nói và chuyện
ấy lại rất khó nói. Tôi sợ cô sẽ thất vọng.” Tôi
mừng khôn xiết !
Nhờ sự hỗ trợ của
gia đình Giáo sư Thuần và công nghệ FaceTime/Viber, mà
chúng tôi đã có được những buổi nói chuyện đường
dài với nhau. Lắm lúc, chúng tôi
phải dời hẹn, hoặc cắt ngắn thời gian, vì lý
do sức khoẻ, hay vì Giáo sư bị ho mà không tìm
được thuốc đúng để mua (Giáo sư đùa, “Tôi
còn ho
mà tiệm thuốc thì cứ hết kho!”). Cũng không ít khi,
chúng tôi nói hơn một tiếng đồng hồ mà giọng Giáo sư
vẫn rõ, mạnh, thi thoảng lại run run khi nhắc đến điều
khiến ông xúc động.
Dù ngắn hay dài,
những buổi nói chuyện với người đi trước đều giúp
tôi hiểu thêm được nhiều điều về người đã xa, lẫn
việc trước mắt. Nếu như từ Bác Trần Hải Hạc, tôi
học được lịch sử phức tạp đằng sau những cuộc
vận động cho hòa bình đầy chông
gai – và cũng đầy can đảm – của trí thức và sinh
viên Phật tử Việt Nam tại hải ngoại, thì từ Giáo sư
Cao Huy Thuần, tôi hiểu thêm được phần nào tâm tư của
người nặng nợ với Phật giáo đồ bên kia đại dương.
Khi trò chuyện về
căn nguyên gặp gỡ giữa ông và Thầy Trí Quang, Giáo sư
tả cho tôi nghe thời khắc lần đầu ông nhìn thấy đôi
mắt sáng của Thầy. Thời khắc ấy, ông nói, cũng “khủng
khiếp, mãnh liệt” không khác chi cảm giác nam nữ bị
tiếng sét ái tình. Đôi mắt ấy cho ông biết nhà lãnh
tụ này sẽ thay đổi không chỉ cuộc đời ông, mà còn
là vận mệnh của rất nhiều đồng bào của ông. Vị
thiền sư – người ít nói đến nỗi mỗi chữ thốt ra
đều tựa giọt mưa ngọt lành buổi hạn hán – đã mang
lại cho người thanh niên lập ra tờ báo Lập Trường ở
Huế nguồn hy vọng gần như là cứu tinh.
Qua những tư liệu
bản thân góp nhặt, tôi hiểu Giáo sư không hề một mình
trong cảm giác ngưỡng mộ và hy vọng đó. Vị trí trọng
vọng của Thiền sư Trí Quang trong
lòng Phật tử và trên chính trường miền Nam vẫn tồn
tại ngay cả sau năm 1966, thời điểm mà nhiều sử gia,
khi nhìn lại cuộc chiến, đã đặt dấu chấm hết
cho ảnh hưởng chính trị của Khối Phật giáo Ấn Quang.
James McAllister, chẳng hạn, kết luận : “Cả Trí Quang lẫn
phong trào Phật giáo nói chung đều không thể sống sót
sau cuộc khủng hoảng năm 1966,” và rằng, từ năm 1967
đến khi chiến tranh kết thúc, “Trí
Quang và các Phật
tử hiếu chiến hoàn toàn đứng ngoài tiến trình chính
trị của miền Nam Việt Nam” (1). Tương
tự, Jeffrey Clarke xem cuộc tranh đấu năm 1966 là “nỗ
lực kháng cự cuối cùng của Phật giáo với tư cách là
một lực lượng chính trị trung gian”
(2).
Chỉ một, hai dữ
kiện lịch sử cũng đủ khắc họa
nên một bức tranh hoàn toàn khác :
Ngày 22 tháng 5 năm 1970, Thượng tọa
Viện trưởng Thích Thiện Hoa tuyên bố bản thông cáo của
Viện Hóa Đạo, chính thức phát
động phong trào “đòi hòa bình”
của Phật giáo Ấn Quang. Mở đầu phong trào sẽ là một
cuộc tuyệt thực kéo dài 48 tiếng, và
sau đó là một buổi biểu tình quy tụ 10 ngàn đồng
bào Phật tử, tăng ni đến Dinh Độc Lập. Tờ nhật báo
Đuốc Nhà Nam, chủ biên là nhà
báo lão thành Trần Tấn
Quốc, không quên đưa kèm thông tin về nhân vật được
trông chờ nhất : “Nếu sau 48 tiếng
vẫn không cải
thiện, Thượng tọa Trí Quang sẽ lộ
diện tham gia tranh đấu… Giới thạo tin cho rằng nếu
Thượng tọa Trí Quang xuất hiện
thì cuộc tranh đấu sẽ bùng phát mạnh mẽ vô cùng”
(3).
Ba tháng sau, liên danh
(Phật giáo) Hoa Sen của luật sư Vũ Văn Mẫu, với sự
ủng hộ của Khối Ấn Quang, cán đích đầu cuộc đua
vào Thượng viện. Trong 16 liên danh tranh cử, Hoa Sen chiến
thắng với 65.7 phần trăm tổng số phiếu bầu. Thành
công “đáng nể” – từ mà Đại sứ
Mỹ Ellsworth Bunker dùng khi thuật lại kết quả với
Tổng thống Nixon – của Hoa Sen đã
thúc đẩy quyết tâm mưu cầu “cuộc đua một người”
vào Dinh Độc Lập của Tổng thống Thiệu một năm sau
đó. Ảnh hưởng của Phật giáo và của Thích Trí Quang,
rõ ràng, không chỉ dừng lại ở năm 1966.
Người nhận thức
được tầm quan trọng lịch sử của Thiền
sư Trí Quang không chỉ có Giáo sư Cao Huy Thuần. Nhưng
người vì Thích Trí Quang và những khắc họa
về ông trong sử liệu và ký ức đương đại mà thao
thức, trăn trở, nhức nhối đến nỗi phá lệ nói ra
“những gì vốn đã nên quên nhưng dặn
mình phải nhớ”
với một người vô danh, vô diện, chưa một lần gặp
mặt dù chỉ qua màn hình máy tính, có lẽ chỉ có Giáo
sư Thuần.
Với ông, trải
lòng với hậu bối là “cơ hội
cuối” để giúp
cố nhân cất lên tiếng nói rất,
rất khó nói. Như ông đã viết trong thư gửi tôi:
“Khi cô không trắng cũng không đen,
mà người khác thì
cứ muốn cô phải đen hay trắng, rồi dí súng lục vào
màng tang cô, cô nói thế nào? Cái súng lục ấy là bối
cảnh chiến tranh mà bây giờ càng lúc càng suy nghĩ về
nó, lại càng thấy đau.”
Dù khó nói, dù đau, dù đó là tiếng nói rất ít ai chịu
nghe, hiểu, Giáo sư Thuần vẫn chọn nói ra. Tấm
tình đó của ông dành cho tôi – người
muốn hiểu đủ để chịu và cần
nghe ông nói – là một phần, nhưng
cho tri kỷ, cho quê hương là vạn
phần.
Dòng
thư (tái bút) cuối mà Giáo sư Thuần gửi tôi là một
lời đồng cảm quen thuộc : “Tôi
thương cảm tình
cảnh cô đơn của cô khi đọc bài tường thuật về hội
thảo ở Berkeley. Giá mà có anh Long…”
Tôi không rõ bài tường thuật mà Giáo sư nhắc đến là
bài viết nào. Chỉ biết, từ ngày Thầy tôi – Ngô Vĩnh
Long – đột ngột ra đi gần hai năm trước, những lời
chia sẻ, động viên “thuyền xuôi lái
vững” của Giáo
sư đã tiếp sức cho tôi rất nhiều. Đồng thời, tôi
không quá buồn, vì hiểu được “cô đơn” có lẽ cũng
là trạng thái vĩnh cửu của một số người, hoặc một
số con đường mà ta chọn để đi…
Thiền
sư Thích Trí Quang, theo Giáo sư Thuần, cũng là một người
suốt đời cô đơn. Thế mà, người cô đơn ấy lại là
người dạy cho ông “cái nhìn để không
sợ cô đơn
trong cuộc đời. Và trong sự thật.” Như Giáo sư từng
chia sẻ trong bài viết tưởng niệm Thầy Trí Quang trên
tạp chí Viet-Studies, Thầy đã
nhắc nhở ông : “nước
trong quá thì không có cá” (4).
Tôi
muốn nhân bài viết này nói lên lời cảm ơn đến Thầy
tôi, đến Bác Hạc, đã động viên tôi kết nối với
Giáo sư Thuần, cũng như tri ân tất cả những gì ba người
và bằng hữu của họ đã chọn làm – và chọn nói –
vì thế hệ đi sau.
Xin
hẹn gặp lại Giáo sư Thuần ở nơi mà nước càng trong,
cá sẽ càng đến bơi lội cùng.
Mỹ, 11 tháng 7, 2024
Nguyễn Thùy An
Nguồn dẫn trong bài
(1) James McAllister, “'Only Religions Count in Vietnam': Thich Tri Quang and the Vietnam War [Ở Việt Nam, Chỉ có Tôn giáo là Quan trọng’: Thích Trí Quang và Chiến tranh Việt Nam],” Modern Asian Studies 42, số 4 (2008), tr. 752, 781.
(2) Jeffrey Clarke, United States Army in Vietnam: Advice and Support: The Final Years 1965-1973 [Quân đội Mỹ ở Việt Nam: Cố vấn và Hỗ trợ: Những Năm Cuối 1965-1973] (Washington, D.C.: Center of Military History, United States Army, 1988), 143.
(3) “Phật Giáo Sẽ Phát Động Phong Trào Đòi Hòa Bình Từ 31-5-70,” Đuốc Nhà Nam, 30 tháng 5, 1970, tr. 1, 6.
(4) Cao Huy Thuần, “Thầy Trí Quang : Một trang lịch sử,” Viet-Studies, 9 tháng 11, 2019, https://www.viet-studies.net/kinhte/CaoHuyThuan_ThayTriQuang.html
NGUỒN
: Tác giả gửi cho Diễn Đàn
ngày 11.7.2024
Các thao tác trên Tài liệu