Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Henri, Edward... và James Do

Henri, Edward... và James Do

- Nguyễn Ngọc Giao — published 14/01/2015 15:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Tưởng nhớ Đỗ Bá Phước (1952-2015)


Tưởng nhớ Đỗ Bá Phước (1952-2015)



Henri, Edward... và James Do



Khởi đầu tôi không biết Đỗ Bá Phước, mà chỉ nghe nói tới James Do.

Đầu tiên là qua Henri Van Regemorter (1925-2002), nhà vật lý thiên văn. Sau đó, đối tác của Henri ở California là Edward Cooperman (1942-1984), nhà vật lý hạt nhân. Henri là người Pháp, gốc Do Thái và Bỉ, sang Pháp từ thời sinh viên, từ đó hoạt động, cho đến cuối đời, ủng hộ các nước thế giới thứ ba, trước hết là Việt Nam, giành độc lập, và sau đó phát triển, đặc biệt là khoa học và giáo dục. Bạn bè của anh ở Việt Nam và ở các nước thế giới thứ ba đếm không hết. Và trong những đồng nghiệp ở các nước Âu Mỹ, anh luôn luôn tìm ra những "đầu cầu" vận động giới khoa học ủng hộ Việt Nam. "Đầu cầu" của Henri ở California chính là Edward Cooperman, người đã bị một thanh niên Việt bắn chết vào tháng 10-1984 khi anh làm chủ tịch Ủy ban hợp tác khoa học Mỹ-Việt. Tôi được gặp Edward lần đầu ở căn hộ "con trai độc thân" của Henri, phố Rosiers, từ đó, mỗi lần anh sang Pháp, hoặc họp hội nghị, hoặc để bàn chuyện hợp tác, hoặc cả hai. Henri và Edward là một cặp bài trùng trong lãnh vực vật lý, tương tợ như cặp bài trùng trong toán học Laurent Schwartz và Steve Smale (một là cha đẻ thuyết phân bố, một là tác giả định lý cơ bản về đại số học, cả hai đều giải Fields).

Henri và Edward bao giờ cũng nói tới James Do bằng một giọng trìu mến. Họ quý những đóng góp của anh trong phong trào phản chiến của Mỹ và trong nhóm anh chị em Việt kiều, và thương mến anh như người em trai ruột thịt. Henri hơn James 27 tuổi, Edward 10 tuổi. Lúc đầu, nghe nói tới cái tên James Do, tôi cũng hơi ngạc nhiên, không hiểu ông "Mỹ con" này ra sao. Về sau, anh em khác giải thích (không hiểu có đúng như vậy không) mới hiểu, trong trường hợp Phước, chọn một tên Mỹ không phải là "nhập gia tùy tục" mà gần như không thể làm khác. Chữ Phước, phát âm theo kiểu Mỹ, chả khác nào lời chửi tục nay đã trở thành khá quen thuộc trên thế giới. Cũng như ở Pháp, người Việt Nam nào mang tên là Chi, là Chiến... thì rất là phiền.

Tôi không nhớ lần đầu gặp anh vào năm nào. Nhưng nhớ rõ lần ấy, anh Phước, chị Ánh và cháu Anh Minh sang Pháp chơi. Tất nhiên là họ ở nhà anh Henri, phố Bourgogne, Meudon, không xa Thiên văn đài Meudon nơi Henri làm việc. Tôi hẹn đưa anh chị đi thăm cung điện và công viên Versailles, sợ trễ,  không vào nhà nói chuyện, nên không nhớ lúc đó Ngô Bảo Châu đã sang Pháp học chưa (Châu nhiều năm ở nhà Henri và trở thành người em trai thứ nhì của Henri, sau Phước). Những năm 80, cách nhau một lục địa và một đại dương, mỗi người một việc, chúng tôi ít có dịp liên lạc thư từ (thời ấy chưa có internet, điện thoại viễn liên rất đắt, đó là không nói thoi giờ chênh lệch 9 tiếng, không tiện chút nào). Trao đổi thư từ và tài liệu nhiều và năng nhất là lúc Edward bị giết. Nhờ anh Phước, chúng tôi ở Paris mới có được thông tin chính xác, và nhất là đầy đủ về vụ xử hung thủ.

Việc liên lạc giữa chúng tôi trở thành thường xuyên hơn từ khi có internet, hay đúng hơn, từ khi tôi biết sử dụng internet, trong năm 1990. Liên lạc chủ yếu là một chiều : anh dạy tôi đủ thứ chuyện, từ cách bỏ dấu tiếng Việt VIQR và đánh máy theo kiểu điện tín thông dụng thời đó ở trong nước : bỏ dấu thanh ở cuối mỗi chữ, dấu huyền thay bằng f, sắc s, hỏi r, ngã x, nặng j, cho đến việc truy tìm thông tin về Việt Nam trên mạng (thời ấy chưa có Google).

Chính vì cái vụ bỏ dấu bằng f, s, r, s, j này mà có lần tôi bị Phước lừa một cú nhớ đời. Câu chuyện xảy ra vào cuối thập niên 90, chắc chắn là sau khi Việt Nam "hội nhập" mạng lưới internet (năm 1997) -- một sự kiện lịch sử, mà Đỗ Bá Phước đã góp phần không nhỏ, tất nhiên công lao lớn thuộc về các anh Nguyễn Đình Ngọc, Phan Đình Diệu, Chu Hảo.... Được thuyết phục về lợi ích của internet, về sự "không thể không hội nhập" vào mạng lưới toàn cầu, nhưng giới cầm quyền cũng rất lo -- mà lo là phải ! -- nên tìm đủ mọi biện pháp ngăn chận những thông tin "không lành mạnh". Tường lửa, và các công cụ tìm kiếm, tự động ngăn chận mọi văn bản có nội dung "đồi trụy, phản động". Một hôm, trong bản tin mà Phước chuyển cho tôi, có một bản tin ngắn, đại ý : nhà cầm quyền Việt Nam quyết định "thanh lọc" tất cả những văn bản có chữ "sex". Kẹt một nỗi, tiếng Việt bỏ dấu theo quy ước VIQR nói trên, thì chữ "sẽ" viết thành "sex", và như thế sẽ ngăn chặn đủ thứ văn bản, kể cả những lời hiệu triệu nổi tiếng "thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay". Vớ được bản tin quý hơn vàng, tôi viết ngay một tiểu phẩm châm biếm chính sách kiểm duyệt ấy. Vài ngày sau, Đỗ Bá Phước gửi lại cho tôi bản tin hôm trước, chỉ đánh dấu thêm vào ngày gửi bản tin : April 1st. Hóa ra tôi là nạn nhân của con cá tháng tư mà Phước đã sáng tạo, cho tôi một bài học, và cho anh một trận cười (có lẽ, chỉ một nụ cười, nhẹ nhàng).

Anh sang Pháp thì tôi chỉ có thể "khoe của" bằng văn hóa nước Pháp, đưa anh đi thăm lâu đài, bảo tàng, nhà thờ. Tôi sang California thì anh đưa tôi đi mua thiết bị máy tính. Lần đó, tôi xin tiền vợ để sắm một cái Pal (vì thấy Nguyễn Hoàng mỗi lần đưa vợ đi Mall đều đứng ngoài hè mở Pal ra, chắc là... luyện chưởng), bèn nhờ Phước dẫn đi mua nơi nào rẻ nhất. Phải đi tới trung tâm thương mại thứ ba, anh mới cho tôi mua cái Pal, vì nó rẻ hơn ở những nơi kia tới mấy chục cent. Còn mấy chục dặm anh chở tôi đi ba nơi trong cái xe 4x4 tốn bao nhiêu lít xăng (dù giá xăng ở Mỹ rẻ như bèo, thời đó) có đáng là bao, so với niềm vui đạo lý : mua chỗ nào rẻ nhất. Thực ra, tôi ngờ là Phước cố ý dàn dựng cuộc mua bán này để chúng tôi có dịp giễu anh.

Sáng nay, nhận được mấy trang viết và hình ảnh mà gia đình soạn ra để tưởng nhớ Đỗ Bá Phước (xem tài liệu kèm theo, ở cuối bài), tôi đọc :

"Hai tuần trước đây, khi cùng đi dạo trên bãi biến ở Phú Quốc, Ánh hỏi Phước đang nghĩ gì, Anh Phước đã đáp rằng mình đang 'vui hưởng cuộc sống'".

Vui hưởng cuộc sống. Simply enjoying Life. Tình cờ thay, chiều hôm kia, trên đường phố Paris tràn ngập người biểu tình, với cây bút chì cầm trong tay, hay thay châm cài tóc, mang khẩu hiệu "Tôi là Charlie" bằng đủ thứ tiếng, nhìn những ánh mắt thân thiện và nụ cười của mọi người, tôi chợt thấy mình nhiều lần nghĩ tới Phước, tới Henri, tới Edward... những người bạn, những anh em đã ra đi, những người đã vui hưởng cuộc sống, và dạy tôi sống vui.

Paris, 13.1.2015

Nguyễn Ngọc Giao





Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss