Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hoạ sĩ Đinh Cường (1939-2016)

Hoạ sĩ Đinh Cường (1939-2016)

- H.V. — published 09/01/2016 16:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Cập nhật với thông tin về tang lễ.

Tin buồn :

Hoạ sĩ Đinh Cường (1939-2016)


Chúng tôi vừa được tin họa sĩ Đinh Cường vừa qua đời vào khoảng 9g30 tối ngày 7 tháng 1, 2016 (giờ Washington, Hoa Kỳ), hưởng thọ 77 tuổi.

Linh cữu được quàn tại Fairrfax Memorial Funeral Home, 9902 Braddock Road, Fairrfax, VA 22032. Lễ phát tang và cầu siêu sẽ được cử hành từ 9g sáng ngày thứ ba 12.1.2016 (dành cho gia đình). Bằng hữu và thân quyến có thể tới viếng thăm, chia buồn từ 10g đến 12g cùng ngày hoặc 9-10g sáng ngày hôm sau, 13.1.2016, trước khi buổi lễ chia tay người quá cố bắt đầu, từ 10g và kết thúc bằng lễ hoả táng, 11g.

Diễn Đàn xin chân thành chia buồn cùng gia đình hoạ sĩ, cũng như rất đông đảo bạn bè ông trong giới nghệ thuật Việt Nam, trong và ngoài nước.


Trận gió hoang vu (Đinh Cường, tranh tự hoạ)

Hoạ sĩ Đinh Cường tên thật là Đinh Văn Cường, sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, sống chủ yếu tại Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989 khi ông cùng gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ, tiểu bang Virginia và sống tại đây cho tới ngày quy tiên.

Đinh Cường là cựu học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn, trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế (tốt nghiệp 1963), trường Hội họa Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn (1964). 

Sau đó ra Huế giảng dạy tại trường nữ sinh Đồng Khánh và Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế cho đến mùa hè 1975.

Trong thời gian từ 1962 đến 1975, họa sĩ Đinh Cường đã triển lãm chung và riêng trên 20 lần tại các thành phố Huế, Ðà Nẵng, Sài Gòn, Ðà Lạt, Pleiku, Nha Trang, và nhiều lần được giải thưởng. Sau 1975, ông cũng có nhiều cơ hội triển lãm tại Huế, Sài Gòn, riêng hoặc chung với các họa sĩ Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, và nhiều hoạ sĩ bạn bè khác. Ông đã gửi đăng hai bài viết về Bửu Chỉ trên Diễn Đàn, một trên số 123, báo giấy, tháng 11.2002 sau khi Bửu Chỉ qua đời, và một trên báo mạng, tại đây, nhân ngày giỗ lần thứ 10 bạn ông. Ông và Trịnh Công Sơn có nhiều bài viết, tranh vẽ về nhau, tặng nhau1, chúng tôi xin đăng lại kèm đây một bài thơ Đinh Cường tặng Trịnh Công Sơn năm 1969 và một bài viết của Trịnh Công Sơn về Đinh Cường năm 1988, khi hoạ sĩ chuẩn bị đi Mỹ.

Ở hải ngoại ông đã thường xuyên triển lãm tại một vài thành phố ở Hoa Kỳ, Canada, và một lần ở Paris (năm 2010).

« Đinh Cường sống trọn đời, tận tụy, cho nghiệp hội họa », « nơi Đinh Cường, mỗi bức tranh đòi hỏi một ánh sáng riêng cho màu trời sáng tác »… Xin khép lại vài dòng tiểu sử người nghệ sĩ tài hoa này với những nhận xét tinh tế của Đặng Tiến trong bài giới thiệu về cuộc triển làm này (xem tại đây), và vài câu « bày tỏ về hội hoạ » của chính hoạ sĩ.

*

"Nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn. Không biết để làm gì? Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm ...

Xin đừng bắt tôi giải nghĩa tranh. Nó hiện ra đó và tôi đã hụt hơi, mệt mỏi. Thế giới xa lạ được dựng lên từ một hồi ức hay một bắt gặp vụt đến, rồi loang dần trên mỗi khoảng không đen. 

Khoảng không mà tôi đã đối diện trong những ngày tháng sống chìm lỉm câm nín, mỏi mòn, xô dạt tôi về gần với hư vô, tiếng vọng bi thảm của một hồi chuông lạ. 

Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của mùa hạ sắp tàn. Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống những khung vải vốn hiền từ.

 Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết. 

Tôi trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn. Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm, nhớ đừng bao giờ tìm hiểu."


(Bày tỏ về hội họa của Đinh Cường, trích từ trang về Đinh Cường trên website Mượn dấu thời gian của Phan Nguyên)

H.V.


1/ Theo nhà thơ Du Tử Lê, hoạ sĩ Đinh Cường còn rất thành công trong nhiều bộ môn khác. Thơ, tiểu luận về hội họa, hoặc hồi ký, tạp ghi về bằng hữu được đăng trên các tạp chí văn học nghệ thuật: Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Thư Quán Bản Thảo, Quán Văn,… Những tác phẩm sau đây có sự đóng góp của Đinh Cường:

– Trịnh Công Sơn: Cuộc Ðời – Âm Nhạc – Thơ – Hội Họa & Suy Tưởng (nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, 2001)
– Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (nhà xuất bản Đại Nam, Glendale, 1995)
– Trịnh Công Sơn: Thư tình gửi một người (nhà xuất bản Trẻ, 2011).

địa chỉ này, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều ký hoạ của Đinh Cường về Trịnh Công Sơn, cũng như về Bùi Giáng và các bài viết của hai ông về hoạ sĩ. 

Viết thêm (một ngày sau): Chúng tôi vừa bổ sung trên mặt báo này bài nghiên cứu "Nguyễn Gia Trí, người hoạ sĩ đã nhìn ra cái khả năng kỳ diệu của sơn mài", một điển hình về tấm lòng của hoạ sĩ Đinh Cường với hội hoạ Việt Nam. Dưới đây là hai bìa sách của ông, trong đó tập thơ "Cào lá ngoài sân đêm" do Thư ấn quán xuất bản chỉ được lưu truyền trong bạn bè hoạ sĩ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us