Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Janine

Janine

- THUẬN — published 04/10/2012 11:34, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Sau Georges Boudarel thì tôi chưa gặp một người Pháp nào yêu Việt Nam như Janine Gillon. Dường như với cả hai người, đó là một tình yêu vô điều kiện, theo kiểu : dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.


Janine



THUẬN


Mười bảy năm trước, Janine đến học tiếng Việt với tôi. Dịch các tác giả Việt Nam sang tiếng Pháp là một kế hoạch khó tin đối với một người chưa biết một câu tiếng Việt nào và không đủ trẻ để có thể học cái ngôn ngữ không giống ai này. Nhưng tôi với Janine nhanh chóng thân nhau, vì nhiều thứ, trong đó có tâm hồn trong sáng bay bổng của bà và niềm say mê văn chương của cả hai chúng tôi. Chín tháng sau, Janine khăn gói đi Việt Nam. Sau đó tôi hầu như không có tin tức của bà, nhưng thỉnh thoảng ra hiệu sách lại thấy thêm một tác phẩm Việt Nam được xuất bản ở bên này, với cái tên Janine Gillon là đồng dịch giả hay đôi khi là người hiệu đính, trong đó có tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường (Des fantômes et des hommes), tiểu thuyết Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng (Le fabuleux destin de Xuan le rouquin) và các tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều (La fille du fleuve, La petite marchande de vermicelles), Hồ Anh Thái (L'Ile aux femmes), Bùi Ngọc Tấn (Une vie de chien) …

Sau Georges Boudarel thì tôi chưa gặp một người Pháp nào yêu Việt Nam như Janine Gillon. Dường như với cả hai người, đó là một tình yêu vô điều kiện, theo kiểu : dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Và có lẽ cũng vì thế mà hai người rất mến trọng nhau, thậm chí còn hơn cả mến trọng : một lần trong lúc trò chuyện tay đôi cách đây hai năm, Janine đỏ mặt kể với tôi là Georges đã cầu hôn bà không lâu trước khi ông qua đời. Tôi bất ngờ và không tránh được tò mò, liền hỏi: « Bà trả lời thế nào ? Gật đầu chứ ? ». Đỏ ửng tới tận chân tóc, bà lườm tôi: « Đùa à, bọn tao trẻ trung gì nữa ». Tôi trêu : « Nhưng bà không thấy Georges đẹp trai và rất ga lăng? ». Janine lắc đầu : « Nhưng gần bốn chục năm sống một mình tao quen rồi », với một giọng trầm ngâm khó hiểu, chẳng ra nuối tiếc cũng không hẳn dửng dưng. Tôi im lặng. Ai cũng biết Janine góa chồng lúc chỉ ngoài ba mươi và từ đó ở vậy nuôi  hai cô con gái.

Cuối tháng Giêng năm 2009 tiểu thuyết Chinatown của tôi do Đoàn Cầm Thi dịch, xuất bản ở Pháp. Tháng Hai, tôi nhận được điện thoại của Janine. Bà vui lắm. Bà bảo : « Tao hoàn toàn bất ngờ, tao vẫn biết mày viết văn, nhưng trước đây tao không đọc được ». Tôi sung sướng chẳng nói lên lời. Bà lại bảo tiếp : « Tao muốn phỏng vấn mày để viết một bài về ChinatownĐỉnh cao chói lọi của Dương Thu Hương cũng ra dịp này ». Tôi đồng ý ngay. Cuối tuần, bà đến nhà mang theo một chậu hoa nhỏ sặc sỡ cho tôi và một túi kẹo to cho hai thằng bé con tôi. Rồi bà đặt câu hỏi, tôi trả lời. Bà ghi chép và làm việc một cách cực kỳ chuyên nghiệp và mẫn cảm. Tuần sau, bà gửi qua email cho tôi bài báo, với đề nghị « chỉ được đọc chứ không được sửa ». Tôi sẽ không bình luận phần Janine viết về tác phẩm của Dương Thu Hương, đó là ý kiến cá nhân của bà và cũng vì vậy mà bà bị đôi chút hiểu lầm không đáng có. Phần bà viết về Chinatown, tôi đặc biệt trân trọng. Đương nhiên tôi cũng cảm nhận được rằng có lẽ đôi phần nhờ tình cảm thân thương với tôi mà bà dành cho tác phẩm của tôi những lời lẽ tốt đẹp như thế.

Đầu năm sau đó, tôi viết xong một tiểu thuyết mới. Lần đầu tiên tôi viết một tác phẩm có vẻ lằng nhằng, rối rắm, với khá nhiều nhân vật và nhiều chi tiết ảo tưởng. Tôi hoang mang lắm, đem chuyện kể với Janine. Bất ngờ bà bảo : « Hay tao với mày thử dịch sang tiếng Pháp xem sao ? » Tất nhiên là tôi đồng ý. Chúng tôi bắt tay vào làm ngay lập tức. Tôi cứ dịch khoảng chục trang lại gửi cho bà, bà chỉnh sửa rồi gửi lại cho tôi, tôi đọc lại nếu thấy không ổn thì trao đổi rồi lại chỉnh sửa, trao đổi. Ròng rã hơn sáu tháng trời. Không biết bao nhiêu công sức. Có những lần đi nghỉ bà cũng mang máy vi tính theo để làm việc. Cuối cùng bà bảo : « Tháng Mười này phải dịch cho xong, không thì tao bỏ đấy». Tôi gật đầu, bà không còn nhiều thời gian và muốn dành những năm sau cùng cho nhiều việc khác nhau. Việc nào bà cũng làm hết mình và say sưa. Tôi còn nhớ, mươi ngày sau khi bản dịch hoàn tất, bà đột ngột viết mail cho tôi trong đêm muộn. Hóa ra bà đề nghị mấy tên tác phẩm bằng tiếng Pháp. Cái tựa « L’Ascenseur de Saigon » là do bà nghĩ ra. Tôi ưng ý đến độ đổi tựa tiếng Việt thành « Thang máy Sài Gòn ».

Giờ đây đọc lại những dòng chữ chúng tôi dịch cùng nhau, thậm chí là viết cùng nhau, trong đầu tôi tràn ngập hình ảnh Janine, luôn luôn với một chiếc váy ngắn hơn đầu gối và một nụ cười vừa tinh nghịch vừa dịu dàng. Nhưng tất cả dường như đang lùi xa.

THUẬN



NGUỒN : Bản do tác giả gửi ngày 3.10.2012



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us