Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Cao Huy Thuần và xứ Quảng

Cao Huy Thuần và xứ Quảng

- Trần Văn Thọ — published 11/07/2024 11:36, cập nhật lần cuối 11/07/2024 11:36

Cao Huy Thuần và xứ Quảng


Trần Văn Thọ


Sáng hôm 8/7/2024 tôi vô cùng xúc động, bàng hoàng khi nghe tin anh Cao Huy Thuần (1937-2024) không còn nữa.

Anh Thuần làm việc và sinh sống tại Pháp, chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu về chính trị, luật học, văn hóa, tôn giáo, nhưng luôn hướng về tổ quốc, mong muốn đất nước phát triển. Anh thường xuyên viết cho các báo và xuất bản nhiều sách ở Việt Nam về nhiều lãnh vực từ chính trị, triết học đến văn học, văn hóa. Do những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục Việt Nam, năm 2017 anh được trao Giải văn hóa Phan Châu Trinh. Thay mặt ban chủ trương trao giải, nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá về Giáo sư Cao Huy Thuần như sau: “… Thấm đẫm trong mỗi trang viết của ông là niềm ưu tư về nhân sinh và thế cuộc, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, tất nhiên tập trung nhất là về chính mảnh đất quê hương này mà ông thiết tha và trăn trở yêu và từng ngày chiêm nghiệm,... “.

Tôi có hân hạnh giao du thân thiết với anh từ cuối thập niên 1990. Chúng tôi cùng tham gia tổ chức Hội thảo Hè, cùng trao đổi ý kiến về các vấn đề giáo dục, văn hóa, kinh tế,... ở quê nhà, cùng viết ý kiến gửi lãnh đạo trong nước về các vấn đề cải cách thể chế để đất nước phát triển, v.v. Ở đây tôi chỉ nói về tâm tình của anh Thuần đối với xứ Quảng, một điểm mà có lẽ ít người để ý.

Anh Thuần sinh ở Quảng Ngãi nhưng năm lên 8 tuổi (1945) thì chuyển về Huế, chánh quán của gia đình. Anh học trung học tại trường Khải Định (Quốc Học) rồi vào Saigon học Đại học Luật và từ năm 1962 dạy Luật tại Đại học Huế. Năm 1964, khi là giảng viên Đại học Huế, anh chủ trương tuần báo nổi tiếng Lập trường, tiếng nói đấu tranh chống độc tài, hướng tới một đất nước thống nhất, tự do và dân chủ. Cuối năm 1964 anh nhận học bổng của chính phủ Pháp, sang Paris du học và từ đó dạy học và nghỉ hưu ở Pháp.

Như vậy anh Thuần trưởng thành ở Huế, thấm đậm văn hóa và cốt cách Huế. Anh ra nước ngoài mang theo hình ảnh Việt Nam nói chung nhưng trong đó có lẽ sâu đậm nhất là Huế. Trong mail gửi tôi ngày 19/7/2022, anh viết: “Hồi tôi rời Huế đi Pháp, tôi đã bắt chước một nhân vật tướng quốc trong Đông Chu Liệt Quốc thề với cây cầu Trường Tiền : ‘Bất thừa xa mã bất quá thử kiều’. Xa mã là sách vở của chúng ta”. Tôi viết lại cho anh: “Thời trẻ anh đã có chí lớn quá. Không chinh phục sách vở thì quyết không trở về nhìn cầu Trường Tiền. Và anh đã toại nguyện, thật hạnh phúc”.

Huế và xứ Quảng cách nhau bằng đèo Hải Vân nhưng có quan hệ rất đặc biệt, rất tình cảm. Quan hệ đó thể hiện ở câu ca dao rất hay:

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không rời.

Là người gốc Huế nhưng trong tâm tình anh Thuần luôn quan tâm đến Quảng Nam Đà Nẵng. Riêng qua thư tín cá nhân hoặc giữa anh với một nhóm bạn bè trong đó có tôi, tôi thường thấy anh nhắc đến xứ Quảng với tình cảm đặc biệt. Bốn năm trước, chúng tôi gồm 20 người trong và ngoài nước có viết cuốn Việt Nam Hôm nay và Ngày mai (NXB Đà Nẵng, 2021) để tặng anh Cao Huy Thuần nhân dịp anh vừa qua tuổi bát tuần. Trong nhiều điện thư trao đổi giữa anh với chúng tôi, anh có viết (ngày 6/1/2021): “Tôi có anh bạn thân, đã mất, trước đây là một nhà thơ có tên tuổi ở miền Nam: Tạ Ký. Anh là dân Quảng, mà dân Quảng thì, anh Nguyên Ngọc và anh Thọ quá biết, mang văn chương trong máu. Chúng tôi hồi đó là sinh viên, nhỏ choắt nhưng thèm mộng lớn. Mà vì mộng lớn, ảo vốn đẹp hơn thật, nên tất nhiên là rơi vào lãng mạn bi quan. Mỗi lần Tạ Ký làm được bài thơ gì là anh vội vàng đạp xe đến học xá để đọc cho tôi nghe. Buổi tối, hai đứa ngồi lặng lẽ ngoài sân, anh đọc, thầm thì, giọng Quảng đọc thơ rất hay...”

Năm 2005, Hội thảo Hè của chúng tôi tổ chức tại Đà Nẵng. Một trong những người vui nhất là anh Thuần. Trong hội thảo, bài anh phát biểu có tên “Vạn đại dung thân”. Đây là đoạn mở đầu: “Các Anh Chị thân mến, từ nhiều năm nay tôi vẫn tin chắc rằng thế nào cũng có ngày Hội Thảo của chúng ta được tổ chức ở trong nước.  Điều mà tôi không ngờ là lần đầu tiên chúng ta về nước hội thảo lại là về Đà Nẵng, chứ không phải Hà Nội.  Hà Nội hay Đà Nẵng đều là quê hương cả, nhưng đặt chân lên đất Quảng Nam này, tôi không khỏi choáng ngợp với hình ảnh vó ngựa của Nguyễn Hoàng.  Được nói chuyện với nhau trên miếng đất đã mở ra Nam Tiến, ai mà không sảng khoái! Đã sảng khoái, tại sao không lấy Nam Tiến làm hứng? Bài viết của tôi có liên quan đến địa-chính trị.  Mà “Hoành Sơn nhất đái” là gì nếu không phải là bài học địa-chính trị vỡ lòng của Nguyễn Hoàng? “

Anh đặt vấn đề rất hay. Anh cho rằng hiện nay (năm 2005), Hoa Kỳ là siêu cường biển và Trung Quốc là đại cường đất liền đang lên. Việt Nam nằm cạnh đại cường, muốn không bị chi phối phải học Nam tiến của Nguyễn Hoàng. Dĩ nhiên Nam tiến ngày nay là Nam tiến trong đầu óc, trong tư duy, cụ thể là có chiến lược tiến ra biển, tạo quan hệ tốt với siêu cường biển. Cũng như Nguyễn Hoàng vẫn trọng nhà Lê nhưng xây dựng cho mình một cõi riêng bằng Nam tiến, Việt Nam ngày nay vẫn quan hệ tốt với đại cường láng giềng nhưng phải Nam tiến để hùng mạnh và tự chủ.

Liên quan đến Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng, anh Thuần có một suy nghĩ rất hay và thường đem bàn với tôi, khuyến khích tôi thực hiện. Đó là vận động hỗ trợ từ Nhật Bản để xây dựng một đại học có hai cơ sở (campus), một tại Huế và một tại Đà Nẵng. Nhiều lần anh gọi đó là “mơ ước của chúng ta”, mơ ước của một người Huế và một người Quảng. Đây là một ý tưởng rất sáng tạo và xây dựng. Phải là người Huế rất yêu mến đất Quảng mới nãy ra ý tưởng như vậy.

Rất tiếc là mộng ước chưa thành thì anh ra đi vĩnh viễn./.


Tokyo, 9/7/2024

Trần Văn Thọ


Nguồn: bài tác giả gửi Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us