Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Françoise Héritier

Françoise Héritier

- Nguyễn Tùng — published 21/11/2017 13:55, cập nhật lần cuối 22/11/2017 12:21
Cập nhật ngày 22/11: sửa lại câu viết về thái độ của bà FH đối với việc mang thai hộ (GPA)

Françoise Héritier (1933-2017)


Nguyễn Tùng



Bị bệnh viêm xương sụn từ năm 1983, Françoise Héritier, nhà nhân học nữ người Pháp, đã qua đời ngày 15.11 vừa qua.

Sinh năm 1933 trong một gia đình trung lưu, năm 22 tuổi, trong khi chuẩn bị thi thạc sĩ sử -địa bà đâm ra say mê môn nhân học sau lần nghe Claude Lévi-Strauss nói ở Bảo tàng Nhân loại về việc săn chim ưng nơi người Mỹ-Ấn Hidatsa (bang Dakota, Mỹ) và trở thành môn đệ của nhà nhân học Pháp nổi tiếng này. Năm 1957, bà được gửi sang Haute Volta (nay là Burkina Faso) rồi Mali để nghiên cứu trong sáu năm chủ yếu về thân tộc và liên minh ở các tộc người Samo, Mossi, Bobo và Dogon.

Năm 1967, bà được tuyển làm nghiên cứu viên ở Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) của Pháp.

Năm 1978, bà được huy chương bạc của CNRS (1967-1982) nhờ công trình nghiên cứu về sự vận hành của các hệ thống thân tộc và liên minh bán-phức-hợp (semi-complexe), tức là hệ thống trong đó có quá nhiều cấm đoán về hôn nhân, khiến cho số người có thể đối ngẫu bị giới hạn. Bà đã lý thuyết hoá các hệ thống này và nhất là mô hình hoá chúng bằng cách dùng các công cụ tin học, và nhờ thế đi xa hơn cả Claude Lévi-Strauss (trong những năm 1940 chưa có tin học để dùng vào nghiên cứu thân tộc và liên minh vốn rất phức tạp).

Do từ vài mươi năm nay chủ đề « thân tộc » không còn được thời thượng, các bài cáo phó về bà thường ít nói đến các đóng góp khoa học quan trọng này của bà.

Năm 1980, bà được bầu làm Giám đốc nghiên cứu (tức giáo sư) ở Trường nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội (EHESS)

Năm 1982, với sự ủng hộ của Claude Lévi-Strauss, bà được bầu làm giáo sư ở Học viện Pháp quốc (Collège de France, 1982-98), dù không có bằng tiến sĩ. Bà đã vượt qua nhà nhân học nổi tiếng Maurice Godelier. Kế nghiệp Claude Lévi-Strauss, bà giữ ghế « nghiên cứu so sánh các xã hội châu Phi ».

Năm 1989, tổng thống François Mitterrand bổ nhiệm bà làm chủ tịch Hội đồng quốc gia về bệnh Sida (1989-1994). Trong khuôn khổ của hội đồng này, bà đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch vụ y tế trong tù từ bộ Nội vụ sang bộ Y tế nhằm tôn trọng quyền về bảo mật và quyền về bí mật y tế cho tất cả các tù nhân. Bà cũng đã đề nghị khuyến cáo các công ty bảo hiểm không được đòi phải làm trắc nghiệm về huyết thanh dương tính (séropositivité) để tránh việc phân biệt đối xử với những người bệnh. Từ năm 1998, bà là thành viên của Hội đồng tư vấn quốc gia về đạo đức (trong y tế).


Françoise Héritier, 3.2013. ERIC FEFERBERG / AFP

Qua rất nhiều bài cáo phó của báo chí Pháp, ta thấy bà Françoise Héritier nổi tiếng chủ yếu nhờ các đóng góp quan trọng của bà cho phong trào đòi bình đẳng giữa nam và nữ (féminisme). Theo nữ sử gia Michelle Perrot, bà là một nhà tư tưởng quan trọng của thế kỷ 20, vì đã cung cấp cho phong trào này những « công cụ để tư duy », tương đương với cuốn Le Deuxième sexe [Giới tính thứ hai] của Simone de Beauvoir (Libération 16/11/2017).

Françoise Héritier đã sớm quan tâm đến thân thể và các biểu trưng về nó. Ở Pháp, bà là người đi đầu của môn nhân học về thân thể. Khi phát triển một thứ nhân học biểu tượng về các chất dịch – như sữa, tinh dịch, máu, mồ hôi, nước miếng…, bà đã góp phần tạo mối liên hệ giữa nhân học về thân tộc và nhân học về giới tính.  Bà tư duy mối quan hệ giữa nam và nữ, và đặt ra vấn đề cơ bản về sự thống trị của nam tính theo bà đã xuất hiện từ thời tiền sử xa xưa (từ thời đồ đá cũ ?) : nó bám rất sâu vào trí óc con người, nên rất khó xoá bỏ ! Theo bà, sự khác biệt về giới tính và các hậu quả của nó - sự thống trị của nam tính và sự phục tùng của nữ tính - hiện diện trong tất cả các nền văn hoá và vào tất cả cả các thời đại. Nó trở thành một thứ bất biến (invariant) phổ biến, còn quan trọng hơn bất biến mà Claude Lévi-Strauss đã phát hiện : sự cấm loạn luân.

Khái niệm quan trọng nhất mà bà tạo ra là « trị số sai biệt của giới tính » (valence différentielle des sexes), tức địa vị khác nhau mà hai giới tính nam và nữ chiếm trên thang giá trị, mà nguồn gốc nằm trong ý chí của nam giới muốn lấy lại từ nữ giới khả năng kiểm soát sự sinh đẻ mà phụ nữ hoàn toàn độc quyền. Theo bà chỉ có một sự khác nhau do tự nhiên tạo ra giữa đàn ông và đàn bà, đó là sự không đối xứng (asymétrie) sinh học này : khả năng đẻ con (kể cả con trai) của đàn bà. Chính « quyền lực quá mức » này của phụ nữ đã khiến đàn ông làm tất cả mọi thứ để thống trị đàn bà.

Bà cho rằng, đối với phụ nữ, quyền ngừa thai và quyền phá thai còn quan trọng hơn cả quyền bầu cử, vì chúng cho phép họ làm chủ thân thể của chính họ và tự quyết định đoạt về chính họ. Do đó, chúng góp phần quan trọng vào việc giải phóng phụ nữ.

Bà ủng hộ sự « hỗ trợ sinh sản » (viết tắt theo tiếng Pháp là PMA – Procréation Médicalement Assistée), ủng hộ trên nguyên tắc nhưng chống việc thương mại hoá sự mang thai hộ (GPA – Gestation Pour Autrui),  vì nó gây ra bất công : phụ nữ nghèo phải hy sinh mang thai cho người khác để kiếm sống, trong khi phụ nữ giàu chỉ cần chi tiền là có thể tránh mang thai, đó là chưa kể trường hợp gia đình người thuê bỏ rơi đứa bé do nó bị bệnh tật chẳng hạn.

Sau khi vụ tai tiếng Harvey Weinstein xảy ra, bà hoan nghênh việc nhiều phụ nữ trên thế giới rốt cuộc đã lên tiếng tố cáo các vụ lạm dụng tính dục mà họ là nạn nhân : « Tôi cho rằng điều đó là tuyệt vời. Điều chính yếu là sự nhục nhã đã đổi bên. Thay vì trốn tránh như là nạn nhân cô đơn và quẫn trí, họ đã dùng Internet để lên tiếng tố cáo : đó là điều đầy hứa hẹn. Đó là điều mà chúng ta đã thiếu từ nhiều ngàn năm nay : hiểu rằng chúng ta không cô độc. Hậu quả của phong trào này là khổng lồ. Với điều kiện là không vén lên một góc mà vén toàn bộ tấm khăn che đậy sự thật, (…) để tư duy lại các vấn đề về quan hệ giữa các giới tính, tấn công vào cương vị thống trị của nam giới và phá nát ý tưởng về dục vọng không dằn được của đàn ông. Đó là một công trường khổng lồ. » (Le Monde 15/ 11 :2017).

Françoise Héritier còn là một nhà văn được nhiều nhà phê bình và người đọc tán thưởng. Năm 2012, bà xuất bản cuốn Le Sel de la vie [Muối của đời, Odile Jacob] trong đó bà trầm tư về những gì tạo nên những giây phút hạnh phúc nho nhỏ hằng ngày như sự vui thú được « nhìn các cành cây bị gió rung ». Cuốn này đã bán được đến hơn 250 000 bản. Sau hè năm nay, bà vừa xuất bản cuốn Au gré des jours (Thuận theo ngày tháng). Ngày 8.11 vừa qua, ban giám khảo của giải văn học Femina trao bà giải đặc biệt cho toàn bộ các tác phẩm của bà.


Nguyễn Tùng


Các tác phẩm chính

Françoise Héritier, L'Exercice de la parenté, Paris, Gallimard, 1981.

Françoise Héritier-Augé, Leçon inaugurale, đọc ngày 25/2/1983, Paris, Collège de France, 1984.

Françoise Héritier-Augé và Élisabeth Copet-Rougier, Les Complexités de l'alliance, t. I : Les Systèmes semi-complexes, Montreux, Gordon and Breach Science Publishers ; Paris, Éditions des Archives contemporaines, 1990.

Françoise Héritier-Augé và Elisabeth Copet-Rougier, Les complexités de l'alliance, t. II : Les systèmes complexes d'alliance matrimoniale,  Paris, Éditions de l 'École des Hautes Études en Sciences Sociales, 1991.

Françoise Héritier-Augé và Élisabeth Copet-Rougier, Les Complexités de l'alliance, vol. III, Économie, politique et fondements symboliques, Afrique, Paris et Bruxelles, Éditions des Archives contemporaines, 1993.

Françoise Héritier-Augé và Élisabeth Copet, Les Complexités de l'alliance, vol. IV, Économie, politique et fondements symboliques, Paris et Bruxelles, Éditions des Archives contemporaines, 1994.

Françoise Héritier và nhiều tác giả khác, De l'inceste, Paris, Odile Jacob, 1994.

Françoise Héritier, Les Deux sœurs et leur mère : anthropologie de l'inceste, Paris, Odile Jacob, 1994. 

Françoise Héritier và nhiều tác giả khác, De la violence I, Paris, Odile Jacob, 1996

Françoise Héritier và nhiều tác giả khác, De la violence II, Paris, Odile Jacob, 1999. 

Étienne-Émile Baulieu, Françoise Héritier, Henri Leridon (chủ biên), Contraception, contrainte ou liberté, Paris, Odile Jacob, 1999. 

Françoise Héritier, Masculin-Féminin I. La Pensée de la différence, Paris, Odile Jacob, 1996.

Françoise Héritier, Masculin-Féminin II. Dissoudre la hiérarchie, Paris, Odile Jacob, 2002. 

Françoise Héritier, L'Identique et le différent : entretiens avec Caroline Broué, La Tour-d'Aigues, Éditions de l'Aube, 2008. 

Françoise Héritier và Margarita Xanthakou (chủ biên), Corps et affects, Paris, Odile Jacob, 2004. 

Françoise Héritier, Retour aux sources, Paris, Galilée, 2010. 

Françoise Héritier, Hommes, femmes : la construction de la différence, Paris, Le Pommier, 2010. 

Françoise Héritier, La Différence des sexes, Paris, Bayard, 2010.

Françoise Héritier và nhiều tác giả khác, La Plus Belle Histoire des femmes, Paris, Le Seuil, 2011. 

Françoise Héritier, Le Sel de la vie, Paris, Odile Jacob, 2012. 

Françoise Héritier, Le Goût des mots, Paris, Odile Jacob, 2013.

Françoise Héritier, Au gré des jours, Paris, Odile Jacob, 2017. 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss