Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Đôi lời tri ơn giáo sư Nguyễn Thế Anh

Đôi lời tri ơn giáo sư Nguyễn Thế Anh

- Pascal Bourdeaux/Hậu Hiền — published 25/03/2023 10:13, cập nhật lần cuối 25/03/2023 10:13

Đôi lời tri ơn giáo sư Nguyễn Thế Anh 


Pascal Bourdeaux

(Bản dịch của Hậu Hiền)


Chính trong lúc đi đến buổi trình diễn kịch Nô hôm chủ nhật 19/3 mà tôi được tin giáo sư Nguyễn Thế Anh từ trần ngay sáng hôm đó. Choáng váng bởi tin buồn, đầu óc đang miên man hồi tưởng về những kỷ niệm lúc xưa với Thầy, thì tôi đọc thấy mấy dòng chữ giới thiệu buổi trình diễn ở nhà hát kịch Cartoucherie de Vincennes, gần Paris, như là « một lời tri ơn đến các bậc thầy và các nguồn gốc của mỗi chúng ta ». Tôi cảm thấy đây dường như là chính tâm trạng của tôi lúc đó.

Trong buổi trình diễn, tôi bị lôi cuốn bởi sự hòa đồng giữa sự tinh tế của các động tác, tiếng hát, sự uyển chuyển của áo kimono, ánh nhìn sâu sắc của các nghệ sĩ và tiếng trống vang động, các mặt nạ có sức biểu hiện mạnh mẽ, và những lời thơ bay bổng. Trong lúc trên sân khấu đang diễn ra một sự hòa hợp thầm kín giữa con người và thiên nhiên, giữa đạo lý và thi ca, tôi không ngừng liên tưởng đến tất cả những gì chúng tôi, sinh viên và người dự thính, học được ở xê mi na EPHE có nhiều phần nghi thức, nơi một người thầy hướng dẫn luận án nghiêm khắc, cẩn trọng, một người hướng dẫn luôn luôn tử tế, dành nhiều tình cảm cho những ai quan tâm đến Việt Nam và Đông Nam Á.

Không chỉ là người thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ, Thầy Anh còn truyền cho sinh viên nhiều thứ khác. Thầy dạy sinh viên nhiều kỹ năng để quan sát và hiểu biết Á Châu. Quan trọng hơn, Thầy trao cho sinh viên những chìa khóa ; chìa khóa để học hỏi trong sự khiêm nhường ; chìa khóa để giải mã tinh thần nhân bản của các xã hội đóng khung trong lễ giáo Khổng Mạnh ; chìa khóa để thấu hiểu lòng từ bi của đạo Phật, sự tương đối của kiếp người, giúp mọi người có cách sống trong hiện tại. Ở Đông Nam Á, ở Việt Nam, qua các những cách nhìn thế giới đó, Thầy khuyến khích sinh viên nhìn lại từ các sự kiện văn minh ần kín nhất cho đến sự kiện lịch sử cận đại. Tất cả những cái đó, Thầy Anh truyền lại với một sự pha trộn tế nhị giữa uyên bác cổ điển và hiện đại, sự đối thoại giữa các văn hóa, bằng cách noi gương, bất thuyết (non-dit) trong xê mi na, trong trao đổi thư từ chung và riêng.

Là người hướng dẫn tử tế, rộng lượng, tình cảm, Thầy luôn luôn giúp sinh viên biết điều tiết công sức của mình trong công việc nghiên cứu, không bao giờ quên lãng những điều cốt yếu, biết cách biểu hiện các sắc thái khác nhau (nuances), và giữ được sự trung thực trí thức.

Đồng nghiệp, Thầy muốn coi chúng tôi như đồng nghiệp khi một số học trò của Thầy trở thành giảng viên kiêm nhà nghiên cứu. Nhưng cho tới bây giờ, lòng kính trọng tự nhiên mà chúng tôi luôn luôn dành cho Thầy không thể nào làm thay đổi được quan hệ nền móng sâu thẳm giữa thầy và trò.

Nhưng lại trên một bình diện khác mà người thầy kính yêu của chúng tôi đã thành công vượt bực khi đã « áp đặt » quan hệ bình đẳng với chúng tôi, mà không phải loại quan hệ tầm thường, đó là tình bạn. Một tình bạn có được sau rất nhiều năm đồng hành. Một tình bạn kín đáo. Một tình bạn chân thành. Có một điều chắc chắn, đó là món quà đẹp nhất mà Thầy đã trao tặng cho chúng tôi, những sinh viên của Thầy.

Thầy kính mến, học trò của thầy đã mất đi một người thầy, chúng tôi mất đi một người bạn. Tất cả chúng tôi đồng lòng bầy tỏ lòng biết ơn với một người thầy có lòng nhân đạo sâu sắc. Chúng tôi luôn ghi nhớ trong lòng những khoảnh khắc hạnh phúc và chia sẻ ; chúng tôi khắc sâu trong trí óc chân trời thầy đã chỉ dẫn ; trên hết, chúng tôi giữ nguyên vẹn tất cả lòng thủy chung đối với Thầy.


20/3/2023

Pascal Bourdeaux

Cựu sinh viên trường EPHE Paris (Trường Cao Học Thực Hành),
Phó Giáo Sư trường EPHE thành viên nhóm GSRL (Nhóm Xã Hội Tôn Giáo Thế Tục) của EPHE (UMR 8582 EPHE-CNRS)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss