Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / HIDEKI YUKAWA người lữ hành cô đơn

HIDEKI YUKAWA người lữ hành cô đơn

- Ngyuyễn Xuân Xanh — published 13/10/2021 10:00, cập nhật lần cuối 13/10/2021 13:49

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi


HIDEKI YUKAWA
NGƯỜI LỮ HÀNH CÔ ĐƠN


Nguyễn Xuân Xanh


Kính tặng anh Phạm Xuân Yêm
Và các nhà khoa học Việt Nam đang âm thầm lao động để
bầu trời Tổ quốc được tươi sáng hơn.


desin


Vật lý là một khoa học đã có những tiến bộ nhanh chóng trong thế kỷ hai mươi… Tôi mong ước, như tôi từng làm trong quá khứ, mình là một người lữ hành trong một vùng đất lạ và là kẻ khai hoang của một đất nước mới.

HIDEKI YUKAWA



Lời nói đầu

Bài viết này dựa trên quyển Tự truyện của Hideki Yukawa có tên Tabibito, Người lữ hành, nhà xuất bản Wspc, 1982, mô tả về cuộc đời ông từ thời trung học cho tới đại học, những giai đoạn thăng trầm trong nghiên cứu, mô tả giáo dục trong gia đình và của trường học, môi trường xã hội và tính cách đặc biệt của ông, ảnh hưởng của khoa học và các nhà khoa học phương Tây lên tuổi trẻ Nhật Bản, cũng như bầu nhiệt huyết của sinh viên Nhật Bản quyết dấn thân vào cuộc tái sinh quốc gia bằng sự chiếm lĩnh khoa học phương Tây. Tự truyện cho thấy đời sống khoa học của Nhật Bản thế nào, tinh thần học hỏi và ngưỡng mộ khoa học của họ thế nào. Khoa học, đối với Yukawa và giới thanh niên bước vào con đường của nó, là lý tưởng văn minh khai sáng (bunmei kaika) của giới tinh hoa Nhật Bản, cũng như lẽ sống còn của quốc gia. Cuộc vươn lên của những nhà khoa học Nhật Bản chứng minh trước thế giới rằng, khoa học có thể được dăm bồi và phát triển như một khu vườn cây bên ngoài mảnh đất châu Âu truyền thống. Họ đã đứng vững được trên đôi chân họ, và Phù Tang đã trở thành cái nôi khoa học ở phương Đông - cho mãi mãi về sau. Tôi tin rằng, câu chuyện của Hideki Yukawa là một cánh cửa sổ truyền cảm hứng mạnh mẽ để người Việt Nam suy ngẫm.


(1)

Hideki Yukawa (1907-1981) là một trong những nhà vật lý Nhật Bản xuất sắc đầu tiên theo nghĩa phương Tây. Ông là người đầu tiên đem lại cho Nhật Bản vinh dự lớn nhất về khoa học: Giải Nobel Vật lý năm 1949, bốn năm sau kết thúc chiến tranh, dành cho những ý tưởng độc đáo của ông trong ngành vật lý hạt. Điều đó mang lại cho ông uy tín vô cùng to lớn trong nước. Lúc đó ông 42 tuổi. Càng tự hào hơn nữa khi Yukawa là nhà vật lý đầu tiên hoàn toàn được đào tạo tại Nhật Bản, “home-made” một trăm phần trăm. Giải Nobel giúp hàn gắn lòng tin đang suy sụp của một quốc gia vừa bại trận và chấp nhận đầu hàng đau đớn, và khẳng định, người Nhật cũng có thể vươn lên ngang bằng với các đồng nghiệp của họ ở phương Tây.

Trước khi nói tiếp về ông, xin nói một chút về tình hình xây dựng ngành vật lý ở Nhật Bản. Cho tới Phục hồi Minh Trị năm 1868, Nhật Bản đã có một nền công nghệ bản địa tiên tiến chứ không phải tay không. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến họ nhanh chóng tiếp thu được công nghệ phương Tây một cách ồ ạt khi mở cửa.1 Nhưng họ chưa có khoa học theo nghĩa phương Tây. Khi những chiếc tàu Mỹ của Commodore Matthew Perry bắn phá năm 1853, các nhà lãnh đạo Nhật Bản hiểu rằng hiện đại hóa là mệnh lệnh sống còn. Họ nhận thức tầm quan trọng của khoa học. Nhà khai sáng Fukuzawa tuyên truyền cho ngành vật lý là “căn bản của mọi ngành khoa học”. Họ thuê một giáo sư Pháp và một giáo sư Anh để dạy môn vật lý tại Đại học Tokyo. Dĩ nhiên họ giảng dạy bằng ngôn ngữ bản xứ của họ chứ không phải tiếng Nhật! (Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học công nghệ hoàng gia, Henri Dyer, được thuê từ Scotland, và các giáo sư được ông thuê từ Anh quốc, cũng giảng dạy bằng tiếng Anh một trăm phần trăm; dĩ nhiên họ phải thuê một chuyên gia ngôn ngữ để dạy tiếng Anh.

Một số samurai được gửi sang châu Âu đầu tiên để học ngành vật lý. Nhưng những người này đi học trong tinh thần quân sự, và rực lửa yêu nước. Họ căm ghét những người phương Tây. Nhật Bản gửi tiếp những người được chuẩn bị tốt hơn. Những người sau quan tâm thật sự đến vật lý, và học hành nghiêm túc, chuyên hơn là hồng. Một khuôn mặt quan trọng nhất trong đó là Hantarō Nagaoka (1865-1950). Ông sang châu Âu năm 1893, tiếp tục học tại Berlin, Munich và Vienna. Năm 1900, ông tham dự Hội nghị Quốc tế Đầu tiên ngành Vật lý tại Paris, ở đó ông nghe bà Marie Curie thuyết trình về phóng xạ, khiến ông quan tâm đến vật lý nguyên tử. Nagaoka trở về Nhật Bản năm 1901 và phục vụ Đại học Tokyo với tư cách giáo sư vật lý, cho đến năm 1925. Ông có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí phương Tây.


Nagaoka

Hantarō Nagaoka (1865-1950)
Nhà vật lý tiên phong thời Minh Trị


Nagaoka trở thành một trong những nhà lãnh đạo khoa học Nhật Bản hàng đầu, và có ảnh hưởng lớn lên quản lý và tổ chức. Tuy thế, khoa học và chủ nghĩa ái quốc vẫn là những sự đam mê ngự trị, những kim chỉ nam ở ông. Một lá thư năm 1888, được viết bằng tiếng Anh, gửi cho thầy ông là giáo sư Tanakadate, người đang ở Glasgow, Scotland, đã tỏ rõ một cách hùng hồn những cảm xúc của ông, dù với thời gian có thể thái độ của ông có thể thay đổi. Ông viết:

Chúng ta phải lao động tích cực với con mắt đau đáu, tinh thần sắc bén, và sẵn sàng hiểu biết, không mệt mỏi, và không ngừng giây phút nào… Không có lý do gì khiến tại sao người da trắng sẽ ưu việt trong mọi thứ, và như thầy nói, tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể đánh bại những người yattya hottya (tự cao tự đại) trong vòng 10 hoặc 20 năm. Chúng ta không thể chờ đợi để quan sát sự chiến thắng của các hậu duệ của chúng ta đối với những người da trắng qua viễn vọng kính từ jigoku (âm phủ). Một nhu cầu lớn khác để đánh bại những người da trắng kia là làm sao để công trình của chúng ta được biết đến. Đây là một khó khăn lớn. Trong bước đầu, chúng ta không thể viết bằng tiếng Nhật mà làm cho người phương Tây hiểu các bài viết của chúng ta. Chúng ta phải mượn ngôn ngữ họ và làm cho người da trắng hiểu. Thực tế, như thầy nhìn nhận, những người da trắng có thể nói về tất cả mọi thứ, nhưng trong trường hợp chúng ta, chúng ta đôi khi không có khả năng nói, mặc dù có đủ chất liệu để nói. Tôi nghĩ, đó là nhược điểm lớn của chúng ta, và chúng ta phải, nếu có thể, học viết và nói rõ ràng và thông thạo.

Dấu ấn mạnh mẽ nhất của tất cả người Nhật đi học là học cho Tổ quốc thiêng liêng, nhằm canh tân đất nước, để ngang bằng phương Tây, và họ học rất quyết tâm, như một kiếm sĩ xung trận. Họ không có tham vọng cá nhân, hay gia đình, mà chỉ có tham vọng cho tổ quốc của họ. Những người học Vật lý cũng ở trong tâm trạng đó. Họ quyết tâm muốn biến đổi đất nước thành một cường quốc vĩ đại dưới khẩu hiệu Fukoku kyōhei, "phú quốc, cường binh”, dân giàu, quân mạnh. Vì họ ý thức sâu sắc rằng, nếu không xây dựng đất nước họ thành công, thì, hãy xem người khổng lồ Trung Hoa mà họ từng ngưỡng mộ vừa dãy dụa trong trận chiến tranh nha phiến 1840 trước binh lực hùng mạnh của Anh quốc, thì họ, một quốc gia nhỏ bé, rồi cũng sẽ có chung một số phận thôi. Đối với họ, khi thì sự phát triển khoa học đồng nghĩa với sự phát triển, và của cả sự sống còn, của quốc gia, khi thì “khoa học” đối với họ đồng nghĩa với “văn minh”. Học khoa học là yêu nước, là văn minh.

Lịch sử Nhật Bản Minh Trị dày đặc những câu chuyện minh chứng cả thế hệ đang trên đường rũ bỏ Trung Hoa học để quay sang Tây học. Đây là một câu chuyện, của chính Hantarō Nagaoka. Bố của ông là một trong các thành viên của đoàn Sứ mệnh Iwakura lịch sử đi một vòng sang Mỹ và châu Âu để tìm khai sáng cho Nhật Bản. Nagaoka bố quan tâm sâu sắc đến giáo dục trẻ con, ông dạy con ông thuật viết chữ đẹp, thư pháp (calligraphy), và sự học Trung Hoa. Khi ông đến Anh quốc trong đoàn Iwakura, ông mua một số sách giáo khoa cũ, kể cả sách lịch sử Anh, cho các con ông. Có lẽ là những sách giáo khoa về khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Ông có ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trước giáo dục phương Tây, nên khi trở về Nhật, ông xin lỗi với con trai ông là đã dạy các môn học sai. “Bố không xứng đáng là bố của con, bởi đã dẫn dắt con đi sai đường”, ông nói với cậu con trai tám tuổi của ông. “Những người phương Tây học những quyển sách này đây, và con cũng phải trở thành một người có năng lực đọc được chúng. Vì bố không thể dạy con, con phải học tiếng Anh.” Thực tế, với những quyển sách ‘chỉ đường’ này từ tầm nhìn của ông cho của đất nước, ông đã giúp Nagaoka định hướng tương lai trong thiên hùng ca phiêu lưu thần kỳ sắp tới của dân tộc, và do đó, ông xứng đáng là bố lắm. Bản thân ông cũng nỗ lực đọc những quyển sách đó, để làm gương, mặc dù ông không đọc được tiếng Anh. Họ quyết tâm thay thế Trung Hoa cổ học bằng cái học hiện đại phương Tây.

Mãi đến năm thứ nhất ở Đại học Tokyo, Nagaoka mới thật sự yêu thích khoa học. Nhưng ông có niềm sợ hãi sâu sắc trước sự ưu việt áp đảo về công nghệ của phương Tây. Ông sợ, với tư cách là thành viên của một chủng tộc, ông không thể nào trở thành một nhà khoa học lớn được. Ông cũng thấy chua chát từ những cảnh người nước ngoài tỏ ra khinh thường, hay tệ hơn, đối xử người Nhật như trẻ con. Và trong đại học, ông không thấy một chút dấu vết gì của những đóng góp của phương Đông vào vật lý. Ông quyết tâm nghỉ một năm để nghiên cứu riêng về khoa học Trung Hoa, để giải quyết câu hỏi cơ bản ở ông: Người phương Đông có thể học khoa học phương Tây được hay không. Sau khi biết rằng Trung Hoa cũng từng có những khám phá khoa học đáng kể, như thuốc súng, la bàn, những vết đen mặt trời, làm lịch v.v. thì ông tin rằng “những người phương Đông cũng có thể, nếu hiến dâng mình cho khoa học, cuối cùng sẽ đạt đến một trình độ không thấp kém hơn trình độ của châu Âu và Mỹ.”

Từ đó ông quyết tâm trở lại học vật lý. Không phải ai cũng cực đoan như ông. Nhưng cái cực đoan ấy là xung lực cần thiết để ông quyết tâm học vật lý. Cuối cùng Nagaoka dành được nhiều vinh dự từ nước ngoài, như được bầu làm thành viên danh dự của Société des Physiques et d’Histoires Naturelles ở Geneva năm 1901; fellow danh dự của Hội vật lý Luân đôn, hội có nhiều thành viên nước ngoài lỗi lạc như Marie Curie, H. A. Lorentz. Đại học Cambridge trao tặng ông một bằng danh dự năm 1925, những vinh dự mà cha ông không bao giờ mơ đến khi ông mua cho con mình những quyển sách cũ ba mươi năm về trước.

Có thể nói, với Nagaoka, ngành vật lý phương Tây đã “nhập tịch” Nhật Bản, tuy ông thừa nhận rằng ông chỉ mới thuộc về giới các nhà vật lý thế kỷ 19, bởi ông chưa bước vào thế giới lượng tử, mặc dù những bài giảng về thuyết lượng tử của ông như luồng gió mới thổi vào giới vật lý Nhật Bản với sức truyền cảm mạnh mẽ của ông, cho cả Yukawa, các nhà vật lý Nhật Bản chính thức bắt đầu bước vào thánh đường của ngành vật lý thế giới. Đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã xây dựng được các thể chế cần thiết để ngành vật lý Nhật Bản phát triển từ không đến trình độ có thể tham gia vào vật lý thế giới, với hai đại học chính là Đại học hoàng gia Tokyo và Đại học hoàng gia Kyoto chuyên đào tạo các nhà vật lý. Đại học thứ nhất đã đào tạo đến năm 1900 hơn một trăm nhà vật lý. Họ đã có một “binh chủng” vật lý đáng kể làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

Năm 1967, khi nhìn lại quá khứ, Yukawa nhận xét “Tôi cảm nghĩ rằng có lẽ một lý do quyết định làm cho tôi, một sinh viên trung học trong những năm đầu của 1920, chọn một cách không do dự con đường nghiên cứu vật lý là người ta có thể tìm thấy trong những người Nhật đi trước một nhà vật lý lớn (như Hantarō Nagaoka).” Họ đã đặt xong nền tảng phát triển một các tự chủ, tuy còn cần nhiều xung lực từ phương Tây, những điều sẽ đến trong những thập kỷ tới.

Tại một buổi diễn thuyết trong chuyến thăm của Heisenberg và Dirac năm 1929, Nagaoka đứng lên và nổi giận đùng đùng với chính tình hình khoa học của nước nhà, vì sao Heisenberg và Dirac ở tuổi hai mươi mà đã đạt đến những công trình vĩ đại như thế, và xót xa khi thấy ở Nhật Bản các nhà vật lý vẫn hãy còn là những người “đi lượm trấu, cám” của châu Âu và Hoa Kỳ, và các sinh viên chỉ biết sao chép lại các bài giảng, một điều đối với ông thật khủng khiếp. “You guys, hãy bắt chước Heisenberg và Dirac đi” ông nói, như nhà vật lý giải Nobel Tomonaga sau này nhớ lại.


(2)

Hideki Yukawa là một người tiếp nối, giúp ngành vật lý Nhật Bản đi thêm những bước vạn dặm trên cuộc hành trình vật lý của Nhật Bản, trên làn sóng vật lý Nhật Bản đang lên. Và cuốn sách Tự truyện tự thuật lại cuộc đời và hoạt động ông, từ nhỏ cho đến khi có công trình bứt phá về thuyết hạt meson năm 1934, để 15 năm sau, 1949, đem về ông, và đất nước ông, giải Nobel vinh quang đầu tiên. Nagaoka lúc đó vẫn còn sống để nhìn thấy để thấy niềm tin của mình là có cơ sở, người phương Đông có đủ trí tuệ để có những thành quả so sánh được với thành quả của người phương Tây, và ông không cần phải quan sát thắng lợi “qua viễn vọng kính từ âm phủ”.

Yukawa xuất thân từ một gia đình các nhà khoa học, với nền giáo dục nhân văn rộng, đó là môi trường thuận lợi. Nhưng ông mô tả cái khó khăn của ông: “Nhưng cuộc đời hàn lâm của tôi không dễ dàng để phân tích. Trong khi về mặt nào đó, tôi may mắn, nhưng điều không chối cãi được rằng tôi đã trải qua những gian khổ nhiều hơn một số người khác. Vật lý là một khoa học đã làm những tiến bộ nhanh chóng trong thế kỷ hai mươi… Tôi mong ước, như tôi từng làm trong quá khứ, mình là một người lữ hành trong một vùng đất lạ và là kẻ khai hoang một đất nước mới.”

Ông là một trong ít người còn lại ham thích đọc sách Trung Hoa, không như đa số thanh niên trang lứa đã từ bỏ lâu rồi. Tâm hồn ông nhạy cảm. Những ý tưởng thế này (từ tiểu thuyết Sanshiro của Natsume Soseki, năm 1908) đã khơi động lòng ông:

“Chúng tôi, những thanh niên, không còn chịu đựng nổi sự áp bức của một nước Nhật già cỗi. Chúng tôi cũng đang phải sống trong những hoàn cảnh buộc chúng tôi phải lên tiếng với thế giới rằng chúng tôi, những thanh niên, không còn chịu đựng nổi sự áp bức mới của các nước phương Tây. Trong xã hội cũng như trong văn chương, sự áp bức mới từ phương Tây chỉ làm chúng tôi, thanh niên thế hệ mới nhức nhối không kém gì sự áp bức của một nước Nhật già nua.”

Không khí trong gia đình, và xung quanh ông, là một không khí Khổng giáo mà ông cảm thấy bị áp đặt. Ông không thích Khổng giáo. Đối với ông, đó là một triết lý không tự nhiên, áp đặt và không cho tự vệ bằng phê phán. Ông tìm cách đọc những triết gia ít giáo điều hơn, và đã tìm thấy Lão tử và Trang tử, và Mạnh tử mà những tư tưởng của họ theo ông gần gũi với khoa học, và sẽ đồng hành với ông suốt đời.

Những gì ông đọc từ những quyển sách đó, ông kể, làm gia tăng cường độ bi quan của tuổi trẻ của ông. Chúng không những đồng tình với những gì ông không hài lòng với những điều ông được dạy, mà còn mời gọi ông. Ông càng rút sâu vào trong, mặc dù ông không có lý do gì từ bên ngoài, chẳng phải ông thất tình, hay bị trầm cảm. (Những ngày ấy, quan hệ nam nữ trong xã hội Nhật là điều cấm kỵ.)

Đến khi ông bắt đầu đắm chìm trong vật lý, thì một nỗi bi quan ghê gớm lại đến với ông, khi ông biết rằng đã từng có những nhà vật lý Âu châu tự kết liễu đời mình (có lẽ ông nghĩ đến trường hợp Ludwig Boltzmann). Ông thấy cảm thông với họ. Nhưng ông không bao giờ có ý định tự tử. Ông còn ý thức trách nhiệm với con người, xã hội, gia đình, viên đá cơ bản của xã hội, với bạn bè, và các nhà nghiên cứu trẻ. Ông cảm thấy một trách nhiệm vô điều kiện, độc lập với sự chán ghét sự rỗng tuếch của con người, và những mâu thuẫn trong xã hội.

Vật lý chính là điểm mở nút thắt cho những rối rắm nội tâm của ông. Niềm tin vào vật lý một mặt giúp ông giảm nhẹ bớt sự “trầm cảm”, một mặt chuyển sự bi quan của ông thành sự bi quan trong cách nhìn thế giới tự nhiên. Bi quan ở đây là thái độ nghi ngờ, criticism, một thái độ rất khoa học, và cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Khoa học phương Tây phát triển nhờ có nghi ngờ. Nếu chỉ có ngoan ngoãn nghe theo, như trong văn hóa Khổng giáo chẳng hạn, thì chẳng bao giờ có khoa học, cái mới cả, thế giới chỉ là những giáo điều chật hẹp.

Niềm tin vào vật lý sẽ cung cấp ông con đường để hoạt động sáng tạo, và năng lượng của “chủ nghĩa bi quan” của ông được trút vào đó. Điều này là nhân tố rất quyết định đối với ông trên con đường đi lên đỉnh cao của khám phá. Yukawa tin rằng “chủ nghĩa bi quan” giúp ông phát triển năng lực sáng tạo trong khoa học.

Nếu chúng ta dừng chân một chút tại giai đoạn tuổi thơ và tuổi trẻ của Yukawa là để hiểu thêm nền tảng tâm lý của ông, để cảm nhận được vì sao Yukawa là một nhà vật lý lớn, có những khám phá độc đáo sau này. Con người “có gốc”, và cái gốc được bộc lộ trong cá tính của tuổi trẻ, có thể âm thầm, tinh tế, có thể bùng phát. Yukawa là con người tinh tế và kín đáo, nhưng đầy những cảm xúc và tư duy sớm nảy nở bên trong. Đọc sách, ông có những phán xét riêng, độc lập với thầy cô, như được minh họa trong sách. Chỗ nào thầy cô “giáo điều”, hay bất lực, thì ở đó Hideki đi tiếp, và giữ lấy ý kiến của mình.

Những điều khó hiểu trong thuyết tiến hóa như được dạy ở trường khiến ông ưu tư, cũng như những cái khó hiểu trong tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử đã có tác dụng như những cái koan trong Zen, để “khai mở” và kích hoạt dòng tư duy chợt đến như từ chỗ “nowhere”, giống như thế giới lượng tử, bỗng chốc được kích hoạt để hình thành một “big bang” lớn lên từ từ trong tư duy, giống như được diễn tả trong kinh Kim Cang: “Từ cõi hư vô, tinh thần xuất hiện” (“Out of nowhere the mind comes forth”). “Máu thanh niên bắt đầu chảy trong tôi”, như ông viết. “Sau này nghĩ nhiều hơn, tôi nhận ra rằng lúc đó tôi đã có một niềm tin vững chắc vào sự cần thiết và tính tất yếu của mỗi sự việc diễn ra trong tự nhiên” như ông viết.

Lúc đó, bận tâm đến những vấn đề triết học của Lão-Trang và thuyết tiến hóa, ông không biết rằng châu Âu đang có cuộc cách mạng khoa học làm rung chuyển các cột trụ của vật lý cổ điển. Mà người đại diện đích thực của nó – Albert Einstein – sắp đến thăm đất nước Phù Tang. Lúc đó Yukawa mới 15 tuổi. Tuy lúc đó Yukawa chưa quan tâm mấy đến vật lý, nhưng ông đã dành nhiều trang để nói về sự kiện gây dấu ấn sâu đậm này lên nước Nhật.

Einstein đến thăm Nhật Bản vào thu năm 1922, theo lời mời của một nhà xuất bản, Kaizosha. Từ khi có thông báo “Tiến sĩ Einstein đến thăm Nhật Bản”, tên tuổi ông tràn ngập báo chí. Thuyết của ông được thảo luận nhiều tại Nhật, nhưng chưa được mấy ai hiểu, mặc dù Jun Ishiwara, người sinh viên từng học tại Berlin với Einstein, tìm cách quảng bá thuyết này ngay từ đầu. Người Nhật đã dành cho ông một cuộc tiếp đón nồng nhiệt chưa từng có. Các nhà khoa học lớn của Nhật Bản đến cảng Kobe để chào đón ông, trong đó có Hantarō Nagaoka, Aoya Kuwaki. Vài ngày trước đó, tạp chí Kaizo đã ra mắt một “Số báo Einstein” rất đồ sộ, với ảnh Einstein lớn trên trang đầu, và mười lăm bài viết về Einstein và những công trình khoa học của ông, mà tác giả là các nhà vật lý hàng đầu, trong đó có Torahiko Terada, Kinnosuke Ogura, và nhiều người khác.


tokyo

Einstein tại Đại học Tokyo với ban giảng huấn


Từ lúc Einstein đặt chân đến Tokyo thì ngay ngày hôm sau, hình ảnh và những câu chuyện về ông xuất hiện hầu như hằng ngày trên báo chí. Bài thuyết trình thứ nhất của ông tại Đại học Keiō (của nhà khai sáng Yukichi Fukuzawa thành lập) kéo dài năm giờ liền! (có nghỉ giải lao). Mặc dù Einstein đã định lượng số khán giả không nên quá một ngàn, nhưng cuối cùng số người đến đông gắp đôi, và trong đó chỉ có một số ít là các nhà vật lý. Sự tò mò của người Nhật quá lớn. Nhưng chính óc tò mò đó là, bên cạnh nhiều lý do khác, nguồn gốc của sự canh tân thành công nhanh chóng của nước Nhật.2

Yukawa lúc đó hãy còn thích toán. Ông đã nghe tên Albert Einstein, và một cách vô thức, dần dần đổi hướng về vật lý lý thuyết. Một sự kiện gây ấn tượng không phai mờ: người bạn Shinichiro Kudo bỗng dưng nói với ông: “Cậu sẽ trở thành một Einstein” khi Yukawa thành công trong thí nghiệm đo độ ẩm không khí. Bỗng dưng Yukawa rơi vào trạng thái hư hư thật thật, không còn biết mình thật hay hư, và là ai, như trong truyện Trang Tử.

Einstein quá vĩ đại, không mong lời nói của Kudo có thể áp dụng, nhưng nó có tác dụng như, theo ông diễn tả rất hình tượng, một “vết rạn” trong hồn ông. Ông trích dẫn nhà thơ Pháp Prudhomme: “Một cái lọ bị một cây quạt va chạm, nhưng không để lại một dấu vết gì rõ nét. Vết rạn lớn dần theo thời gian, và một ngày kia cái lọ sẽ tự vỡ”. Lúc đó toàn bộ năng lượng được kích hoạt của ông sẽ tuôn chảy vào ngành vật lý.


Elssa

Einstein và vợ Elsa tại Đại học thương mại, Tokyo, với ban giảng huấn
 (Ảnh: Albert Einstein Archives/HUJ)


Rồi ông kể tiếp chuyến đi của Einstein, cho thấy Einstein đã có tác dụng như một từ trường bao phủ lên đất nước Nhật, và người dân, mỗi người một cách, tìm các tương tác thế nào đó với từ trường kia. Tháng 12, trở về lại Kyoto, Einstein diễn thuyết trước một ‘nhà đầy người’, mặc dù Kyoto là nơi hiếm khi có sự tụ tập đông người. Einstein như gây ra cơn lũ. Đề tài Các nguyên lý của Tương đối thu hút mọi người, dù hiểu hay không hiểu, không riêng ở Nhật, mà ở khắp thế giới. Người ta muốn nhìn thấy con người bằng xương bằng thịt Einstein, và để nghe ông nói, nói về cuộc cách mạng không-thời gian đang diễn ra, cho dù họ không hiểu. Họ chỉ cần nhìn thấy thần tượng mới của thế kỷ 20 để ngưỡng mộ là mãn nguyện.3

Yukawa kể lại, thời gian đó, ông chưa sẳn sàng để quan tâm đến Einstein, mặc dù ông chỉ nghe nói. Đến nỗi ông không biết lịch và nội dung diễn thuyết của Einstein tại Kyoto là nơi ông đang sống. Đó là thời gian ông chưa ra khỏi cái vỏ thế giới của ông, và chưa qua tâm đến những diễn biến bên ngoài. Ông có vẻ tự trách mình thờ ơ.

Rồi ông kể tiếp, như để bù vào sự thiếu sót đó, về những cuộc gặp Einstein mười sáu năm sau, khi ông 32 tuổi, tại Brussels. Lúc đó Yukawa đã trở thành nhà vật lý, đã có thuyết meson. Rồi sau Thế chiến thứ II, tại Princeton, lúc đó Einstein tóc đã bạc, và tại đây, Yukawa đã gặp Einstein nhiều lần, và “sự ngưỡng mộ của ông đối với Einstein ngày càng tăng với thời gian” như ông viết. Chắc ông đã thỏa mãn.

princeton

Einstein, Yukawa và Wheeler tại Princeton năm 1954

(3)

Yukawa thời trẻ có đặc tính rất im lặng và kín đáo. “Tôi là thung lũng mà ở đó ánh sáng không bao giờ chiếu tới; và ngọn gió lạnh nào thổi, con sông nào chảy qua, ngay cả cha tôi cũng không thể đoán được.” Điều đó làm cho ông từ chối hiểu những người xung quanh ông. Điều ông không biết, là có phải vì bố ông là một người thường bốc đồng và dễ dàng lớn tiếng mà ông quay sang chiều đối nghịch là im lặng hay không, hay là ông phản ứng lại tư tưởng của Khổng giáo vây quanh ông từ lúc tuổi thơ?

Ông ngày càng im lặng hơn trong thời kỳ trung học. Không phải vì ông thiếu bạn. Ông tham gia cả vào thể thao kia mà. Một thế giới nội tâm đang mở ra trong ông, và ông muốn bảo vệ nó, bằng sự im lặng. Nơi mà ông thường lui tới nhất là thư viện có tên Seishikan, có nghĩa là một “Đại sảnh của tư duy tĩnh lặng”. Trái tim ông dễ xúc cảm, do đó dễ bị tổn thương. Để giữ khỏi bị mất an bình trong tâm, ông muốn tiếp xúc càng ít người càng tốt. Giống như ông tìm cách bảo vệ tự do nội tâm ông, chỉ có vài bạn chí thân, càng ít càng tốt, trong cuộc đi ra biển khơi. Đi đâu, ông chưa biết, chỉ biết ông là con thuyền không có bánh lái. Khi sau này dọn về Kamakura tĩnh mịch, ông làm mấy câu thơ:

Tại Kamakura,

ở đây, trong lũng sâu và tĩnh mịch,

một người đi dạo sâu vào thế giới tư duy.

Môi trường sống của ông, những nơi vắng vẻ, là như thế, để tư duy, và sống với thế giới nội tâm. Mất môi trường đó, ông sẽ có nguy cơ bị đồng hóa, hay hòa tan. Đó là điều kiện để một nhà khoa học đích thực sáng tạo. Người Đức có cái thú đi dạo rừng núi rất mạnh, không lạ gì.

Khi ông được mai mối (bấy giờ chuyện ấy là bình thường), người vợ tương lai ông, Sumi Yukawa, kết thúc phần ấn tượng mà bà nhận được từ ông: “Tôi hơi lo là anh ấy quá im lặng. Nhưng dù biểu hiện bề ngoài thế nào, tôi không thể nhầm lẫn anh ấy là một bộ óc cần cù và sáng chói. Tôi nghĩ, tôi có thể trao trọn cuộc đời của tôi cho anh.”

Nói thêm về cái tên Yukawa của ông. Đó là họ vợ, không phải họ của bố ông. Ông được gia đình vợ nhận làm con nuôi. Chuyện đó ở Nhật là bình thường, không có gì cấm kỵ. Ngay Yukawa cũng không phải là tên thật của bố vợ ông. Do hoàn cảnh chính trị, ông đã tự đổi tên.


(4)

Từ những ngày ở cấp ba trung học, ông đã quan tâm đến vật lý, dù chưa quyết định đi theo nó. Yukawa rất mê giải các bài toán vật lý, giải xong bài này thì bắt tay vào bài toán khác, nhưng chỉ để thử năng lực của ông. Đây là một nét đặc biệt của ông, cho thấy ông có năng lực của một nhà khám phá. Ông có cảm tình với vật lý, nhưng không thích hay thỏa mãn với vật lý được dạy trong nhà trường. Từ đó, ông bắt đầu thường xuyên lui tới tiệm sách lớn Maruzen ở đường Sanjo để tìm tòi sách mới được nhập khẩu ở đó về vật lý và toán. Rồi một ngày nọ, ông tìm thấy và mua ngay quyển sách Thuyết lượng tử của tác giả là nhà vật lý Đức Fritz Reiche, đã được dịch sang tiếng Anh. Tuy với kiến thức vật lý của trung học, ông khó thể nào hiểu, nhưng cũng chính vì thế mà ông thấy nó lôi cuốn hơn tất cả những quyển tiểu thuyết mà ông đã đọc.


Osaka

Yukawa trong thời gian giảng dạy 1933 - 1939
tại Đại học hoàng gia Osaka


Quyển sách đó là cánh cửa hé lộ cho ông một ý tưởng vô cùng cách mạng của Max Planck là giả thuyết lượng tử, theo đó, tự nhiên ở cấp vi mô diễn ra theo những bước nhảy vọt, chứ không liên tục như niềm tin của giới vật lý phương Tây từ thời cổ đại Hy Lạp. Rồi Einstein tiếp tục củng cố niềm tin lượng tử đó, điều mà bản thân Planck cũng không tin, mà chỉ nghĩ, đó chỉ là “giải pháp tình thế” trong nghiên cứu của ông. Đó là lượng tử buổi ban đầu. Khi ông đọc quyển sách của Reiche năm 19254, thì ở phương Tây, thuyết lượng tử đã phát triển đến bước thứ hai: Cơ học lượng tử, với Heisenberg. Đồng thời thuyết sóng vật chất của de Broglie ra đời. Quyển sách của Reiche kết luận bằng những lời lẽ sau đây:

Một sự khó hiểu huyền bí đang bao trùm lên tất cả những bài toán này. Mặc cho khối lượng to lớn về thực nghiệm cũng như lý thuyết đang có ở trước mặt chúng ta, ngọn lửa tư duy giúp soi sáng sự khó hiểu này hiện nay vẫn còn thiếu. Chúng ta hãy hy vọng vào một ngày không xa khi những sự lao động cật lực của thế hệ chúng ta sẽ đem lại một sự kết thúc thành công.

Chưa bao giờ trong đời ông, như Yukawa thú nhận, ông nhận được một sự kích thích hay cổ vũ lớn lao như thế từ một quyển sách duy nhất như quyển sách này. Rồi ông tìm được những quyển sách Vật lý lý thuyết của Max Planck bằng tiếng Đức từ một nhà sách khác ở góc đường Marutamachi, nơi có cả một khu “Sách tiếng Đức”. Học sinh những ngày ấy rất hãnh diện về tiếng Đức, chẳng hạn họ sử dụng những từ như Mädchen (cô gái), Onkel (ông cậu) như những mốt trí thức thời thượng vì họ biết rằng khoa học Đức đang thống lãnh thế giới.

Ông ngưỡng mộ Max Planck, cha đẻ của lượng tử, rất cao độ. Tiếc rằng, tuy ông có đến Berlin năm 1939, dự định gặp Planck, nhưng vì Thế chiến II sắp nổ ra, ông phải nhanh chóng lên đường về nước mà không gặp được.

Đến ngày kết thúc thời gian trung học, ông quyết định học vật lý ở Đại học Kyoto, cùng với vài người bạn, trong đó có Tomonaga. Con đường giờ đây “thẳng tắp”, phải đi một cách cần mẫn và tập trung. Giai đoạn “mộng mơ” của thời Trung học đã qua.


Osaka

Trung tâm thành phố Osaka năm 1929, khoảng thời gian Yukawa đến giảng dạy. Nó cho thấy người Nhật đã hoàn thành công nghiệp hóa đất nước họ, một sự nghiệp vĩ đại chưa từng có ở các quốc gia ngoài châu Âu - 100 năm trước so với Việt Nam hôm nay. (Ảnh: trong sách Japan from prehistory to modern times của John Whitney Hall, 1968.)

Chẳng bao lâu, ông đã quyết định tập trung vào thuyết lượng tử mới đang hình thành. Ông ví, 1926, vật lý như con tàu lớn đang dằng xốc bởi cơn bão đáng sợ. Hay giống như một nước đang bị động đất. Tuy mới bước vào cổng vật lý, nhưng ông đã cảm nhận được cái sốc đó. Hội Nghệ thuật và Khoa học tổ chức một buổi nói chuyện về đề tài “Hiện tại và Quá khứ của Vật lý học”. Người thuyết trình: Hantarō Nagaoka của Đại học Tokyo. Ấn tượng lên ông là sâu sắc. Ông cảm nhận đây là một con người thầy vĩ đại nhất mà ông được nghe. Thông điệp Nagaoka muốn chuyển đến thính giả là, vật lý, 20 năm kể từ sự xuất hiện của vật lý lượng tử, đang trải qua một quá trình biến thái sâu rộng. Điều đó làm lay chuyển tâm tư Yukawa, và ông linh cảm rằng một cái gì mới sẽ xuất hiện vượt xa hơn thuyết lượng lượng tử ban đầu là điều ông đã học được từ quyển sách của Fritz Reiche.

Ông đọc say mê về vật lý lượng tử, đọc Erwin Schrödinger, Max Born, Paul Dirac, phải tiêu hóa một số lượng bài báo khổng lồ. Sau ba năm ông tốt nghiệp với luận văn về phương trình Dirac. Ông thú nhận không có cái gì sáng tạo. Sau ba năm đại học, ông vẫn là không là gì cả, vẫn là một “tinh thể pha lê bị phân mảnh”, nhưng “hạt giống pha lê” đã có, và định hướng con đường nghiên cứu của ông đã rõ nét.

Nhưng những tháng trước khi tốt nghiệp, nghi ngờ lại ặp tới ông. Nếu ông tiếp tục làm vật lý, có lẽ sẽ chẳng đi đến đâu. Ông bi quan đến nỗi, ông nghĩ muốn trở thành một tu sĩ. Nỗi chán chường xã hội từ thời trung học lại trỗi dậy. Ông chỉ muốn rút lui, chỉ muốn tiếp xúc càng ít người càng tốt, để ông sống yên tĩnh. Cô đơn cũng không phải xấu. Ông muốn đi tu.

Nhưng sau khi tốt nghiệp, những nỗi chán chường đó qua đi. Ông tiếp tục hăng say “vào cuộc” với những ý tưởng nghiên cứu mới hướng vào bên trong nhân nguyên tử, một lãnh vực rất mới, khá phức tạp còn ít người nghiên cứu, trừ Ernest Rutherford. Ông đang ở tuổi sung sức sáng tạo: 22. Tuổi hai mươi là độ tuổi mà các nhà vật lý lượng tử châu Âu thường có những đóng góp vĩ đại nhất, họ chỉ lớn hơn ông có vài tuổi: Bốn trong những nhà vật lý ngoại hạng: Werner Heisenberg, Paul Dirac, Wolfgang Pauli và Enrico Fermi tất cả sinh vào những năm 1900-1902, và đạt đến đỉnh cao của khám phá ở những tuổi 23 và 24. Vào mùa thu 1929, Heisenberg và Dirac, với sự sắp xếp của Yoshio Nishina, đã đến diễn thuyết. Đó là sự kích thích rất lớn đối với ông.

Ông vật lộn với bài toán của ông. Mỗi ngày ông có vô số ý tưởng mới, rồi lại phải vứt đi. Khó quá. Mỗi buổi sáng rời nhà ở, ông cảm thấy đầy nhựa sống, để rồi khi chiều về ông cảm thấy chán nản. Với bản chất đóng kín, ông cả ngày giam mình trong phòng chẳng trao đổi với ai. Ông cảm thấy không những không hạnh phúc mà cũng không đem lại hạnh phúc cho người xung quanh. Ông nghĩ tốt nhất ông không lập gia đình, vì ông sẽ không đem hạnh phúc đến cho người bạn đời.


(5)

Nhưng rồi “thiên thần” đến để “giải cứu”, nhấc ông lên khỏi tình trạng cô đơn, bi quan và đang bị rối rắm lượng tử. Ông bất ngờ được đề nghị kết hôn từ một người trung gian của đại học. Thời đó, kết hôn như thế là chuyện thường tình. Dĩ nhiên các đương sự có quyền nói “không”. Nhưng trước Sumi Yukawa, ông cảm thấy mình như bị “đánh thức” mạnh mẽ, nên chấp nhận liền, và từ đó lấy họ Yukawa của gia đình vợ. Sumi là một cô gái vừa thông minh vừa có nhan sắc như nàng Kiều. Ở tuổi 23 cái xuân, nhưng cô có con mắt tinh đời, nhìn chàng thư sinh “phiền muộn và bệnh hoạn làm sao trong ảnh” nhưng nhận ra một thiên tài trong đó nên đã bằng lòng “trao thân gửi phận”. Đó là khúc quanh trong đời ông. Trước ngày cưới, ông được giáo sư Tamaki thông báo, Yukawa sẽ bắt đầu giảng dạy môn cơ học lượng tử. Chẳng phải là niềm vui gấp đôi hay sao? Cuộc đời ông giờ đây bắt đầu thơ mộng.

Sumi Hideki

Sumi và Hideki Yukawa
(Ảnh của AIS)


Nhưng năm đám cưới của ông, 1932, cũng là năm vật lý đang tiến thêm một bước cách mạng: hạt neutron bí ẩn cho đến nay trong nhân nguyên tử được khám phá; rồi hạt positron, phản hạt của electron được Dirac đề xuất năm 1928, được phát hiện, và thứ ba, nhân nguyên tử có thể phá vỡ bằng máy gia tốc. Một cuộc cách mạng dẫn tới ngành vật lý nguyên tử (hạt nhân). Như vậy nhân nguyên tử bao gồm hai loại hạt: các proton và các neutron.

Yukawa tập trung vào bản chất của lực tác động lên proton và neutron. Đây là vấn đề rất mới và cũng rất khó. Lực nào giữ chúng lại với nhau? Phải là một lực mạnh, có phạm vi tác động rất ngắn để kéo chúng lại với nhau. Đó là nội dung nghiên cứu của ông trong giai đoạn 1932-34. Đây là bài toán khó nhất trong đời ông, như ông thú nhận. Ông cảm nhận như “một lữ hành mang một gánh nặng và đang cố gắng leo ngược dốc. Tôi trải qua những đau khổ và vui sướng của một nhà khoa học, và cũng có một trải nghiệm quý báu của một con người sống trong một gia đình và một xã hội.”

Bố ông một lần đề nghị với bố vợ cho ông đi ra nước ngoài để học. Nhưng ông từ chối. “Tôi từ chối đề nghị, bởi tôi không muốn đi ra các quốc gia khác cho đến khi tôi hoàn tất một công trình có thể gọi là của riêng tôi. Tôi muốn tìm đề tài nghiên cứu riêng, và theo đuổi nó xa như có thể. Tôi không quan tâm bao nhiêu lần thất bại. Chỉ khi tôi thành công, tôi sẽ đi để nói chuyện với các nhà khoa học thế giới.” Một ý chí và quyết tâm rất lớn. Hiện tại ông chưa là gì, mới chỉ thu thập được nhiều kiến thức. Ông có hơi lo lắng và tuyệt vọng.

Năm 1934 đến. Ông rời Đại học Kyoto để trở thành giảng viên toàn giờ tại Đại học Osaka. Bài báo của Fermi về sự phân rã beta đập vào mắt ông, tưởng chừng như đã giải quyết bài toán đang ấp ủ của ông. Theo đó, một neutron khi phân rã để trở thành một proton thì một electron được đẩy ra, và ngược lại, một proton khi phân rã để trở thành một neutron thì một positron bị đẩy ra. Sự phân rã này dựa trên ý tưởng của Pauli trước đó. Nhưng sự hiểu biết về sự phân rã này chưa hoàn hảo, bởi nguyên lý bảo toàn năng lượng chưa được tuân thủ, và theo Pauli, phải còn một hạt nữa phát sinh được ông gọi là neutrino. Rõ ràng các neutron và proton chơi trò “ném bắt” một “quả banh” gồm một cặp đôi electron (hay position) và neutrino. Điều này cũng giống như lực điện từ giữa các electron được tạo ra bởi sự trao đổi những hạt photon của ánh sáng qua lại.

Yukawa liền nghĩ, phải chăng lực mạnh cũng hình thành từ sự trao đổi qua lại của một loại hạt mà ông gọi là pion (ký hiệu pi) hay pi-meson? Nhiều thử nghiệm của các nhà khoa học cho thấy lực tạo ra bởi cặp (electron, neutrino) như trái banh trao đổi qua lại là quá nhỏ so với yêu cầu của một lực mạnh để giữ các hạt neutron và proton. Điều đó cho ông thấy, phải đi tìm một hạt mới, khác hơn các hạt đã biết, kể cả hạt mới neutrino. Khi ông tập trung vào những tính chất đặc thù của trường lực nguyên tử (nuclear force field), thì những tính chất đặc thù của hạt đi tìm hiện ra.

Một đêm của tháng 10, 1934, ông đã nhìn thấy. Ông đã tính được lực này tác dụng ở khoảng cách cấp 0.02 trillion phần của centimét, cực kỳ nhỏ, nhưng điều quan trọng hơn, khoảng cách và khối lượng của pion tỷ lệ nghịch với nhau. Và ngày hôm sau ông tính được khối lượng của hạt bằng 200 lần khối lượng của electron. Một hạt quá lớn, cần đến 100 triệu electron volt để có thể tìm, và chưa có máy gia tốc nào mạnh như thế. Nhưng ông tự tin. Ông trình bày ý tưởng tại Hội toán-vật lý Nhật Bản tháng mười một, và được GS Nishina, người ông rất ngưỡng mộ, khen ngợi.

Vợ ông hối thúc: “Anh viết báo cáo bằng tiếng Anh đi, và hãy giới thiệu ra thế giới.”

Những ngày tháng đó ông cảm thấy mình “như một kẻ lữ hành đang dừng chân nghỉ tại một quán trà nhỏ trên đỉnh một sườn núi. Lúc đó, tôi không nghĩ ngợi gì còn những ngọn núi nào trước mặt nữa hay không”. Lúc đó Yukawa được 27 tuổi.

Mãi đến năm 1947, tức 13 năm sau, hạt pion mới được C. F. Powell và G. Occhialini tìm thấy từ các tia vũ trụ, có khối lượng gần đúng với tiên đoán của ông, ở các dạng điện tích dương, âm và trung hòa. Năm 1949, Yukawa được trao giải thưởng Nobel.5


(6)

Đọc Tự truyện, chúng ta hình dung được con người của Yukawa từ tuổi thơ đến khi trở thành nhà vật lý. Ông sống trong môi trường văn hóa đang sôi động trong tinh thần Duy tân, ông tò mò, đọc nhiều, có tố chất trầm tư, rút lui khỏi cuộc sống thường nhật, để theo đuổi những suy nghĩ và ưu tư của mình. Ông muốn độc lập, đặc biệt trước áp lực của văn hóa Khổng giáo xung quanh. Ông sống với thế giới riêng. Có lúc bi quan, có lúc tuyệt vọng. Chuyện đó bình thường. Khi một người bắt đầu một cuộc hành trình vào thế giới tư duy, không phải lúc nào bầu trời cũng sáng sủa. Nhưng ông có đủ chất liệu của tri thức, qua tự học hỏi, qua sự đam mê, để luôn luôn tiến lên, vượt qua những giây phút xuống dốc.

Einstein từng viết rằng “một trong những động cơ mạnh nhất để đưa con người đến nghệ thuật và khoa học là sự chạy trốn khỏi cuộc sống thường nhật với sự thô bạo đau đớn và sự buồn tẻ thảm thương của nó, khỏi các trói buộc của những ham muốn thay nhau bất tận của mình. Nó đưa tâm hồn nhạy cảm hơn ra khỏi cuộc sống cá nhân để đi vào thế giới của quan sát và nhận thức, chính cái động cơ này có thể so sánh với sự thèm khát đã cuốn hút không cưỡng được người thành phố ra khỏi môi trường náo nhiệt hỗn độn của anh ta để đi lên miền núi cao, để ánh mắt mình bay lượn trong cõi không khí yên tĩnh và trong lành, và để thả mình theo các nét tĩnh mịch như đã được tạo ra cho sự vĩnh cửu” như trong phát biểu của ông trong sinh nhật 60 tuổi của Max Planck.6 Yukawa có những nét giống như thế.

Yukawa không những là nhà vật lý. Ông còn là nhà văn hóa, tư tưởng uyên bác. Ông đọc rất nhiều kho tàng văn hóa Đông Tây. Trước khi hoàn toàn bước vào thế giới vật lý phương Tây ông đã tự học và chịu ảnh hưởng lớn của Lão giáo, như Lão Tử, Trang Tử, như đã nói. Điều này gần như là một ngoại lệ, vì Lão giáo không có ảnh hưởng nhiều tại Nhật Bản như Phật giáo và Khổng giáo. Nhưng ông cảm thấy Lão giáo gần gũi với tự nhiên và con người hơn. Ông cũng đọc những tác phẩm kinh điển của Nhật Bản. Những năm tuổi ba mươi, ông đến với tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng nhất Truyện Genji (Tale of Genji), một thiên tiểu thuyết của nữ văn sĩ Murasaki Shikibu mà người Nhật có thể tự hào với thế giới. Tác phẩm đó được viết vào cuối thế kỷ thứ 10, đầu 11, với loại chữ cổ kana, được xem như di sản văn hóa lớn nhất của Nhật Bản. Hầu hết người Nhật đều thích Genji. Bộ truyện đã được dịch ra tiếng Anh thành hai tập.7

Từ lúc ông bắt đầu học vật lý, ông quay sang các nhà tư tưởng của Hy Lạp, cái nôi của vật lý, và phương Tây. Ông có dịp thăm Hy Lạp, và có bài tham luận “Trực giác và Tư duy trừu tượng trong khoa học”. Ông tự hỏi: Tại sao phương Tây có khoa học mà phương Đông không có. Ông cho rằng, một trong những lý do đó là, phương Tây có tư duy trừu tượng và có trực giác, như những người Hy Lạp cổ đại Pythagoras và Democritus, hay Einstein, một thí dụ điển hình của thời hiện đại, trong khi Trung Hoa và Nhật Bản không có.

Câu chuyện của Hideki Yukawa cũng cho thấy quyết tâm của Nhật Bản xây dựng nền khoa học vật lý trên đất nước mình. Thực tế, chỉ sau một thế hệ, tức đầu thế kỷ 20, họ đã thành công, và có thể tự đào tạo hàng trăm các nhà vật lý giỏi hoàn toàn trong nước. Lửa của thần Prometheus đã được thắp sáng trên quê hương họ. Ở đây chúng ta thấy một điều quan trọng: các nhà sách tư nhân đóng vai trò “cầu nối” tiên phong chuyển tải tri thức từ phương Tây về Nhật Bản. Quyển sách Thuyết lượng tử của Fritz Reiche là nhân tố quan trọng trong việc truyền cảm hứng và định hướng cho Yukawa. Những lô hàng đầu tiên nhập khẩu về Nhật Bản Minh Trị thời mở cửa không phải là hàng hóa tiêu dùng, hay máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, mà là sách. Sách để phục vụ công cụ khai sáng: Người Nhật muốn biết phương Tây đã làm gì để học hỏi. Einstein được mời sang Nhật Bản diễn thuyết năm 1922 không phải từ các đại học, mà từ một nhà xuất bản tư nhân! Nói chung, các nhà sách, nhà xuất bản của họ đều khai sáng, đang theo dõi từng phút sự phát triển những diễn biến ở phương Tây, và có những nỗ lực để tiếp sức cho cuộc chấn hưng đang diễn ra sôi nổi.

Người Nhật không những đã thành công trong công cuộc công nghiệp hóa đầu tiên ở châu Á, tự lực, tự cường, mà họ còn tạo nên một trung tâm học thuật của thế giới ở phương Đông, đưa miền đất này ra khỏi những đám mây mờ ảo thần bí của nhiều nghìn năm khiến cho sự phát triển bị trì trệ, để thắp sáng ngọn đuốc khoa học của thần Prometheus cho phương Đông.

NXX

Tháng 7, 2017

Tham khảo


Một số trích dẫn trong bài xuất phát từ tài liệu nghiên cứu có tên The Emergence of Japan’s First Physicists: 1868-1900 của Kenkichiro Koizumi. Nguồn: Historical Studies in the Physical Sciences, Vol. 6 (1975), pp iv, 3-108. University of California Press. Đây là một nguồn tài liệu quý báu.




1 Khác hơn với Việt Nam. Xin xem thêm Nguyễn Xuân Xanh, Giới thiệu dẫn nhập, https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/phan-chau-trinh-viet-nam-va-nhat-ban/, trong sách Phan Châu Trinh của Vĩnh Sính. NXB Trẻ, 2017.

2 Xem xem thêm Nguyễn Xuân Xanh, Giới thiệu dẫn nhập trong sách Phan Châu Trinh như ở trên.

3 Xem thêm EINSTEIN của Nguyễn Xuân Xanh. NXB Tổng hợp Thành phố, 2015.

4 Dựa trên khám phá liên tiếp của Heisenberg, Schrödinger và Dirac. Năm 2025 thế giới vật lý sẽ kỷ niệm 100 Năm vật lý lượng tử, một sự kiện rất lớn.

5 Xem Nguyễn Xuân Xanh, Hạt Higgs và Chúng ta trong Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình chuẩn. NXB Tri thức, 2014.

6 Xem trong Nguyễn Xuân Xanh, EINSTEIN. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố, 2015.

7 Bản dịch tiếng Việt của Genji sắp được xuất bản.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss