Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / DƯƠNG QUANG TRUNG (1928-2013)

DƯƠNG QUANG TRUNG (1928-2013)

- Tố Nga — published 24/06/2013 00:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Chú Tư Trung - Hai Ngọ


Dương Quang Trung
(1928-2013)

Bác sĩ Dương Quang Trung đã từ trần ngày 22 tháng sáu 2013 tại Singapore, thọ 85 tuổi. Linh cữu ông đã được đưa về Sài Gòn ngày hôm nay, 23.6.13.

Sinh năm 1928 tại Cà Mau, ông theo học trung học tại trường Pétrus Ký Sài Gòn, tham gia phong trào học sinh yêu nước. Năm 1948, được gia đình gửi sang Pháp du học. Sau khi đỗ tú tài, ông theo học y khoa ở trường Đại học Bordeaux. Tham gia tích cực phong trào yêu nước của Việt kiều, gia nhập Đảng cộng sản năm 1952. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa và chuyên môn về khoa ngoại lồng ngực, năm 1960, ông cùng vợ là bác sĩ Võ Thị Lan (chuyên khoa răng-hàm-mặt) quyết định về miền Bắc. Ông làm việc ở Viện chống lao trung ương với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và đồng thời cộng tác với bác sĩ Tôn Thất Tùng xây dựng Khoa phẫu thuật phổi của Bệnh viện Việt Đức.

Năm 1965, Dương Quang Trung tình nguyện trở về miền Nam, làm việc ở bệnh viện Hoàng Lệ Kha (chiến khu), rồi hoạt động bí mật tại Sài Gòn - Gia Định trong Ban trí vận Mặt trận (do ông Tạ Bá Tòng trách nhiệm). Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông đã tổ chức đưa các nhân sĩ như luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, kĩ sư Nguyễn Văn Bổn... ra vùng giải phóng tham gia Chánh phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN.

Từ 1975 đến ngày từ trần, giáo sư Dương Quang Trung tập trung sức lực cho nền y tế Việt Nam. Trong nhiều năm (từ 1981 đến 1997), ông là giám đốc Sở y tế TP. HCM. Cùng với bác sĩ Alain Carpentier, ông đã thành lập Viện Tim. Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế do ông thành lập, từ năm 2008 đã trở thành Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Bác sĩ Dương Quang Trung được phong làm Anh hùng lao động, viện sĩ liên kết Viện hàn lâm phẫu thuật Pháp (Académie de chirurgie, 1991), tiến sĩ danh dự Trường đại học y khoa Nancy I (1974).

Bên cạnh sự nghiệp đồ sộ của một thầy thuốc xuất sắc và tận tụy, người tổ chức tài năng Dương Quang Trung sẽ được nhớ mãi như một con người nhân hậu, chung thủy. Những người kháng chiến (kể từ những anh chị giao liên vô danh), những anh chị em Việt kiều về nước làm việc, những bác sĩ, trí thức thành phố "thuộc chế độ cũ", đều biết có thể nhờ cậy, bất cứ lúc nào, sự giúp đỡ vô tư, tận tình và hiệu quả của "anh/chú Tư Trung", của "anh Hai Ngọ". Suốt đời, Dương Quang Trung -- ba chữ Dương, Quang và Trung thật đúng với con người ấy -- sống an nhiên, tìm hạnh phúc trong sự cống hiến. Niềm hạnh phúc chỉ vẩn đục bởi nỗi buồn đau trước sự xuống cấp nghiêm trọng của bộ máy cầm quyền, của giới y tế, và của xã hội.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với chị Lan và toàn thể gia đình.

N. N. G.


Tài liệu tham khảo :


* Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung: Người thầy thuốc mẫu mực

* Tôi chỉ là một viên gạch

* Các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật...

dqt

Chú Tư Trung - Hai Ngọ


Tố Nga


5h sáng – giờ Paris, một người bạn thảng thốt gọi báo tin : Bác sĩ, Viện sĩ Dương Quang Trung vừa từ trần. Bạn chép miệng : lại một người giỏi ra đi ! Đây không chỉ là một tổn thất lớn lao của  riêng ngành y tế mà là của cả đất nước, đặc biệt là Nam Bộ !


Bạn tôi không biết nhiều về con người vừa ra đi ấy mà, từ xa, đã thảng thốt, tiếc cho sự ra đi dù không gọi là sớm này.


5h chiều – giờ Việt Nam, di hài của Ông sẽ về đến sân bay. Đi nước ngoài liên tục từ trẻ cho đến già, đi học rồi về nước chiến đấu, đi công tác, đi làm Viện sĩ Hàn lâm Phẫu thuật Pháp rồi về nước tiếp tục nghề “ từ mẫu ” đi trị bịnh và nhờ bạn bè Pháp mổ rồi lại vẫn trở về tiếp tục làm việc cần mẫn, tiếp tục giúp người, giúp đời. Hôm nay, Ông cũng từ nước ngoài trở về để ngủ một giấc dài sau khi đã hoàn thành sự nghiệp của cả một đời.


Dù đã hiểu cái sự vắng mặt tạm thời này của Ông, cái cảm giác mất mát lớn lao hôm nay cứ dày vò trái tim của tôi. Không được về đưa tiễn, xin phép được viết vài dòng về Ông, như một nén hương ở quê người gởi về cho người mà tôi quen gọi là Chú Hai Ngọ.


Ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta thường gọi ông Dương Quang Trung là Anh Tư Trung, chú Tư Trung…  Chúng tôi gọi Ông là chú Hai Ngọ, kiên quyết không đổi, vì cái tên Hai Ngọ ấy, chỉ có người đã từng gặp và làm việc với Ông trong rừng, trong chiến tranh mới biết. Nó như trở thành một mật hiệu để nhận ra người thân. Và mỗi lần người khác  ngạc nhiên nghe tôi gọi Ông là Chú Hai, Ông lại vui vẽ giải thích.


Lần đầu gặp Chú Hai Ngọ trong căn cứ của Ban Mặt Trận Trí Vận Sài Gòn – Gia Định mà Ông là Phó ban, ấn tượng của tôi đối với Ông không đậm : một thủ trưởng thâm trầm, ít nói, nhưng dịu dàng – tôi không biết Ông là bác sĩ. Nhưng khi vào tù, những người công an thẩm vấn tôi có cho tôi xem rất nhiều ảnh của những người làm việc trong Ban MTTV nhưng tuyệt nhiên không có ảnh của Chú Hai Ngọ, và tôi cũng không hề bị hỏi về nhân vật này. Tôi khâm phục Ông từ đó, hiểu rằng cái sự thâm trầm ít nói của Ông lại chính là bản lĩnh vô cùng cần thiết của một người mang trọng trách thường phải đối diện với người của cả hai phía.


Chiến tranh kết thúc, chú Hai Ngọ thành Giám đốc Sở Y tế của thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hầu như không gặp Ông cũng như tránh gặp những người cùng ở rừng mà bây giờ “ làm lớn ” vì không phải ai cũng còn nhớ đến những ngày thủ trưởng và lính trơn cùng chia nhau một căn hầm. Cho đến khi có một người trước đó chỉ là một cậu bé giao liên và bây giờ cũng chỉ là một anh cán bộ nghèo bị bịnh, không biết nhờ ai, đang đêm cầu cứu Chú Hai. Ngay lập tức, Ông đã gọi điện cho nhiều bịnh viện, nhiều bác sĩ đề nghị chăm sóc. Cậu bé giao liên năm nào ấy, nhờ vậy mà được cứu sống. Tôi tò mò đến gặp Chú Hai tại Sở Y tế, v ừa để cám ơn thay cậu bé giao liên năm nào, nhưng cũng vừa để xem người đã “ làm lớn ” này có đổi khác không. Có bận rộn hơn, hội họp liên miên nhưng vẫn thâm trầm, dịu dàng dặn tôi có gì cần thì cứ gọi. Từ đó cho tới nay, đã có biết bao nhiêu lần tôi gọi, những người khác gọi, ai có bịnh, có khó khăn lại gọi Chú Hai Ngọ, và chưa thấy Chú Hai từ chối giúp đỡ cho bất kỳ ai, cho dù là người lính năm xưa hôm nay nghèo xơ xác, không chức không quyền, hay người đồng chí đồng trang đồng lứa hôm nay thất cơ lỡ vận… Nghe nói bà Madeleine Riffaud bịnh nặng, mắt hầu như không thấy đường mà lòng vẫn đau đáu mong nhận lại kỷ vật của người xưa, dù không quen, Ông trăn trở, không chỉ vì Madeleine là bạn của nhân dân Việt nam, mà còn vì Madeleine đã lớn tuổi, lại đau ốm. Ông đã cùng chúng tôi cố gắng tìm mọi cách hoàn thành tâm nguyện của Bà.


Giáo sư, Viện sĩ, Thầy Thuốc Nhân dân Dương Quang Trung, người sắp đi vào lòng đất, ấy, đối với chúng tôi, những chiến sĩ của MTTV năm nào vẫn mãi mãi là Chú Hai Ngọ, ít nói nhưng có tấm lòng nhân, mà như Chú đã có lần nói  :  lòng nhân cũng chính là lòng  yêu nước chân chính.


Xin được kết thúc bài viết bằng bức thư chính Chú Hai Ngọ đã gởi nhân một sự kiện :


Tố Nga con thân mến,

Chú vừa mừng nhưng cũng vừa lo, khi được “ thư ngỏ ” của con về chứng bệnh quái ác mà con người gieo rắc cho con.

Đây là một tội ác khó thể tha thứ được.

Hàng chục vạn con người đã chẳng may bị chất độc, mà hiện nay còn trong máu của con, làm cho tàn phế về thể chất và tâm thần của nhiều người chẳng may mắc phải và có người không còn trên thế gian này nữa.

Chú lo là nếu chất độc còn tồn lưu trong người thì đấy là một mầm hoạ, đến lúc nào đó nó sẽ bùng phát.

Tuy nhiên, cái an ủi lớn nhất là con đã đạt được mục tiêu cuối cùng trong cuộc chiến không cân sức này, giữa con người mà thể xác thường dễ bị huỷ hoại với một chất độc có tính huỷ diệt ghê gốm, mặc dù với cái tên xem như khá thân thiện : “ chất độc màu da cam ”.

Như thế là đã có ánh sáng ở cuối đường hầm mà con đang theo đuổi từ bao năm qua vì công lý và nhân đạo.

Mong rằng, với những phương tiện và những liệu pháp mà ta có trong tay, sẽ làm dịu phần nào nổi đau khổ trong người Tố Nga.

Từ xa, chú mong rằng với ý chí và quyết tâm của con, con sẽ vượt qua những thách thức mà thường khi các quy luật sinh học rất là nghiệt ngã.

Chúc con và gia đình được an vui để tiếp nhận chiến thắng cuối cùng trong một đường hầm mà tưởng chừng không có lối thoát.

Chú Tư Trung (bí danh Hai Ngọ).

Con ghép lại thành chú Hai Trung cũng tốt thôi.

 

TB : khi có kết quả từ các bạn Đức, con nhớ gửi cho chú.

 

                                Paris, 23 tháng 6 năm 2013


                                        Tố Nga


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us