Dũng Mẹ
Vĩnh biệt Ngô Tấn Dũng
Dũng Mẹ
(23.9. 1949 – 02.9.2022)
Đêm mồng hai tháng chín Dũng Mẹ, người bạn thân thiết và mến yêu của rất nhiều anh chị em chúng tôi ở Đức, cũng như của nhiều anh chị, bạn bè ở Việt Nam, Paris... đã từ giã cõi tạm về chốn vĩnh hằng. Dũng không mất bất ngờ mà đã phải trải qua suốt hai tháng nằm trong tình trạng hôn mê nhân tạo ở bệnh viện, sau một thời gian dài yếu sức, cơ thể suy nhược, sức tàn lực kiệt. Dũng ra đi trong một giấc ngủ triền miên, mà gia đình và bạn bè có lẽ cũng đã áng chừng rằng khó có thể vượt qua, nhưng mọi người vẫn hy vọng một sự nhiệm mầu nơi tạo hóa... Bạn bè khắp nước Đức cùng chia sẻ với nhau một nỗi niềm buồn và tiếc thương sâu sắc, vì chàng là một người bạn tài hoa đầy tính nghệ sĩ, tính tình lại hiền hòa vui vẻ và luôn đối xử rất tình cảm với tất cả bạn bè.
Dũng tuổi trâu, Kỷ Sửu, sinh ra và lớn lên ở Hội An đến khi sang Đức năm 1968, theo học ngành kiến trúc vì có khiếu vẽ và thích nghệ thuật tạo hình, mê ca hát ... Cùng với nhiều bạn bè ở Đức, Dũng tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ, đòi hòa bình cho Việt Nam nên bị chính quyền Sài gòn cắt chuyển ngân, chàng tìm được việc làm ban đêm trong các quán bia sinh viên ở khu đại học xá. Vốn thích âm nhạc, ca hát nên quen biết nhiều bạn bè Đức phe tả, thích tìm hát những bài thơ, nhạc của các nhạc sĩ tiến bộ, cách mạng mang đầy tính lãng mạn.
Cuộc sống và học tập trong những năm đầu 1970 phải nói là khá phức tạp đối với những sinh viên trẻ Việt Nam có ý thức dấn thân vào thời điểm chiến cuộc ở Việt Nam bùng lên khốc liệt, bom đạn, thuốc độc da cam ... như lời kêu gào nhức nhối, phẫn uất của Trịnh Công Sơn : “ Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng. Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng. Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...” (Đại bác ru đêm).
Ấy là chưa kể đến những cuộc tàn sát của quân đội “ đồng minh ” bảo vệ tự do trên đất nước Việt Nam nhỏ bé như ở Mỹ Sơn v.v... Cảnh tàn phá khắp mọi miền đất nước, gieo rắc không biết bao tang thương cho đất nước Việt Nam từ khi Mỹ đưa quân can thiệp vào nội tình nước Việt, khiến cuộc nội chiến giữa hai ý thức hệ đã gieo vào lòng những chàng trai trẻ, đặc biệt đối với các bạn sinh ra và lớn lên ở miền Trung một nỗi đớn đau, phẫn nộ vô cùng lớn, cho nên việc chú tâm học hành vào những năm đầu thập niên 1970 trở đi không dễ dàng chút nào mà chỉ nghĩ đến phải làm gì để chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Ngoài ra một phần cũng do ảnh hưởng lối sống tự do nên việc học của chàng có phần chểnh mảng, không được đến nơi đến chốn.
Dũng là một trong những bạn bè sinh viên Việt Nam cùng thời thích tìm hiểu thơ, nhạc của các nhạc sĩ trong phong trào cánh tả như Bertold Brecht, Tucholsky, Franz-Joseph Degenhardt (Kommt an den Tisch unter den Pflaumenbäumen – Hãy ngồi vào bàn với nhau dưới tàng cây mận), Hannes Wader (Heute hier, morgen dort – Nay đây mai đó), những bài hát phản chiến của Joan Baez, Bob Dylan (Blowin’ in the Wind, Where have all the flowers gone...) và cả các bài ca trữ tình của Schubert vì chàng có giọng tốt. Đương thời Dũng là một trong những giọng hát trụ cột của ban văn nghệ vùng Hannover-Göttingen, cùng với các bạn Khuê, Du, Hùng Tôn v.v...
Dũng dường như thích cuộc sống theo cách nghệ sĩ và ái mộ Cụ Hồ như “ thần tượng ” nên ngay từ hồi trẻ đã bắt đầu để râu cằm khá dài. Và vì có dáng dấp mảnh khảnh lại đeo cặp kính cận đồi mồi nên gương mặt khá giống Cụ Hồ. Bạn bè người Đức, vốn đã từng biểu tình chống chiến tranh với khẩu hiệu Ho ... Ho ... Ho-Chi-Minh lại càng yêu mến hình ảnh Cụ Hồ trẻ trung, đầy tính nghệ sĩ.
Sau 1975 Mẹ Dũng về vùng Frankfurt mở quán cơm chung với vài người bạn, nhưng ít lâu sau chàng tách ra mở quán riêng để có thể ra sức thi thố khả năng trang hoàng bố trí quán hạp với sở thích kiến trúc của mình. Quán mang tên Tri Âm như là nơi của những người bạn tri âm, tri kỷ đến gặp gỡ nhau, được trang trí toàn bộ bằng tre. Nhưng điểm độc đáo nhất mà hình như không có quán Á châu nào có được, tuy đơn giản nhưng hài hòa và tất cả các kết cấu hoàn toàn không dùng đinh, vít kim loại mà chỉ được cột với nhau bằng giây thừng theo phong cách Nhật Bản và một ít mộng đinh tre. Ngoài ra còn có những bài thơ Đức của H. Heine trang trí trên tường, cạnh các bàn ăn, với chữ viết theo thể thư pháp đẹp mắt, kể cả bảng thực đơn của Anh chủ quán nghệ sĩ, dáng dấp Cụ Hồ cũng được viết kiểu thư pháp. Lúc ban đầu còn chưa nhiều người biết tiếng nhưng lại được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè Đức ở vùng Frankfurt, ngoài ra còn được các ký giả trẻ yêu mến Việt Nam viết bài giới thiệu quán và các món ăn thuần Việt vốn chưa được nổi tiếng như ngày nay, nên quán sống được và nhanh chóng có tiếng vang tốt.
Dũng Mẹ và Ngân, người vợ miền Nam duyên dáng, bình dị cùng đảm đang “ ôm ” quán Tri Âm suốt từ đó đến trước đại dịch Corona vào khoảng hai năm trước, tần tảo quán xuyến mọi công việc ngay cả khi có cháu gái Chiêu Dương. Dù luôn bận rộn, đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn không sao lãng bạn bè và ngược lại, bạn bè cũng không quên Dũng. Rất nhiều bạn bè dù gần hay xa, mỗi khi có dịp đi ngang vùng Frankfurt đều ghé vào Quán Tri Âm thăm Dũng và dùng cơm do vợ chồng người bạn tri kỷ rất dễ thương này nấu.
Cháu Aurora Chiêu Dương từ lúc sinh ra, lớn dần trong khung cảnh quán Tri Âm, thấm nhuần cái văn hóa ẩm thực và lối sống rất Việt Nam của bố mẹ. Cháu rất ngoan và yêu bố cực kỳ. Ở trường cháu học rất giỏi, khi lớn thêm chút xíu, cháu đã biết giúp đỡ cha mẹ trong quán những khi xong bài vở. Cháu nói và viết được cả hai ngôn ngữ Đức – Việt xuất sắc, được các cô các chú bạn của bố mẹ rất mực yêu mến. Không rõ cháu học ở ai (trồng khoai đất này!) mà có thể thỉnh thoảng đi theo dịch cho phái đoàn nhà văn Việt Nam sang Đức giới thiệu sách của mình do các bạn Đức và Việt dịch sang tiếng Đức. Trong tiếng Đức có câu “quả táo rơi không xa cây táo bao nhiêu”. Quả đúng như vậy ! Nhưng một điều đáng phục nhất nơi cháu là cháu đã đạt được học vị Master kiến trúc ở đại học, thỏa mãn được hoài bão, ước vọng của Bố Dũng.
Nhưng tại sao
chàng lại có tên là Dũng Mẹ
hay Mẹ Dũng (không phải Mệ
Dũng đâu nhe!) ? Tục truyền rằng, vốn thích nấu ăn nên
chàng hay nấu cơm chiều, cuối tuần. Nhiều khi nấu chung
với bạn bè cùng cư xá. Và cứ mỗi lần tự nấu
món này món nọ hay đang xem ai nấu (nhất là món cá nục
kho của người Quảng Nam), chàng luôn luôn “thuyết
pháp” : “Cái này phải nấu như vầy, phải có cái này
cái kia như Mẹ của tau thì mới đúng, mới ngon như cơm
của Mẹ” (đúng là : Không có gì bằng
cơm với cá,
không gì bằng Má với Con – Ocean Vương), và rồi từ
một lúc nào đó bạn bè khi nói về chàng luôn dùng cái
tên Dũng Mẹ hay Mẹ Dũng !
Thế là Dũng Mẹ đã ra đi về với Ông Bà ở chốn vĩnh hằng, để lại bao nhiêu bạn bè gần xa với nhiều thương nhớ, như lời Anh Nguyễn Ngọc Giao viết cho mình khi được báo tin Dũng vừa ra đi : “Cung ơi, Dũng Mẹ mất đi, chẳng bất ngờ, mà buồn thương ơi là buồn thương”. Chỉ vỏn vẹn vài lời ngắn ngủi nhưng nói lên tất cả, cho tất cả bạn bè !
Và cuối cùng là phải trở lại với “Bộ râu” của Dũng Mẹ, người nuôi bộ râu vì ái mộ, thương kính Cụ Hồ. Nhưng ngẫu nhiên nào hay duyên cớ nào mà “Cụ Hồ” trẻ nghệ sĩ, lại mất trùng ngày với Cụ Hồ “kách mệnh” ? Hay là có một cái duyên gì chăng ?
Xin thành kính chúc cả hai Cụ được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Trần Kung
(5.09.2022)
Tang lễ bạn
Ngô Tấn Dũng sẽ cử hành theo nghi thức Phật giáo lúc 11g30 ngày 9.9.20022 tại Friedhof Kehl, Friedhofstraße, 77694 KEHL.
Các thao tác trên Tài liệu