G. Condominas và Việt Nam
Georges
Condominas (1921-2011)
và Việt Nam
Nguyễn Tùng
Nhà dân tộc học Georges Condominas vừa qua đời ngày 17.7.2011 ở Paris. Do ông có duyên nợ đặc biệt với Việt Nam, chúng tôi xin được giới thiệu hơi dài về ông cùng bạn đọc.
Trong dân tộc học Pháp, Giáo sư Georges Condominas hay Condo có một chỗ đứng đặc biệt. Khi ông đi điền dã lần đầu tiên, ở Việt Nam vào năm 1948, ông không biết đến Claude Lévi-Strauss lúc đó còn chưa nổi tiếng. Và khi nhiều người, theo sau Lévi-Strauss, tự xưng là nhà nhân học, thì Condo vẫn muốn là nhà dân tộc chí, và chỉ thế thôi.
Thời niên thiếu và quá trình đào tạo
Sinh năm 1921 ở Hải Phòng với người cha Pháp và người mẹ mang ba dòng máu Bồ Đào Nha, Hán và Việt, thuở nhỏ ông đã theo cha sống ở Pháp, Tunisia và Việt Nam : có lẽ điều đó đã khiến ông thích khám phá.
Ông hay kể chuyên sau đây : Lúc ông mới tám tuổi, một hôm ông thấy lần đầu một người Thượng (mà thời ấy người ta gọi là « Mọi » cũng giống như người Hy Lạp thời xưa gọi những dân tộc không phải Hy Lạp là « Barbaroï », tức là “ dã man ”). Từ vùng rừng núi lân cận, người Thượng ấy đem đến tặng cho bố ông một ché rượu cần để tỏ tình thân thiện. Ông đã rất kinh ngạc và thán phục đối với người Thượng ăn bận sơ sài nhưng có dáng dấp dũng cảm và hiên ngang đó. Sự cố này đã in sâu trong trí nhớ của ông đến mức sau này ông đã tìm cách biến huyền thoại cá nhân này thành hiện thực thông qua việc nghiên cứu dân tộc học.
Chỉ sau khi ông quay về Việt Nam (dự kiến chỉ lưu lại ở đây vài tháng thôi) vào tháng 1.1940, ông mới phát hiện ra giới thuộc địa, các đặc quyền và nhất là các sự bất công của giới này đối với tuyệt đại đa số dân chúng. Sự phát hiện đó chỉ thực sự trở thành sâu sắc sau cuộc xâm lăng của Nhật vào cuối năm này. Người Pháp lúc đó rơi vào một tình trạng nhập nhằng mà ông đã gọi là « kẻ chiếm đóng bị chiếm đóng ». Bị kẹt lại ở Hà Nội trong suốt thế chiến 2, ông đã vừa học Luật vừa học hội hoạ ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương nhờ được hoãn tòng quân dài hạn, để rồi rốt cuộc bị gọi vào Hải quân.
Sau cuộc đảo chính Nhật vào ngày 9.3.1945, chính các thử thách trong thời gian bị Nhật cầm tù đã vĩnh viễn dạy cho ông biết được thế nào là tủi nhục và nhất là thế nào là cuộc sống bần cùng cũng như sự bất lực gần như tuyệt đối mà các cư dân thuộc địa cảm nhận khi muốn thoát ra khỏi cảnh lao lung.
Sau chiến tranh, ông về Paris học để lấy thêm bằng cử nhân Văn khoa (1947) và bằng của Trung tâm đào tạo nghiên cứu dân tộc học (1948).
Sự nghiệp khoa học được thế giới biết đến
Condo
(đóng khố) dự lễ hiến sinh của đồng bào Mnông Gar ở Sar Luk
Tuy chủ yếu nổi tiếng như là chuyên gia về Việt Nam, đặc biệt về người Mnông Gar, Georges Condominas còn nghiên cứu về nhiều nước khác (Togo, Madagascar, Thái Lan, Lào, Kampuchea).
Từ 1948 đến 1950, ông đã điền dã ở làng Sar Luk của người Mnông Gar. Nhờ sớm nói thạo được tiếng của tộc người này, ông đã tham gia vào cuộc sống hằng ngày của dân làng mà ông chia sẻ vui buồn và tiến hành tất cả các cuộc điều tra mà không cần nhờ đến người thông dịch, theo nhịp đi của bốn mùa.
Từ cuộc điền dã này, ông đã thực hiện được nhiều công trình khoa học phong phú mà nổi bật nhất là hai cuốn sách gây được tiếng vang lớn.
Nous avons mangé la forêt…(Chúng tôi ăn rừng …) rõ ràng là kiệt tác của Condo. Ngay sau khi xuất bản, nó đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà phê bình văn học cũng như khoa học, và đặc biệt của Claude Lévi-Strauss, lúc đó đã nổi tiếng như cồn nhờ cuốn Tristes tropiques (Nhiệt đới buồn). Nhà nhân học lớn này đã xem nó như là một tác phẩm thuộc « một loại hình hoàn toàn mới ». Thực vậy, là một « ký sự » được viết tỉ mỉ theo phong cách của Marcel Proust, cuốn sách này nỗ lực theo sát cuộc sống của làng Sar Luk, trong sự tiến triển hằng ngày của nó. Đứng bên lề, thậm chí đi ngược lại một số quan tâm lý thuyết vào thời đó, cuốn sách này phô bày tính chủ thể của nhà dân tộc học và đưa các dân làng ra khỏi sự vô danh. Nhờ được giới phê bình văn học ca ngợi và nhất là nhờ có giá trị khoa học, nó đã lần lượt được dịch ra tiếng Ý, Nga, Đức, Anh, Nhật và Việt.
Xuất bản năm 1965 trong tủ sách nổi tiếng « Terres Humaines » (nhà xuất bản Plon), do Claude Lévi-Strauss khai trương với cuốn Nhiệt đới buồn, cuốn L'exotique est quotidien (Cái xa lạ là hằng ngày) sau đó được dịch sang tiếng Tây Ban Nha .
Năm 1970, trong báo cáo đọc trong dịp Condo trình luận án tiến sĩ, nhà dân tộc lớn André Leroi-Gourhan đã xếp hai cuốn sách nói trên - tái bản nhiều lần - vào trong số “ các cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học ”, “ được phân tích trong tất cả các thứ tiếng của các nền văn hoá lớn ”. Kể lại kỷ niệm xưa về Condo thời sinh viên, vị giáo sư khả kính này thú nhận đã kinh ngạc về tài kể chuyện của Condo : « Khi được anh kể, một tình tiết tầm thường nhất cũng có được dáng dấp anh hùng ca ». Bằng nhận xét đó, vị giáo sư chỉ đạo luận án cho Condo đã gián tiếp ca ngợi tài viết văn của ông.
Một số cuốn sách khác của Condo cũng được các chuyên gia đánh giá cao : L’Espace social : à propos de l’Asie du Sud-Est [Không gian xã hội : về Đông Nam Á], La Plaine de Vientiane : étude socio-économique [Đồng bằng Viên chăn : nghiên cứu xã hội - kinh tế] , Fokon’olona et collectivités rurales en Imerina [Fokon’olona và các tập thể nông thôn ở Imerina, Madagascar]
Trở thành Giám đốc nghiên cứu (tức Giáo sư) ở Trường Cao học về Khoa học Xã hội, ông lập ra, vào năm 1962, Trung tâm sưu tập tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và thế giới Nam Đảo (CeDRASEMI) và đảm nhận chức vụ giám đốc. Trong hơn hai thập kỷ, CeDRASEMI đã tập hợp được hầu hết các nhà nghiên cứu Pháp về vùng văn hoá này.
Sau nhiều khoá được bầu vào ban Nhân học - Dân tộc học - Tiền sử của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), ông trở thành chủ tịch của ban này từ 1976 đến 1980. Năm 1977, ông tổ chức hội nghị quốc tế về nhân học ở Pháp dẫn đến việc thành lập Hội Nhân học Pháp (AFA).
Ông đã được công chúng Pháp biết đến nhiều nhờ cuộc triển lãm « Chúng tôi đã ăn rừng… : Georges Condominas ở Việt Nam » (6-12.2006) nhân dịp khai trương bảo tàng Quai Branly. Cũng vào dịp này, bảo tàng Quai Branly đã tiếp nhận rất nhiều tư liệu lưu trữ, sách, bài viết và ảnh của Condo mà từ nay các nhà nghiên cứu có thể tham khảo. Cuộc triển lãm về Condo đã được bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức lại ở Hà Nội vào năm sau đó. Năm 2010, ông được trao giải thưởng Phan Châu Trinh.
Condo gặp lại bà Sraang. Năm
1959, khi họ gặp nhau lần đầu, bà 18 tuổi.
Nhân dịp ông được 60 tuổi, hơn bảy mươi đồng nghiệp và nhà văn, nhà thơ (Claude Lévi-Strauss, Leroi-Gourhan, Pierre Gourou, Georges Pérec, Kenneth White…) đã viết tặng ông hai cuốn sách : Orients (Các phương Đông) và Cheminements (Nhẩn nha trên những con đường). Năm 2007, ông được bầu làm thành viên danh dự của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO).
Sự nghiệp nghiên cứu của ông cũng được quốc tế đánh giá cao. Ông đã nhiều lần là giáo sư thỉnh giảng ở hai đại học Columbia và Yale giữa 1963 và 1968, thành viên nghiên cứu của Center for Advanced Studies in the Behavioral Sciences Palo Alto (1971) ở Mỹ ; giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Quốc gia Úc (Canberra, 1987) và ở đại học Sophia (Tokyo, 1992). Năm 1972, ông đã đọc diễn văn khai mạc (Distinguished Lecture) cho hội nghị hằng năm của Hội Nhân học Mỹ (American Anthropological Association) và, vào năm 1983, cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Dân tộc học Nhật. Năm 1982, ông được mời đọc diễn văn khai mạc cho đại hội của Liên hiệp Quốc tế về Nhân học và Dân tộc học và sau đó được bầu làm phó chủ tịch của hội này. Năm 1984, ông nhận bằng tiến sĩ danh dự của đại học Mahidol (Bangkok).
Nhà trí thức dấn thân
Đối với Georges Condominas, dân tộc học là cả một quan niệm sống và quan niệm sống đó khiến ông phải dấn thân. Nếu ông chống chủ nghĩa thực dân mạnh mẽ, một phần cũng vì ông đã từng tham gia vào bộ máy cai trị của nó : năm 1961 ông đã ký tuyên ngôn nổi tiếng của 121 nhà trí thức tiến bộ lừng danh nhất của Pháp như Jean-Paul Sartre, Laurent Schwartz, Claude Simon, Simone de Beauvoir… chống lại cuộc chiến tranh thực dân ở Algérie và ủng hộ Mặt trận giải phóng dân tộc Algérie (FNL).
Condo
và Nguyên Ngọc
Năm 1972, trong diễn văn khai mạc đọc ở hội nghị hằng năm của Hội Nhân học Mỹ, ông đã dùng từ « diệt tộc » (ethnocide) để đả kích hành động của quân đội Mỹ ờ Việt Nam.
Được mời sang Hà Nội năm 1973 cùng với nhà ngữ học André-Georges Haudricourt, trước những tàn phá khủng khiếp do chiến tranh gây ra, ông đã gợi ý lập ra một bảo tàng dân tộc học hiện đại ở Việt Nam.
Từ hai mươi năm nay, ông tích cực hoạt động nhằm bảo vệ di sản phi vật thể của thế giới.
Sự nghiệp khoa học cũng như sự dấn thân của Georges Condominas đã khiến ông được thế giới thừa nhận và kính trọng.
Các thao tác trên Tài liệu