Danielle Mitterrand, người kháng chiến
Chân dung một người kháng chiến
Danielle Mitterrand
(1924-2011)
Bà Danielle Mitterrand (nhũ danh
Danielle Émilienne Isabelle Gouze), quả phụ tổng thống Pháp François
Mitterrand, đã từ trần ngày 22.11.2011 tại Paris, thọ 87 tuổi.
Danielle Gouze sinh năm 1924 tại
Verdun, trong một gia đình nhà giáo (mẹ là giáo viên, cha là hiệu
trưởng trung học cấp 1). Cha
mẹ thuộc khuynh hướng tiến bộ trong đảng xã hội SFIO : năm 1940, thân
sinh của bà, ông Antoine Gouze đã bị cách chức vì không chịu cung cấp
cho chính quyền Pétain danh sách các học sinh và giáo viên người Do
Thái. Ngay từ đầu, gia đình Gouze đã tham gia kháng chiến bằng
cách nuôi giấu những thủ lĩnh kháng chiến. Cô nữ sinh Danielle Gouze,
đỗ tú tài năm 17 tuổi, đã đi làm giao liên. Trong một chuyến làm giao
liên như vậy, Danielle đóng vai người yêu của một cán bộ kháng chiến,
François Morland (bí danh của ông Mitterrand). Từ đóng kịch thành sự
thật, họ đã kết hôn ngay sau ngày nước Pháp giải phóng, cuối năm 1944.
So với các "đệ nhất phu nhân" của nền
đệ ngũ Cộng hòa Pháp, từ bà Yvonne de Gaulle đến cô ca sĩ Carla Sarkozy
Bruni hiện nay, Danielle Mitterrand nổi bật như một nhân vật độc đáo,
độc lập, tự do, trong sáng, nhất quán và tình nghĩa. Ngay từ những ngày
đầu ở cung Elysée, bà đã an nhiên khẳng định mình sẽ không bao giờ làm
"chậu kiểng". Không phải là bà trốn tránh trách nhiệm vai trò của phu
nhân tổng thống : thực ra, bà đã "đảm nhiệm điều tối thiểu cần thiết",
và hơn thế nữa, đã chăm lo cả vườn tược, trang hoàng nội thất cung
Elysée và tin học hóa hệ thống thư từ của phủ tổng thống. Nhưng khác
với các phu nhân kia chỉ lập ra Quỹ từ thiện hay ủng hộ nghệ thuật,
"làm đẹp" cho sự nghiệp chính trị của phu quân, Quỹ France Libertés (năm nay vừa tròn
25 năm) đã hoạt động không ngừng nghỉ khắp năm châu cho các quyền con
người, chủ quyền dân tộc, các quyền dân sinh, từ bảo vệ quyền tự do cho
tù nhân chính trị (tù nhân Chile, Dương Thu Hương khi nhà văn bị bắt
giam năm 1991 (1)...), ủng hộ chủ quyền cho dân tộc Sahraoui chống lại
quân quyền Maroc, cho dân tộc Kurd chống chính quyền Irak, Thổ Nhĩ
Kỳ... cũng như quyền có nước uống cho nhân dân thế giới thứ ba. Trong
suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của ông F. Mitterrand (1981-1995), hành
động và lời nói của bà D. Mitterrand đã hơn một lần gây khó khăn cho
chính sách ngoại giao của chính quyền Pháp (tả cũng như hữu). Nhưng
ngược lại, cũng có thể nói là nhờ đó mà danh dự của nước Pháp được vớt
vát trong khi ngoại giao của Nhà nước sa đà vào những thỏa hiệp không
mấy chính đáng (2).
Sự thực là xuyên suốt cuộc đời của mình (không kể những giai thoại thưở nhỏ ở trường tiểu học), Danielle Mitterrand, từ tuổi 17 cho đến giờ phút cuối cùng, là một người kháng chiến. Kháng chiến chống lại xâm lăng, áp bức, bất công, kháng chiến để góp phần dựng xây một thế giới công bằng và hòa bình. Hành trình của bà gợi nhớ tới một tấm gương sáng của kháng chiến Pháp : bà Lucie Aubrac và ông Stéphane Hessel, tác giả hai áng văn nổi tiếng : Indignez-vous ! và Engagez-vous !, nguồn cảm hứng cho phong trào "Những người phẫn nộ" ở Madrid, Athènes, và phong trào "Chiếm Phố Wall" đang từ Mỹ lan ra nhiều nước. Lucie sinh thời thường nói : "Động từ résister (kháng chiến) là động từ luôn luôn chia ở thì hiện tại (se conjugue au présent)". Danielle Mitterrand kết hợp hai động từ kháng chiến (résister) và xây dựng (construire). Bà nói : "Chúng ta hay cùng nhau chia hai động từ ấy ở thì tương lai (Ensemble conjuguons ces deux verbes au futur)".
Nguyễn Ngọc Giao
(1) Đi thăm Việt Nam trong cương vị chủ tịch Quỹ France Libertés trong mùa hè 1991, khi Dương Thu Hương bị bắt giam, bà Mitterrand đã lên tiếng, ngay tại Hà Nội, đòi trả tự do cho nhà văn. Tuyên bố của bà và phản ứng của dư luận Pháp (một bản kiến nghị đã thu được hàng trăm chữ ký của trí thức và nhân vật Pháp) đã buộc chính quyền Pháp lên tiếng. Nhân đây, cũng xin bác bỏ tin đồn theo đó D. Mitterrand đã "mua" tự do cho nhà văn bằng mấy chục triệu đô la (viện trợ ?). Trước tiên, France Libertés không "giàu" tới mức đó. Hai nữa, đó không phải là phong cách của con người khảng khái đó. Tự do, đối với bà, không thể là món hàng mua bằng tiền.
(2) Một trong những cử chỉ của
bà D. Mitterrand đã gây sóng gió trong chính giới Pháp (từ tả sang hữu)
là ôm
hôn Fidel Castro (tháng 3.1995 tại cung Marigny, nhà quốc khách
Paris). Người ta có thể tiếc rằng bà chưa hề công khai phê phán những
sai trái của Fidel và chính quyền Cuba, nhưng hành động của bà trước
hết nói lên sự đoàn kết với một cuộc cách mạng đã bị các chính quyền Mỹ
(từ Eisenhower cho đến Bush) tìm mọi cách lật đổ (không đếm hết những
âm mưu ám sát Fidel Castro của cục tình báo CIA). Tình nghĩa của
Danielle Mitterrand đối với lãnh tụ Cuba giống như tình nghĩa của những
người dân chủ và tiến bộ ở toàn Châu Mĩ Latinh, mặc dầu họ không tán
thành chính sách đàn áp của La Havanna.
Các thao tác trên Tài liệu