Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Cha tôi, bác sĩ Trần Văn Du

Cha tôi, bác sĩ Trần Văn Du

- Trần Thị Vân Mai — published 05/06/2019 16:50, cập nhật lần cuối 16/06/2019 15:14
Cập nhật ngày 16/6/2019 (xem cuối bài)

CHA TÔI


Trần Thị Vân Mai



BS Trần Văn Du và tác giả, Vũng Tàu 1960, trước khi bị bắt lần thứ hai (không kể lần bị quân Pháp bố ráp bắt năm 1948)..

Một người bạn gửi cho tôi link sau đây: "Những trí thức từ Pháp trở về", có thêm rất nhiều chi tiết bổ ích giúp hậu duệ biết rõ hơn về thời điểm này. Riêng phần về cha tôi, Bác sĩ Trần Văn Du (1916-2007), có một số điểm không được chính xác cho lắm. Tác giả tỏ ý mong được nhận góp ý bổ sung và do không rõ tác giả là ai, tôi xin mượn hai diễn đàn này (1) để bổ sung và nhân dịp, xin chia sẻ thêm cùng bạn bè về tiểu sử của cha tôi. 

Nói về giai đoạn này thì không thể không nói đến mẹ tôi, Bà Thái Thị Thu-Ngoạn, và ông ngoại tôi, Cụ Thái Văn Toản, vì một phần gián tiếp là nhờ ông ngoại tôi mà cha tôi được Pháp thả ra.

1. Các trí thức từ Pháp về Việt Nam có thể tạm chia thành ba nhóm, trong đó cả hai chuyến tàu đầu tiên đưa các vị trở về đều dự kiến cập cảng Hải Phòng rồi về Hà nội, vì lúc đó miền Bắc đã độc lập, miền Nam thì chưa.

Chuyến tàu thứ nhất, Dumont d'Urville, rời cảng Pháp năm 1946, chở đoàn trí thức đầu tiên tự nguyện về nước gồm các ông Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và Bác sĩ Trần Hữu Tước, như trình bày tại liên kết bên trên.

Nhóm trí thức về nước thứ ba gồm các ông Lê Văn Thiêm, tiến sĩ toán (về năm 1949), Trần Đức Thảo, nhà triết học lỗi lạc (về năm 1952), Phạm Huy Thông, tiến sĩ luật kiêm thạc sĩ sử địa sau này kiêm khảo cổ học (về năm 1952), Nguyễn Trường Cửu, nhà giáo sử địa (về năm 1949) và Nguyễn Khắc Viện, bác sĩ kiêm nhà văn học uyên thâm (về năm 1963). Các ông lác đác về thẳng Hà Nội, ngoại trừ ông Cửu về Sài Gòn, trong những trường hợp khác nhau.

Riêng chuyến tàu thứ hai, Félix Roussel, chở đoàn trí thức thứ hai tự nguyện về nước trong đó có cha tôi, cũng rời Pháp năm 1946, gần đến cảng thì bị tàu chiến Pháp chặn, phải quay vào Nam cập cảng Sài Gòn. Lúc đó, Pháp đã chiếm lại Sài Gòn nên đoàn bị tạm giữ hơn một tháng. Sau đó, qua liên lạc, đoàn được Trung tướng Nguyễn Bình thu xếp đưa vào bưng biền khu giải phóng Trà Vinh tham gia kháng chiến. Tại đây từ 1946-1948, do vừa là bác sĩ vừa có chuyên môn về vi sinh vật học, cha tôi làm giám đốc quân y viện và xây dựng Trung tâm nghiên cứu & sản xuất Vắcxin ngừa đậu mùa (smallpox) và ngừa dịch tả (cholera) ở người để phục vụ quân đội và người dân ở đấy.

Cuối năm 1948, trong một trận bố ráp của Tây, quân Việt Minh bị yếu thế rút lui, bỏ lại quân y viện. Ông là bác sĩ nên không thể bỏ các thương binh. Quân Pháp ập vào hốt về trại giam.

Trong tù, theo lời ông kể, Tướng De Latour hỏi: "Anh là một trí thức do Pháp đào tạo. Anh muốn gì?" Ông trả lời: "Ông đã đứng trong hàng ngũ chống Đức Quốc xã, nó đã chà đạp lên trên tổ quốc các ông. Tôi rất thiện cảm với dân tộc Pháp, cám ơn các Thầy và các bạn Pháp, nhưng tôi chống thực dân Pháp. Tôi đấu tranh cho độc lập tự do xứ sở tôi ". De Latour vỗ vai ông và kêu lên: "Đồng ý, đồng ý ". Sau đó có sự mời mọc dụ ông cộng tác với Pháp, ra làm Bộ trưởng dưới triều Bảo Đại nhưng ông từ chối.

Lúc bấy giờ, ông ngoại tôi - Thượng thư bộ Hộ rồi bộ Lại thời Khải Định-Bảo Đại - đã nghỉ hưu từ năm 1942 và năm 1946 Việt Minh đã đưa toàn thể gia đình, con cháu nội ngoại - trừ mẹ tôi đang đi tìm cha tôi - ra bưng biền Bạch Ngọc, Nghệ An. Tại đây, ông tôi tham gia kháng chiến, lúc ban đầu giữ cương vị Chủ tịch, sau đó là Cố vấn Mặt trận Liên Việt Liên Khu IV cho đến khi ông mất năm 1952 vì bệnh Parkinson. Bà ngoại tôi có kể lúc bấy giờ gia đình được đối xử thật tử tế, cái cực cái khổ thì ai cũng khổ cực như nhau, không riêng gì mình. Có khi có món gì tốt thì họ lại để dành cho gia đình, ngược lại gia đình cũng đem chia sẻ. Trong thời gian Ông ngoại tôi làm Thượng thư, ông chỉ thị cho gia đình và người dưới quyền phải nuôi cơm đầy đủ và đối xử tốt với các tù binh Việt Minh do Pháp và triều đình Huế giam giữ. Khi cụ Phan Bội Châu bị Pháp quản thúc tại gia tại Huế, ông tôi thường cho người ra trợ giúp gia đình cụ Phan.

Ông ngoại tôi lúc tại chức thì được Pháp truy tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Médaille de la Légion d'honneur) và khi mất thì được Cụ Hồ phúng điếu dòng chữ "MỘT LÒNG YÊU NƯỚC" và ông Tôn Gia Ngân (con trai cụ Tôn Quang Phiệt) đọc điếu văn. Trong TỰ ĐIỂN CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2005, có ghi nhớ về ông tôi ở vần T.

2. Pháp thả cha tôi qua trao đổi tù binh năm 1949 sau 9 tháng giam cầm. Không có chuyện "Tây phải nể nang..." vì mẹ tôi "là công dân Mỹ" (!) Đây là những năm 1940, làm gì có chuyện vô lý một người Việt Nam lúc bấy giờ chưa hề đặt chân lên đất Mỹ mà lại có công dân Mỹ !

Nhưng đúng là cha tôi được thả một phần lớn do công sức của mẹ tôi. Khi được tin ông sẽ đáp tàu từ Pháp về Hà Nội, mẹ tôi từ Huế lặn lội ra Hà Nội để đón ông mà không biết tàu đã phải rẽ vào Nam. Thời ấy vấn đề vận chuyển không phải là dễ dàng, nhất là chưa có hòa bình thực sự. Khi ra đến Hải Phòng và Hà Nội, không thấy ông đâu, không biết mình phải ở lại đến bao lâu để tìm tin tức của ông, bà bèn đi buôn gạo nếp để tự túc. Sau một thời gian, bà nhận tin ông bị Pháp bắt trong Nam. Bà lại lặn lội từ Hà Nội vào Sài Gòn làm đơn xin cho ông ra với tướng Roger Blaizot, Tổng tư lệnh quân viễn chính Pháp ở Đông dương. Khi biết mẹ tôi là con gái cụ Thái Văn Toản, một phần vì trọng nể ông ngoại tôi, một phần kính nể cha tôi là nhà trí thức kiên cường, một bác sĩ đã không bỏ thương binh, Pháp đồng ý trả tự do cho cha tôi qua trao đổi tù binh với một bác sĩ Pháp và một trung úy Pháp bị Việt Minh bắt.

Không phải ai cũng may mắn bị tù mà sống sót. Trong chuyến tàu đi cùng cha tôi có các ông: Hoàng Xuân Nhị (nhà văn); Lê Tâm (tức Nguyễn Hy Hiền, kỹ sư cầu cống); Nguyễn Ngọc Nhật (kỹ sư mỏ địa chất); Lê Văn Vỡ (kỹ sư hóa). Ông Nguyễn Ngọc Nhật mất sớm trong tù thực dân Pháp.

Sau này, nhắc đến các trí thức từ Pháp trở về đầu tiên đã đóng góp cho kháng chiến và xây dựng lại đất nước, mà đa số đã mất vì tuổi cao, cha tôi viết (1995): "...Các anh mất nhưng dân tộc Việt Nam ghi nhớ mãi lòng yêu nước vô bờ bến của các anh."

3. Pháp thả cha tôi theo diện tù chính trị vô điều kiện. Chẳng có chuyện "Tây cho ra ngoài làm riêng". Khi ra tù, theo lời mẹ kể, ông cụ chỉ có mỗi một bộ đồ đen mặc trên người. Từ đó, cha mẹ tôi xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ông mở Phòng Xét nghiệm Y khoa, nơi ông chữa trị bệnh nhân và làm nghiên cứu khoa học.

Năm 1950, cha tôi nhận được thư của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mời vào chiến khu để thảo luận công việc y tế. Dịp này, hai bên thống nhất là cha tôi ở lại Sài Gòn làm khoa học giúp chiến khu. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cả cha và mẹ tôi (có họ không xa với Bs. Phạm Ngọc Thạch) lại được mời ra chiến khu gặp Bs. Phạm Ngọc Thạch. Lần này Bs. Thạch nói cha mẹ tôi tiếp tục ở lại Sài Gòn nhưng từ đấy cha tôi phải cắt hết liên lạc, sợ bị theo dõi. Trong dịp này, Bs. PNT cũng nhờ mẹ tôi đi thăm nuôi cô Nguyễn Thị Châu Sa, cháu ngoại Cụ Phan Chu Trinh, lúc đó đang bị Pháp bắt tù giam tại khám Chí Hòa và tìm cách xin cho cô ấy được trả tự do. Mẹ tôi về, một mặt lo xin với Phủ Cao ủy Pháp trả tự do cho cô Châu Sa, một mặt hàng tuần lo thăm nuôi cô Châu Sa và cả các chị em tù chính trị cùng trại giam lúc bấy giờ. Sau vài tháng, mẹ tôi được thông báo là cô Châu Sa được thả. Cô Nguyễn Thị Châu Sa là bà Nguyễn Thị Bình. Có phải Bà Bình được thả là do mẹ tôi xin hay không thì điều này không được rõ và không biết chắc chắn.

4. Về tù tội, thì cha tôi vào tù ra tội cũng vài lần.

Sau đó, năm 1955 ông tham gia phong trào Bảo vệ Hòa bình với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giáo sư Phạm Huy Thông, luật sư Trần Kim Quan cùng với nhiều vị trí thức khác đòi chính phủ Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp định Genève. Các cụ bị ông Diệm bắt đưa ra quản thúc tại Phú Yên, Bình Định (xem "cập nhật" 16/6 cuối bài), quy tội có ý "lật đổ chính quyền". Sau 2 tháng quản thúc, khi đưa ra tòa xét xử thì Tòa án và Đại biểu liên hiệp Pháp phải thừa nhận là không có chứng cớ gì rõ ràng để buộc tội nên các vị được thả về. Thời ấy thế mà hãy còn hệ thống tư pháp độc lập.

Năm 1960, ông Diệm lại bắt giam ông cùng với Bác sĩ Phan Quang Đán và Ông Phan Khắc Sửu vì nghi ngờ cha tôi cầm đâu Nhóm Caravelle 18 người đã công khai với đối lập chính phủ Diệm. Sự thật thì cha tôi không liên quan gì đến nhóm này. Ông Nhu đã cho người vào trại giam "gạ gẫm", mời cha tôi đứng ra lập "phe đối lập giả tạo" cùng tham gia trong chính phủ Diệm-Nhu hòng xoa dịu tình hình chính trị lúc ấy vô cùng căng thẳng trong dân! ". Ông từ chối.* Thế là lần này ông bị bỏ tù 13 tháng. Không vị nào được đưa ra tòa án xét xử.

Ông Trần Kim Tuyến, giám đốc an ninh mật vụ bấy giờ, đã cảnh cáo ông Nhu: "Anh mà giao cho ..Du chuyện đó (lập phe đối lập giả tạo) có khác nào giao trứng cho quạ ! Ai chứ (TVD) mà tham gia chính phủ, thì (TVD) sẽ thành lập "phe đối lập thật" để lật đổ chúng ta lúc nào không hay đấy!" *

Khi ra tù, ông lại tiếp tục tham gia phong trào thứ ba của các nhà trí thức, nhân sĩ, sinh viên, học sinh chống chiến tranh đòi hòa bình cho đến 1975.

5. Nhưng phải nói rằng cha tôi trước tiên là một trí thức, say mê làm nghiên cứu khoa học, mong phục vụ dân mình nói riêng và con người nói chung. Quê quán ở làng Vạn Phúc Trung, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông xuất thân từ một gia đình nhà nông đông con, có truyền thống hiếu học. Ông cố của ông là cụ Giải nguyên khoa Bính Tý Trần Văn Nhạ, ông nội của ông là cụ Trần Văn Châu đậu Cử nhân. Cha của ông là cụ Trần Văn Lai, giữ nếp nhà nho thanh đạm và cùng bà nội tôi tần tảo nuôi các con ăn học thành tài. Cha tôi được học bổng ra Hà Nội học trường Bưởi và đậu tú tài toán. Sau đó, ông đậu chứng chỉ Lý Hóa Sinh tại Đại học Y khoa Hà Nội và năm 1938, ông đi du học theo diện học bổng Pháp. Lúc bấy giờ, Pháp chỉ cấp 2 suất học bổng cho toàn nước Việt Nam, một trong Nam một ngoài Bắc. Pháp chỉ cho ông ba ngày để chuẩn bị nên ông không kịp về quê từ giã gia đình. Lúc ra đi, hành lý của ông chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo của một người cô ở Hà Nội tặng. Ông tốt nghiệp Bác sĩ thú y Trường Thú y quốc gia Alfort, Pháp (École national vétérinaire d'Alfort). Sau đó, ông theo học thêm về vi trùng học tại Đại học Y khoa Paris (Faculté de médecine Paris) và được nhận vào nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ramon, người khám pha ra các vắcxin ngừa bệnh uốn ván (tetanus) và bạch hầu (diphteria) tại Viện Pasteur Paris. Sau đó, ông làm việc/ nghiên cứu 2 năm tại Viện Robert Koch, là trung tâm nghiên cứu, kiểm soát và phòng bệnh cấp liên bang của Đức, rồi Viện Y học Nhiệt đới Hamburg 1 năm trước khi về nước. Sau những năm học thêm đó, ông chuyên tâm về xét nghiệm y khoa và chữa bệnh cho người, còn đối với gia súc gia cầm thì ông làm nghiên cứu phòng bệnh/ định bệnh cho chúng.

Bác sĩ Trần Văn Du trong phòng thí nghiệm ở Sài Gòn (1966)

Về nước, ông kết hợp với Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vi trùng học Thú y, thực hiện một số công trình. Đa số các công trình nghiên cứu của cha tôi được đăng trong tạp chí chuyên khoa Pháp Recueil de Médecine Vétérinaire d'Alfort (15 bài), và Tập san Khoa học Kỹ thuật của Hội Khoa Học Kỹ thuật Việt Nam (15 bài). Đặc biệt ông có một số công trình đáng ghi nhớ:

(1950) Phát triển và sản xuất giống vi trùng B. subtilis không độc cấy trên môi trường lỏng dùng để chữa vết thương. Ông đã gửi giống này ra chiến khu cho Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và hướng dẫn sản xuất, ứng dụng chữa lành vết thương cho các thương bệnh binh. Hiệu quả rất cao. Thời bấy giờ trong chiến khu không có thuốc trụ sinh. Mãi đến 1984, ông hoàn chỉnh sản xuất giống này dưới dạng thuốc bột và đến nay thuốc vẫn được lưu hành trong nước mang tên Bs. Trần Văn Du.

(1951) Sản xuất huyết thanh chống uống ván (tetanus) gửi ra Khu giải phóng.

(1965) Định bệnh dịch tả heo bằng phương pháp kết tụ hồng cầu. Nhờ thế, rút ngắn thời gian định bệnh đáng kể từ 18 ngày xuống chỉ trong 24 giờ là biết kết quả. Phương pháp này lúc bấy giờ được các nước Âu, Mỹ, Á công nhận và áp dụng.

(1979-1984): Nghiên cứu thực nghiệm biogas, mẫu gia đình

(1984): Ứng dụng vi tảo Chlorella làm thức ăn bổ sung cho gia súc

Ông cũng nhận làm Giáo sư thỉnh giảng về Vi sinh vật học và Miễn nhiễm học tại trường Cao đẳng Nông Lâm Súc, sau đổi tên thành Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (1974), nay là Đại học Nông Lâm, Tp. HCM, từ khóa 2 (1961) đến khóa 14 (1975). Năm 1970, ông được các nhà khoa học Mỹ mời sang Mỹ thuyết trình về bệnh dịch tả heo, đồng thời tham quan các phòng thí nghiệm lớn tại một số đại học trong vòng một tháng. Rồi chính phủ Mỹ có ý mời ông ở lại làm việc nhưng ông trở về.

Ngoài ra, ông cùng với Kỹ sư Hà Dương Bưu là hai nhân vật chủ chốt đã phát hành tập san KHOA HỌC KỸ THUẬT (KHKT) (2) của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam mà hai cụ đã từng thay phiên nhau làm Hội trưởng và Phó Hội trưởng. Tập san KHKT ra đều đặn từ năm 1957 đến năm 1973, quy tụ những bài báo cáo nghiên cứu và đề xướng chính sách phát triển khoa học kỹ thuật, giáo dục, kinh tế, y khoa, nông nghiệp, ngư nghiệp chuyên sâu và phong phú từ 175 tác giả chuyên ngành dày kinh nghiệm. Hiện nay, gần như toàn bộ sưu tập KHKT này được lưu trữ tại Thư viện Đại học Cornell (Cornell University Library), Hoa Kỳ.***

Sau 1975, ông tiếp tục đóng góp xây dưng trong khả năng của mình. Ông được mời làm Phó chủ tịch thường trực Hội Trí thức Yêu Nước (TTYN). Ở đây, ông đã khôi phục lại báo KHOA HỌC PHỔ THÔNG của cố kỹ sư Lâm Văn Vãng trước 1975, và cùng một số các nhà khoa học, trí thức khác biến tờ báo thành công cụ phổ biến y khoa, khoa học kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, như bếp biogas, ủ phân gia súc làm chất đốt, canh tác, chăn nuôi, xây nhà khu kinh tế mới v.v., rất hữu ích cho người dân trong mọi thời cuộc. Sau này, ở tuổi ngoài bát tuần, ông vẫn lao vào nghiên cứu các đề tài như: chống viêm gan siêu B (HBV), chống vi rút H5N1 gây dịch cúm gia cầm và đóng góp ý kiến với sở y tế thành phố về biện pháp phòng trị dịch này.

Ngoài ra, cha tôi cũng được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hai khóa đầu tiên I và II, trong đó ông tham gia phát huy dân chủ, lo cho dân sinh. Ông đề nghị sau khi UBND báo cáo, phải có quy trình để cho Hội đồng phê phán, thảo luận, góp ý rồi mới biểu quyết và kết thúc. Đặc biệt, chính ông đã phát biểu tại Hội đồng nhân dân Tp.HCM khuyến nghị trả lại tên đường cho nhà bác học cứu nhân độ thế Louis Pasteur. Cho đến năm 1991, tên đường Pasteur mới được khôi phục lại như xưa.

Với cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội TTYN, việc đầu tiên ông làm là xin Đảng Cộng Sản Việt Nam cho trí thức đi học tập 1-2 tháng thôi rồi trở về, giới thiệu công ăn việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn cho họ, đề nghị sử dụng tốt nguồn nhân lực trí thức, giúp họ an cư lạc nghiệp và cho con cái họ được tiếp tục học hành để họ không vượt biên. Ông còn lấy tư cách hội bảo đảm cho trí thức đầu ngành vượt biên bị bắt được trở lại công tác.** Chính ông ngay từ lúc đầu, đã xuất tiền túi mình thuê một chiếc xe buýt lớn đi tìm các trí thức quen biết tại các trại học tập đón về, lấy danh nghĩa mình bảo đảm cho các bác các chú, rồi giúp họ món tiền nhỏ để tạm ổn định đời sống lúc bấy giờ.

Sau này, khi có lời ngỏ ý mời ông cụ vào Đảng, ông từ tốn trả lời: " Cho tôi đứng ngoài để dễ nói."


Trần Thị Vân-Mai

tháng 2, 2019


* Cậu Tú Làng Tôi, Tập ký và Ghi chép, Thái Vinh Hạnh, gồm 10 bài viết đã đăng trên các báo trong nước, nhà in Lộc, TPHCM 1998.

** Chữ tâm nhà trí thức - Bác sĩ TRẦN VĂN DU, Nguyễn Lễ, 2006, tư liệu gia đình.

*** Hà Dương Tường sưu tầm, Trao đổi cá nhân, tháng 04, 2019. Tra cứu Mục lục Thư viện (Library Catalog) của Thư viện Đại học Cornell (Cornell University Library). 


Chú thích thêm của Diễn Đàn :

(1) Đây là một bài tác giả viết cho hai diễn đàn bè bạn của chị, và sau đó đã chỉnh sửa đôi chút rồi gửi cho Diễn Đàn., 4.6.2019.

(2) Tiếp theo các bài viết về các tạp chí phổ biến khoa học ở VN đầu thế kỷ XX ("Khoa học Tập chí" của ông Bùi Quang Chiêu và "Khoa học tạp chí" của ông Nguyễn Công Tiễu), chúng tôi sẽ giới thiệu tạp chí Khoa học Kỹ thuật này, hi vọng trong một ngày không xa !

Câp nhật ngày 16/6/2019:

Tác giả mới tìm thấy trong Tư liệu của gia đình bản sao Lệnh an trí BS Trần Văn Du do thủ tướng Ngô Đình Diệm ký (xem hình chụp), cho thấy nơi an trí là thành phố Hải Phòng chứ không phải Phú Yên, Bình Định. Điều này cũng phù hợp với các chứng từ khác của những người cùng bị an trí lúc đó, được kể trong bài, như của LS Nguyễn Hữu Thọ (xem bài trên Tuổi Trẻ ngày 20/12/2005)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us