Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hồ Quang Minh (1949-2020)

Hồ Quang Minh (1949-2020)

- Diễn Đàn — published 20/10/2020 19:55, cập nhật lần cuối 26/10/2020 23:41


Hồ Quang Minh
(1949-2020)

HQM


Chúng tôi được tin nhà điện ảnh Hồ Quang Minh đã thanh thản ra đi ngày 16 tháng mười năm 2020 tại Sài Gòn, sau hai năm trọng bệnh hiểm nghèo, thọ 71 tuổi.

Theo đúng ý muốn của người đã khuất, gia đình đã hoả táng và không tổ  chức lễ tang.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với chị Phương Dung và toàn thể tang quyến.

Diễn Đàn


Hồ Quang Minh sinh ngày 15.4.1949 tại Hà Nội. Học sinh xuất sắc ở các trường Sài Gòn, sau khi đậu tú tài Pháp, anh đã sang du học tại Thuỵ Sĩ (Học viện Bách khoa Lausanne), bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý. Sau nhiều năm làm việc, anh quyết định đeo đuổi đam mê nghệ thuật : sang Pháp, học trường điện ảnh IDHEC, rồi về Việt Nam thực hiện phim.

Phim truyện đầu tay của Hồ Quang Minh là Con thú tật nguyền (Karma, 1985), dự chung kết Liên hoan điện ảnh Chicago (1986) và Liên hoan điện ảnh 3 Lục địa Nantes (1987). Các phim tiếp theo :

* Trang giấy trắng (Page blanche, 1991)

* Bụi hồng (Gate, Gate, Paragate, 1996), chung kết Liên hoan điện ảnh Singapore 1997

* Thời xa vắng (Un temps révolu, 2004), chung kết Liên hoan điện ảnh Thượng Hải 2005, Liên hoan điện ảnh Châu Á Vesoul 2005

Một nhà báo trong nước liên hệ sự nghiệp điện ảnh của Hồ Quang Minh với hai nhà điện ảnh Việt kiều khác. Một là Nguyễn Võ Nghiêm Minh, vì tác giả Mùa len trâu cũng đã bỏ ngang sự nghiệp vật lý hạt nhân thành công ở Mỹ để trở về Việt Nam làm phim. Hai là Trần Anh Hùng :  trong các phim đầu của Trần Anh Hùng từ Mùi đu đủ xanh đến Mùa hè chiều thẳng đứng, Trần Yên Khê, vợ anh, đều thủ vai chính ; và trong toàn bộ 4 phim truyện của Hồ Quang Minh, Phương Dung đều xuất sắc đóng vai nữ chính.


phim


Đó là những phim nghệ thuật đa dạng, độc đáo nhưng không duy mỹ, tinh tế mà vẫn dễ hiểu, khẳng định chỗ đứng của Hồ Quang Minh trong điện ảnh Việt Nam. Cả bốn cuốn phim đều đã được đặc biệt chú ý tại những liên hoan điện ảnh quốc tế, rồi ba phim được công chiếu rộng rãi ở trong nước. Riêng Trang giấy trắng không được, phải chịu số phận hẩm hiu như của những nhân vật trong phim. Chủ đề của phim : thảm kịch của vợ chồng người Cam pu chia từ Pháp trở về nước sau 1975, chìm đắm trong biển khổ của chế độ Pol Pot, mà đằng sau, như mọi người đều biết có bàn tay đẫm máu của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – ngay tựa đề "Trang giấy trắng" cũng xuất xứ từ câu nói nổi tiếng của họ Mao. Phim làm xong mấy tháng sau Hội nghị Thành Đô (tháng 9-1991), mở đầu "cuộc Bắc thuộc lần thứ nhì" (lời của ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch), nên chính quyền ngừng chiếu trong nước – tuy nhiên, bản ở Cam pu chia hàng năm vẫn được chiếu trên đài truyền hình Nông Pênh. Tại Pháp, năm ngoái (tháng 6-2019), công chúng mới được xem tại Câu lạc bộ YDA.

Giá trị nhất, đối với cá nhân người viết bài này, là phim Thời xa vắng. Khi được tin Hồ Quang Minh chuẩn bị quay cuốn phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì một tiểu thuyết giá trị sẽ được thể hiện trên màn ảnh lớn. Lo, rất lo, vì tự hỏi : làm sao, một chàng trai Hà Nội, học trường Tây, "Bắc Kỳ di cư" (chắc thế), du học Thuỵ Sĩ, tiến sĩ vật lý... có thể thâm nhập và biểu hiện thế giới nông thôn Việt Nam, lại là nông thôn Bắc Bộ, bị đè nặng dưới chế độ phong kiến rồi dưới cái ách còn nặng hơn nữa của chủ nghĩa Mao, một thế giới mà phải là một anh nông dân chính hiệu là Lê Lựu – chứ không phải một nhà văn nào khác, nửa quê nửa tỉnh, hay Hà Nội sệt – mới hiểu và tái tạo ra được ? Chỉ cần đọc lại tóm tắt kịch bản của trang mạng Góc Điện Ảnh :

“ (...) sự can thiệp máy móc và giáo điều của chính quyền vào đời sống riêng tư con người. Nhân vật chính để gửi gắm suy tư của đạo diễn họ Hồ là Giang Minh Sài, một con người tự đẽo gọt mình để “sống hộ ý định người khác”. Năm lên mười, Sài phải lấy vợ là Tuyết hơn mình ba tuổi theo mong muốn gia đình. Đến khi trưởng thành, Sài bị cấp trên ép không được bỏ vợ và cắt đứt mối tình với một người con gái khác để có lý lịch trong sạch vào Đảng.

Dưới lớp vỏ bọc khiên cưỡng mang tên “đạo đức nhân phẩm của người cách mạng”, cuộc hôn nhân không tình yêu với Tuyết trở thành nhà tù giam cầm, không cho phép Sài quyết định hạnh phúc của mình. Sự can thiệp thô bạo này còn được đẩy cao hơn, khi Sài chấp nhận cố có một đứa con với Tuyết để thành Đảng viên, nhưng rốt cục lý lịch mập mờ của nhà vợ đã chấm dứt mọi hi vọng. Qua chuỗi bi kịch của Sài và Tuyết, bức tranh xã hội Việt Nam nửa sau thế kỉ XX hiện lên với những nỗi lòng bị đè nén bởi xã hội ngột ngạt những định kiến; những con người vốn bị tư tưởng nô lệ bám rễ giờ lại phải sống trói buộc theo những nguyên tắc thiển cận của chế độ.”

bạn đọc có thể hình dung ra nỗi vui mừng và xúc động của chúng tôi khi được ngồi ở hội trường Viện bảo tàng Guimet (nơi có pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng) xem bản phim mà Hồ Quang Minh vừa mang về từ Vesoul, nơi Thời Xa Vắng được vinh danh từ một hội đồng giám khảo là toàn bộ khán giả. Từ kịch bản tới đạo diễn, từ công đoạn chọn vai đến diễn xuất, tuyệt phẩm này đã đưa người xem thẩm thấu xã hội nông thôn Bắc Bộ xuyên suốt thế kỷ XX. Năm ngoái, gặp nhau sau buổi chiếu Trang giấy trắng, tôi không ngần ngại kể lại nỗi lo, rồi mừng, của tôi, trước và sau khi xem Thời Xa Vắng. Hồ Quang Minh nhấn mạnh tới vai trò cố vấn của Lê Lựu trong suốt thời kỳ thực hiện phim. Chắc chắn sự đóng góp của tác giả tiểu thuyết là một yếu tố khách quan trong thành công của tác phẩm điện ảnh. Nhưng để có được sự đóng góp ấy, để tạo ra sự đồng cảm giữa nhà văn và nhà điện ảnh – điều không phải là thật hiếm, nhưng thường không có, thậm chí còn xảy ra xung khắc, nguyền rủa nhau – trước hết phải có nguồn cảm hứng đồng điệu của đạo diễn. Đó là nhân tố chủ quan cơ bản, khởi điểm cho các công đoạn sau, làm nên một tác phẩm lớn.

Chúng ta tiếc rằng sự nghiệp điện ảnh của Hồ Quang Minh dường như đã ngừng cách đây 15 năm. Bạn bè biết anh đã gặp đạo Phật và đã sang Ấn Độ nhiều lần và nhiều năm tu hành. Qua vài cuộc nói chuyện, có thể cảm nhận rõ sự say mê của anh trong những vấn đề tâm linh, như anh đã từng say mê làm khoa học, làm nghệ thuật. Song tôi ngờ rằng còn có lý do khách quan : "tạng" phim của Hồ Quang Minh đòi hỏi có sự đầu tư. Quỹ điện ảnh của Nhà nước đã cạn kiệt (chỉ còn để cấp cho một hai phim "cúng cụ"), các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam chỉ bỏ vốn vào những phim "tết" thu hồi vốn và mang lời trong mấy tháng đầu năm – hoặc để làm phim có bồ nhí thủ vai chính. Còn nguồn tài trợ từ các Quỹ điện ảnh quốc tế, phải có sức trẻ của thế hệ Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Nguyễn Thị Thắm... mới có thể tìm ra. 

Chỉ biết rằng mấy năm gần đây, vợ chồng anh đã rút về Thuỵ Sĩ, ẩn dật trong một ngôi làng nhỏ miền núi. Cách đây hai năm, anh bị một căn bệnh hiểm nghèo, xơ hoá phổi tự phát (fibrose pulmonaire idiopathique), hiện nay y học không có thuốc men hay phẫu thuật trị liệu, người bệnh ngày càng khó thở và đau đớn. Khí hậu miền núi cao không còn phù hợp nữa, anh đã quyết định trở về nước đầu năm nay, vừa đúng trước ngày bùng nổ đại dịch Covid. Hồ Quang Minh đã thanh thản ra đi sáng ngày 16 tháng mười 2020.

Anh để lại cho chúng ta bốn tác phẩm điện ảnh giá trị. Để được xem Trang giấy trắng, phải đợi có một nhà phát hành nước ngoài (và chắc phải đợi mút mùa Cô Vi), hay biết đâu, một ngày đẹp trời, Cục điện ảnh Việt Nam thức tỉnh. Ba phim kia, có thể xem tạm qua mạng : Con thú tật nguyền, Bụi Hồng, Thời xa vắng.


N. N. G.







Bài liên quan :

* Tuổi Trẻ (20.10.2020), Chia tay đạo diễn Hồ Quang Minh của Thời xa vắng

* Phạm Thuỳ Nhân (Người Lao Động, 21.10.2020), Vĩnh biệt đạo diễn Hồ Quang Minh: Từ "Karma" đến "Mùa dưa"






Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us