Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / HAI BÀI BÁO

HAI BÀI BÁO

- Hồ Lê Phồn — published 25/10/2010 18:06, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
xuất bản năm 1936 của nhà văn Hồ Lê Phồn



Tư liệu

Hai bài báo

Hồ Lê Phồn


Diễn Đàn giới thiệu dưới đây hai bài báo đã đăng trên tuần báo Sông Hương cách đây hơn 70 năm. Tác giả là Hồ Lê Phồn, một cây bút quen thuộc trên mặt báo Phụ Nữ Tân Văn và Sông Hương những năm 1930. Kháng chiến bùng nổ, ông giảng dạy ở trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 cùng với Nguyễn Tiến Lãng (con rể Phạm Quỳnh). Năm 1952, ông Nguyễn Tiến Lãng "dinh tê", ông Hồ Lê Phồn bị tình nghi giúp ông Lãng đào tẩu, nên bị bắt giam. Ông bỏ mình ở trại giam năm 1953. Hai năm sau, vợ ông bị giết trong cuộc Cải cách ruộng đất.

Chúng tôi cảm ơn anh N. B. D. đã cung cấp hai bài báo này.





MỘT KHUYẾT ĐIỂM LỚN
TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM


Quốc sử là gì? - Là sự thay đổi theo thời gian của một nước, một dân tộc. Những sự thay đổi đó thuộc về những phương diện nào? - Ta hãy xem sự tiến hóa của nước ta gần đây thì sẽ rõ :

Nói về chỗ đó, quan cố Toàn quyền P. Pasquier có viết: "Giả thử một người Việt Nam chết đi đã năm mươi năm mà bây giờ sống lại thì hẳn phải ngơ ngác lạ lùng cho những sự thay đổi chung quanh".

Phải, quả là người ấy phải ngơ ngác lạ lùng thật. Nhưng nào có phải chỉ lạ lùng cho những sự biến dời của thời cuộc hay những chính sách hiện hành mà là cho hết thảy những điều có thể chép vào trong một cuốn Việt sử hay Nam sử nào đó. Chính cái cảnh mà người ấy chú ý nhất lại ở trong một phạm vi rộng rãi hơn. Đấy là những kiểu nhà pha Tây, đấy là những bộ y phục đổi mới, đấy là sự xu hướng về ý chí của một phần lớn trong quốc dân...

Đấy, trong khoảng năm mươi năm, thời gian đã chôn vào vòng quá khứ biết bao nhiêu điều quan trọng...

Nhưng cũng chỉ là nửa thế kỷ, tuy là một chỗ đặc biệt trong lịch sử của một dân tộc, tuy là cuộc gặp gỡ của Đông và Tây...

Nhờ những ý nghĩ đó mà một hôm kia tôi đã nhận ra trong lịch sử ta một khuyết điểm lớn. Vô tình, nhiều nhà trứ thuật đã dối ta trong những Việt sử hay Nam sử.

Việt sử, sử nước Việt; Nam sử, sử nước Nam.

Tuy vậy, quả thực là cái nghĩa đó không định hẳn ra trong tác phẩm.

Thử hỏi như nói về trong năm mươi năm gần đây, một sử gia có thể chép được những gì nếu cứ theo cách chép của phần nhiều quyển trước kia? Người ta có nói đến cuộc Âu hóa mãnh liệt về kiến trúc, về phục sức ở thành thị không? Người ta có nói đến sự thay đổi của tư tưởng, bước tiến hóa của dân trí không? Người ta có nói đến nạn kinh tế khủng hoảng không?...

Đó!

Đó chính là những khoản vụn vặt thuộc về những điều kiện mà lịch sử Việt Nam ít để ý tới.

*
* *

Tại sao vậy?

Bởi vì, trong làng sử Việt Nam đã có một cái tập tục: lấy vua chúa làm trụ cột của lịch sử. Có lẽ cũng vì đó mà người ta nói đến việc chánh trị, nghĩa là công nghiệp của vua chúa và nói đến việc chiến tranh, nghĩa là những cái võ công oanh liệt của triều đình.

Ngoài ra, người ta đã bỏ sót biết bao nhiêu điều đáng tiếc!

Tôi vẫn biết rằng trong một nước ở dưới chế độ quân chủ chuyên chế thì một câu nói của ông vua, một tính nết nhỏ mọn của vị trọng thần cũng có khi có ảnh hưởng lớn lao đến quốc dân trong một thời đại.

Nhưng, ta còn có thể tìm thấy những phong trào không mảy may liên lạc đến công việc của nhà cầm quyền và cả đến những nền văn minh như Phật giáo và Khổng giáo ở nước ta nữa. Thử nghĩ xem: Một người đời Hồng Bàng đã biết làm những gì? Dân Việt Nam sau hơn nghìn năm nội thuộc Trung Quốc đã có cái búi tóc củ hành, cái khăn nhiễu chữ nhân, cái quần buông lá tọa chưa? Đám dân cùng ở thôn quê trong hồi nhà Lý, nhà Trần phải chăng còn lấy chiếc khố vòi làm tất cả đồ mặc và còn ở trên những cái nhà sàn tồi tàn mà nay ta vẫn thấy rải rác trên miền núi?

Thế rồi, còn nhiều nữa...

Phải, sao sử gia chẳng dành một vài dòng mà tả một cảnh điêu tàn của đám dân chạy loạn từ vùng này qua vùng khác? Sao các ngài nỡ bỏ qua không nói đến những hồi nào mà người nước ta bắt đầu biết trồng trọt, dệt vải, làm đồ gỗ? Những vị tổ sư của các nghề đó há chẳng có thể sánh công nghiệp với vua Lê Thái Tổ, tướng Trần Quốc Tuấn ru?


*
* *

Ngậm ngùi thay bao nhiêu việc đã trôi qua trong vòng quá khứ mịt mù, sử gia Việt Nam đã bỏ biết bao nhiêu nấm mồ hoang âm thầm mà đáng lẽ là những ngôi lăng vĩ đại!..

Vậy một công việc rất lớn lao đang đợi một sử gia sau này, sau Ngô Giáp Đậu(1) là người đã biết chia Việt sử ra từng thời đại mà chưa biết rằng mỗi thời đại đều có một đặc tính riêng, khác hẳn với thời đại khác; sau Trần Trọng Kim là sử gia đầu tiên đã khảo sát về tình hình xã hội Việt Nam khi sắp tiếp xúc với văn hóa phương Tây mà lại không để ý đến những cuộc khảo sát cùng một tính cách ấy nữa.

Ta chớ vội tưởng rằng công việc đó không bao giờ có thể làm được nữa. Nếu ta biết được những nấm mồ hoang âm thầm kia, thì những cái bí ẩn ở dưới ấy có thể dạy cho ta nhiều điều "rất cũ kỹ mà rất mới mẻ": Một bức vẽ hình nhân nguệch ngoạc khắc trên đá cũng có thể cho ta biết y phục của người đời xưa; một thứ đồ cổ tìm được ở dưới đất cũng dạy được ta về công nghệ, mỹ thuật của một thời đại; và, xa hơn nữa, trong phong tục lạ lùng của một xứ mán mường nào đó, hẳn còn trú ẩn một ít văn minh tối cổ của Tổ quốc Việt Nam...

Août 1936


(1) Sách của ông tức là bộ Trung học Việt sử toát yếu bằng chữ Hán, xuất bản năm 1911 ở Hà Nội.



NGUỒN : Tuần Báo Sông Hương số 8, ra ngày 19 Septembre 1936



Quận vạn thành

hay là

CON VOI GIÀ CỦA VUA HÀM NGHI



Trong mấy trận chống nhau với quân Pháp ở Thuận An, Đà Nẵng, đội lính voi của ta ở Kinh thành bị thiệt hại rất nhiều. Cho nên hôm 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1886), trong đội quân của vua Hàm Nghi rời bỏ thành Huế ra đi, người ta chỉ còn thấy bảy con voi: trong đó có hai con có tước, là Quận Vạn Thành và Quận Cóc.

Tôi nhớ đến chuyện đội voi đó là vì vừa được đọc một bài của ông Lưu Trọng Lư trong Hà Nội báo số 34 ra ngày 26 Aoỷt 1936. Ông Lư đã nói đến Quận Vạn Thành để kết thiên tiểu thuyết Con voi già của vua Hàm Nghi của ông một cách cảm động.

Theo ông thì Quận Vạn Thành có cho người ta thấy mặt ở rừng Mã Rai, dưới chân núi Đạm Sơn (Quảng Bình), một hôm kia cách ba mươi năm sau khi vua Hàm Nghi rời vùng Tuyên Hoá.

Hôm ấy, một người bầy tôi của vua Hàm Nghi còn sống sót lại ngoài vòng tù tội là ông Lê Tuấn, đứng đầu một bọn dân Mường, đang làm lễ ở chỗ ấy; bỗng một tiếng hét dữ dội nổi lên rồi người ta nhận thấy Quận Vạn Thành quỳ trên đỉnh núi, đăm đăm nhìn về phía người làm lễ.

Lúc ấy, đoàn người định dụ con vật khôn ngoan đó, nên họ trèo lên đỉnh núi vào giữa lúc hoàng hôn rồi mắc một cái võng từ chân trước đến chân sau của Quận. Ông Lê Tuấn ngồi lên trên võng để đưa Quận về. Nhưng Quận chỉ tiễn người đến đầu làng Thành Cước rồi lấy vòi bứt cái võng mà trở vào rừng.

Và, cho đến bây giờ, cái tên Quận Vạn Thành vẫn còn in sâu vào trong trí nhớ của dân miền núi huyện Hương Sơn, Hương Khê; người ta biết rằng nó đã già và trên lưng có một cái bành chói lọi những vàng và bạc.

Lúc nhà vua ẩn ở đồn Sơn Phòng tỉnh Hà Tĩnh, chỉ còn có sáu con voi nữa, vì trong lúc chạy vạy vội vàng, một con bị lạc đi đâu mất. Người ta kể rằng sau nó theo vua ra Bắc và một hôm kia nó đến kiếm ăn gần một cái trại ở mặt núi phủ Đức Thọ và phá phách rất là dữ dội. Nhưng lạ nhất là lúc sứ nhà vua đến dụ, nó ngoan ngoãn quỳ hai chân trước xuống để cho sứ đến bên tai mà tuyên chỉ. Lúc được dắt về đến chợ Thượng, nó hung hăng quật ngã một người đã dám ngạo mạn chỉ vào mặt nó mà chế diễu: "Mặt mũi như thế mà để đến nỗi thua trận!".

Câu chuyện đó làm cho ta nhớ đến câu chuyện Ấn Độ kể về một con voi đang đi uống nước, đưa vòi lấy trộm mấy quả na để bên cửa sổ một tiệm thợ may: bị người thợ lấy kim đâm vào vòi, nó bèn báo thù một cách rất lý thú là lúc về qua đấy, phun ngay vào mặt người kia ngụm nước mà nó đã lấy ở nơi uống.

Có người bảo tôi rằng con voi trên kia là Quận Vạn Thành; lại có người cãi rằng không phải.

Một ông già kể cho tôi nghe việc vua Hàm Nghi chiêu tập văn thân và phái bằng cho họ ở nha Sơn Phòng Hà Tĩnh. Lúc đó bọn ông lĩnh binh Lã Trinh có mượn con Quận Cóc về đánh dân đạo ở làng Đông Tràng (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Sau khi đưa giả được mấy hôm thì cả mấy con đều bị thả ra vì súng quân pháp đã đùng đùng trỏ thẳng vào mặt tây tỉnh Hà Tĩnh.

Từ đó, người ta thường thấy Quận Vạn Thành lẩn lút trong các khu rừng Khai Rướng, Đại Hàm và có khi ra đến các làng gần núi ở Hương Sơn. Chừng 10 năm về trước đây, có người bảo rằng trên lưng nó đã mọc lên một bụi lau cù và hôm nào trời động mưa từ mình nó chiếu ra một đạo hào quang làm cho một góc rừng sáng rực. Biết đâu rằng đó không phải là sự thực: - Tôi có thể ngờ rằng trên lưng con voi sống lâu đó đã có một thứ dạ quang lân chất (phosphore).

Lại còn hai câu chuyện huyền hoặc về Quận Vạn Thành:

Một người tiều phu ở miệt Ngân Sơn (Hương Khê) đã được nó thưởng cho một cái vòng chân bằng vàng vì đã có công vứt một cây gỗ xuống hố lầy, cứu nó lên khỏi chỗ nguy hiểm. Lại một người thợ rèn ở một làng gần núi, một buổi tối kia, thấy nó đến lấy vòi nạy bật cửa lên, cả nhà hoảng hốt vùng chạy. Nhưng đến lúc trở về, anh ta thấy nhà cửa và đồ đạc vẫn nguyên vẹn; chỉ có một điều lạ là có một cái vòng vàng đã gãy làm hai đoạn. Người thợ hiểu ý, chữa ngay cái vòng lại. Quả nhiên tối hôm sau, con voi lại đến và sau khi lấy cái vòng vàng đã đặt sẵn giữa sân còn vứt xuống đấy một cái vòng bạc để trả công cho người thợ.

Tôi xét ra hai chuyện này không có chứng cứ gì đích xác cả. Nhưng người ở vùng này phần nhiều đã dựa vào những câu chuyện trên kia mà bảo rằng Quận Vạn Thành nay đã thành yêu, hay đã thành thần. Bảy, tám năm nay, vì trại mạc lập ra nhiều, nó đã ẩn mình vào rừng sâu nên người ta lại nhân đó mà bảo rằng nó đã có thể biến hóa được...

Nó hiện ở đâu?... Nó còn sống không?

Dù sao ta vẫn nên nhớ đến chúng nó là một giống vật đã cùng người ta chống giữ Tổ quốc bấy lâu và hai việc hy sinh rất cảm động của đội tượng quân có thể để cho tôi dùng mà kết bài này.

Sau trận Thuận An, một "ông Quận" đã tình nguyện dừng lại để làm mộc đỡ đạn cho đội quân tàn; một "ông" nữa, mình đầy những vết thương vẫn chạy về đến Kinh thành, quay đầu vào cửa Ngọ Môn rồi phục xuống đấy mà chết.


 Septembre 1936


NGUỒN : Tuần Báo Sông Hương số 12, ra ngày 17 Octobre 1936



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us