Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Chuyện về anh Vĩnh Sính

Chuyện về anh Vĩnh Sính

- Ashahi shimbun - Hồng Lê Thọ — published 08/01/2014 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


Chuyện về anh Vĩnh Sính*



Bác Hồ qua đời


Ngày 5 tháng 9 năm 1969, tức hai hôm sau khi bản tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời được lan truyền, anh vội mặc ngay chiếc áo sơ mi vừa mới giặt mới ráo nước, chân xỏ chiếc quần mùa đông lành lặn thay chiếc quần mùa hè đã lủng một lỗ khá to ngay ở đầu gối. Thắt vội chiếc cà vạt, đi dự lễ truy điệu Người. Tất tả, nhảy lên tàu điện.

"không biết tàu có đến đúng giờ không. Ở Việt nam thì thường đến muộn, và cũng có khi chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Hòa bình như người ta nói, sướng thế."

Trong buổi lễ truy điệu, mọi người đều bật khóc. Anh Chánh (Huỳnh Trí Chánh--ND) phát biểu nói về công lao của Bác Hồ cũng đã ngập ngừng nửa chừng vì không nén nổi nghẹn ngào đang dâng trào. Anh Sính cũng không buồn lau nước mắt, khóc tức tưởi. Anh gập người cúi lạy ba lần, lưng ôm tròn như bé lại....

" thật là đáng tiếc lúc Bác còn sinh thời, vẫn chưa hoàn thành được Độc lập..."


bieutinh-1

Chiếm Sứ Quán Sài gòn ở Tokyo, đốt hình nộm Nixon (6/1969)


bieutinh-2

Tuần hành truy điệu Bác Hồ trên đường phố Tokyo 9/1969


Dòng dõi Hoàng tộc


Lần đầu tiên người ta thấy Anh có mặt ở trong sân Tòa đại sứ Nam Việt Nam ở trong phố Yoyogi thuộc quận Shibuya (Tokyo) vào một ngày thượng tuần tháng 6 (1969). Đó là ngày hai mươi mấy anh em trong số vài trăm lưu học sinh Việt Nam của «Tổ chức Người Việt tại Nhật bản đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước" tề tựu về đây để phản đối sự can thiệp của Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đương nhiệm. Ở hàng đầu, cùng với anh em, chạy vòng quanh sân, anh cùng các bạn hét thật to "đả đảo Thiệu-Kỳ" tay phất cờ biểu hiện sự thống nhất. Thế là Phong trào Hòa bình cho Việt Nam đã được bắt đầu bởi chính những người Việt Nam trên đất Nhật vào một ngày đầu hè đáng nhớ.

Căn phòng trọ của người bạn mà anh thường trú nằm ở một xóm lụp xụp những xưởng máy đầy rác rến. Hôm chiều tôi đến thăm anh, một chiếc giường và chiếc bàn học, giữa căn phòng trọ 4 chiếu rưỡi là mấy tờ giấy báo trải thay cho bàn, trên đó là dĩa cơm trắng, vài lát cá hộp và súp tương (ăn liền) nhưng anh vẫn ăn một cách ngon lành. Anh sinh ra ở cố đô Huế vào năm 1944, dưới thời quân Nhật chiếm đóng. Không biết mặt Cha vì ông đã bỏ nhà ra đi vào lúc chiến tranh chống Pháp năm 1945. Được mẹ nuôi dưỡng, tên của 3 chị em đều mang xưng hiệu của dòng dõi Hoàng tộc. Đó là hoàng tộc cuối đời nhà Nguyễn đã tồn tại cho đến khi bị Pháp đô hộ... là gia đình người thân của chính phủ tay sai Bảo Đại.

Chuông điện thoại reo vang, một lần, hai lần, đến lần thứ ba thì Anh bắt máy lên vừa "Vâng" chưa xong thì phía bên kia vội cắt ngang, "chuyện ( đe dọa) như thế vẫn luôn xảy ra với bọn tôi " anh tâm sự.


Đông du


Anh đến Nhật vào năm 1963. Qua được kỳ thi tuyển của chính quyền Ngô Đình Diệm, vào học tiếng Nhật ở Đại học Chiba một năm, thi đỗ vào Đại học Thương Thuyền Tokyo (1) nhưng gần đến tốt nghiệp thì anh thôi học vào tháng 3 năm ngoái vì từ mùa thu năm trước đó anh đã trở thành Sinh viên tuyển thẳng vào Đại học Quốc tế Cơ Đốc Giáo (2) và đã chuyển trường từ đây.

Ở Việt Nam, có hai từ "Đông Du". Sau cuộc chiến tranh Nhật-Nga một phong trào rủ nhau đi học "Hiện đại hóa" ở Nhật bản là nước tiên tiến ở Châu Á mới nổi lên, và truyền thống đó vẫn ăn sâu cho đến ngày nay... Anh Sính thay đổi con đường học vấn của mình một cách đột ngột, có lẽ có nhiều quá trình diễn biến phức tạp... nhưng anh rất kiệm lời, không buồn nói ra. Mãi đến khi biết được thì rằng anh đã bị đối xử hành hạ ở Đại học Thương thuyền một cách vô cớ, khi anh đến Bộ Giáo dục (Nhật) xin chuyển trường khác thì họ lại dọa là sẽ cắt học bổng, đuổi về nước đi lính... và anh đã trả lại học bổng để phản đối, mượn tiền của bạn bè để chuyển trường, đó là cách duy nhất để tiếp tục việc học. Anh than thở rằng "không thể nào chịu đựng nổi sự nhục nhã về tinh thần". Nhưng tiếp theo đó điều anh phải đối đầu trước tiên là kiếm tiền mưu sinh mỗi ngày. Các việc làm ngoài giờ như giao sữa tại nhà, phát báo tư gia.. tất tất phải làm để sống dù "phải ngậm đắng nuốt cay", nhưng rồi tháng tư năm nay lại gặp đình công (kế sinh nhai lại càng khó khăn)


Phá Xiềng


phaxieng

Báo Phá Xiềng số đặc biệt để tang Bác Hồ 9/1969

Ở nhà không thể gửi tiền sang. Các lưu học sinh khác cũng vậy, từ khi tham gia biểu tình từ tháng 6, mọi người đã bị cắt đứt chuyển ngân. Cũng chẳng có học bổng. Tiền để sinh sống phải dựa vào tiền dạy tiếng Việt cho những nhà báo sắp sang Việt nam làm việc hay biên dịch tài liệu Việt ngữ. Giỏi lắm là được 20,000 yen (tương đưong với 250 đô la). Gặp Anh lúc đang nghĩ giải lao ở một quán nước gần Roppongi (Tokyo). Những chàng thanh niên ăn mặc sặc sỡ chung quanh cứ nhìn chăm chăm vào vòng khăn tang đen anh đeo ở cánh tay.

"Không có bóng dáng của chiến tranh trên khuôn mặt những người trai trẻ Nhật bản nhỉ. Người bà con cô cậu của tôi vừa mới bị bom oanh kích chết sau khi lập gia đình chưa đầy nửa năm.", rằng "anh có biết tuổi thọ bình quân của người Việt nam không, đàn ông thì 27, cho nên tôi cũng chỉ còn hai năm nữa. Mọi người ai cũng chết sớm mất thôi.".

Dù rằng anh ta đã xa rời tổ quốc, sống ở một nước nói chung là hòa bình, có tự do cũng không làm cho anh ta thoát khỏi ám ảnh đó. Về nước tham gia đấu tranh cho hòa bình, thống nhất thì sẽ ra sao?

"Tôi vẫn còn trẻ mà. Tôi muốn trở thành người lính để chiến đấu, làm như thế may ra còn đỡ hơn bây giờ. Dẫu sao thì phải cho mọi người biết sự thật về Việt nam, dù là lặng lẽ, kết quả khiêm tốn cũng được".

Để thông tin những sự thật về Việt nam anh đã nhận đứng ra biên tập tờ "Phá Xiềng" cho bạn đọc người Nhật bản, một khâu quan trọng (của phong trào yêu nước tại Nhật Bản), tên gọi Phá Xiềng có hàm ý là phá bỏ xiềng xích của Mỹ và chặt đứt dây xích ý thức tự cho mình thuộc tầng lớp "ưu tú" (Elite).

Trong số báo đầu tiên, anh viết:

"Đại đa số người Việt Nam mong mỏi không phải là một xã hội vĩ đại như nước Mỹ. Nguyện vọng nhỏ nhoi của họ là giành lại cuộc sống mà tổ tiên của họ đã dựng xây hàng nghìn năm nay".

Chẳng chóng thì chầy, một ngày nào đó anh Sính sẽ trở về quê hương mình, dù là tự nguyện hay cưỡng chế (3).

"Nhưng tôi không muốn trở thành một người thượng lưu sống trên lưng, bằng máu của đồng bào mình"

--------



* Chú: bài báo "Có một lưu học sinh Việt Nam" trên Asahi shimbun ngày 13/9/1969. Sau đó anh Vĩnh Sính cùng gia đình sang định cư tại Canada, lấy bằng tiến sĩ tại đây và hiện là Giáo sư Sử học tại đại học Alberta.

(1) Đại học Thương Thuyền Tokyo là đại học nhà nước, không phải đóng học phí vì anh là sinh viên được học bổng của Bộ Giáo dục Nhật bản

(2) Đại học Quốc tế Cơ Đốc Giáo (International Christian University) là trường tư ở Tokyo chi phí rất cao

(3) Chính phủ Nhật Bản có thể lấy cớ tham gia "biểu tình" để cưỡng chế trục xuất những sinh viên nước ngoài về nước, tác giả bài báo muốn nói đến hiểm nguy đó.

Hồng Lê Thọ

sưu tầm, dịch và chú thích
(có bổ sung ngày 26/02/2011).

Diễn Đàn cảm ơn anh Hồng Lê Thọ đã cho phép đăng lại bài này.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss