Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Cao Xuân Hạo, một trí thức, một thân phận

Cao Xuân Hạo, một trí thức, một thân phận

- Tương Lai — published 20/10/2007 17:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Bài này đã được đăng trên NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN (số ra ngày 19-10-2007). Báo này hiện đang bị bộ 4T treo giò, không được đưa lên mạng. Diễn Đàn mạn phép đăng lại để bạn đọc trong nước và ngoài nước có thể tham khảo.


CAO XUÂN HẠO,
MỘT TRÍ THỨC, MỘT THÂN PHẬN


Tương Lai



Thế là nhà trí thức tài hoa ấy đã ra đi. Và lần này, nhà ngữ học bậc thầy ấy đã ra đi “một cách tuyệt đối”, không còn cách gì cứu vãn được nữa. “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở, tôi tuy thương lấy nhớ làm thương, tuổi già hạt lệ như sương…” Phải cố nghĩ đến câu thơ người xưa khóc bạn để mà gắng vơi đi nỗi đau đã được báo trước. Đành rằng, rồi cũng phải lấy nhớ làm thương, vì làm sao cưỡng lại được quy luật nghiệt ngã mà ai rồi chẳng phải đón nhận. Một trí thức như Cao Xuân Hạo thì cũng phải mỉm cười, nụ cười diễu cợt và thách thức, mà chấp nhận sự nghiệt ngã đó.


Đó là diễu cợt và thách thức thân phận của một người trí thức. Trí thức theo cách nói của J.-P. Sartre, là người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức… là người xớ rớ vào những chuyện không liên quan đến họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức. Mà cũng vì thế, theo K. Marx, người trí thức là người “phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình…”.*


Là tôi tưởng tượng ra nụ cười thường ngày của Hạo vào phút giây nghiệt ngã anh nắm chặt tay tôi, khi chính tôi đang run lên nghẹn ngào trước sự thật sẽ phải đón nhận đó. Anh đã ra đi thật rồi, khoảng trống vắng nhà ngữ học lớn ấy để lại không biết rồi đây sẽ ai sẽ khỏa lấp, măc dù anh tự cho mình chỉ là “người trần tục tầm thường”.


Tự nhận mình là người trần tục, để không thể nào chấp nhận những ai đó “lấy làm thỏa mãn với dăm bảy thí dụ chợt nghĩ ra trong vài giây, vào những khoảnh khắc xuất thần của thiên tài. Nhà trí thức tài năng ấy đã quyết dành “hàng buổi, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm nếu cần, lần giở từng trang từ điển hòng kiểm tra lại những phát hiện sáng chói mà các bậc thiên tài đã thực hiện, và hễ có cơ may thì tự mình tìm ra những quy tắc khác ít mang dấu ấn của thiên tài, nhưng lại vượt qua được sự thử thách của một quá trình kiểm nghiệm kỳ khu, để lần mò tới những sự thật có thật trong tiếng Việt chứ không phải trong tiếng Pháp hay tiếng Nga”.**


Và thực sự là anh đã tạo ra “cơ may” ấy bằng cách góp phần quan trọng vào việc làm nên một diện mạo của Việt ngữ học từ khi có nền đại học Việt Nam. Nhưng xin hãy để chuyện này cho các nhà ngữ học, đồng nghiệp của Anh, bình luận thẩm định về Anh, là người ngoại đạo của chuyên ngành này, tôi chỉ xin khóc bạn về đôi điều cảm nhận về bản lĩnh của người trí thức và cũng do đó mà phải gánh chịu một thân phận nghiệt ngã của người trí thức, người tôi yêu mến và kính trọng.


Con người ấy, như anh đã tự kể về mình : “ Cách đây gần bốn mươi năm, một người bạn học cũ, khi thấy tôi ngồi mỗi ngày mười tiếng trong Thư viện Khoa học ở phố Lý Thường Kiệt để đọc cho bằng hết các sách ngôn ngữ học, tri thức luận và logích học trong đó, có khuyên tôi thôi làm cái chuyện dã tràng xe cát ấy đi, vì nếu muốn giỏi bằng một anh phó tiến sĩ của Nga, một người Việt Nam tự học phải thông minh gấp ba và đọc gấp mười mới được. Lòng tràn đầy tự ái, tôi đáp : 'Sao anh biết tôi không thông minh gấp ba và sẽ đọc nhiều gấp mười nó'”.** Cao Xuân Hạo kể để tự phê phán mình, nhưng qua đó, có thể hiểu ra được ngọn nguồn tài năng của thân phận nghiệt ngã mà người trí thức tài hoa ấy đã phải gánh chịu. Tự giam mình mỗi ngày mười tiếng như vậy trong suốt mười lăm năm anh bị một án kỷ luật để không được đứng lớp giảng dạy, chỉ được “làm tư liệu” để “phục vụ nghiên cứu”. Và rồi cũng vì cái án kỷ luật đó, trong thời gian dài đó, anh “chỉ được dịch”, chứ không được viết !


Để “phục vụ nghiên cứu”, Cao Xuân Hạo tự trở thành một nhà ngữ học tài ba mà tác phẩm của anh đã làm “một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại” *** như nhận định của Jean-Pierre Chambon. Và vì “chỉ được dịch”, anh đã để lại cho đời hơn hai vạn trang sách văn học trong đó có các kiệt tác như Chiến tranh và hoà bìnhTội ác và hình phạtCon đường đau khổKhải hoàn mônĐèn không hắt bóngPapillon, người tù khổ sai…. Điều đáng nói hơn nữa, khi dịch như vậy, từ cái vốn hiểu biết sâu sắc thành tựu của ngữ học hiện đại qua quá trình làm tư liệu “phục vụ nghiên cứu”, trên cở sở bám rất chắc vào mảnh đất tiếng Việt, khẳng định dứt khoát “Linh hồn tiếng Việt không hề mất. Cái ý vị vô song của ca dao, tục ngữ, của những câu Kiều, những câu ngâm của người chinh phụ vẫn còn sống mãnh liệt trong tiếng nói hàng ngày của dân ta…”**, anh đã có dịp so sánh, đối chiếu cách diễn đạt tiếng Việt và các thứ tiếng Châu Âu, rút ra được những điểm dị đồng giữa hai loại hình ngôn ngữ, Cao Xuân Hạo đã dám sửa cái chuẩn tắc vốn được giới ngữ học thừa nhận theo quan điểm “dĩ Âu vi trung” (europeocentrism), mở ra một hướng mới đầy thách thức.


Thì ra tạo hóa đã không quá bất công, luật “bù trừ” phát huy tác dụng, cái án kỷ luật buộc anh phải treo bút đã giúp anh “vượt qua được sự thử thách của một quá trình kiểm nghiệm kỳ khu, để lần mò tới những sự thật có thật trong tiếng Việt” ** để có những cống hiến lớn trong lĩnh vực Việt ngữ học, cũng đồng thời để lại dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực dịch thuật. Mà nào có gì to tát, khó hiểu đâu, cái án kỷ luật buộc anh phải treo bút ấy là do khi đi dạy, học trò cứ hỏi riết mãi về một “vụ án văn học, nghệ thuật” đang gây bức xúc dư luận, không thể im lặng mãi không trả lời, anh nói với học trò của mình : “trong tranh luận học thuật và văn chương, khi ai buộc phải dùng đến uy quyền và trấn áp thay cho tranh luận công khai thì chính ngừoi đó sợ chân lý”. Đó là cái tội “phát ngôn vô nguyên tắc” của mình. Vẫn nụ cười hiền lành song không dấu cái vẻ khinh bạc, anh kể lại chuyện đó, khiến tôi nhớ lại đoạn văn M. Gorki nói về Chekhov : “ Trước cái đám đông xám ngắt những kẻ bất túc, đã hiện ra một người… bằng giọng nói trung thực mà sang sảng, buồn buồn mà mỉm cười, với một nỗi sầu hoài tuyệt vọng trong tâm khảm và trên sắc mặt, giọng đầy quở trách dịu dàng mà thâm thúy, người ấy bảo cả bọn họ : Các vị sống bậy quá đi thôi ! ”.


Cao Xuân Hạo đã cố gắng thực hiện cái lương năng trí thức của mình như K. Marx đã từng chỉ ra, người trí thức là người “ phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình…”. Nhưng rồi số phận đã chơi khăm anh, là nhà ngôn ngữ học tài ba, anh đã không còn diễn đạt được ý nghĩ anh có trong đầu sau mấy lần bị tai biến, tình trạng ấy kéo dài mãi cho đến khi anh không còn nói được nữa, chỉ biểu đạt ý nghĩ của mình bằng ánh mắt. Thì cũng giống như Chekhov đấy thôi, suốt đời “dùng ngòì bút tinh nhuệ của mình để phát giác ra những cái mốc meo của sự phàm tục” để khi ông mất, thi hài của ông được chuyên chở về St. Petersburg trên cái vagông đen chứa sò huyết của chuyến tàu chợ! Tôi nhớ mãi ngón tay trỏ của Hạo cứ gõ gõ trên ngực mình ngày anh mới nhập viện mà cô cháu đứng lau mồ hôi cho anh giải thích “đấy là ông cháu gõ vi tính đấy ạ. Ông cháu chỉ đánh vi tính được theo kiểu mổ cò”! Nhà ngữ học tài hoa ấy vẫn đang tư duy, chỉ không nói được!


Hạo ơi, anh đã tuyệt đối nằm xuống, nhưng sự nghiệp của anh thì đang đứng dậy vì càng ngày người ta sẽ càng nhận ra khoảng trống về sự thiếu vắng của một tài năng bẩm sinh từ cái “gien”di truyền và sự truyền dạy của cha anh, người thầy đáng kính của riêng anh và của một lớp trí thức có nhân cách, thầy Cao Xuân Huy. Một bậc minh triết, từng được mệnh danh là một nhà “Đạo học” ngay từ buổi mới trong ngoài ba mươi tuổi. Được sự chăm sóc và truyền dạy của cha, Cao Xuân Hạo theo được cái chí của cha vói cảm nhận thường trực về “cái gánh nặng tinh thần đang đè lên một người con không thực hiện được hoài bão của cha, một người học trò dốt đã phụ lòng mong đợi của thầy”**. Sự tự vấn ấy khiến anh để lại lời nhắn gửi “hy vọng các nhà khoa học nhân văn thuộc các ngành khác nhau, nhất là các đại diện của thế hệ trẻ, sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng này” ** tức là hướng từ sự khác nhau về cấu trúc ngôn ngữ (tuyến tính/phi tuyến tính) để suy nghĩ thêm về sự khác nhau về phương thức tư tưởng giữa phương Đông và phương Tây mà cụ Cao Xuâhn Huy đã dẫn dắt anh.


Tôi muốn mượn lời của chính anh, để nói về sự nghịệp của anh, khi với tư cách là một nhà ngữ học tài ba, một nhà dịch thuật uyên bác để kiến nghị về cách anh hiểu một ý thơ của Nazim Hikmet qua sự diễn đạt tinh tế của tiếng Việt mà anh suốt đời đau đáu :


Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng ?


Ở thế giới bên kia, anh hãy tự bằng lòng vì thân phận trí thức của anh cũng đã giúp “ mỗi người trong chúng ta phải có đủ nhiệt huyết để dám tự thiêu huỷ trong đấu tranh thì Chân mới thắng được Nguỵ, Thiện mới thắng được Ác ” ** như anh đã từng lý giải về cách dịch câu thơ của Hikmet.


Tương Lai

Bài đã đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 19.10.2007.
Báo này hiện bị treo giò, không được phép đưa lên mạng. Vì vậy, Diễn Đàn mạn phép công bố.


_________________________



* Cao Huy Thuần, Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, tr. 61.

** Những trích dẫn đều lấy từ Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt của Cao Xuân Hạo

*** “ Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra – chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến – mới thật là cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuốc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại ” (Revue des langues romanes, tome LXXXIII, n° 1978, fasc. 1, pp.205-210), dẫn lại theo Hoàng Dũng trong “Cao Xuân Hạo. Nhà ngữ học

.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us