Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hoàng Cầm / Người mơ truyền kiếp

Hoàng Cầm / Người mơ truyền kiếp

- Vi Thuỳ Linh — published 15/05/2010 12:54, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


HOÀNG CẦM
NGUỜI MƠ TRUYỀN KIẾP


VI THUỲ LINH


Người tài hoa, đa tài ấy đã lìa chúng ta rồi, tôi còn thấy dáng ông ngây ngất chênh vênh ngang qua Nhà thờ Lớn. Ông vẫn nhiều vấn vương trần thế và đôi mắt tuổi 89 đang mở khao khát những mùa yêu.



1. Hoàng Cầm chưa bao giờ ngừng yêu. Với ông, yêu là sống. Từ yêu, ông sống để thơ, để kiếm tìm. Tất cả tự nhiên, thôi thúc thành tình yêu thi ca. Tình yêu chính là thi ca. Yêu và mơ đồng hành. Ông mơ cuộc tình đắm say, nồng nàn trong vô thức, khi đang thức chứ không cần qua giấc ngủ. Có gì lạ đâu, khi chú bé 8 tuổi sống gần thị xã Bắc Giang đã yêu : “ Em gửi chị Vinh của em ”, gửi tình yêu chứ không thể gửi lá diêu bông mà có được chị hàng xóm xinh đẹp, hát quan họ hay. Mặc cảm là em không được phép, những thức tỉnh giới tính thúc đẩy giấc mơ tới diễn tiến đám cưới, đã có ở Bùi Tằng Việt 1930. Yêu là phải được hoà quyện thể xác, đâu phải chỉ chiêm ngắm mà mơ tưởng. Xã hội cổ truyền đè nặng, chỉ có giấc mơ đám cưới mới thoả mãn, chiếm hữu được nhau. Sẽ không bao giờ có, như lá diêu bông đâu tồn tại trên đời. Bảy thế kỉ trước Hoàng Cầm, Dante (1265-1321) cũng yêu từ năm lên tám, khi gặp Béatrice trong vũ hội hoá trang và sau này thành thi sĩ mở đầu thời đại Phục hưng. Còn Hoàng Cầm là ông hoàng thơ tình Việt Nam thế kỉ 20. Và với tôi, ông là người mơ nguyên uỷ. Lúc nào cũng mơ và yêu. Những giấc mơ bé nhỏ, gần gũi, lộng lẫy, vĩ đại nhất cũng là giấc mơ tình yêu, cả trong cô độc, tuyệt vọng. Sinh ra từ người mẹ nhan sắc, giọng hát hay, cô gái làng Bựu, cùng làng với bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du, làn điệu quan họ, bao giai nhân, đan lúng liếng, tình tứ, đào hoa trong mạch hồn Hoàng Cầm, để mãi ngân lên tình yêu chan chứa. Kinh Bắc nên thơ hằn tâm tưởng. Người mơ tình tự giấc mơ đồng hiện quê hương. Chỉ tình yêu lớn, yêu bằng mỗi hồng cầu để nâng niu từng chi tiết, từng hình ảnh, từng cử chỉ nhỏ của cảnh quê, người quê, mới có thể viết về Kinh Bắc hào hoa, quyến rũ đến thế. Kinh Bắc là một miền tình. Hoàng Cầm khi 16 tuổi, bắt đầu là một chàng trai, về chốn Hà thành. Và vẫn mãi là chàng trai Kinh Bắc cả khi nằm lại với Hà thành. Chỉ với thơ Hoàng Cầm, vùng quan họ ấy thành Kinh-Bắc-đang-yêu, hiện lên đáng yêu và được nhớ hơn. Ông đã dựng không khí hội hè bằng tràn ngập hình ảnh âm thanh giao duyên. “ Về quê hương, về tình yêu, về những nỗi buồn, niềm cô đơn, nỗi xa cách, nỗi biệt ly cứ tầng tầng lớp lớp úp xuống hồn tôi như một đại dương trập trùng sóng gió, miên man một màu huyền-diệu-dĩ-vãng rồi xẻ ngang, vạch chéo, vút cao, xoáy sâu không biết bao nhiêu những nét rung động, có khi võ vàng, gày mảnh, có khi tươi tắn, ngỡ ngàng, lúc như ai oán, lúc như mơ mộng, nhưng vui ít, buồn nhiều, cái đau của những thuyền tình không đến bến, những con mắt mỹ nhân đã khép, những tiếng hát người yêu đã tắt, những làn da mịn màng… Tất cả… Tất cả… tôi bơi, chìm trong tất cả da thịt quê hương, hồn phách quê hương ”.

PGS TS Nguyên Đăng Điệp (Phó Viện trưởng Viện văn học) nhận định : “ Trong thơ viết thế kỉ 20, chưa một ai sánh được Hoàng Cầm khi viết về Kinh Bắc. Ông dệt thơ từ những giấc mơ siêu thực ”. Tất cả những truyền thống văn hóa dân gian hội hè đình đám được chạy trong lễ hội yêu của nhiều giấc mơ như bộ phim nhiều cuốn không có kết. Thơ Hoàng Cầm dày đặc những ẩn ức, ham muốn, khiến các thi ảnh đầy tính ẩn dụ mang đậm màu sắc tính dục mãnh liệt. “ Thi ăn mía thổi cơm ”, nóng bỏng thế này : “ Bãi mía sông Cầu reo đáy bát / Ngửa mặt hứng mưa đồi cỏ ngát / Nguôi dần cơn sốt bỏng môi hoa ”.

Cả một văn minh sông Hồng cuộn chảy qua Kinh Bắc, qua dòng sông tình ái. Thơ Hoàng Cầm ngồn ngộn hình ảnh, màu sắc mà Kinh Bắc là điểm quay về, cũng là đích đến, thành biểu tượng, bối cảnh của những cuộc yêu miên viễn thăng hoa. Hoàng Cầm không có đổi mới đặc biệt về ngôn ngữ, xong đã làm cho ngôn ngữ sống động qua sự liên tiếp của thi ảnh siêu thực viết bằng cảm giác.

Lúc Thơ Mới đang rộ, Hoàng Cầm đã chọn viết kịch thơ. Ngay từ đầu, Hoàng Cầm đã có bản lĩnh để dám đi riêng, dám tách khỏi tâm lý bầy đàn bằng Hận Nam Quan, Kiều Loan, Trương Chi. Đến với văn chương từ con đường sân khấu.

Về Kinh Bắc (1960) được Hoàng Cầm coi là “ Tập thơ cốt tuỷ ”. Hội hè giải toả cấm kị, ức chế, những gì hằng khắc khoải được thoả mãn, dù chỉ là, trong thơ, Hoàng Cầm cho mình và những người đàn bà của mình được phép làm tất cả.

Bùng vỡ, căn tràn, nổ tung vì tình ái. “ Em không buộc thắt lưng thon nữa / Thả búp tròn… căng... nuột… ấy… ơi / Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy / Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết / Những nét xiêm hờ giả bộ ngây ” (Hội yếm bay).

hckl

Nhà thơ Hoàng Cầm và con gái Kiều Loan năm 1997 bên bờ sông Đuống (ảnh Nguyễn Đình Toán)



2. Hiện ra dáng Hoàng Cầm chênh vênh phố vỉa hè chật chội. Kế đền thờ Lý Triều Quốc Sư là bánh gối, hiệu bán đàn, phở, trái cây dầm, những boutique thời trang. Ông đi ăn phở, cửa hàng phở bò mậu dịch khách tự bưng. Hiện ra, Hoàng Cầm trên gác ngôi nhà trong ngõ 43 Lý Quốc Sư, phóng mắt nhìn về sông Đuống. Hoàng Cầm trong căn phòng tầng 5 nhà 91 Nguyễn Chí Thanh trong tiệc mừng tuổi 80 mà Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây làm cho. Tối ấy, mùa xuân 2002, mắt ông long lanh ngắm nghệ sĩ chèo Lưu Nga (mẹ ca sĩ Bằng Kiều), ngâm bài Cây tam cúc. Hoàng Cầm bảo : “ Có thời tôi đã mê bà ”. Tôi tin Hoàng Cầm đã mê, đã thích, đã yêu nhiều và nhiều người mê. Ông đẹp trai hơi Tây, mắt lẳng, môi hồng, da trắng, dáng tao nhân, người thế, tất phong tình. Tôi thấy cuộc đời ông có những điểm tương đồng với Paul Éluard (1895-1952). Họ đều qua hai cuộc chiến, có ba người vợ. Khác với P. Éluard đưa Gala, Nush, Dominique vào thơ, Hoàng Cầm đầy “ em ” mà không gọi tên nàng. Hoàng Cầm dày đặc cô đơn giữa bộn bề giấc mơ nhục cảm.



3. Nhịp xe ngựa trải khắp “Hoàng Cầm một điệu” (KB và ĐD Nguyễn Thụy Kha, thân thiết với Hoàng Cầm từ 1988), có lẽ là phim tài liệu chân dung duy nhất làm về Hoàng Cầm, năm 1993, đã phát Đài TH Hà Nội. Suốt phim, lọc cọc xe ngựa và lời ca quan họ bay lên. Nhà thơ Lê Đạt người gọi Hoàng Cầm là “ Oanh vàng Kinh Bắc ” rất khen phim này. 25 cuối đời, Hoàng Cầm chỉ có một mình. Người vợ thứ ba – bà Lê Hoàng Yến- người ông biết ơn, đoản mệnh năm 1985, như con chim sã cánh : “ Em đâu ? Ai xé hồn muôn mảnh ”.

Ngày ấy, những năm 70 thế kỷ trước, ông chạy từng bữa một, từng dúm gạo một cho gia đình hơn chục miệng ăn. Ông vẫn yêu, vẫn thơ, những giấc mơ ứa thành thơ, vỗ về, an ủi, hy vọng. Năm tôi 2 tuổi, thì ông đi tù. Ông vẫn sống bền bỉ, vẫn cả tin và ngây thơ. Vẫn yêu và viết.

Năm 2004, Đạo diễn (Nghệ sĩ ưu tú) Vi Hoà làm phim tài liệu Vết đạn 55 tuổi, về vết đạn Pháp bắn vào phòng gương Nhà hát Lớn 12/1946. Đoàn phim phỏng vấn những nhân chứng thời kì ấy : nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, bà quả phụ Dương Trung Hậu (thân sinh nhà sử học Dương Trung Quốc), ca sĩ NSƯT Quang Hưng (như chú bé Gavrốt ngày ấy) và thi sĩ Hoàng Cầm. Để quay được cảnh Hoàng Cầm phát biểu, đoàn phim phải chờ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (tác giả KB) hầu thuốc về để ông Hoàng làm một điếu rồi mới “hạ sơn”. Hoàng Cầm nghiện thuốc phiện từ trẻ, điều này không cần giấu nữa, công an Hà Nội cũng thông cảm mà cho phép, vì nếu thiếu ông sẽ ra đi sớm. Năm sau, ông bị vấp xe đạp khi từ trên gác xuống, ngã trong nhà mình, gãy chân phải, phải dùng xe lăn 5 năm cuối đời... Vẫn phiêu du, cả khi nằm một mình trên căn gác, có tivi, điện thoại, balcon vài chậu hoa, cho đến khi yếu không xem được ti vi, không tự làm được gì, nghe bạn bè, người quen gọi tên ở dưới ngõ, mà không làm cách nào được. Con cháu đi vắng, khoá cửa, ai muốn đến thăm ông Hoàng cũng đành chịu thua. Ông đã sống trên cao, cao hơn những nỗi buồn số phận. Ba người đã làm tôi kinh ngạc khi họ tuổi 85, vẫn đọc thơ tình của tôi say sưa và nói về tình yêu rất trẻ : Kim Lân, Hoàng Cầm, Phạm Duy. Các ông, từng cặp là bạn thân của nhau. Một đêm quan họ, nghe Thuý Cải Thuý Hường gọi Hoàng Cầm là anh ngọt lịm, thi sĩ soài mình trên chiếu. “ Lão Hạc ” bảo : “ Tuổi ấy mà mắt cứ ve vé xanh thế thì có chết không cơ chứ ! ” Mắt Hoàng Cầm lúc nào cũng xanh. Đúng ba năm trước, HS Nguyễn Thị Hiền đưa đoàn phim HTV9 ra Hà Nội làm phim về nhà văn Kim Lân. Phỏng vấn Hoàng Cầm, ông kể : “ Kiều Loan được chọn để biểu diễn dịp Đại hội văn hoá cứu quốc lần một, tháng 11/1946, tổng duyệt tại Nhà hát Lớn. Kim Lân có đóng một vai. Kim Lân đi giật lùi từ cánh gà ra sân khấu, sau đó mới quay mặt lại khán giả. Công chúng vỗ tay tới 15 phút mới diễn được ”. Hai người vẫn thăm, đến chơi nhà nhau tới lúc không thể. Con gái cả nhà văn Kim Lân, thỉnh thoảng ra Hà Nội, lại tới biếu bác tiền quà. Bác vào SG cũng ghé 452 Nguyễn Thị Minh Khai ăn tối. Bộ phim chưa dựng xong thì “ Lão Hạc ” qua đời. Kiếp người trầm luân mà chóng quá !



4. Mỗi lần về quê, chàng trai 54 phố Hàng Dầu, nhạc sĩ Phạm Duy lại ghé cố tri. Họ thân nhau lúc 20, xa nhau gần nửa thế kỉ, tới lúc tóc trắng vẫn xưng hô mày tao, là bạn quý. Phạm Duy gửi cho tôi lá thư viết 12 giờ trưa ngày thứ năm 6/5/2010, sau khi biết tin Hoàng Cầm trút hơi thở cuối cùng lúc 9h12 phút sáng : “ Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rút cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi ! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cùng dìm hai thằng xuống rất sâu, nhưng hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật, làm cho chúng ta sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong, rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng ! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói : ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn : con đường tình, tình nước, tình người ”.

Nhiều người yêu được yêu, trong đời Hoàng Cầm, có thể không đến tận cùng bản chất tình yêu là độc chiếm, thuộc về nhau ; nhưng tinh thần vẫn duy dưỡng xúc cảm yêu đương, không ai muốn dứt.

Chỉ có một người rời bỏ Hoàng Cầm, đó là Tuyết Khanh - người vợ kế. Cô gái Hải Phòng lên Hà Nội làm ăn, lọt mắt xanh thi sĩ, được giao vai chính Kiều Loan trong vở kịch thơ cùng tên. Con gái của họ là Kiều Loan (sinh 1948). Năm 1954, bà ôm con theo chồng mới vào Nam, rồi tới 1975 sang Mỹ. Kiều Loan mấy bận về thăm cha. Cô mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, khi mớ ba mớ bảy, cùng cha đi về Kinh Bắc. Tôi rất thích cảnh cô đứng cạnh cha đằm thắm, bên triền cỏ ven sông Đuống (12/1997). Hai khuôn mặt giống nhau, Kiều Loan đẹp và tình, tuổi 50 vẫn xoan. Đấy là cảnh trong phim, cô làm để kỷ niệm.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán gắn bó từ 1983 vì yêu thơ Hoàng Cầm, ông có tham gia quay một số cảnh phim tài liệu Hoàng Cầm - một điệu Kinh Bắc ”. Ông cùng gia đình thi sĩ và Kiều Loan nhiều lần về Bắc Ninh. “ Tết nào, cứ mồng Một, tôi lại đến chúc tết, tặng cụ bức ảnh. Mấy năm rồi cụ yếu, không du xuân nữa. Lần cuối là 2006, đi TP Bắc Giang, cưới con trai út anh Hoàng Kỳ (con cả thi sĩ). Ông chỉ cho tôi cánh đồng cách TP Bắc Giang 6km, chính là “ đồng chiều cuống rạ ” trong bài Lá diêu bông. Tôi tháp tùng Hoàng Cầm về Thuận Thành, ở đó chỉ còn nhà họ hàng. Từ Bắc Ninh đi 12km tới sông Đuống, trước khi qua phà Hồ, lần nào tôi cũng đưa cụ ra bờ sông bên này nhìn về bên kia sông Đuống, chụp vô vàn ảnh. Ngày cuối cùng của Hoàng Cầm, tôi ở bên. Tối 2/5, tôi đi cùng xe cấp cứu. Bác sĩ cho đem máy chụp phổi đến tận giường bệnh. Tôi chụp hết từng giờ phút ”.

Những bức ảnh giữ lại khoảnh khắc. Người đi đem theo những giấc mơ và cũng để lại giấc - mơ - thơ. Hoàng Cầm một mình mơ, một mình yêu, một mình cô đơn trên gác 5. Tối 7/5, tôi đã âm thầm đi chậm mấy lần trong ngõ 43 Lý Quốc Sư, 45 bước một lượt. Chỉ 45 bước hết một ngõ đời, mà Hoàng Cầm không đi nổi. Tôi đi qua đoạn ngõ hẹp 90 cm, rồi 1,3m, tới khoảng ngõ rộng nhất 2,1m trước cửa nhà hai con trai thi sĩ : Hoàng Anh – Hoàng Phi. Cửa gỗ nâu, nhà vắng, ngước lên gác, khoảng không chật nhà đua chen chèn ép tứ bề. Ngay đầu ngõ 43 là hiệu Bellizeno (tiếng Ý: vẻ đẹp hoàn hảo) bán chăn, drap, gối đệm, khăn trải bàn của Ý, cửa kính trong suốt, đẹp và sang, với slogan kiêu hãnh: “Đẳng cấp của những giấc mơ”. Bao uyên ương đã đến đây mua chăn gối, dập dìu mùa cưới. Còn Hoàng Cầm trên gác cao, mơ mùa lứa đôi giữa chăn đơn gối chiếc ròng rã mùa mùa. Lúc nào, mọi sinh linh bé nhỏ trong thơ ông cũng khát thèm ân ái, cá cũng phải có đôi, như Về với ta trong tập Về Kinh Bắc : “ Uống nước mắt con vành khuyên / nhớ tổ / Vừa rụng chiều nay / Dềnh mặt nước hương sen / Ta soi / Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú / Ngủ say rồi / Đôi cá đòng đong ”.

vonghoa

Vòng hoa Diễn Đàn tiếc thương "con bê vàng lạc dáng chiều xanh"



5. Chủ nhật ngày 9/5, hai người thân về tiễn biệt Hoàng Cầm. Bạn tri kỷ Phạm Duy bay từ Sài Gòn ra, ông vừa soạn xong bản nhạc phổ bài Bên kia sông Đuống và đưa con trai Duy Cường soạn hoà âm để thu thanh, với ý định tặng riêng Hoàng Cầm, mà chưa kịp ! Kiều Loan, con gái duy nhất còn lại của Hoàng Cầm, cũng từ California về Hà Nội. Chiều thứ ba 11/5 tang lễ nhà thơ Hoàng Cầm sẽ diễn ra tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, do Hội nhà văn VN tổ chức. Theo anh Đỗ Hàn, chánh văn phòng Hội nhà văn VN, thành viên Ban lễ tang (nhà thơ Hữu Thỉnh trưởng ban) : “ Sau khi Hoàng Cầm mất tại BV Việt Xô, nhà lạnh hỏng, chúng tôi phải làm thủ tục chuyển cụ sang Viện 108 ”. Gặp lại Đỗ Hàn trưa 8/5, sau tang lễ kịch sĩ Hoàng Công Khanh, trông anh mệt phờ : “ Giờ lại lo đến đám tang cụ Hoàng Cầm. Theo bậc lương, cụ không đủ tiêu chuẩn nằm khu A nghĩa trang Văn Điển. Hội nhà văn lại sẽ lo liệu bằng được, để cụ an nghỉ nơi xứng đáng ”. Chao, thời mà cỗ hậu sự và chỗ nằm viện, chôn cất theo bậc lương, mới lạnh lùng kéo dài làm sao ! Hoàng Cầm bị buộc phải về hưu non khi 48 tuổi, thì làm sao đủ “tiêu chuẩn” ?! Ba thập niên trong bóng tối, phải bán rượu để qua ngày đoạn tháng, nhập men mà say mà quên. Ông ngồi xe lăn đến Nhà hát Lớn nhận Giải thưởng Nhà nước 2007, điềm tĩnh nhận một bù đắp. Chọn tên vị thuốc đắng làm bút danh cả đời, ông đã tự chuốc tự uống đắng cay. Ngâm thơ rất hay, làm thơ tài tình, và yêu quên mình Hoàng Cầm sinh đêm 12 tháng Giêng, trước hội Lim một ngày, tức 22 tháng 2 năm 1922, nhiều số 2 mà lại một mình. Ông không đơn độc, sinh trước hội và đã đi, bao lần hội, những hội yếm, hội hoa, hội tình vẫn đang đón đợi kẻ đa tình không tuổi ấy. “ Mọi giấc mơ của ta đều có thể biến thành hiện thực, nếu ta có đủ can đảm để theo đuổi chúng ”. (Walt Disney).

Hoàng Cầm đã rời trần gian về cõi khác. Linh hồn ông vẫn tiếp tục mơ, đang mơ, giữa giấc mơ tình yêu miên hoan. Về Kinh Bắc bất tử, nơi có sông Cầu, sông Tương, sông Thương, tên sông là định mệnh.

Thôi, đừng lã chã nhớ thương quá đỗi ! Bằng lăng đã khởi động Hè nhuộm tím con đường tình ta đi ...

Tôi hình dung những ám tượng thơ Hoàng Cầm hiện hữu ở Thế - giới – Mới, để ông Hoàng an lạc trong Đế chế yêu vĩnh cửu.

Vi Thùy Linh

Tối 8/5/2010

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us