GIỜ CHIM SẺ TIỄN ĐƯA ANH
GIỜ CHIM SẺ TIỄN ĐƯA ANH
thanh thảo
Tang lễ nhà thơ Chim Trắng( tên thật là Hồ Văn Ba) diễn ra tại ngôi nhà riêng bé nhỏ của anh tại khu dân cư Thuận Giao thuộc thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương vào sáng 1/10/2011. Hàng trăm người bạn người em văn nghệ, người yêu quí anh đã từ nhiều nơi trong nước lên Bình Dương tiễn đưa anh trong một đám tang hết sức đặc biệt: không điếu văn do cơ quan hay đoàn thể đọc, không nhận tiền phúng viếng, sau tang lễ không phần mộ vì nhà thơ chọn con đường hỏa táng để về trời. Chỉ có rất nhiều hoa, trong đó có vòng hoa của Hội nhà văn Việt Nam, hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt có 5 vòng hoa của các hội và tổ chức văn nghệ Hàn Quốc gửi viếng. Sinh thời, nhà thơ Chim Trắng rất được các bạn văn nghệ và người yêu thơ Hàn Quốc quí trọng, cả con người và thơ ca của anh. Nhưng trước hết, Chim Trắng được chính quê hương anh, được những người Việt trên đất nước anh yêu mến và kính trọng. Và trong đám tang anh, buổi sáng ấy còn có bầy chim sẻ mà anh hằng yêu quí vô tư tiễn đưa anh.
Nhà thơ Chim Trắng (1938-2011)
Nhà thơ Chim Trắng đã vĩnh biệt “những hàng cau quê hương” vào 19 giờ ngày 28/9/2011 tại nhà riêng ở Bình Dương. Anh cũng vĩnh biệt bầy chim sẻ nhỏ nhoi mà anh yêu thương:
“ Tôi
chẳng là
giọt sương, chỉ là hạt gạo
Nhân có chim sẻ về
Xin bày tỏ trước
sân tôi”
( Nhân có chim sẻ về)
Chim Trắng là một chiến sĩ cách mạng kiên cường đã tham gia hoạt động phong trào từ năm 1955, hai lần bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt bỏ tù và nhiều lần hơn thoát khỏi những cuộc vây ráp của cảnh sát khi anh hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Chim Trắng là người đau đáu với lý tưởng của mình: “ Đừng hòng mong tôi đốt cháy những cánh rừng/Tôi đã từng qua/”.Nhưng trong cuộc đời riêng, anh luôn là người độc hành cho tới những ngày cuối cùng. Con người mạnh mẽ, gan góc ấy cũng là người cô độc, anh giữ riêng cho mình những nỗi buồn, những bất hạnh, và qua thơ, gửi cho đời những yêu thương khắc khoải.
Sinh quán Bến Tre, người thơ quê xứ dừa ấy bền bỉ xanh trong thơ như những cây dừa. Anh đã cho ra đời 12 tập thơ trong suốt đời thơ của mình, trong đó có 4 tập thơ in ra trong thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng điều lạ lùng là Chim Trắng không dừng lại khi đã qua tuổi 60 lúc phong cách thơ của anh như đã định hình. Anh đã quyết liệt thay đổi thơ mình, làm mới mẻ nó bằng sự nhạy cảm và tình yêu bất tận với thơ ca, với cuộc sống. Như người ta nói, anh đã “quay mặt vào tường” đối diện với lòng mình, với nỗi cô đơn của mình mà viết. Có thể nói, Chim Trắng thuộc số không nhiều những nhà thơ toàn tòng tự nguyện dâng hiến trọn mình cho thơ, không toan tính, không màng danh lợi và ân thưởng. Đó là một người sống trong sạch suốt đời cho thơ, vì thơ.
Tôi được quen biết với Chim Trắng từ những năm ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ngày ấy, tuy chỉ quen nhau qua vài bài thơ, nhưng khi biết tôi gặp khó khăn, Chim Trắng đã một mình lội bộ suốt mấy cánh rừng, đi cả ngày đường tới với tôi. Chỉ để anh em mắc võng nằm bên nhau một đêm cạnh sông Vàm Cỏ Đông, chia sẻ cùng nhau những vui buồn. Rồi sáng hôm sau, anh lại một mình trở về căn cứ của Ban Văn nghệ, lại vượt qua những cánh rừng B52 phong tỏa. Những tình cảm của Chim Trắng đối với bạn bè, đồng nghiệp thường được anh bộc lộ trong thầm lặng. Nhưng đầy chân tình, thấu đáo. Con người chỉ ước ao mình là hạt gạo lót lòng cho chim sẻ, người có những câu thơ thật buồn bã ấy, trong cuộc sống lại là một người rất kiên nghị, sống đầy lý tưởng, thậm chí khắc kỷ với lý tưởng yêu nước của mình. Trong ngày hôm nay, và có thể cả trong mai sau, mẫu hình nhà thơ độc hành “đi tới tận cùng cuộc sống” như Chim Trắng luôn khiến tôi ngưỡng mộ và yêu mến. Và không chỉ riêng tôi, rất nhiều người yêu thơ ở Hàn Quốc đã đặc biệt yêu quí thơ Chim Trắng, nhất là yêu bài thơ “Hoa súng”, bài thơ chỉ có 8 câu thơ của anh mà họ cho là đã bộc lộ được tâm hồn, những chịu đựng hy sinh của người Việt trong chiến tranh và trong nghịch cảnh. Đó là một điều thật đặc biệt, vì Chim Trắng luôn là người kín đáo và không bao giờ tự quảng bá thơ mình. Có thể khi Chim Trắng đã vĩnh biệt cuộc đời mà anh yêu trong khắc khoải, chúng ta sẽ phát hiện lại thơ anh. Khi đó, tôi tin, thơ Chim Trắng sẽ còn được nhiều người yêu mến hơn, dù có thể họ chưa một lần gặp anh.
“ Bây giờ tôi mới khóc/khóc được rồi/”, tôi đọc lại câu thơ Chim Trắng tưởng như đọc câu thơ của chính mình viết về anh. Trong một ngày buồn bã nhất này. Giờ xin cùng chim sẻ tiễn đưa anh.
Thanh Thảo
Quảng Ngãi 29/9/-Bình Dương 1/10/2011
Các thao tác trên Tài liệu