Diệu Phương – Một cành mai khôi
Tưởng nhớ Diệu Phương (1943-2020)
Diệu Phương – Một cành mai khôi
Thái Kim Lan
KSTS Hồ Thị Diệu Phương, Pháp danh Tịnh Bửu, sinh ngày 12/4/1943, mất ngày 05/08/2020
Trung học Đồng Khánh Quốc Học – Du học và tốt nghiệp ở Quebec- Canada.
Tin từ Kim Sa, ngắn ngủi bàng hoàng “Diệu Phương đi rồi”, – bỗng từ đâu đó trong cơ thể mình dồn lên một thứ nghẹn, – không dữ dội như khi nghe chị Ngọc Lan của mình mất – nhưng đủ để tâm và xác cùng lúc nôn nao một thứ quặn đắng ngộp thở làm cho nước mắt dồn lên mi, bốn chữ ấy như một vết dao cắt đứt sợi dây đang luân lưu trong ký ức giữa bạn và mình – đau, làm nước mắt ứa ra. Diệu Phương đi rồi !
Mi ơi, mi đi, – vẫn biết đã đi cả đời người và xa nhau cũng hơn nửa đời người, nhưng mi vẫn còn đó trong ký ức sâu thẳm thời hoa niên – chừ đi vĩnh viễn, đi hẳn rồi – mi không còn đứng ở nơi đó nữa, không còn ngồi ở đó, mi bỏ đi, bỏ chỗ ngồi nơi ấy đã in sâu trong ký ức của tau đã hơn 60 năm.
Hồi ấy, xôn xao nữ sinh áo trắng nơi ngôi trường màu hồng với hai dãy lớp học bao quanh sân trường ngăn nắp lối đi giữa những bãi cỏ xanh và dưới tàn những gốc phượng tháng năm đỏ rực mùa thi, những cô học trò tuổi 12, 13, 14, 15, 16 được vào học trường Đồng Khánh, cắp sách ngày hai buổi đến trường, áo trắng vải quyến (coton) và tóc đen mượt xõa bờ vai, bốn mùa nón lá che mưa nắng, nền nếp, trang trọng và ngây thơ, đều đặn tháng tháng năm năm...
Mỗi ngày như thế, hàng nghìn áo trắng từ khắp nẻo đường của Huế thấp thoáng gần xa như một bức tranh bướm trắng in khảm trên nền đất kinh đô thành một bức tranh diễm tuyệt mà người Huế thời ấy đã khắc ghi trong hồn, về sau mỗi khi nhớ về vẫn còn ngẩn ngơ tưởng đã mơ… một giấc mơ rất thật.
“Một
lần tôi đứng ngắm xôn xao rất nhiều lời
Một
loài chim mới đến
Vui
như nắng ban mai
Hãy
về đi, hãy về đi..”
Trong hàng nghìn bay bay tà áo ấy, từ đệ thất đến đệ nhị, có một tà áo vải phin trắng quấn theo bước chân người con gái đến trường đang bay trong gió khi ngừng chân nghỉ trên cầu Trường Tiền, khuôn mặt thanh tú diễm lệ như hoa lê buổi sáng, cười khi thấy tôi bỏ pê-đan xe đạp, rà chân chậm lại, với cánh tay bạn đang ôm cặp sách, làm nghiêng dáng người thanh, mảnh khảnh như cành mai chao động trong gió sớm, vẻ nghiêng cho thấy rõ hơn dưới vành nón nụ cười sáng với nét môi hồng thanh và hàm răng ngọc, mắt đen huyền lấp lánh : LÀ DIỆU PHƯƠNG !
Mà tôi vẫn còn giữ nguyên trong ký ức thị giác của mình ngày ấy.
Dạo ấy hàng ngày chúng tôi thường đi với cùng nhau một quãng đường ngắn, đứa đi bộ, đứa đi xe đạp, từ hai ngả cùng về một hướng, Diệu Phương từ sau chùa Diệu Đế, tôi với chị Ngọc Lan từ dưới Hàng Đường (nay là Bạch Đằng) lên. Hình như suốt thời đi học, Diệu Phương không bao giờ đi xe đạp vì không biết đạp xe – đúng nết con gái nhà lành, kín cổng cao tường thời ấy – mà thường đi bộ đến trường mùa nắng, đi xe buýt mùa mưa. Diệu Phương đi bộ giỏi như những người Huế thời xưa, nên đi rất sớm, còn tôi thì đi xe đạp trễ hơn – mà lại hay đi trễ – nên thường đạp đến kịp lúc bạn đến cầu Trường Tiền, hoặc ngang Morin, hay ngang chặng bến đò Thừa Phủ, tùy độ chậm mau của xe đạp.
Đến những chặng đường ấy, học trò hai trường Quốc Học Đồng Khánh đã dồn về tấp nập, cả bọn nữ sinh con gái thường đi nhóm ba nhóm năm trên lề đường đi bộ, còn tôi muốn theo bạn nhiều khi đạp xe chậm chậm rà theo. Cảnh đường Lê Lợi rộn lên tiếng guốc trên vỉa hè sinh động, tưởng như cả thành phố đều đi học và náo nức đến trường. Và chắc chắn trên đoạn đường ấy biết bao đôi mắt si tình, ngưỡng mộ đổ dồn về cô gái có dáng thanh gầy, khuôn mặt trái xoan, đẹp hồn nhiên như một búp sen trắng vừa hé nở : DIỆU PHƯƠNG !
Tôi vẫn còn nhớ anh tôi, cũng trong nhóm những người anh có em gái có bạn gái học chung lớp xinh đẹp, thường lấy cớ theo em để có dịp ngắm người đẹp gần hơn một chút, và anh đã chụp những tấm ảnh khi Diệu Phương cùng với bạn đi qua cầu Trường Tiền, áo trắng bay trong nắng, nón lá che một phần đôi vai gầy, mắt to tròn thơ ngây ngước lên, tóc đen ôm khuôn mặt trái xoan, nụ cười như hoa trong nắng và “ nắng trong nụ cười ” – tấm ảnh ấy nay không còn, nhưng tôi thì nhớ mãi, vì ít có tấm ảnh đen trắng nào chụp được vẻ hồn nhiên trắng trong của một thiếu nữ nhan như ngọc với chất Huế trong veo như thế, đẹp như cổ thi ! Cái nhìn chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong nắng của người nghệ sĩ thu được hồn cốt Huế ngay nơi giọt nắng ban mai rơi trên vai gầy, để về sau Trịnh Công Sơn đã hát cơn nắng ấy :
Gọi
nắng trên vai em gầy
Đường
xa áo bay...
Những ngày thơ dại ấy nhớ lại mà thương, những người anh lẽo đẽo ấy có bao giờ đến gần được người đẹp đâu, có chăng họ gửi nắng lên đôi vai thanh gầy ấy, cầu cho hoa trắng bay vờn quanh áo trắng ấy và xin đứng xa thật xa, gửi nắng cài lên tóc ai… và được chụp hình người đẹp là may mắn lắm. Người đẹp vẫn xa vời vợi trong cơn mê dài ấy thôi…
Từ khi bước vào trường Đồng Khánh, Diệu Phương đã nổi tiếng là hoa khôi của trường, nhất là trong những buổi văn nghệ có màn hóa trang mang y phục truyền thống của các nước châu Á, khi cô Thu giáo sư trưởng ban văn nghệ của trường, chọn các nữ sinh đóng vai hóa trang, lũ học trò như sốt loạn, chen nhau xem người đẹp Diệu Phương nổi bật trong chiếc sari Ấn Độ, được cả trường ca ngợi, nhưng Diệu Phương không bao giờ tỏ ý kiêu ngạo hay làm cao, mà ngược lại rất nhu mì tự nhiên và nhất là rất chăm học và học giỏi.
Cũng vì thế mà chúng tôi gần nhau. Sau khi đậu bằng thành chung, lên lớp đệ tam, học sinh chọn môn học chính để chuẩn bị hai năm sau thi tú tài bán phần, tôi đã chọn môn toán và tình cờ được phân cùng một lớp với Diệu Phương, vì Diệu Phương cũng chọn toán làm môn chính. Hôm đầu tiên vào lớp, thường mấy chị cao lớn và lớn tuổi hơn hay chọn những dãy ghế về sau, gọi là để tránh “ mặt trời ” (các Thầy, Cô), chúng tôi nhỏ nhắn bị đẩy ra phía trước, rốt cục ngồi hàng đầu, lại bên cạnh nhau... Năm đệ tam tôi ngồi ngoài còn Diệu Phương ngồi thứ hai bên tay mặt, năm đệ nhị đổi lại Diệu Phương ngồi ngoài tôi ngồi thứ hai. (Xin thành kính cám ơn Thầy Phạm Kim Âu đã ra lệnh học trò mỗi lớp phải nộp một ảnh nhỏ để thầy dán lên trang giấy ghi chỗ ngồi của từng học sinh.)
Lớp Đệ nhị B Đồng Khánh (thầy Phạm Kim Âu) :
hàng đầu, từ trái sang, thứ 5 : Diệu Phương, thứ 6 : Kim Lan
Không kể những niên học trước đã thường gặp nhau trong sân trường, suốt hai năm học, hai lần 9 tháng ngồi kề bên nhau, mỗi ngày 8 tiếng, so với đời người thì ngắn, so với tuổi hoa niên thì đủ dài để thiết thân. Hàng ngày gặp nhau, chia nhau trái quýt, trái ổi, múi thanh trà, chia nhau cả hai mùa mưa nắng, chia nhau những tâm sự thổn thức học trò. Đến nay nhớ về như còn nghe hơi thở của bạn bên cạnh mình, trong những giờ gay go giải toán, hay trong những lúc cười vui. Chúng tôi giống nhau ở điểm, bài càng khó càng hứng thú, càng say sưa giải. Và bất ngờ lại giống nhau, mỗi khi cả lớp run sợ trước đề thi, nhìn nhau thấy đứa tê run, tái mặt rồi bật cười, và sau khi cười, lấy lại bình tĩnh, vùi đầu viết bài một mạch.
Diệu Phương học giỏi, giải toán nhanh, học bài chăm chỉ, “ gạo bài ” thứ dữ !
Khác với những người đẹp hay thích bề ngoài, khác với những đứa con được nuông chiều, dù được cha mẹ thương yêu chiều chuộng nhất, Diệu Phương không vì thế mà xao lãng việc học, rất ham học và đặt lý tưởng học cho cả quãng đời niên thiếu, cho nên giỏi đều các môn... Chim có đàn cùng hót, ngựa có bạn cùng đua, thời đi học ấy, không những hai đứa mà tất cả các bạn cùng lớp cùng đua nhau, ganh đua mà không ganh tị, thường gặp nhau khi ở Tô Hiến Thành khi ở Hàng Đường, để làm toán, kiểm tra bài cho nhau, luyện cho nhau bài tập trước những tam cá nguyệt, học với nhau và khuyến khích nhau chứ không phải như tình trạng phải đi học làm ngu thêm hiện nay với cô giáo hay thầy giáo của mình.
Sao thời ấy chỉ tuyền là học ? Tinh chất là học hỏi ! Hình như học làm cho tuổi trẻ thương nhau hơn trên ghế nhà trường ? Thương nhau vì tài, trọng nhau vì nết, và lắm khi còn yêu nhau, thứ tình yêu học trò trong veo :
Một
đàn chim rất trắng
Trong
sân đứng xinh tươi
Một
loài chim mới đến
Vui
như nắng ban mai
Em là
ai ...
Dạo ấy học trò con gái thường mê nhau, những người đẹp thường có fans là mấy em lớp dưới, thần tượng các chị. Dạo ấy lũ học trò có mốt rủ nhau đi tìm người đẹp, mốt đặt tên cho thần tượng của mình bằng tên của minh tinh màn bạc Âu Mỹ được phổ biến. Diệu Phương được mệnh danh là Elizabeth Taylor, và còn những ai khác, Greta Garbo, chị Thu Sương, Debbie Reynolds Như Ngân, Olivia de Havilland Ngọc Lan, Audrey Hepburn ... ngây thơ và dễ thương chi lạ - nói theo Huế - thiệt tội rứa tê !
Thời ấy đam mê của tôi là đọc sách nên chẳng màng tới chuyện phan phúng (fan), nhưng hình như chính mình cũng thấy có chút chi mê người bạn ngồi bên gần gũi tấc gang. Trong giờ học, trên chiếc ghế dài có năm chỗ ngồi, nên thật sát nhau. Có khi tóc dài quấn quýt trộn lẫn với nhau, có khi thấy giọt mồ hôi lăn bên thái dương của bạn rõ mồn một, có khi thấy hàng mi của bạn cong vút tự nhiên đến lạ thường, có khi nhìn nghiêng sang thấy profil của bạn thật thanh thoát, và đôi mắt ấy, nụ cười ấy, làn da sáng như ngọc ấy, nhìn thật gần thật kỹ, bỗng thấy rung động con tim.
“ Dù
ngày mưa hay nắng
Bông
hoa vẫn là người ”
Có khi tay bạn nắm tay mình, có khi ôm nhau cười rũ rượi, có khi chen vai xếp hàng đứa trước đứa sau, có khi vạt áo đứa ni chằng áo đứa tê, có khi trộm ngắm bờ lưng gầy của bạn mới thấy vẻ “ mình hạc xương mai ” của thiếu nữ trong tranh “ mai cốt cách ”, mới khám phá chiếc áo dài bằng vải phin trắng nõn khác hơn áo mình.
Bộ áo học trò con gái thời ấy gồm áo dài không chít eo bằng vải quyến dày chuốt mịn, áo lót tay cánh, không có áo nịt ngực, quần đồng vải với áo, ống rộng thẳng xuống chân. Chiếc áo dài vải phin của bạn làm cho bạn ẻo lả hơn, con gái hơn, còn tôi thì như con nộm trong chiếc áo vải quyến may rộng sột soạt vụng về lại thành con nít hơn. Cái áo cụt, bạn mặc được mẹ và chị hướng dẫn may rất khéo gài nút bên hông tay trái ngược với bên hàng nút áo dài được may tỉ mỉ bằng loại vải phin dày hơn, – tôi nhớ thấy bạn mặc đầu tiên – còn tôi thì áo cụt tròng cổ nên không có eo, mặc ngoài áo dài lùng bùng, hóa ra áo cụt may sát người làm cho chiếc áo dài càng uyển chuyển, làm dáng bạn gầy cao quý, nổi bật một cách kín đáo hơn. Mỗi lần bạn tiễn mình ra cổng, đứng dưới giàn hoa giấy rực rỡ màu hồng, dáng bạn thanh thanh trong bộ áo tay cụt quần rộng, mái tóc đen bồng bềnh, cốt cách vừa diễm kiều vừa thanh thoát, lại bồi hồi cảm xúc một thứ tình con gái với nhau…
Sau khi đậu Tú Tài phần I, sang lớp đệ nhất, Diệu Phương chọn ban A còn tôi thì qua ban C mặc dù đã giải toán và lý hoá rất thành công nhưng môn triết đã hấp dẫn tôi từ thuở ham đọc sách, mà chỉ được dạy trong chương trình Tú Tài hai. Hết Tú Tài hai, Diệu Phương đi du học Canada còn tôi du học Đức mấy năm sau. Vậy là Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần, từ đó mất liên lạc gần hơn 50 năm giữa những khúc đoạn trường, bão táp với thời cuộc Việt Nam, đòi đoạn từng cơn.
Mỗi khi trở về Huế nhìn mưa nắng lắm lúc ngậm ngùi.
Đôi
khi nắng trên phố xưa làm tôi nhớ
Đôi khi có mưa giữa
khuya hồn tôi bỗng vu vơ…
Đôi
khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ
Đôi
khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô…
Lần
cuối, sau hơn 50 năm, gặp lại Diệu Phương khi bạn về
thăm Huế cùng phu quân, gặp nhau thật quá đỗi mừng.
Nàng Elizabeth Taylor thời ấy nay đã trở thành một mệnh
phụ phu nhân, đã thành đạt trong nghề nghiệp, đã tìm
được người tri kỷ tri âm, đã là một cây cù mộc với
một sân quế hoè, con cháu hạnh phúc, đã là một nhà từ
tâm và một Phật tử thuần thành. Phu quân là người
gương mẫu lại còn là hồng nhan tri kỷ cho đến lúc bạc
đầu, tâm đầu ý hiệp cùng nhau học Phật cùng nhau thực
hành hạnh Bồ Tát cho đời. Nhìn vào như nhìn một viên
ngọc toàn bích !
Thế hệ tôi, người đạt được công thanh danh toại như Diệu Phương, chẳng thua đám mày râu. Nơi Diệu Phương, hồng nhan không bạc mệnh, không đa truân, ngược lại Diệu Phương biểu hiện sự hài hòa giữa Tài-Sắc, ấy chính nhờ trí tuệ và đức hạnh mà bạn đã có được từ khi sinh ra, được nuôi dưỡng từ trong gia đình nền nếp, được trau giồi nơi trường học. Chính trí tuệ, thông minh và đức hạnh trong sáng đã tỏa hương, làm cho đóa hoa Diệu Phương thơm ngát ngàn phương.
Lần
ấy đôi lần muốn nói chuyện với bạn lâu hơn về kỷ
niệm học trò, về thuở cùng ngồi chung lớp, chung bàn
nhưng lại không có dịp, tự nhủ lần sau...
Lần ấy muốn nói với bạn rằng, bao nhiêu kỷ
niệm, hoài niệm ấy in sâu trong lòng, đã trở nên một
phần hiện sinh của đời người, chôn chặt trong vô
thức, dù bôn ba xuôi ngược, vẫn còn như in. Tin bạn mất
nghe như mình cũng mất một phần nào mảnh đời niên
thiếu rất riêng rất quý của chính mình. Phần riêng ấy
giờ đây thêm một lần quá khứ pha lẫn chút đau chút
nhớ chút mất chút còn. Phần buồn xin giải. Phần vui
được biết mình lại gặp nhau, không lời không tiếng,
nơi cửa Phật Tâm.
Cùng nhớ nhau nơi mỗi một niệm Phật là tìm được thấy được nhau như một lần đã gặp nơi tuổi “ mười sáu xanh cho mọi người ”, nơi cuộc tìm nhau một lần tôi đã gặp.
Tìm
em tôi tìm
Mình
hạc xương mai
Tìm
trên non ngàn
Một
cành mai khôi.
Diệu Phương chính là CÀNH MAI KHÔI, thuở ấy và mai sau, nơi chốn vô sanh.
Thái Kim Lan cẩn bái
Huế Mùa Ngâu
15/08/2020
Các thao tác trên Tài liệu