Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Janine GILLON (1932-2012)

Janine GILLON (1932-2012)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 03/10/2012 01:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Một người thân đã ra đi


"Jaja" GILLON
(1932-2012)

jaja

Chiều chủ nhật, 30 tháng chín 2012, chuông điện thoại réo. Trên màn hình điện thoại, cái tên Jaja xuất hiện, nhưng giọng nói không phải của chị : "Tôi là Catherine, con gái Jaja". Catherine, lạc giọng, báo cho tôi : gọi điện thoại mấy lần không thấy mẹ trả lời, cô chạy lại nhà (cùng ở quận 20 Paris), gọi đội cấp cứu của lính cứu hỏa, và phát hiện mẹ đã từ trần. Lát sau, ông bác sĩ quen cho biết : hai hôm trước, Janine Gillon bị một cơn khó thở, chắc không thấy có gì đáng ngại, nên đã không nói cho con gái biết. Chị đã ra đi, đột ngột, đột ngột đối với gia đình, và đối với đông đảo bạn bè. Trưa chủ nhật trước, 23 tháng 9, chúng tôi còn quây quần tại quán Foyer Mon Vietnam để mừng chị "thượng thọ bát tuần". Tấm ảnh trên đây, bà Denise Bregand chụp chị trưa hôm đó, trên đường đi tới quán ăn : không ai nghĩ người phụ nữ trong ảnh năm nay đã 80 tuổi rồi. Chúng tôi tặng chị hai cuốn tiểu thuyết mới xuất bản : Lame de fond của Linda Lê, và Peste & Choléra của Patrick Deville, mà giới phê bình chờ đợi sẽ giành được giải lớn trong mùa giải tiểu thuyết năm nay. Chúng tôi thì đương nhiên chờ đợi đọc bài phê bình của Janine Gillon trên tạp chí Carnets du Vietnam, bản tin của CID Vietnam (Trung tâm Thông tin Tư liệu về Việt Nam đương đại), tạp chí Perspectives của Hội Hữu nghị Pháp Việt (AAFV) hay bản dịch trên Diễn Đàn.

Từ mấy năm nay, tên tuổi Janine Gillon trở thành quen thuộc đối với độc giả Pháp ngữ quan tâm tới văn học Việt Nam, hay những tác phẩm liên quan tới Việt Nam. Hoặc qua các tạp chí vừa kể trên, hoặc qua những bản dịch văn học Việt Nam mà chị là đồng dịch giả hay người hiệu đính : Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng (Le fabuleux destin de Xuan le rouquin), Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường (Des fantômes et des hommes), những tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều (La fille du fleuve, La petite marchande de vermicelles), Bùi Ngọc Tấn (Une vie de chien), Hồ Anh Thái (L'Ile aux femmes)... Cùng với khoảng không quá mười người, trong đó, đầu tiên và đáng kể nhất, tất nhiên là Phan Huy Đường, Janine Gillon đã góp phần mang lại cho công chúng tiếng Pháp, khoảng 50 tác phẩm văn học Việt Nam trong vòng một phần tư thế kỉ vừa qua. Con số khiêm nhường nếu ta đem số với hàng mấy trăm bản dịch từ văn học Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng nếu biết rằng phần đông các tác phẩm Nhật Hàn đều được dịch (thậm chí xuất bản) với sự tài trợ của các tập đoàn hay chaebol, trong khi các bản dịch từ Việt ngữ đều là công lao đơn độc của những người dịch tự nguyện, hoàn toàn không có một đồng tài trợ của cơ quan Nhà nước hay tư nhân nào, ta mới đánh giá đúng mức công lao -- và sự đam mê vô tư -- của các dịch giả. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì đã chứng kiến những trường hợp Janine Gillon phải viết thư, điện thoại nhiều lần để đòi nợ nhà xuất bản cho các tác giả và dịch giả ở Hà Nội. Và hơn một lần, nhà xuất bản không chịu trả tác quyền cho chị, viện cớ "không ký hợp đồng". Nếu bà chủ nhà xuất bản nghĩ rằng tác phong cướp giật ấy sẽ làm nản lòng nhà giáo về hưu (lương hưu bổng không cần Sarkozy cũng đã quá thấp) quen "ăn cơm nhà vác ngà voi" này, thì bà ấy lầm to.

"Ngà voi", nói chính xác là phải để số nhiều. Janine Gillon là phó chủ tịch CID Vietnam (Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam hiện đại) : từ nhiều năm nay, mỗi tuần chị bỏ ra một ngày để tới "trực", nghĩa là tiếp khách (người đến tìm tư liệu), làm phiếu cho những cuốn sách, những số tạp chí mới nhận được, và viết bài phê bình giới thiệu những tác phẩm đáng chú ý. Chị là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Carnets du Vietnam, cũng như của tạp chí Perspectives (do Hội hữu nghị Pháp Việt xuất bản). Tên chị cũng thường xuyên xuất hiện trên tạp chí Etudes Vietnamiennes của Nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội) mà chị là một cộng tác viên tận tụy, tiếp nối công việc mà mấy thập niên trước đây, Françoise Corrèze đã đảm nhiệm. Gần hai mươi năm qua, gần như năm nào, vào mùa thu, chị cũng bay về Hà Nội, làm việc với nhà xuất bản Thế Giới và Khoa Pháp văn Trường đại học ngoại ngữ. Không những "làm chùa", mà có khi còn được "thù tiếp" một cách phải gọi là độc đáo. Cũng xin nói ngay, sự đối xử này không phải của đồng nghiệp hay sinh viên TĐHNN, mà từ "chín tầng cao" nào đó. Chị kể, một lần, chị được mời nói chuyện về Simone de Beauvoir nhân ngày phụ nữ 8-3. Chiều hôm trước, chị được thông báo là buổi thuyết trình "rất tiếc phải hoãn lại, vô hạn định", nôm na là bị hủy bỏ. Tại sao ? Nữ đồng nghiệp, giáo sư, lúng túng, quanh co, không dám nói thật. Phải một thời gian sau, một cách gián tiếp, Janine Gillon mới khám phá ra nguyên nhân : ở một cấp nào đó, ban tuyên giáo hay ban bí thư trung ương, người ta muốn biểu thị sự không hài lòng với chính phủ Pháp về một vụ việc nào đó (nếu tôi nhớ không lầm, là việc Bộ văn hóa Pháp trao tặng huân chương Văn nghệ cho nhà văn Dương Thu Hương). Sông sâu còn có kẻ dò, nhưng sự ngu xuẩn của một số người thì quả là phải... "bó tay chấm còm". Còn nếu vị quan chức đã ra cái quyết định lịch sử ấy muốn làm nản lòng Janine Gillon, thì tất nhiên phải chuốc lấy thất bại.

Trong những "ngà voi" mà Janine Gillon gánh vác, phải kể thêm : chị là chủ tịch "Hội những người bạn của Georges Boudarel" mà sinh thời, nhà toán học Laurent Schwartz đã nhận làm chủ tịch danh dự. Với những độc giả không có điều kiện theo dõi thời sự nước Pháp, xin tóm tắt vài dòng : Georges Boudarel là một nhà sử học có uy tín về Việt Nam, giảng dạy ở Trường đại học Denis Diderot (Paris VII) từ 1967 đến 1992 ; thuở trẻ, dạy triết học ở Lycée Marie Curie (Sài Gòn), năm 1950 ra chiến khu Đ (Nam Bộ) tham gia kháng chiến, do đó bị tòa án quân đội Pháp kết án tử hình (vắng mặt), năm 1952 lên Việt Bắc, làm việc ở Cục địch vận, công tác tuyên truyền đối với tù binh quân đội Liên Hiệp Pháp, năm 1964 rời Hà Nội (vì bất đồng ý kiến về những chính sách mao-ít của Việt Nam), làm việc ở Praha (Tiệp khắc), năm 1967 trở về Pháp (sau khi tướng De Gaulle quyết đinh "ân xá" về mọi hành động phạm pháp  trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương và Algérie, năm 1991 một nhóm cựu tù binh Pháp, thuộc xu hướng hữu và cực hữu, tố cáo Boudarel đã "hành hạ tinh thần" họ ở trại M113 (Thái Nguyên), và đòi truy tố vì "phạm tội chống nhân loại" (đơn kiện này cuối cùng đã bị tòa án bác bỏ, và mặt khác, tòa án hành chính đã xử thắng cho Boudarel trong vụ kiện Bộ giáo dục Pháp, buộc họ phải tính những năm tháng tham gia kháng chiến Việt Nam trong sổ hưu bổng) ; nhưng "vụ Boudarel" đã gây ra một chấn thương tinh thần lớn cho ông. Từ năm 1991, khi nổ ra "vụ Boudarel" đến ngày 26.12.2003, khi Boudarel từ trần tại nhà dưỡng lão Pantin, một nhóm bạn bè, người Pháp có, người Việt có, rồi Đức, Mỹ, Thụy Sĩ... đã tận tình bảo vệ nhà sử học, chăm lo sức khỏe cho ông, tạo ra một bầu không khí gia đình đầm ấm chung quanh một ông già đơn độc. Nhiều người trước đó không biết nhau.

Đó chính là trường hợp của chị Janine và tôi. Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào một buổi trưa ở bệnh viện La Piété - Salpêtrière, bên giường bệnh của Georges Boudarel. Rồi từ đó, những công việc làm chung : những buổi họp ở nhà ông bà Schwartz để thành lập hội, giải quyết tủ sách và tư liệu quý mà Boudarel tích lũy cả cuộc đời, tìm và đổi nhà dưỡng lão, những buổi mừng sinh nhật Boudarel 70, 71.., 77 tuổi (ngày 21.12.2003). Năm ngày sau, Boudarel từ trần. Mấy người chúng tôi đến công ti lễ tang, người ta chỉ trên kệ những mẫu bình chứa di cốt : không hẹn mà nên, mọi người đều chỉ vào cái bình hình mấy cuốn sách trên gáy khắc mấy chữ vàng Virgile, Platon... Tất nhiên phải như vậy. Một điều tất nhiên khác : chúng tôi phải trải một phần tro trên đất nước quê hương, một phần tro trên đất nước mà anh đã chọn làm quê hương thứ nhì, đã hiến dâng cả tuổi trẻ cho nó, đã thiết tha gắn bó với nó cho đến những ngày tháng cuối cùng.

Đầu hè năm ngoái, tháng 6.2011, Janine Gillon và mấy người bạn đã trải một nửa bình tro xuống biển Manche, ngoài khơi cảng Honfleur (cửa sông Seine). Dự định sang năm, 2013 (giỗ mười năm Georges Boudarel), chúng tôi sẽ gửi phần còn lại trên đất nước Việt Nam : sau khi đi lại, một cách tượng trưng, hành trình cách đây hơn 60 năm của Boudarel, từ Lycée Marie Curie ra chiến khu Đ, ngược miền Trung, lên Việt Bắc.

Không biết sang năm dự định ấy có thực hiện được không. Chỉ biết Janine sẽ vắng mặt. Thêm một lí do để những bạn của Boudarel, cũng là những người bạn của Janine Gillon, sớm muộn cũng phải thực hiện ý muốn cao quý ấy.

Paris, 2.10.2012

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss