Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Các bút hiệu của Hàn Mạc Tử

Các bút hiệu của Hàn Mạc Tử

- Phạm Đán Bình — published 21/09/2012 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Gọi Tên Người


Phạm Đán Bình


DL

Hàn Mạc Tử, Tạ Tỵ vẽ

Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 October 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu” .

Báo Người Mới: số 4 (16.11.1940) kết thúc tin buồn “Hàn Mạc Tử đã qua đời” bằng một lời tương tự: “Chúng ta đã mất một người

Đơn giản mà thấm thía. Một ý nghĩa nảy từ hai cuộc đời, hai sự nghiệp. Tưởng chừng “cách nhau ngàn vạn dặm”. Mà lại gặp nhau trong chí hướng trong thân phận hẩm hiu nhưng đã phát huy mọi khả năng tâm não. “Đã sống mãnh liệt và đầy đủ... Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồnĐã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu”.


Mối thần giao giữa Phan Bội Châu và Hàn Mạc Tử


Trong cùng số báo Tin Tức nói trên lại có bài “Trút linh hồn” của Hàn Mạc Tử với câu còn ngân dài, ngân dài mãi “như hình nhớ thương”:

Ta còn trìu mến biết bao người…

Và trong Tin Tức trước đó một kỳ (27.10.1940), Phan Sào Nam đã cảm tạ không kém thiết tha những người điếu sống cụ:

Những ước anh em đầy bốn biển
Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian.

Trùng hợp trước hơi thở cuối cùng. Như đã trùng hợp ở bước đầu trên “Mộng Du thi xã”. Trong thần giao cách cảm. Tờ Phụ nữ tân văn (số 97 ngày 28.8.1931, tr.5) không ngờ đã xe mối duyên văn nghệ cho một nhà chí sĩ với một nhà thi sĩ. Bài “Phan Bội Châu tiên sanh mở hàng dạy thi” in ở trang trước, kèm bài thơ mẫu mượn hình ảnh chùa Phật để nói lên niềm non nước:

Ba chén xong rồi ai ấy bạn
Một pho kinh Phật một cây đèn
.

Thì ở ngay trang sau đã có bài “Chùa hoang” của P.T (Qui Nhơn) tức Phong Trần (Hàn Mạc Tử sau này) vọng lại:

Tiếng chuông tế độ rày đâu tá
Để khách trầm luân luống đợi chờ
!

Mối thần giao kia chính cụ Phan đã nhìn nhận trong “một bức thơ” viết cho “P.T tiên sanh”, sau khi nhận được ba bài của thi sĩ gởi qua Thực Nghiệp Dân Báo (11.10.1931):

Kính thưa tác giả P.T tiên sinh,

Tác giả cho tôi đọc ba bài thơ, tôi lấy làm hân hạnh cho “Mộng Du Thi Xã” lắm; xem trong u oán cao tình, thanh tân nhã điệu, tôi chỉ phàn nàn rằng người xướng quá cao tất nhiên người họa phải ít, cho nên tôi chỉ tục điệu ba bài thơ mà thôi, còn như nói rằng tôi nối thơ được với tác giả thì tôi không dám. Ôi! Hồn giao nghìn dặm biết làm sao bắt tay nhau mà cười lớn một tiếng mới là thỏa hồn thơ đó”.

(theo Tin Tức Chúa Nhựt đăng lại trong mục tin Hàn Mạc Tử qua đời, ở số 9, 24.11.1940, tr.3)

Trong lúc chưa được biết văn bản đầu tiên về lời cụ Phan khen Hàn, đây là lời trích sớm nhất hiện tìm được, sớm hơn và có phần khác với lời trích của Quách Tấn trong bài “Hàn Mạc Tử với thơ đường luật”, trong Người Mới số 6 (30.11.1940, tr.4): “Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều song chưa gặp được bài nào hay đến thế… Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ, để bắt tay nhau, cười lên một tiếng lớn ấy là thỏa hồn thơ đó.”


Các Bút Hiệu


Một điều đáng chú ý trong toàn văn bài này là Quách Tấn viết “Hàn Mạc Tử” và tuy nói về các bút hiệu của Hàn nhưng chưa có giai thoại “vạch vành trăng non lên đầu chữ ‘a’ như trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử, sau này.

Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử, Hàn Mạc Tử: chừng ấy vẫn chưa hết các bút hiệu của Phanxicô-Nguyễn Trọng Trí! Còn Lệ Thanh nữ sĩ, Lệ Giang, Sông Lệ và cả… “Mlle Mộng Cầm” nữa, như Hàn đã ký cuối bài “Vô tình” trong báo Sài Gòn (7.12.35) rồi được đưa vào tập Gái Quê của Hàn Mạc Tử! Ấy là chưa kể những “tên đẹp” khác hay “tên tếu” như Trật Sên, Cụt Hứng, Foong-Tchan v.v…

Gọi làm sao hết tên người? Và dù không biết gọi thi sĩ Hàn Mạc Tử, nhưng chỉ biết sống với người sống bên mình, như anh Nguyễn Văn Xê hồi ở Qui Hòa thì cũng đã sao?

Nhưng chứng tích của nhà thơ và nhà báo mệnh yểu danh thọ còn đó để giúp xác định lại những điểm mà trí nhớ trung thực của những người thân nghĩa nhất vẫn có thể vô hình không đúng với thực tế khách quan. Sự kiện tiêu biểu nhất là chính Hàn Mạc Tử, khi đăng lại hai bài Chùa hoangGái ở chùa cùng những bài họa của cụ Sào Nam và các bạn thơ trong phụ trương văn chương tờ Công Luận (9.3.1935 tr.5) cũng đã ghi chú lầm: “Hai bài này chúng tôi đã đăng ở Thực nghiệp dân báo năm 1930…”. Kỳ thực là năm 1931, số ra ngày 11 tháng 10. Đấy là mới chỉ cách non 4 năm. Huống hồ những hồi ký viết hàng chục năm sau. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị của những tang chứng quý báu đã giúp gần gũi thực tế.

Vậy đối chiếu các tư liệu với những lời Quách Tấn viết theo trí nhớ về các bút hiệu của Nguyễn Trọng Trí , sẽ thấy những sự kiện sau đây:

1. Minh Duệ Thị: còn thấy xuất hiện năm 1935-1936, cuối những bài đường luật:

- Cảm tác (Thường thường trâu cột ghét trâu ăn), báo Sài Gòn, 12.10.35, tr.3

- Ban mai uống nước tràCây đàn nguyệt, báo Sài Gòn, 30.12.35 tr.3

- Xuân về (Ba vạn giang sơn khác hẳn rồi), báo Sài Gòn 3.2.36 tr.7

2. Phong Trần: ngoài thơ ra, còn ký 22 bài văn xuôi trong báoTân tiến (1936-1938) và 16 bài văn xuôi trong báo Tiến bộ (1938-1939) thuộc đủ loại: phóng sự, thời đàm, xã thuyết, bình luận văn chương, truyện dài nghệ thuật…

3. Lệ Thanh: vẫn ký song song với Hàn Mặc Tử trong các báo Công Luận (1934-1935), Tân thời (1935), Sài Gòn (1935-1936). Và còn ký ở Trong khuê phòng (1939) đồng thời với Hàn Mạc Tử.

4. Hàn Mặc Tử: xuất hiện từ ngày 29.3.1934 trên phụ trương phụ nữ của tờ Công Luận, dưới hai bài đường luật Gái chửa hoangVô đề. Và thường xuyên trên các báo vừa kể trừ Trong khuê phòng.

5. Hàn Mạc Tử: ký thường xuyên các bài đăng Trong khuê phòng (1939), Người Mới (1940), Tin Tức Chúa Nhựt (1940). Chính Quách Tấn, tác giả Hàn Mặc Tử với thơ đường luật trong số Người Mới đã kể ở trên, đã viết không dấu “ă” trên chữ “Mạc” trong toàn bài. Bài tựa cho Tinh Huyết của Bích Khê, do Trọng Miên xuất bản năm 1939, cũng ký Hàn Mạc Tử. Và các bạn của Hàn như Bùi Tuân, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng, Hoàng Trọng Quỵ, Hoàng Trọng Miên, Bích Khê, Hoàng Diệp lúc đó trong các báo vừa kể, cũng như Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, và Hoài Chân sau này trong tác phẩm của mình, đều viết không có dấu “ă” trên chữ “Mạc”.


Những dữ kiện trên cho phép xác định lại đôi điểm có liên hệ đến niên biểu và việc sáng tác của Hàn:

1. Không có sự tuần tự bỏ bút hiệu cũ, khi lấy bút hiệu mới, như Quách Tấn viết: “Khi mới bước vào làng thơ, Tử lấy hiệu là Minh Duệ Thi. Sau đổi là Phong Trần. Lại đổi là Hàn Mạc Tử. Sau cùng mới lấy hiệu Hàn Mặc Tử” (Đôi nét về Hàn Mặc Tử: Văn số 73-74 (7.1.67) tr.48; Quê mẹ, Paris, 1988 tr.12). 
Điển hình là trên cùng một trang Sài Gòn văn chương (phụ trương văn chương của báo Sài Gòn) có bài của Minh Duệ Thị như đã dẫn trong mục 1, thì đồng thời cũng có những bài ký Lệ Thanh và Hàn Mặc Tử. Như vậy là ba bút hiệu một trật!

2. Không thấy có bài nào ký Hàn Mạc Tử trước Hàn Mặc Tử về thời gian, mà chỉ thấy ngược lại.

3. Không phải “mãi đến năm 1935 (hay 1936) vào chủ bút tờ phụ trương văn chương báo Sài Gòn thi sĩ mới lấy hiệu Hàn Mặc Tử,và cũng từ báo đó thi sĩ mới bước qua làng “thơ mới”, như Quách Tấn trong bài “Hàn Mạc Tử với thơ đường luật”, làm những người dựa vào đó như Hoài Thanh, Hoài Chân cho đến Từ điển văn học (KHXH, Hà Nội, 1983) cũng rập theo.Thực sự thì ngay từ 29.3.1934 và trên Công Luận đã có bút hiệu Hàn Mặc Tử (có dấu ‘ă’) như đã dẫn ở số 4 đoạn trên. Và cũng trên Công Luận đã có những vần thơ mới đầu tiên, mở đầu và kết thúc của bài văn “Giấc mộng đêm thu” ký “Lệ Thanh nữ sĩ”:

Ôi trăng thu
Ôi trăng thu
Bóng nhạn tím sương đã mịt mù
Mối sầu tư
Bồng con nhọt lụy năm canh nhỏ
Cơn mưa gió
Tê tái lòng em mấy điệu từ
Mảnh trăng thu.

(Công luận 22.3.1934, tr.3: Phụ trương phụ nữ)


Còn nếu kể bài thơ mới riêng biệt hẳn, thì cũng trên Công luận (6.4.1935, tr.5: Phụ trương văn chương) có bài Sống khổ và phấn đấu ký Hàn Mặc Tử, trước các bài thơ mới trên tờ Sài Gòn:

Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng,
Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn.
Sao tôi thấy dân chúng bị lầm than
Dưới bóng mặt trời đầy dẫy hào quang


4. Sở dĩ bút hiệu “Hàn Mặc Tử”: được biết nhiều hơn là nhờ các tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử đã phổ biến rộng hơn. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các văn kiện cuối đời và liền sau cái chết của nhà thơ, từ khoảng 1939 đến 1941 thì “Hàn Mạc Tử” là tên hiệu sau cùng theo người vào cõi thiên thu.

Đối với bút hiệu cũng như đối với bản thân và cuộc đời – qua các sáng tác của Hàn, những phần đã xuất bản và những phần chưa thành tập, một số thơ và khoảng 90 bài văn xuôi, trên gần 20 tờ báo ở cả Trung Nam Bắc hình như nhà thơ không khai trừ đường lối gì, nhưng đón nhận muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống và lòng người để khai phóng “hết những anh hoa huyền bí” và “quy tụ, thâu về một mối”.

Cái “mối” mà cụ Phan Sào Nam, chủ nhân “Mộng Du thi xã” đã gợi lại trong hai câu đối tặng khách hưởng ứng bốn phương, trong Thực Nghiệp Dân Báo, 23.8.1931:

Duyên văn tự lai láng nước biếc non xanh,
Mối tinh thần có có không không trời cao bể rộng



Phạm Đán Bình (1936-2011)

Trích từ báo Tin Nhà, số 3, 1992, Paris

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us