Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / CAO XUÂN HẠO (1930-2007)

CAO XUÂN HẠO (1930-2007)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 17/10/2007 17:44, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã từ trần ngày 16-10-2007, thọ 77 tuổi.


CAO XUÂN HẠO
(1930-2007)


Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã từ trần chiều tối ngày 16 tháng 10-2007 tại bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông nhập viện cách đây nửa tháng sau một cơn đột quỵ. Ông sinh ngày 30 tháng 7-1930 tại Huế, xuất thân trong một gia đình đại trí thức (cụ nội là Cao Xuân Dục, cha là nhà hán học Cao Xuân Huy).

caoxuanhao

Cùng với Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học hiếm hoi đã xuất phát từ bản thân tiếng Việt để từng bước xây dựng ngữ pháp tiếng Việt, chứ không sao chép và áp đặt ngữ pháp của tiếng Pháp (hay các ngôn ngữ Ấn-Âu) như phần lớn các tác giả giáo trình tiếng Việt xuất bản (và giảng dạy) trong nửa thế kỉ vừa qua. Ông kiên trì bảo vệ quan điểm của mình, đôi khi tới mức cực đoan, nhưng đó là sự cực đoan của đam mê khoa học, hoàn toàn xa lạ với quyền uy và quyền lực (mà đằng nào ông đã bị loại trừ khi bị quy kết vào tội "Nhân văn Giai phẩm" thời ông vừa tốt nghiệp đại học và làm phụ giảng ở Trường đại học tổng hợp). 

Bốn tác phẩm quan trọng của Cao Xuân Hạo đã được xuất bản : 

- Phonologie et linéarité : réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, 1985, do Hội Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp (SELAF) xuất bản.

- Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng, NXB Khoa học xã hội, 1991, tái bản năm 2006

- Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa, Hà Nội: NXB Giáo dục, 1998

- Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, NXB Trẻ, 2001

Quan trọng không kém là những bài báo chuyên môn hoặc phổ cập : Hai cách miêu tả hệ thống thanh điệu của tiếng Việt, Vấn đề âm vị trong tiếng Việt, Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt, Về cương vị ngôn ngữ học của ‘tiếng’, Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam, Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt, Về cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt, Thêm mấy giải pháp âm vị học cho các vận mẫu có nguyên âm ngắn của tiếng Việt, Sợ hơn bão táp.

Trong thời gian dài không được giảng dạy và xuất bản trước tác, Cao Xuân Hạo đã dịch nhiều tác phẩm văn học Nga, Anh, Pháp : Người con gái viên đại uý, Chuyện núi đồi và thảo nguyên, Trên những nẻo đường chiến tranh, Truyện ngắn Goócki, Con đường đau khổ, Tội ác và trừng phạt, Đèn không hắt bóng, Papillon, Khải hoàn môn...


Một chút duyên nghiệp với Anh

Tôi không nhớ được gặp anh lần đầu vào năm nào. Có lẽ là trong những năm 1990, khi anh được nhà ngôn ngữ học Claude Hagège mời sang cộng tác mấy tháng ở Collège de France. Sau đó, trong những chuyến về nước năm 2001 và 2005, tôi đều ghé qua thăm anh tại ngôi nhà ở quận Phú Nhuận.

Không nhớ chính xác, một phần vì trí nhớ về ngày tháng của tôi đã bị xói mòn. Nhưng chủ yếu, có lẽ vì trong thâm tâm, tôi được "gặp" anh từ trước đó. "Gặp", hay đúng hơn là dính líu vào một vụ "khai gian" để "cứu nguy" anh Hạo. Nguyên uỷ như thế này : mùa hè năm 1981, tôi ghé thăm anh Nguyễn Khắc Viện ở ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội. Trước tiên, tất nhiên để được anh cho đọc (nhưng không cho chép) lá thư gửi chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ. Sau đó là để nghe anh nhận định về tình hình hết sức khó khăn lúc đó, về sự cần thiết phải "thay đổi". Trước khi chia tay, anh rút một tờ giấy trắng khổ A5, nói tôi viết một tờ "giấy chứng nhận" rằng bản thảo cuốn Phonologie et linéarité (Ngữ âm học và tuyến tính) của Cao Xuân Hạo, chính tôi đã gửi cho giáo sư Jean-Pierre Chambon ở Trường đại học Nancy, sau khi nhận được anh Viện gửi sang. Anh Viện giải thích, sau khi tạp chí Etudes Vietnamiennes công bố một bài viết của anh Hạo về ngữ âm tiếng Việt, nhà ngữ học Chambon đã liên lạc với anh Hạo. Từ đó dẫn tới việc anh Hảo gửi sang Pháp (tôi không rõ bằng con đường nào) tập bản thảo nói trên. Chỉ biết rằng, cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, gửi một bản thảo ra nước ngoài mà không được "cơ quan" (nhất là "cơ quan hữu quan") cho phép, thì có thể tù mọt gông (một vài năm sau, nhà thơ Hoàng Cầm, rồi cả nhà thơ Hoàng Hưng, đã bị mấy năm tù vì tội "tìm cách gửi ra nước ngoài" tập thơ "Về Kinh Bắc" -- tập thơ vừa được giải thưởng Nhà nước !!!). Huống chi anh Hạo cũng dính tới vụ "Nhân văn Giai phẩm" ở Trường đại học.

Thế là năm ấy, ngẫu nhiên tôi đã cố tình phạm tội khai gian để chạy tội cho một "phần tử xấu". Cũng may là âm mưu này không bị "ta" phá tan, anh Cao Xuân Hạo tai qua nạn khỏi. Cuốn sách của anh được xuất bản ở Pháp, rồi sau ngày đổi mới, các tác phẩm ngôn ngữ học khác của anh mới được xuất bản ở trong nước. Tôi cũng may mắn thoát được tội đồng loã. Năm sau, 1982, tôi mới bị quy vào một lô những tội khác, và được cấm cửa đến năm 2001.

Nghĩ lại, đúng là tại Paris tôi mới được gặp anh lần đầu. Năm ấy, cuốn Tiếng Việt / Sơ thảo ngữ pháp chức năng của anh lúc đó vừa xuất bản, có rất nhiều lỗi in. Và anh đã để lại cho tôi bản anh tận tay sửa từng lỗi, từ đầu tới cuối. 

Nguyễn Ngọc Giao

17.10.2007

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss