Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / CHUYỆN VỀ MỘT ÔNG NGHÈ – ĐIỆP BÁO

CHUYỆN VỀ MỘT ÔNG NGHÈ – ĐIỆP BÁO

- Ngô Thị Kim Cúc — published 28/04/2020 16:30, cập nhật lần cuối 28/04/2020 18:17
Nhà toán học Nguyễn Đình Ngọc – điệp viên Diệp Sơn


CHUYỆN  VỀ  MỘT  ÔNG  NGHÈ –
ĐIỆP  BÁO


                                                                      Ngô Thị Kim Cúc



Vào giữa thập niên sáu mươi, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ và tình hình chính trị miền Nam đang cực kỳ hỗn loạn, ở Đại học Khoa học Sài Gòn xuất hiện một tiến sĩ trẻ, mới từ Pháp trở về, thu hút sự chú ý của đông đảo giảng viên và sinh viên.


Về bằng cấp thì ông có đến năm bằng : kỹ sư khí tượng thủy văn, kỹ sư đóng tàu, kỹ sư viễn thông, tiến sĩ khí tượng động lực, tiến sĩ toán. Về con người thì ông chẳng có gì giống với một giảng viên đại học theo quan niệm thông thường của thời ấy : thay vì lái xe hơi đi dạy như hầu hết các giáo sư, tiến sĩ, ông chỉ toàn đi bộ hoặc cùng lắm là đi xe đạp ; thay vì vét-tông cra-vát trang trọng, ông chỉ quanh năm một kiểu quần ka ki sơ mi trắng hoặc chiếc áo bờ-lu-dông bụi ; thay vì chải vuốt mái tóc kỹ càng như tất cả mọi người, ông chỉ để kiểu tóc duy nhất là húi cua ; thay cho đôi giày sang trọng thanh nhã là một đôi bốt-đờ-sô to kềnh, hẳn để thích hợp với việc quanh năm cuốc bộ.


Mà ông mới ngoài ba mươi, lại độc thân và mặt mũi sáng láng ! Nam sinh viên, nhất là sinh viên khoa Toán loại có cá tính rất thần tượng ông : đó là một mẫu người mà họ muốn trở thành. Nữ sinh viên vừa tò mò lẫn hâm mộ ông thầy tài hoa và nhã nhặn, nhưng ông hầu như không quan tâm đến, và chính điều này càng khiến ông mang một vẻ bí ẩn đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy xa cách. Người ta nghĩ ông hoặc là kẻ lập dị, hoặc ít nhiều tốc-kê, như một số nhà khoa học đơn độc…


Chẳng ai ngờ con người trí thức có cái mác rất bảo chứng made in France ấy lại là một Việt Cộng nằm vùng. Chỉ duy nhất một người biết rõ ông là ai, đó là thượng cấp của ông, người phụ trách sĩ quan điệp báo đơn tuyến Diệp Sơn.


Câu chuyện về Diệp Sơn bắt đầu từ khi trung đoàn trưởng Mã Thành Kinh chú ý đến cậu con trai thông minh nhanh nhẹn của người bạn quý, bác sĩ giám đốc bệnh viện Phúc Yên Nguyễn Đình Diệp. Ngọc lúc đó đang là học sinh lớp đệ lục trường trung học Phan Chu Trinh của hiệu trưởng Đặng Thai Mai, hết sức sung sướng và hãnh diện được lấy vào làm liên lạc cho trung đoàn Vĩnh Phúc Bảo vệ Thủ đô. Năm 1947, Ngọc mới mười lăm tuổi thì cha hy sinh, Ngọc chỉ còn mẹ bên cạnh hai em. Hai mươi tuổi, anh chính thức đi vào công tác an ninh, trở thành chiến sĩ công an liên khu Bốn.


Gian khổ chiến trường cộng với sức khoẻ yếu đã khiến Ngọc bị lao, căn bệnh mà thời kỳ năm 1953 chưa tìm ra thuốc chữa. Tưởng vi trùng Koch sẽ cướp đi sinh mạng của anh, không ngờ nó lại được việc : lấy lý do anh xin ra Hà Nội chữa bệnh, tổ chức cấp cho anh một giấy đi đường vào Hà Nội, chuẩn bị cho anh một nhiệm vụ lâu dài thời hậu chiến.


Trước khi Ngọc rời vùng tự do khu Bốn, giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa viết thư nhờ bác sĩ Hoàng Sử khám kỹ để biết chắc anh có bệnh, phòng khi trên đường ra Hà Nội nếu bị nghi ngờ và bắt giữ, anh vẫn có cớ thoát được. Lúc được bác sĩ cho biết anh thực sự lao khá nặng, thay vì lo âu, Ngọc lại hết sức vui mừng, thấy mình có điều kiện thuận lợi để thực hiện kịch bản.


Để tạo thêm những chứng cớ giả-mà-thực làm vỏ bọc hỗ trợ, cô con gái của thượng cấp, tên Hồng, đã viết cho thầy Ngọc của mình lá thơ dài da diết tình cảm gái trai, còn Ngọc thì từ bức ảnh đẹp của cô đã vẽ một chân dung cũng đẹp không kém, kèm với những lời than thở oán trách số phận trái ngang, tất cả được cất kỹ trong hành trang.


Những sự phòng xa ấy quả không uổng công. Ra đến Ninh Bình, Ngọc bị bắt đưa về Phòng Nhì Pháp ở Nam Định. Trước hết họ khám xét tư trang, khen anh là đào hoa, nhưng sau đó lại đưa anh đi chụp phổi xem lời khai báo là láo hay thật. Hình chụp phổi lại cho thấy phổi trái anh đã thủng, chắc chắn sẽ dẫn tới việc ho ra máu và tử vong.


Dù vậy, người Pháp vẫn không thực sự tin vào anh thanh niên trở về từ vùng tự do, nên đưa anh về giam ở Nhà máy Chai Nam Định, nơi giam tù hàng binh, riêng một phòng cách ly hẳn các tù nhân khác.


Vận may đã giúp Ngọc thoát chết trong đường tơ kẽ tóc không chỉ một lần. Nếu dọc đường đi, anh đã thoát khỏi bao nhiêu bom đạn dày đặc trên mọi ngả đường thì ngay ở đồn Ninh Bình, khi anh vừa rời khỏi phòng giam, một quả đạn cối 60 ly của Việt Minh đã biến nơi ấy thành đống đổ nát. Anh đã bình an như nhờ một sự chở che bí ẩn nào đó, có thể là trái tim đầy yêu thương của người cha vẫn theo sát con trai.


Ra đến Hà Nội, Ngọc tình cờ gặp lại một sĩ quan ngụy vốn là người quen cũ ở Sơn La. Người này biết rõ lý lịch anh, biết rõ cha anh là liệt sĩ. Dù thế nhưng sau một thời gian, cho dù vẫn nghi ngờ anh nhưng do không tìm được lý do để chính thức bắt giam, mà cuộc cờ tàn trên chiến trường cũng làm họ chểnh mảng, người Pháp đành cấp cho anh một căn cước. Đó chỉ là thứ căn cước loại G, buộc mỗi tuần phải một lần trình diện, nhưng đã là vỏ bọc quá tốt, vượt quá sự chờ mong của Ngọc.


Lúc ấy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giải quyết tất cả các vấn đề. Công việc tiếp theo của Ngọc là tìm mọi cách để vào Nam.


Vẫn kịch bản cũ, vào Nam để chữa bệnh, bởi điều kiện Hà Nội mới giải phóng không đủ phương tiện thuốc thang, Ngọc được ông Nguyễn Văn Phong thương tình cho nhập vào gia đình với danh nghĩa em họ để cùng di cư vào Nam đầu tháng 7 năm 1954. Những ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn, Ngọc cùng gia đình ông Phong tá túc ở Trại tạm cư Tân Sơn Hòa, nơi dành riêng cho những gia đình Việt quốc tịch Pháp. Tiếp đó, để có đường sống và nơi ở, anh xin vào làm gia sư cho một gia đình ở đường Nguyễn Đình Chiểu Quận 3, nhà ông Vĩnh Thọ (anh trai tướng Vĩnh Lộc), và lập lức liên lạc ra Hà Nội. Một giao liên mang khẩu lệnh từ Hà Nội vượt tuyến vào Sài Gòn tìm đến chỗ anh ở. Người này sau đó đã đóng vai dì anh để thường xuyên lui tới, thông tin, và chỉ trong thời gian từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 10 năm 1955, bà đã lặn lội ra bắc vào nam cả thảy ba lần.


Chỉ thị yêu cầu Ngọc tìm cách hoạt động lâu dài ở Sài Gòn qua ngả Tây Âu, nên buộc anh phải thi lấy cho được học bổng để đi du học Pháp. Bệnh lao trước đây đã giúp anh ở bước đầu thì nay quay lại chống anh : nếu bị phát hiện, anh không thể hoàn tất thủ tục sang Pháp hoạt động trong mạng Tây Âu.


Ngọc đành phải thú thật bệnh trạng với vị bác sĩ khám bệnh và kêu gọi sự giúp đỡ của ông. Mềm lòng trước tình cảnh anh thanh niên chỉ cân nặng có 39 ký lô, không gia đình mà lại có chí hướng học hành, nên vị bác sĩ đã ghi vào hồ sơ dòng chữ sức khoẻ bình thường, để anh không bị loại khỏi danh sách những người đi du học. Cho tới tận bây giờ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc vẫn rất ân hận đã không kịp hỏi kỹ danh tánh, nơi ở của vị ân nhân này. Bởi lúc đó, quá mừng vui cho công tác, ông chỉ kịp cám ơn rồi mau chóng rời khỏi phòng khám.


Ngọc lên đường sang Pháp tháng 10 năm 1955, để lại người vợ mới cưới ở Sài Gòn. Năm sau chị cũng sang Pháp và họ sinh một con trai năm 1956. Trình xong luận án Tiến sĩ Toán năm 1963, Ngọc tiếp tục hoạt động ở Tây Âu trong vỏ bọc Phó Giáo sư (Maître de Conférences). Năm 1964, sau khi Mỹ ném bom ở miền Bắc, Ngọc được lệnh chuẩn bị về miền Nam, sau khi đã làm việc với đồng chí Huỳnh Anh (tức Chín Huyết) ở Thụy Sĩ.


Nhưng từ Pháp, liên lạc với Ủy ban Thống Nhất ở Hà Nội, anh được lệnh tiếp tục ở lại Pháp cho đến khi nào có chỉ thi mới. Cuộc sống ở Pháp với anh cũng không dễ dàng. Sinh hoạt dè sẻn kiểu nhà nghèo, lại học một lúc nhiều chương trình, và đồng thời phải chữa bệnh lao, anh và vợ quyết định không sinh thêm con để mối lo gia đình không gây trở ngại cho công việc của anh.


Tháng 3 năm 1965, Mỹ chính thức đổ quân xuống Chu Lai – Quảng Nam. Ngọc nhận lệnh trở về gấp, vợ con đành để lại Pháp. Mồng 8 tháng 2 năm 1966, tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất sau mười một năm xa quê. Khi ra đi, anh là một thanh niên hăm ba tuổi, chưa có được bao nhiêu kinh nghiệm trong đời sống cũng như trong nghiệp vụ, thì nay anh đã là người đàn ông ba tư tuổi, với một vỏ bọc sang trọng và an toàn. Anh vẫn công tác ở Cục Phái Khiển, có giao liên đơn tuyến ra vùng giải phóng, tìm cách móc nối lại với các cơ sở cũ ở Huế.


Cuộc chiến đấu phía trước rất căng thẳng với sự tham chiến của Mỹ đang chờ anh.


Trở về với tư cách một trí thức khoa bảng được đào tạo ở Pháp, nhưng công việc không cho phép Nguyễn Đình Ngọc sống như tất cả những đồng nghiệp của mình. Anh phải có cách sống khác, thế nào để không tốn thời gian cho những quan hệ không cần thiết nhưng cũng không gây quá nhiều thắc mắc cho người chung quanh, nhất là hệ thống an ninh dày đặc của Sài Gòn.


Thế là ông tiến sĩ trẻ vào vai một người lập dị. Vẫn mang đúng lý lịch thật của mình là con liệt sĩ, ông thầy trẻ thường tự xưng mình là cán bộ giảng dạy thay vì giảng viên đại học, vẫn dùng nhiều từ ngữ của dân kháng chiến, cộng với kiểu ăn mặc, sinh hoạt, đi lại… không giống ai của Ngọc khiến người chung quanh hiểu là anh chơi ngông kiểu lập dị.


Họ hiểu anh là một dạng trí thức khuynh tả theo hướng trình diễn. Không ai biết rằng đi bộ là cách tốt nhất để tránh bị theo dõi, vì anh luôn đi ở chiều ngược, không xe cộ nào bám theo được.


Để hợp pháp hóa việc rất hay đi lại của mình, anh lại nhận dạy thêm ở nhiều trường đại học khắp các tỉnh thành miền Nam, khiến lịch làm việc càng căng thẳng.


Đúng vào lúc những chuẩn bị ban đầu cho trận Mậu Thân đang được tiến hành, tháng 3 năm 1967, tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc quyết định tập cho mình thói quen chỉ ăn một bữa tối mỗi ngày, để nạp đủ năng lượng mà làm việc, tránh lộ bí mật trên đường ban ngày nếu dừng lại ăn trưa. Thói quen này đã đã ở với anh suốt từ bấy đến nay, dù xã hội đã thực sự thay đổi và anh đã có một gia đình mới năm 1991.


Trận Mậu Thân khiến tất cả các trường đại học phải đóng cửa dài hạn. Chấm dứt Mậu Thân đợt hai, các trường đại học Sài Gòn mới mở cửa lại. Người ta lại thấy ông Tiến sĩ trẻ với tất cả những gì quen thuộc, anh vẫn đứng lớp một cách đầy trách nhiệm nhưng cũng đầy nghiêm khắc.


Rất nhỏ nhẹ, lịch thiệp, hầu như chưa từng to tiếng hay nóng giận, nhưng học trò anh không bao giờ được phép lơ là trong kiến thức và học tập. Vào thời kỳ mà chỉ cần thi rớt một chứng chỉ là nam sinh viên có thể bị động viên ra chiến trường, thầy Ngọc có đủ kiên nhẫn để chờ câu trả lời của học trò trong hàng mười lăm phút, cũng không cấm mang tài liệu vào phòng thi, nhưng để lấy được điểm, sinh viên phải có một tư duy rành rọt, sắc bén.


Anh quan niệm sinh viên khoa học phải thực sự nắm vững kiến thức và phải có khả năng tư duy tốt thì mới có thể tiếp tục công việc của nhà khoa học trong tương lai.


Không ai biết đồng thời với lịch làm việc rất căng ở nhiều trường, Ngọc đang nôn nóng tìm cách nối lại đường dây với cấp trên đã bị đứt sau trận Mậu Thân ở Huế. Ảnh hưởng của Mậu Thân còn kéo dài đến tận hai năm 1969, 1970. Những tổn thất thật nặng nề: bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Bao nhiêu cơ sở đã bị phá vỡ. Phải tìm cách móc nối lại để tiếp tục hoạt động.


Không còn chọn lựa nào khác, trước trận Mậu Thân đợt hai, Ngọc nhờ người bạn cùng trường tổ chức cho mình đi về căn cứ ở Cai Lậy, lấy cớ là đi chơi cho biết vùng giải phóng. Đến nơi, Ngọc lại tìm cách tiếp xúc riêng với một cán bộ trí vận, và sau khi đã kiểm tra để thấy có thể tin được thì tự bộc lộ nhân thân mình, đề nghị được giúp đỡ.


Người cán bộ không mấy tin vào những gì Ngọc nói nhưng vẫn làm đúng lời đã hứa với anh. Và cuối cùng, anh đã nhận được phản hồi : một cán bộ từ quân khu Chín lên Sài Gòn, tìm đến trường Khoa Học gặp anh. Sau khi kiểm tra tất cả những gì cần thiết, biết chắc đó là sĩ quan điệp báo Diệp Sơn, ông báo tin Ngọc đã được chuyển sang công tác ở Ban An ninh Miền.


Một trạm giao liên nhanh chóng được hình thành trên đường Phạm Viết Chánh, ngay bên hông Tổng Nha Cảnh Sát. Từ đây, tin tức sẽ được chuyển ra vùng ven, để sau đó được truyền ra Hà Nội, và từ Hà Nội lại vòng về Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam.


Tháng 9 năm 1969, sau cái tang của Bác Hồ, trong một phiên họp Hội đồng Giáo sư của Đại học Khoa Học, tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc bỗng đứng lên đề nghị mọi người dành một phút để mặc niệm Hồ Chủ tịch. Nhiều người trong Hội đồng không mặn mà gì với chính trị, nhưng trong lúc đầu óc vẫn còn phân vân chưa biết có nên nghe theo hay không, thì đôi chân họ lại như cái máy đứng lên với bao nhiêu người khác. Hành động công khai này của Ngọc cũng lại được đánh giá như một thái độ vô hại của anh trí thức thiên tả ngông nghênh.


Năm 1970, khi bộ máy kháng chiến của miền Nam còn chưa kịp phục hồi thì điều xấu nhất đe dọa xảy ra : cuộc tấn công quy mô vào Trung ương Cục Miền Nam đã được liên quân Mỹ - Sài Gòn hoạch định, với mục đích đánh tan bộ phận đầu não của Mặt Trận Giải Phóng và Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Lệnh trên yêu cầu Ngọc cung cấp chính xác ngày giờ và các mũi tấn công vào Trung ương Cục.


Mối liên hệ khắng khít với các sĩ quan cao cấp cả Mỹ lẫn Việt từng giúp Ngọc lấy được nhiều thông tin quan trọng để chuyển về R. Vẻ ngoài thờ ơ lơ đãng của anh khiến không ai nghi ngờ anh chàng khoa bảng lập dị ấy liên can gì đến các thứ tin tức chiến sự nóng bỏng.


Ngọc gấp rút tăng cường những cuộc đi lại, chuyện trò, bù khú với đám bè-bạn-bên-kia-chiến-tuyến. Và anh đã biết được điều cần biết, 72 tiếng trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Thời gian ấy đủ để Trung ương Cục chuyển tất cả mọi cơ quan, tài liệu trọng yếu khỏi địa bàn cũ, đốt bỏ tất cả những gì không chuyển đi kịp, chỉ để lại một đơn vị tác chiến duy nhất ở lại đón khách từ các đường dây không kịp nhận được thông tin.


Kế hoạch tổng tấn công vào Trung ương Cục tưởng sẽ nhổ bỏ tận gốc bộ máy đầu não của Việt Cộng rốt cuộc giống một cú đấm vào nước, chẳng đem lại bất cứ hiệu quả quân sự - chính trị nào, như Mỹ đã thú nhận trong bộ phim truyền hình “Việt Nam, một thiên lịch sử”. Điều này buộc bộ máy an ninh của Sài Gòn đặt một dấu hỏi lớn, và người bị tình nghi nhiều nhất chính là tiến sĩ Ngọc.


Sau ngày giải phóng, trong một lần khai cung với sĩ quan Việt Cộng Nguyễn Đình Ngọc, một sĩ quan cảnh sát đặc biệt người Nùng khét tiếng chống Cộng của Sài Gòn đã cho biết :

– Chúng tôi theo dõi giáo sư suốt ba năm, từ 1970 đến tận đầu 1974, nhưng theo hoài mà không khám phá được bất kỳ hành động khả nghi nào của giáo sư nên đành xếp hồ sơ lại.


– Đâu có gì ghê gớm. Nhờ kỷ luật chiến trường thôi. Kỷ luật quân đội chặt chẽ đã giúp chúng tôi không bị lộ. Chúng tôi luôn lường trước những tình huống xấu nhất và có sẵn các phương án dự phòng nên không bao giờ bị động. Chỉ một lần duy nhất tôi bị một sinh viên tình cờ nhìn thấy đang ngồi xe hơi với cán bộ cùng làm việc. Cậu ta đã khoe với tôi một cách hồn nhiên. Tôi đã rút kinh nghiệm, không để lặp lại lần thứ hai.


Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc nói về cả quá trình làm việc lâu dài của mình nghe cứ nhẹ như không. Một con người bằng cấp đầy mình giữa một xã hội rất coi trọng bằng cấp có thể hoàn toàn chẳng tơ màng tới các thứ quyền lợi, lẽ nào là một việc mà bất cứ ai cũng làm được một cách dễ dàng.


– Từng có những sinh viên đến tìm tôi đặt thẳng vấn đề : “ Thầy có thể tổ chức cho em đi vào chiến khu không ? ”. Tôi chỉ trả lời : “ Tôi là người đưa ra những kiến thức khoa học và cung cấp cho các anh chị cái nhìn chính xác để tiếp cận chân lý. Còn việc các anh vào chiến khu hay ở lại Sài Gòn không phải là chuyện của tôi ”. Tất nhiên tôi biết họ là nhân viên an ninh chìm khoác áo sinh viên, vì họ từng thi rớt nhiều năm nhưng không hề bị gọi đi lính, mà vẫn tiếp tục ở lại trường.


Vào chiến dịch Hồ Chí Minh, nhận được lệnh phải tổ chức làm binh biến, tránh đến tối đa việc đổ máu cho cả hai bên, tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc lại tìm đến ngủ đêm ở Bến Lức, nơi chuẩn tướng Nghiêm Văn Phú, hải quân phó đề đốc đóng quân. Giữa khuya, sau một hồi tâm sự, với tư cách bạn bè, Ngọc bộc lộ vai trò một Việt Cộng hoạt động đô thị, vận động tướng Phú tìm cách hạn chế thương vong cho thường dân và binh sĩ. Tướng Phú ban đầu còn ngần ngại nhưng sau khi nghe Ngọc phân tích và đạt được thỏa thuận, cuối cùng đã đồng ý, đưa cho ông những tần số bí mật để liên lạc vào giờ G.


Thế nhưng, buổi sáng 30 tháng 4, Ngọc bận bịu với một mũi công tác khác. Tàu của tướng Phú về đến bến Chương Dương thì bộ đội đã tiến vào đường Cường Để. Khi nghe tiếng người gọi máy không phải là tiếng Ngọc, tướng Phú đã từ bỏ các cam kết, nhập vào dòng quân di tản.


Khi Ngọc từ Sài Gòn quay về Thủ Đức, bàn đạp của đơn vị điệp báo, chỉ có duy nhất một mình anh băng băng đi bộ ngược dòng người đang cuồn cuộn đổ ra khỏi thành phố bằng đủ loại phương tiện. Anh đi qua cầu Rạch Chiếc, nhìn thấy bộ đội đang triển khai trận chiến bảo vệ từ dưới chân cầu. Không hiểu trong dòng người đen đặc vũ trang tận răng ấy có ai để ý đến cái bóng người lầm lũi một mình trên cầu kia không. Chỉ cần một phát súng cảnh giác của một người lính trẻ nào đó thì người đồng đội bí mật của họ có thể đã chẳng bao giờ có cơ hội nhìn thấy đất nước liền một dải.


Ngày 4 tháng 5, giao liên gọi Ngọc về, cho biết tin Ban An ninh Trung Ương Cục đã giải thể, việc của tướng Phú anh phải chuyển giao cho bộ phận binh vận. Thế là Ngọc lại tiếp tục đóng vai một trí thức lưu dụng, cũng đi học chính trị như tất cả mọi người và làm tất cả những gì mà giảng viên đại học nào cũng phải trải qua.


Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc lại tiếp tục cầm phấn trên bục giảng. Cho dù, tháng 8 năm 1975, Cố Bộ trường Trần Quốc Hoàn đã từ Hà Nội vào Sài Gòn gặp anh, để được tận mặt một đồng chí kiên trung cách mạng mang bí danh Diệp Sơn. Trong khi đó, ngoài đường phố, lớp lớp sinh viên đang hừng hực hào khí trên một đất nước vừa được thống nhất sau mấy mươi năm chiến tranh dằng dặc với bao đau thương mất mát. 


Phải đến năm 1977, khi những giấy tờ chính thức về công tác của tiến sĩ Ngọc được gửi đến ban lãnh đạo Đại học Khoa Học, cả thầy và trò mới tròn mắt lên nhìn anh chàng lập dị ngày nào, và đều ngạc nhiên sao mọi việc anh làm hiển nhiên đến thế mà chẳng ai trong họ nghĩ ra.


ndn


Sau hai mươi ba năm hoạt động đơn tuyến, lần đầu tiên tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc không còn buộc phải mà đóng vai mà được trở về với con người thật của mình : đó là một người lính giản dị, khiêm tốn, không hề có chút gì là lập dị. Cũng lần đầu tiên, ông Ngọc được gặp đầy đủ những đồng đội trong cùng công tác, tất cả hơn bảy mươi người, trong đơn vị có bí số N5146-S60. Ông được nhận quân hàm thiếu tá. 


Tháng 8 năm 1977, tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc được rút ra Hà Nội. Lần đầu tiên ông được ăn chén cơm nóng mẹ nấu cho sau mấy mươi năm cách trở. Năm 1985, ông được phong quân hàm đại tá và đến 1994 được phong thiếu tướng, là Cục trưởng Cục Khoa học - Viễn thông - Tin học của Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công An.


Giờ đây, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm việc ở Đại học Thăng Long, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam. Ông lại tiếp tục sống một mình, bởi vợ ông, tiến sĩ toán học Trương Mỹ Dung, vẫn đang làm việc tại Sài Gòn trong cương vị Phó Trưởng khoa Công nghệ - Thông tin của Đại học Khoa Học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.


– Cái gì đã giúp ông trở thành một con người như thế : khi là học trò ông đã học hành rất nghiêm túc, và khi làm thầy ông lại càng nghiêm túc hơn nữa ?

– Đó chính là kỷ luật của người lính. Tôi luôn tâm niệm một điều : làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến danh dự của tổ chức, nghĩ đến lúc có thể bị bại lộ, bị bắt. Khi đó, mọi người sẽ nhìn nhận mình theo tất cả những gì mình đã làm. Nếu mình làm tốt, người ta sẽ nghĩ : anh chàng Việt Cộng này là một người tử tế. Nếu mình làm không tốt, người ta có quyền nghĩ ngược lại. Uy tín của cá nhân mình sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả tổ chức.


– Suy nghĩ nào giúp ông toàn tâm toàn ý với lý tưởng suốt một thời gian dài, giữa một thành phố và môi trưởng mà lẽ ra ông được ưu đãi cao nhất ?

– Đó là câu nói hôm tiễn tôi lên đường của đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu, giám đốc công an Liên khu Bốn : Tổ quốc không bao giờ mặc cả với những đứa con yêu của mình. Tổ quốc đã không từ chối mình bất cứ điều gì thì mình làm sao có thể từ chối tổ quốc điều gì, khi được gọi đến !


Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc lại tiếp tục sống như một người lính trước đây (*), vẫn chỉ ăn một bữa tối mỗi ngày và mặc bộ quân phục giản dị. Về công việc, xem như ông đã đi trọn con đường không đơn giản của mình. Còn về con người, dường như ông là một trong những con người thanh thản nhất trong cái xã hội đang khó bề thanh thản của chúng ta.


Ngô Thị Kim Cúc


(*) Chú thích của Diễn Đàn : Nguyễn Đình Ngọc đã từ trần ngày 2.5.2006, thọ 74 tuổi. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết của nhà toán học Bùi Trọng Liễu : Cố nhân (Diễn Đàn, 1.9.2006).

NGUỒN : Bài do tác giả gửi cho Diễn Đàn.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us