Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Jean-Michel KRIVINE

Jean-Michel KRIVINE

- Nguyễn Ngọc Giao — published 16/05/2013 01:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

 



Jean-Michel KRIVINE
(1932-2013)

jmk

Jean-Michel Krivine, bác sĩ, nhà phẫu thuật, chiến sĩ cộng sản, bạn chí cốt của Việt Nam, đã từ trần ngày 14.5.2013, thọ 81 tuổi. Lễ tang sẽ cử hành ngày thứ ba 21.5.2013 vào 10g30 tại Đài hỏa táng Nghĩa trang Père Lachaise, Paris.


Tôi gọi anh là "chiến sĩ cộng sản". Thời buổi này, cả hai từ chiến sĩcộng sản, có lẽ cũng cần đôi dòng giải thích, nhất là với một con người như Jean-Michel Krivine. Chiến sĩ, trong tiếng Việt ngày nay, thường gắn với đấu tranh vũ trang, với quân đội. Tôi ngờ Jean-Michel chưa bao giờ cầm súng, dù là súng ngắn, trong tay. Đôi bàn tay anh quen thuộc với dao kéo phẫu thuật, với cây bút hay bàn phím PC (hôm nay được tin anh mất, tôi tìm đọc tiểu sử trên mạng, mới biết thêm anh là người chỉ huy ban hợp xướng của tổ chức LCR, rồi NPA, hai đảng thuộc xu hướng trốt-kít -- tôi không ngạc nhiên, vì anh có hai em trai, Alain thì nổi tiếng vì là lãnh tụ LCR, Jean-Louis nhà toán học chuyên về lôgic-học, còn có người em họ con chú con bác, Emmanuel, là nhạc sĩ vĩ cầm và nhạc trưởng nổi tiếng). Từ chiến sĩ tôi dùng theo nghĩa thập niên 1930 để chỉ khái niệm militant, người hoạt động, tranh đấu cho chính nghĩa, cho một sự nghiệp chính trị, tinh thần. Từ ngày ở Việt Nam, chiến sĩ trở thành cán bộ rồi viên chức ăn lương, thì danh từ militant không còn tương đương trong tiếng Việt, động từ militer cũng đã xơ cứng, nếu không nói là chết. Gia nhập Đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa (tổ chức của Đảng xã hội Pháp SFIO, sau đó bị đảng giải tán vì cho là "quá tả") lúc 14 tuổí, Jean-Michel suốt đời là militant (anh mất vài ngày sau khi hoàn tất một số báo Inprecor).

Còn cộng sản ? Sau khi Jeunesses Socialistes bị giải tán, Jean-Michel Krivine gia nhập Đảng cộng sản Pháp (năm 1949, cùng năm với Nguyễn Khắc Viện). Anh ở trong hàng ngũ ĐCS Pháp cho đến năm 1970. Nhưng ngay từ năm 1956 (năm khởi nghĩa Budapest bị đàn áp trong máu và dưới xích xe tăng), đã bí mật tham gia tổ chức trốt-kít, từ đó có thể nói anh là "đệ tứ" nằm vùng trong đảng "đệ tam". Khác với một số người trốt-kít được cử vào "nằm vùng" trong ĐCS Pháp, anh gia nhập ĐCS Pháp vì thành thật muốn militer, muốn "bảo vệ Liên Xô", sau đó mới trở thành trốt-kít (theo lời anh kể, sau khi kết thân với một đảng viên là... "trốt kít nằm vùng"). Lịch sử quan hệ giữa hai xu hướng Đệ tam và Đệ tứ trong phong trào cộng sản quốc tế là một câu chuyện cực kỳ phức tạp, viết bằng máu và nước mắt, không dễ hiểu chút nào, và không thể hiểu nếu quên rằng đó là câu chuyện anh em trở thành kẻ địch. Sau 1945, "đệ tam" thường gọi "đệ tứ" là "tay sai đế quốc", là "theo Hitler-Trotsky" (hitléro-trotskyste),... Năm 1946, khi chủ tịch Hồ Chí Minh (cùng với Vũ Hồng Khanh), thay mặt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kí Hiệp ước sơ bộ 6.3.1946 với Jean Sainteny, thay mặt Cộng hòa Pháp, thì phe "quốc gia" lên án Hồ Chí Minh "bán nước". Tháng 6.46, chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, những người trốt-kít Việt Nam ở Pháp (lúc đó rất mạnh trong phong trào Việt kiều) phát truyền đơn lên án Hồ Chí Minh vừa "bán nước" vừa "phản bội cách mạng". Còn sau này, tổ chức trốt-kít thường viện dẫn lá thư Lyne (Nguyễn Ái Quốc) gửi về nước năm 1939, lên án "bọn trốt-kít"... Song ta cũng không nên quên rằng giữa thập niên 1930, "đệ tam" và "đệ tứ" đã hợp tác trong tờ báo Tranh Đấu (La Lutte), niềm tự hào của báo chí Việt Nam, một trường hợp hợp tác độc nhất vô nhị trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế. Nói xa quá rồi, xin trở lại câu chuyện Jean-Michel Krivine. Với óc hài hước và nụ cười dí dỏm, hiền hòa, khi nói về thời kì "nằm vùng" trong ĐCS Pháp, anh nói "14 năm trời, tôi là một động vật quý hiếm : stalino-trotskyste".

Tôi không nhớ lần đầu gặp J.-M. Krivine là năm nào. Chỉ nhớ trong thời kì họp Tòa án Bertrand Russell, 1966-1967, cũng là lúc Laurent Schwartz và các nhà trí thức phái tả (Jean-Paul Sartre, Alfred Kastler...) tổ chức "Sáu giờ vì Việt Nam", tiền thân của phong trào "Ủy ban Việt Nam" tập hợp rộng rãi trí thức, sinh viên Pháp... Với tư cách bác sĩ phẫu thuật, anh đã sang miền Bắc điều tra về các cuộc ném bom, vào vùng giải phóng miền Nam, và ra làm chứng tại tòa án B. Russell. Krivine cũng là một trong những người đầu tiên báo động về tác hại của chất Da cam. Hình ảnh tôi còn nhớ mãi là Jean-Michel bước ra khỏi chiếc xe 2CV lọc cọc do chị vợ lái đến nói chuyện với Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp. Ở Jean-Michel, không thể phân biệt con người thầy thuốc, con người trí thức, chiến sĩ cộng sản. Anh là một trong những bác sĩ có công lớn nhất trong việc gửi thuốc men, dụng cụ y khoa giúp Việt Nam, khởi động sự hợp tác giữa y học hai nước, người hoạt động tích cực trong các Ủy ban Việt Nam, FSI (Mặt trận Đoàn kết với Đông Dương), triệt để ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất, nhưng luôn luôn tỉnh táo, không mang những ảo tưởng mà anh gọi là "lệch lạc kiểu Stalin, Mao" của ĐCS VN. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, anh đều làm như những việc thiết thân của cá nhân. Hợp tác với y học Việt Nam, đối với anh, không chỉ là những văn bản kí kết, là vận động giới y học, Bộ ngoại giao và Bộ y tế Pháp, mà trước hết là đưa không biết bao nhiêu bác sĩ Việt Nam sang thực tập ở bệnh viện Eaubonne, nơi anh làm việc.

Lần chót tôi gặp anh, là vào tháng 2.2012, trong đám tang anh Nguyễn Khánh Hội, người đồng chí của anh trong chi bộ Việt Nam của tổ chức trốt-kít (hình như anh là thành viên duy nhất người Pháp, với bí danh Bui Ten Chi -- Bùi Tên Chi ???). Tôi bàng hoàng khi thấy anh già hẳn đi, cử chỉ chậm chạp nặng nề của một người vừa trải qua cơn bệnh hiểm nghèo, chỉ đôi mắt tinh anh và nụ cười hiền hậu là còn... Jean-Michel. Chúng tôi nhắc lại kỉ niệm người bạn chung, Georges Boudarel, một người nữa, mà cuộc đời gắn bó với Việt Nam. Hai mươi năm trước, Boudarel đột quỵ, phải đưa cấp cứu vào bệnh viện Montreuil, rõ ràng không đủ điều kiện xử lí bệnh tình của anh. Tôi vội gọi cho Jean-Michel, vừa về nhà sau một cuộc mổ gay go. Chỉ trong vòng nửa ngày, Boudarel được đưa về bệnh viện La Pitié Salpêtrière. Tôi hỏi anh, sao mà tài vậy. Anh cười : "Gặp may thôi, trưởng phòng ở Montreuil và trưởng phòng ở La Pitié đều là học trò của tao cả".

Nguyễn Ngọc Giao




Tác phẩm của J.-M. Krivine :

Dr. Jean-Michel KRIVINE : Carnets de missions au Vietnam (1967-1987), Les Indes Savantes, 2005 (http://www.lesindessavantes.com/db/record.php?id=7)

Dr. Jean-Michel KRIVINE : Carnets de missions dans les maquis thaïlandais (1978), Les Indes Savantes, 2011 (http://www.lesindessavantes.com/db/record.php?id=289)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss