Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hoàng Xuân Hãn, người đặt nền móng cho giáo dục và học thuật Việt Nam hiện đại

Hoàng Xuân Hãn, người đặt nền móng cho giáo dục và học thuật Việt Nam hiện đại

- Nguyễn Ngọc Giao — published 14/02/2024 23:40, cập nhật lần cuối 20/04/2024 16:06

Hoàng Xuân Hãn,

người đặt nền móng cho giáo dục và học thuật Việt Nam hiện đại


Nguyễn Ngọc Giao


O” tròn như quả trứng gà
ô” thì đội mũ, “ơ” thời có râu

(…)

I”, “Tờ” có móc cả hai,
i” ngắn có chấm, “tờ” dài có ngang.

(…)

Bạn đọc trẻ, thậm chí trung niên, chắc ít ai biết những câu thơ lục bát giản dị, thân thuộc như ca dao, càng khó hình dung ra tác động to lớn của chúng trong phong trào « bình dân học vụ » những năm 1945-47, nhờ đó, hàng triệu đồng bào đã thoát khỏi nạn mù chữ. Phong trào « bình dân học vụ » đã tiếp nối và khuếch trương hoạt động của hội « Truyền bá Quốc ngữ » do cụ Nguyễn Văn Tố và một số trí thức thành lập năm 1936, trong đó có Hoàng Xuân Hãn, giáo sư toán học giảng dạy tại trường Bưởi (tức là trường trung học Chu Văn An).

Tác giả những câu “ca dao” đã đi vào lịch sử ấy, chính là Hoàng Xuân Hãn.

Năm học 1945-46, trong lúc những em bé chăn trâu nắn nót viết « i tờ » bằng vôi trắng trên lưng trâu, những bà mẹ già, những thanh niên nam nữ đánh vần « o tròn », thì lần đầu tiên, học sinh trung học được học các môn bằng tiếng Việt, theo « chương trình trung học », và ở đại học, các bộ môn khoa học cơ bản (toán, lý, hóa, sinh học..) được giảng bằng tiếng Việt.

Người soạn thảo « chương trình trung học », công bố mùa hè 1945 cũng là tác giả bộ « Danh từ Khoa học » (xuất bản năm 1942) : Hoàng Xuân Hãn.

*

Tình cờ, cuối năm 1975, về nước lần đầu tiên sau ngày 30 tháng tư, tôi được gặp và sống chung hai tuần với nhà báo lão thành Thép Mới. Được anh kể nhiều chuyện, tôi còn nhớ mãi chuyện « thời Mỹ ném bom Nhật » năm 1943-1944 : năm ấy, Thép Mới học năm cuối trung học, học toán « bác Hãn ». Mỹ ném bom đường chuyển quân và vũ khí của quân đội Nhật ở Đông Dương, trường Bưởi sơ tán, thầy trò về Thanh Hóa. Hình như anh không còn giữ kỷ niệm về những lớp học toán sơ tán, nhưng anh say sưa kể những buổi đi « rập bia » với thầy.

Tốt hơn cả, xin chép lời kể của chính "bác Hãn" :

« Tôi biết vùng (Thanh Hóa) có nhiều cổ tích, lúc không bận dạy học là đi tìm. Lóc cóc trên chiếc xe đạp, kèm sau nải chuối xanh. Tìm ra được bia cổ, lần đọc. Đọc xong cắt đôi quả chuối xát lên mặt bia, trải tấm giấy bản lên, rập lấy tư liệu. Chuối xanh dán dính mà không chặt, rập xong gỡ tờ giấy ra rất dễ, không rách ».

Trong thời gian ấy, bác đã phát hiện 4 tấm bia đầu thế kỷ 12, trong đó có ba nói về Lý Thường Kiệt. Các tấm bia ấy đã bị phá hủy trong những năm chiến tranh, ngày nay ta còn giữ được văn bản là nhờ những tờ « rập bia » của bác Hãn.

Một nguyên tắc của Hoàng Xuân Hãn khi đi vào nghiên cứu sử học và văn hóa dân tộc là « tôn trọng tư liệu, thu thập tối đa ». Gia phả các dòng họ, bằng sắc, giấy tờ còn giữ lại trên các bàn thờ, những trang giấy bản đem bán đồng nát, thậm chí những tờ rời, nằm trên vỉa hè Hà Nội cuối năm 1946-1947, có tờ đã được dùng làm giấy vệ sinh… Chính nhờ « con mắt xanh », nhận ra từ đó những tư liệu quý, mà ngày nay chúng ta có được đạo sắc do chính tay Quang Trung Nguyễn Huệ viết cho Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) – nay được lưu trữ ở Viện bảo tàng lịch sử.

Áp dụng tinh thần phê phán khoa học, Hoàng Xuân Hãn đã để lại cho chúng ta những công trình nghiên cứu gương mẫu như Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử…

Cũng với nguyên tắc « sưu tầm tối đa » và tinh thần phê phán, trên cơ sở các bản nôm Chinh Phụ Ngâm (bản in và bản chép tay, cùng với những gia phả), Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh một cách thuyết phục rẳng bản mà chúng ta được học ở nhà trường không phải là của Đoàn Thị Điểm, mà của Phan Huy Ích – và tác giả cũng đã tìm ra bản diễn ca đích thực của Đoàn Thị Điểm.

Tinh thần khoa học và sư uyên bác về toán học, thiên văn học cũng đã đưa Hoàng Xuân Hãn đến việc đối chiếu âm lịch và dương lịch, và nhất là tìm ra tại sao, trong một số thời kỳ, âm lịch Việt Nam khác với âm lịch Trung Quốc.

*

Tháng 5-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc. Lúc ấy, học giả Hoàng Xuân Hãn đang ở thủ đô Rôma nước Ý, theo lời mời của Tòa thánh Vaticanô để tham khảo những tư liệu chữ Nôm được lưu trữ từ thế kỷ 16. Qua báo chí, ông theo dõi diễn biến hội nghị, và suy nghĩ đến những nguy cơ chia cắt đất nước lâu dài nếu vì sao phải đi tới giải pháp phân vùng theo một vĩ tuyến cắt ngang lãnh thổ.

Ông muốn viết thư góp ý kiến với phái đoàn do phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Nhưng thư không thể viết bằng quốc ngữ hay tiếng Pháp, vì qua bưu điện, đối phương hay một bên thứ ba có thể đọc trộm được. Làm sao ? Biết rằng trong phái đoàn, có bộ trưởng Phan Anh, người bạn cố tri, đọc được chữ nôm. Thế là ông đã viết thư bằng chữ nôm, lá thư đã tới tay người nhận một cách an toàn. Giai thoại này làm chúng ta nhớ tới thời chiến tranh thế giới lần thứ hai : Đức quốc xã không « giải mã » được một số điện mật của quân đội Đồng Minh vì họ dùng ngôn ngữ Navajo, một tộc người bản địa Bắc Mỹ.

Giai thoại trên cho thấy Hoàng Xuân Hãn là một chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, nhờ sự uyên bác về Hán ngữ, và hiểu biết về biến chuyển của phát âm tiếng Việt theo dòng thời gian từ mấy thế kỷ nay (mỗi chữ Nôm gồm hai phần, phần nghĩa dùng chữ hán, phần âm dùng một chữ hán mà cách phát âm gần giống tiếng Việt, thí dụ : chữ Nôm « năm » (số 5) ghép chữ hán « ngũ » và chữ hán « nam », phát âm gần « năm » ; còn chữ Nôm « năm (tháng) » ghép chữ hán « niên » (nghĩa) và « nam » (âm) ; cái khó của chữ Nôm là phần âm thay đổi theo thời gian và không gian – cách phát âm của mỗi vùng).

Nói dông dài một chút để bạn đọc hiểu tại sao say mê những năm cuối đời của học giả Hoàng Xuân Hãn là : đi tìm bản Kiều nào « sát gần » nhất nguyên tác của Nguyễn Du. Như ta biết, Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào đầu thế kỷ 19 (năm 1820, theo nhiều giả thuyết). Tác phẩm vĩ đại được truyền khẩu từ bắc chí nam, nhưng những bản in đầu tiên phải đợi đến cuối thế kỷ 19 mới xuất hiện, cạnh đó là những bản chép tay lưu truyền trong một số dòng họ, mà đã chép tay thì dễ « tam sao thất bản ». Đi tìm nguyên bản có thể là không tưởng, nhưng chí ít cũng phải tìm ra bản nào « gần » nguyên tác. Đây là một công trình đầy khó khăn, trong đó ngoài sự uyên bác, Hoàng Xuân Hãn còn có lợi thế : người Hà Tĩnh, đồng hương với tác giả Truyện Kiều, có thể « giải mã » được những chữ Nôm mà phần âm sử dụng cách phát âm của phương ngữ Hà Tĩnh !

Công trình đồ sộ ấy tất nhiên chưa hoàn thành. Những di cảo và tài liệu của bác về chủ đề này, theo tôi biết, chiếm hơn một mét trong thư viện. Điều đáng mừng là tủ sách và di cảo của bác, trong một phần tư thế kỷ vừa qua đã được con rể của hai bác, nhà toán học Nghiêm Xuân Hải, gìn giữ cẩn mật. Anh Hải vừa mất đi (tháng 9.2023). Đáng mừng là các con anh rất trân quý di sản của ông ngoại, đã có thỏa thuận hợp tác với cơ quan nghiên cứu uy tín là Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) trước hết là số hóa và điều chỉnh những trang di cảo của học giả. Nhờ đội ngũ chuyên gia chữ Nôm và chuyên gia ứng dụng số hóa của EFEO, hy vọng trong một thời gian không xa lắm, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, có thể tham khảo qua mạng, và tiếp tục công trình nghiên cứu Kiều học của học giả Hoàng Xuân Hãn.

*

Ngày 20.2.1996 (mồng 2 tết Bính Tý), ông tới Đại sứ quán Việt Nam nhờ chuyển một bức thư tay cho đại tướng Võ Nguyên Giáp (« anh Văn »). Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, bức thư còn giữ nguyên tính chất thời sự. Chúng tôi xin trích đăng một số đoạn :

«  Thân gửi anh Văn,

(…) Chúng ta là những kẻ tủi-nhục cho nước khi trẻ, mà may-mắn hơn nhiều bạn, còn sống đến ngày nay, nhận thấy đất nước thống-nhất độc-lập. Nhưng lại sợ rằng lớp trẻ, hiện nay là sinh-lực của nước, sẽ chóng quên tủi nhục xưa và công lao những người như các Anh.

Tôi đã có lúc biện-luận về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại-xâm và sự giải-phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh. Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân. Vì vậy, cái cần-thiết nhất trong cuộc giải-phóng là cái ĐỨC của những người lãnh-đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua-chuộc mình và làm gương cho nhân-dân giữ lòng yêu nước

 (…)  Nước ta nghèo ; mới độc-lập và thống-nhất. Vậy sự bảo-thủ đất-nước rất khó. Nước lại có nhiều dân-tộc thiểu-số, tuy tỉ-lệ nhỏ, nhưng ở những vùng kinh-tế quan trọng ở mé Bắc và và mé Tây, và cả tại trung-châu như Chàm và Khme khrom. Gương ngoại-bang xui-khiến hay giúp-rập không thiếu: Tchechene, Đông-Âu, Tây-Á. Phi-Châu. Tôi nghĩ rằng phải tôn-trọng và ứng-dụng văn-hoá địa-phương và coi đó là văn-hoá Việt-nam, đồng-hoá chóng về trình-độ kiến-thức và trà-trộn dân-tộc trong lúc tuyển-chọn cán-bộ. Nước Pháp đã giải-quyết được vấn-đề Bretons, Auvergnats, Alsaciens, Basques v.v. mà vấn-đề Irland ở Anh vẫn tồn-tại. (…)

Về mặt kinh-tế, sự mở cửa cho ngoại-quốc đầu-tư là một sự dĩ-nhiên để dân mình có việc làm, học kĩ-thuật, học quản-lí, kiến-thiết hạ-tầng cơ-sở, nâng dần đời sống, và nhờ đó báo-đáp ít nhiều công-lao lãnh-đạo và nhân-dân. Nhưng các Anh cũng đồng-ý với tôi thà chịu thiệt-thòi chút ít bây giờ, chứ không để nợ lớn lâu dài về sau cho con cháu, đến mức không bao giờ trả hết lãi.

Cuối cùng, tôi muốn nói qua về vấn-đề bom hạt-nhân. Pháp vừa tuyên-bố ngừng thử, Trung-quốc vẫn thí-nghiệm và làm. Nước ta không thể có; nhưng phải nghĩ đến lúc bất ngờ có địch-thủ lấy nó để đe-doạ mình thì làm sao? Đây không phải là một giả-thuyết suông. Trung-quốc hiện nay còn đe-doạ Đài-loan nếu xứ nầy tưởng dựa vào Hoa-kì mà tỏ thái-độ li-khai. Nếu lục-địa lấy bom hạt-nhân ra đe-doạ, Hoa-kì có can-thiệp vào nội-trị nước khác không? Ngoại-giao ta ắt có lúc phải chọn một nước lớn có bom hạt-nhân mà Trung-quốc sợ, để trở-ngại ý-đồ đe-doạ của địch. »

Năm ấy ông 88 tuổi. Kèm theo bức thư, ông chép gửi tặng bạn bài thơ khai bút « Xuân Bính Tý » (1996) :

Tám chục may rồi sắp chín mươi
Sức chừng thêm đuối tính thêm luời
Sử nhà bạn cũ ôn không thẹn
Vận nước tình sâu mộng sẽ tươi
Văn ngữ thời xưa tìm kiếm gốc
Tinh hoa thuả mới gắng đua người
Tuổi cao nhưng chí còn trai trẻ
Mắt đọc tay biên miệng vẫn cười.

Trên đường về, trượt chân té ngã, ông được đưa vào bệnh viện Orsay. Ít ngày sau, ông từ trần. Ngày 10.3.1996.

Hoàng Xuân Hãn đã sống gần trọn thế kỷ 20, nửa cuộc đời ở Việt Nam, nửa sau ở Pháp.

PC

Ông sinh năm 1908 ở Yên Hồ, La Sơn, Hà Tĩnh. Thưở nhỏ học chữ Hán, trung học cấp một ở Vinh, cấp hai ở Hà Nội (Trường Bưởi rồi Lycée Albert Sarraut). Đỗ thủ khóa tú tài năm 1928, ông được học bống sang Pháp, học lớp dự bị thi vào những « trường lớn ». Năm 1930, trúng tuyển vào hai trường nổi tiếng nhất : Ecole Normale Supérieure (ENS, Cao đẳng Sư phạm) và Ecole Polytechnique (Trường Bách khoa). Ông chọn trường Bách khoa (sau đó, Trường cao đẳng Cầu Đường (*)) với hy vọng có thể giúp nước với cương vị kỹ sư. Nhưng dưới chế độ thực dân, không có chỗ đứng cho một kỹ sư « bản xứ », ông trở lại Pháp năm 1934, theo học lớp dự bị thi thạc sĩ tại ENS và trúng tuyển thạc sĩ toán học. 

Về nước, ông giảng dạy lớp đệ nhất Trường Bưởi. Tháng tư 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp (trước khi thất trận), tham gia nội các Trần Trọng Kim với chức vụ bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật) cùng với bạn thân là Phan Anh (Bộ Thanh niên – Nhật không để cho chính quyền Bảo Đại trách nhiệm quốc phòng và ngoại giao), cả hai đều giao ước với ông Trần Trọng Kim, ngay khi Đồng Minh thắng trận, chính quyền phải nhường chỗ cho chính quyền cách mạng. 

Tháng 5-1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Đà Lạt. Kháng chiến bùng nổ, Hoàng Xuân Hãn ở Hà Nội, giữ liên lạc với kháng chiến, nhà thuốc Hoàng Xuân Hãn (của vợ ông, dược sĩ Nguyễn Thị Bính) thường xuyên cung cấp thuốc men cho kháng chiến. Được thông báo chính quyền Bảo Đại tìm cách bắt ông, Hoàng Xuân Hãn sang Pháp năm 1951. Trong những năm làm việc ở Trung tâm Nguyên tử lực Pháp (CEA), và nhất là sau đó, ông dành thì giờ nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

(*) Năm 2011, ông được trường này (Ecole Nationale Supérieure des Ponts et Chausssées) vinh danh bằng cách đặt tên ông cho một giảng đường của trường. Hinh kế bên chụp tấm bảng tóm tắt tiểu sử Hoàng Xuân Hãn đặt trước cửa giảng đường.



Nguyễn Ngọc Giao

Paris, 10.12.2023


Nguồn:  Bài đã được đăng và đưa lên mạng của báo Người Đô Thị số Xuân Giáp Thìn. Đây là bản gốc có chỉnh sửa do tác giả cung cấp cho Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us