Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Người thầy – người đầu tư đời mình cho tương lai

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Người thầy – người đầu tư đời mình cho tương lai

- Y Trang — published 15/10/2022 15:45, cập nhật lần cuối 16/10/2022 16:02


Giáo sư Ngô Vĩnh Long :

Người thầy – người đầu tư đời mình cho tương lai


Y TRANG phỏng vấn


Khoảng 12 giờ trưa (giờ địa phương) ngày 10.2.1972, một nhóm sinh viên người Việt gồm 7 nam và 3 nữ đã chiếm giữ toà lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở New York trong lúc các nhân viên chính quyền Sài Gòn đang ăn trưa... Họ đưa ra tuyên bố : “... Chúng tôi đang chiếm giữ dinh luỹ của Thiệu để công bố những đòi hỏi của nhân dân Việt Nam cho thế giới được biết. Chúng tôi đòi : ...”.


Tôi rất thích thú khi đọc bài báo “ Chiếm dinh luỹ của chính quyền Sài Gòn trên đất Mỹ ” in trên tờ An ninh thế giới số 15 (20.1.2002). Vì trong 10 sinh viên ấy có một người tôi vinh hạnh được quen biết, GS Ngô Vĩnh Long. Chính anh là người cầm đầu, lúc ấy đã tốt nghiệp Đại học Harvard, Tổng Giám đốc Trung tâm tài liệu VN ở Cambridge, chủ nhiệm tờ Thời báo gà, Tổng đại diện Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam ở Mỹ (theo bài báo trên).


Với Ngô Vĩnh Long, tôi quý mến và có phần e ngại. Không phải vì anh có quốc tịch Mỹ, không phải vì anh khá thành đạt (là người Việt đầu tiên tốt nghiệp chính thức đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ : Trường Harvard, hiện là giáo sư Trường Đại học Tổng hợp bang Maine (Mỹ) mà chính vì anh là người lịch thiệp, nhỏ nhẹ và có phần nho nhã quá, không có máu lãng du như bọn tôi.


Ngô Vĩnh Long là một người khá tiêu biểu cho đất nước Việt Nam thuở còn bị chia cắt. Hiểu theo địa lý và có thể hiểu theo nghĩa văn hoá nữa. Anh sinh năm 1944 ở tỉnh Vĩnh Long, nơi cũng đã khai sinh ra tên anh. Nhưng bố anh là dân Từ Sơn, Bắc Ninh, gặp mẹ anh ở Huế, là người Huế. Dắt díu nhau vào Nam kiếm sống, bố Long hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến, năm 1949 bị Pháp bắt, tra tấn dã man khiến bệnh nặng, phải về nhà rau cháo cùng vợ con để dưỡng bệnh. Là một người có học, ông dạy con học tiếng Pháp từ ấu thơ. “ Tôi không chịu học tiếng Pháp vì thấy bọn Pháp đánh đập bố mình, giết dân thường...”. Thế là ông bố đành phải dạy Long tiếng Anh. Có thể coi đó là cậu bé kỳ tài. Chín tuổi, Long đã thuộc hết cả một cuốn tiểu thuyết của Ch. Dickens. Và do giỏi tiếng Anh – thời đó còn là của hiếm – đã khiến cuộc đời cậu bé đột ngột thay đổi. Khi những người lính Mỹ đến Vĩnh Long, họ vô cùng ngạc nhiên khi gặp một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn lại giỏi tiếng Anh. Nhà nghèo, có cơ hội để giúp gia đình, những năm 1959-1963, anh đi cùng những người Mỹ làm bản đồ khắp miền Nam và một phần Campuchia, Lào, cha anh phản đối lắm, nhưng Long cứ đi. Anh khẽ cười : “ Tôi ‘theo Mỹ’ quá sớm phải không ? Nhưng cũng nhờ đó tôi mới thấy chế độ Diệm tồi tệ đến thế nào. Và chế độ ấy không thể chiến thắng cộng sản. Tôi cũng giúp cho những người Mỹ ấy hiểu rõ hơn tình cảnh khốn khổ của người nông dân VN. Và từ đó, tôi hiểu rằng, đề tài người nông dân VN sẽ gắn bó với tôi suốt đời...”.        

Đỗ tú tài với điểm rất cao, Ngô Vĩnh Long là lứa đầu tiên tham gia phong trào sinh viên yêu nước ở Sài Gòn, biểu tình chống chế độ Nguyễn Khánh. Cùng lúc ấy, anh thi lấy học bổng của Trường Đại học Harvard. Và người duy nhất đỗ là anh. Lúc đó chưa có người VN nào học ở Harvard.

– Thật ra tôi được sang Mỹ cũng là lạ... – Ngô Vĩnh Long kể – Đời nào chính quyền Nguyễn Khánh cho tôi passport (hộ chiếu). Ngày 13.10.1964 tôi tham gia biểu tình bị cảnh sát rượt bắt, đánh liều chạy vào gia đình một sĩ quan Mỹ cao cấp tôi quen từ hồi cộng tác làm bản đồ với họ. Bà vợ vị tướng này khuyên tôi đi Mỹ, rồi liền gọi cho Đại sứ Taylor. Ông này liền gọi cho chính quyền Khánh và 4 giờ sau tôi đã có hộ chiếu...


– Thế mà anh lại chống Mỹ ?


– Có lẽ không phải là tôi chống nước Mỹ mà chỉ chống lại chính sách can thiệp vào VN của chính quyền Mỹ...

 
Còn quá trẻ và còn nhiều niềm tin vào sự “ tự do, dân chủ ” ở Mỹ, ngay sau khi đến sân bay Logan ở Boston, bang Massachusetts, Ngô Vĩnh Long đã tuyên bố với báo chí về nguy cơ Mỹ đưa lính vào VN. Rồi anh cảnh báo về sự phải ra đi của họ, như những kẻ thực dân Pháp. Và từ ấy Ngô Vĩnh Long ở trong nhóm những sinh viên VN “ cấp tiến ” chống chiến tranh ngay trên đất Mỹ, mặc dù có thời gian anh từng làm trợ giáo cho Kissinger, quen biết cha con Bundy, những ông trùm của chính quyền Mỹ sau này, chơi với nhiều sinh viên con nhà, “ ưu tú ” nhất của Mỹ ở Harvard, như cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, lúc đó là sinh viên học dưới anh một lớp... “ Anh học thế nào và làm sao họ không trục xuất anh ? ” – tôi hỏi. “ Tôi học với ý thức sẽ về làm việc tại VN. Tôi học rất nhiều chuyên ngành. Hết đại học lại học thạc sĩ, tiến sĩ. Cũng có lần Bộ Ngoại giao Mỹ đòi trục xuất nhưng rồi may vì tôi học giỏi nên Trường Harvard can thiệp...”. Và đến năm 1978 Ngô Vĩnh Long mới học xong, bao nhiêu bằng cấp cũng có hết. Từ năm 1968 đến 1975 anh đã viết trên 300 công trình lớn nhỏ, trong đó có ba cuốn sách. Cuốn sách 300 trang viết và được Viện MIT danh tiếng xuất bản năm 1968 rất đáng giá trong việc nghiên cứu nông dân VN : Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Tạm dịch : Trước Cách mạng : Người nông dân VN dưới chế độ Pháp thuộc).                        


Sau những câu chuyện về cuộc đời, tôi và anh trò chuyện về chính nghề nghiệp của anh, cái nghề mà có lẽ ai cũng coi là cao quý nhất trên đời.


– Anh về Hà Nội hơn nửa năm theo chương trình của Quỹ Fulbright dạy ở hai trường, Đại học Quốc gia HN và Kinh tế quốc dân. Nghe nói, anh chưa thật vui vì trình độ sinh viên VN và cho rằng họ không chăm học lắm. Phải chăng anh vẫn là người thầy “ cổ điển ” ? Hiện nay trong xã hội hiện đại người ta quan niệm rằng hình như người thầy không nhất thiết phải là người khai tâm, người đánh thức tâm trí học trò làm sinh động những điều mình truyền đạt, khiến cho họ có thể vượt lên trên sự đơn thuần tích luỹ kiến thức để đạt tới chỗ đồng hoá một cách sáng tạo những kiến thức đó.


– Trong môi trường giáo dục hiện nay, người ta dường như cho rằng người thầy tức là người trung gian. Ở VN coi người thầy như người chở đò. Phương tiện là chiếc thuyền. Hình ảnh ấy cũng thật thú vị, nhưng liệu học trò có cần qua sông không bằng thuyền khi mà bằng cách đi nào đó họ có thể qua sông bằng chiếc cầu ? Là nhà tư tưởng, nhà văn nổi tiếng từng từ chối Giải Nobel văn chương, J.-P. Sartre đã góp phần quan trọng trong việc đưa ra một hình ảnh mới về người thầy, đó là người thầy của tự do và hữu ái. Về bản chất, giáo dục là bảo thủ, bởi vì nó dạy những kiến thức cũ. Người ta không thể dạy cái mới mà chỉ có thể dạy cái đã qua, nhưng với đa số học sinh, sinh viên, nhất thiết phải biết cái đã qua. Có lẽ về phương diện này tôi là người thầy cổ điển. Người ta cho rằng một trong những nhiệm vụ của người thầy hôm nay là tìm mọi phương cách để giúp học trò tìm ra lý do để học.


– Vâng, vậy thì người thầy cũng phải tìm ra lý do để dạy chứ, bởi vì những người thầy chỉ coi mình là viên chức, vận hành những cỗ máy một cách giản đơn không sáng tạo, không bắt nguồn từ những hy vọng thật sự cho tương lai...


– Benjamin Franklin (nhà chính khách và khoa học Mỹ 1706-1790) từng nói : “ Đầu tư cho kiến thức là sự đầu tư sinh lợi nhiều nhất ”. Người thầy không có tiền bạc, nhưng có cái lớn hơn là bỏ cả cuộc đời mình để đầu tư cho thế hệ tương lai của một dân tộc, một đất nước, thậm chí là cả thế giới. Đó là niềm vinh quang và hạnh phúc của người thầy mà không phải nghề nào cũng có được. Giáo dục không chỉ đào tạo những người lao động mà còn đào tạo công dân và những con người có trách nhiệm cao với dân tộc, quốc gia và cả thế giới.


– Không chỉ ở Á Đông, thứ bậc quân-sư-phụ đã không còn nữa, chất lượng giáo dục truyền thống hiện nay ở thế giới đang giảm sút, vị trí người giáo viên bị hạ thấp. Ở đây chưa nói đến chính người giáo viên tự hạ thấp họ vì mức lương thấp hơn những nghề nghiệp được đào tạo cùng trình độ ở các đô thị VN, không nhiều lương thì giáo viên phải dạy thêm, phải phụ đạo để “ phân phối lại sản phẩm ”. Và từ đó hình ảnh người thầy bị hạ thấp. Nhưng biết làm sao từ xa xưa, mặc dù tôn sư trọng đạo, trong tiếu lâm VN, thầy đồ cũng phải “ liếm mật ”, phải dùng cá gỗ chấm nước mắm thì làm sao...


– Thực ra ở VN, tình hình kiếm ăn thêm được đúng là chỉ ở thành thị. Điều lạ kỳ là các giáo viên phổ thông kiếm ăn được nhiều hơn các giáo sư đại học. Còn theo tôi biết, các giáo viên ở nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì đúng là những người thầy chân chính. Tiếc rằng nếu không có chính sách tốt thì họ sẽ mòn mỏi, không nâng cao nghiệp vụ của mình được, mặc dù chấp nhận làm nghề giáo dục thì hiển nhiên cũng phải hy sinh một chút về thu nhập. Tuy nhiên, phải gỡ bỏ quan niệm cổ xưa về nghề giáo. Người thầy hiện nay không còn nắm độc quyền về tri thức nữa cho nên phải sẵn sàng thừa nhận rằng việc hành nghề của mình cũng như đối với mọi nghề khác, đặt ra vấn đề đánh giá những kết quả lao động của mình và chất lượng lao động của mình có thể ảnh hưởng đến đồng lương và sự nghiệp của mình. Vì thế nếu không có sự nâng cao và sàng lọc đội ngũ giáo viên thì chất lượng giáo dục không thể nâng cao được. Mà ở đây là vấn đề của trường công và trường tư...


– Hiện nay tại nhiều nước khu vực trường công ngày càng có chiều hướng mất uy tín và khu vực tư nhân đang giành được ảnh hưởng lớn chưa từng thấy trong việc quản lý và xác định những mục tiêu của giáo dục. Tuy nhiên, theo Tổ chức UNESCO và nhiều nước thành viên, thì cả khu vực giáo dục công cộng và tư nhân, mỗi bên đều có giá trị gia tăng riêng, và việc kết hợp những cố gắng của hai bên trong quan hệ đối tác có thể tăng cường tính hiệu quả chung của hệ thống giáo dục, nhưng với điều kiện : Trách nhiệm hàng đầu phải thuộc về quyền lực nhà nước, bởi lẽ chỉ nhà nước mới có thể bảo đảm lợi ích chung; vì trước hết giáo dục phải là một phương tiện để đào tạo những công dân có trách nhiệm. Tôi nghĩ điều này đặc biệt đúng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.


Ngô Vĩnh Long luôn gợi cho tôi hình ảnh người thầy – người thầy theo ý nghĩa cổ điển thực sự. Hình ảnh ấy vẫn chưa lẫn đi đâu trong cái thời buổi ồn ào, pha tạp này, dù anh ở “ xa lộ ” nào, được gọi là xa lộ thông tin gì gì đi chăng nữa.

Lao Động số 59, ra ngày 9.3.2002



Những bài liên quan :


- Phúc Tiến : Thương tiếc GS Ngô Vĩnh Long : Nhớ một người Sài Gòn giỏi giang và nặng tình quê hương (Tuổi Trẻ, 13.10.2022)

- Joaquin Nguyễn Hòa : Vĩnh biệt anh Ngô Vĩnh Long, một người yêu nước (BBC, 13.10.2022)

- Hiệu Minh : Vĩnh biệt Giáo sư Ngô Vĩnh Long, 12.01.2018

- Ngô Minh Trí : Dựng cờ phản chiến giữa nước Mỹ: Hành trình của một người hùng (Thanh Niên, 1.5.2016)

- Lưu Trọng Văn : Người của làn gió khát vọng công lý và tự do (FB 16.10.2022)

- Đối thoại Ngô Vĩnh Long - Phạm Hoàng Quân : Lịch sử trong nhà trường: Hướng đến thường dân và tính nhân văn (Tuổi Trẻ, 21.11.2015)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us