Hoàng Xuân Hãn
HOÀNG XUÂN HÃN
(1908-1996)
Tháng 3-2008, chúng ta kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh (8.3.1908) và lần thứ 12 ngày mất (10.3.1996) của học giả Hoàng Xuân Hãn (xem tiểu sử trên Wikipedia.hay Vietsciences). Sống gần trọn thế kỉ XX, trải qua « bốn trận binh đao thảm », Hoàng Xuân Hãn tiêu biểu cho một thế hệ trí thức dấn thân vì độc lập và thống nhất của đất nước Việt Nam. Ông là người mở đường cho nền giáo dục hiện đại bằng tiếng Việt – những nguyên tắc Hoàng Xuân Hãn nêu ra trong cuốn Danh từ Khoa học (1942) đến nay vẫn còn nguyên giá trị để chấn chỉnh và phát triển từ ngữ khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội và nhân văn. Được học Hán văn trước khi tiếp xúc với Tây học và được đào tạo đến nơi đến chốn về khoa học, kĩ thuật (Ecole Polytechnique, Ecole nationale supérieure des Ponts et Chaussées, lớp luyện thi Agrégation tại Ecole Normale Supérieure), Hoàng Xuân Hãn đã đưa tinh thần khoa học vào nghiên cứu văn học, văn bản học và sử học Việt Nam, để lại một sự nghiệp nghiên cứu không đồ sộ về số lượng, còn dở dang (như nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều) nhưng vĩ đại vì tính chất khai phá và sáng lập (La Sơn phu tử, Lý Thường Kiệt, Chinh phụ ngâm bị khảo).
Với tư cách một người trí thức, Hoàng Xuân Hãn là tấm gương ngời sáng về sự chọn lựa và kiên định về chính trị, kết hợp sĩ khí truyền thống với sự sáng suốt hiện đại, mẫu mực trong các quan hệ xã hội và cá nhân – hai câu thơ trong bài thất ngôn bát cú nhân dịp thượng thọ 80 tuổi (1988) nói rõ điều đó :« bọt nước hư danh lòng chẳng bợn » và « tri âm chẳng lọ so già trẻ ».
Đối với toàn bộ anh chị em thuộc mọi lứa tuổi trong ban biên tập Diễn Đàn, ông Hoàng Xuân Hãn và bà Nguyễn Thị Bính mãi mãi là "hai bác", "bác Hãn" và "bác gái". Một vài anh chị em chúng tôi đã được hai bác coi như con cháu trong nhà từ cuối thập niên 50, đầu thập niên 60. Tất cả chúng tôi đều còn giữ những kỉ niệm sâu sắc và thân thương với hai bác ở dã thự (manoir) Cam Tuyền (vùng Normandie). Bác Hãn là "cộng tác viên" luôn luôn sằn sàng từ thời chúng tôi đảm nhiệm tạp chí Đoàn Kết. Khi tạp chí này bị khó khăn về tài chính và sức ép về chính trị, hai bác là những Mạnh Thường Quân đầu tiên "cứu nguy" cho tờ báo. Và mùa hè năm 1991, hai bác lại tiếp tục "cấp vốn" để Diễn Đàn có thể ra hai số đầu (tháng 10 và tháng 11.1991).
Để kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh và lần thứ 12 ngày mất Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi sẽ lần lượt đăng trong hồ sơ đặc biệt này những bài viết của tác giả (đã công bố trên Đoàn Kết trước tháng 5-1990, trên Diễn Đàn từ 10-1991, và trên những tạp chí khác) và những bài viết về Hoàng Xuân Hãn đã công bố trên Diễn Đàn. Chúng tôi thành thực cảm ơn anh Nghiêm Xuân Hải đã cung cấp hình ảnh, các anh chị trong ban kĩ thuật đã dành nhiều thời gian để số hoá hoặc chuyển mã những văn bản sang bản điện tử unicode.
Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu