Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Khi "được" FBI theo dõi

Khi "được" FBI theo dõi

- Ngô Vĩnh Long — published 24/06/2019 16:00, cập nhật lần cuối 24/06/2019 16:39
Cập nhật ngày 24/6 với đường dẫn về ba bài viết tiếp theo của tác giả. Xin xem ở cuối bài.

Vài câu chuyện

Khi "được" FBI theo dõi


Ngô Vĩnh Long


Ngày 28 tháng 5 năm 2019 vừa qua, nhân vừa hết học kỳ và trước ngày lấy rác vùng tôi ở, tôi soạn một vài thùng giấy chứa những tài liệu cũ để vứt bỏ những thứ gì không cần. Tôi thấy trong một số thùng đó có báo cáo đã được giải mật của FBI (Federal Bureau of Investigation = Cục điều tra Liên bang Mỹ) về hoạt động của tôi từ năm 1966 và một số thư riêng của các nhân vật trong phong trào phản chiến và những chính khách Mỹ quen biết với tôi.

Tôi đã nhận được, qua nhiều nguồn, mấy ngàn trang báo cáo về tôi đã được FBI giải mật từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhưng tôi không muốn công bố vì áy náy là có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với những người muốn hoạt động xã hội nhưng không có quan hệ tốt để bảo vệ họ.

Nhưng hôm 28, sau một lúc do dự, tôi quyết định đưa lên trang FaceBook của tôi (hệ “public” = công khai, tức ai đọc cũng được) 4 bài viết ngắn cho biết một vài ví dụ báo cáo mật của FBI về tôi. Tôi nghĩ, với tình hình hiện nay ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, việc tôi đưa ra một vài ví dụ về trải nghiệm của tôi có thể không gây tác động tiêu cực như tôi đã nghĩ trước đây.

Bốn bài viết ngắn tôi đưa liên tiếp lên FB không theo thứ tự thời gian mà theo thứ tự những gì tôi lấy ra được từ các thùng giấy đề cập phía trên mà tôi nghĩ có thể cho biết một vài khía cạnh điển hình. Hôm nay, ngày 31 tháng 5 năm 2019, một biên tập viên của tờ Diễn Đàn viết thư cho tôi và yêu cầu tôi tập hợp 4 ví dụ đó thành một “file” để có thể đưa lên báo. Do đó sau đây tôi xin tập hợp 4 ví dụ đó theo thứ tự thời gian với những chú thích được cắt ngắn gọn lại để giải thích những ảnh các tài liệu kèm theo đây.

Như đã đề cập ở trên, có hàng ngàn báo cáo mật của FBI về những hoạt động của tôi từ đầu năm 1966. Một trong những lý do là năm 1964 tôi đã tham gia phong trào gọi là “teach-in” (tức giảng trong các đại học và các nhà thờ) với các giáo sư nổi tiếng như Noam Chomsky và Howard Zinn) để cảnh báo rằng Mỹ sẽ đưa quân vào Việt Nam và sẽ gây chiến tranh tàn khốc có ảnh hưởng lâu dài ở Đông Nam Á cũng như ở Mỹ. Với sự hiểu biết càng ngày càng sâu về chính sách của Mỹ ở Việt Nam, sau khi Mỹ đưa thuỷ quân lục chiến vào Đà Nẵng ngày 3 tháng 3 năm 1965, thì phong trào phản chiến ở Mỹ đã tổ chức được một cuộc biểu tình hơn 25 nghìn người ở Hoa Thịnh Đốn ngày 14 và 15 tháng 4 năm 1965. Tôi là một trong những người tổ chức cánh người biểu tình từ Cambridge, bang Massachusetts, trong đó có sinh viên Harvard và MIT (Massachusetts Institute of Technology.)

Qua kinh nghiệm và sự kiện trên tôi ý thức được rằng phải có được thông tin và phân tích sát thực thì mới có thể có những hoạt động tích cực và dài hơi, nếu không thì sẽ có những hoạt động tự phát rất nguy hiểm (và đã có như thế!) Do đó tôi nghiên cứu và viết bài đăng ở nhiều nơi cũng như cung cấp thông tin cho các nhà báo và những nhóm hoạt động. Để có một cơ sở công khai cho nhiều người có thể đến gặp hay liên lạc, đầu năm 1969 tôi thành lập Vietnam Resource Center (Trung tâm Tư liệu Việt Nam, VRC) để cung cấp thông tin và phân tích cho tất cả những ai cần. Ngoài những bài viết trên các báo Mỹ, VRC xuất bản một tờ nguyệt san tên là Thời Báo Gà vì đó là năm Dậu và vì tôi mong người Việt đừng “cõng rắn cắn gà nhà” hay làm cho “gà nhà bôi mặt đá nhau” như số báo đầu tiên lưu ý. Sau khi ra đời VRC cung cấp tư liệu và phân tích cho mấy chục tờ báo Mỹ và nhiều văn phòng của các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, cũng như những cơ quan của Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ.

Kèm theo đây là một báo cáo ngày 1 tháng 12 năm 1973 của văn phòng an ninh FBI ở Boston cho Quyền Giám Đốc FBI (Acting Director, FBI) và các cơ quan ở một số thành phố trên nước Mỹ. Lý do, như câu 3 và 4 của đoạn 3 cho biết, là tôi “đi cùng khắp nước Mỹ rất thường để tổ chức các cuộc biểu tình và đọc diễn văn chống sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam và chính quyền của THIỆU.” Bốn câu cuối của báo cáo viết: “Những hoạt động của NGO đã được các truyền thông đại chúng đưa tin rộng rãi và đã làm cho thiên hạ biết đến (publicity). NGO hiện nay đang bị bộ phận Boston (Bufile 105-206201, Bsfile 105-145273) điều tra về những hoạt động và những quan hệ của hắn.” [Xin xem tài liệu 1, trang 1 và trang 2].

Tài liệu 1, tr.1 và 2.

Tôi đã đọc hàng trăm báo cáo của địa phương sau đó và thấy những báo cáo nầy thường sai lạc và sơ sài. Tuy tôi thường nói chuyện công khai ở các đại học, các nhà thờ, và các câu lạc bộ thương mại như Lion Clubs và Rotary Clubs, các báo cáo thường kết luận với từ “ominous” (đáng ngại hay có tính cách đe doạ.) Hình như đây là một công thức là nếu ngại nói thật thì nói “đáng ngại” cho được việc! Đáng ngại nhất là những thông tin rất sai lạc của bọn chỉ điểm nhưng các báo cáo cho là những bọn nầy, gọi là “nguồn” (source), thường rất đáng tin cậy.Tôi xin đính kèm ở đây báo cáo mật của FBI ngày 9 tháng 11 năm 1977 về tôi như là một ví dụ lấy tin đồn nhảm rồi dùng để ám chỉ là đối tượng của cuộc điều tra thật sự đáng nghi ngờ hay nguy hiểm. Vì báo cáo nầy ngắn , tôi xin dịch tất cả những chỗ không bôi đen ở đây (tài liệu 2). 

TL2

Tài liệu 2

Đoạn đầu viết:

“Vào ngày 19 tháng 10 [tên người chỉ điểm bị bôi đen] cho biết rằng ở một buổi giảng tại Viện Á Đông tại trường Luật của Harvard đối tượng và [tên người bị bôi đen] tiến đến [tên ai bị bôi đen] và giới thiệu nhau một cách thân mật. Nguồn cung cấp tin tức nghĩ rằng sự cố nầy rất bất bình thường vì đối tượng là một người rất ủng hộ SRV [Socialist Republic of Vietnam = Cộng hoà Xã hội Việt Nam]. [Bôi đen] một [mấy dòng bị bôi đen]. Vì bối cảnh (hậu cảnh?) chính trị nầy cho nên nguồn cung cấp tin tức nghĩ rằng việc LONG cố gắng khởi xướng giới thiệu với [bôi đen] là đều bất thường.”

Tôi xin ghi chú ở đây là tôi không biết người tôi gặp là ai. Nhưng tôi quả quyết là không có gì bất thường trong việc học giả giới thiệu nhau tại một buổi giảng hay ở một hội thảo trong môi trường đại học. Việc ám chỉ nầy là cố tình để lại sự nghi ngờ trong hồ sơ hầu có thể lấy cớ gây khó khăn về sau.

Đoạn cuối của báo cáo viết:

“Nguồn cung cấp thông tin cũng cho biết rằng LONG không còn nhận được tiền tài trợ để làm việc tại Đại học Harvard và đang nuôi gia đình với số tiền từ 5000 đến 8000 đô la nhận được từ việc tặng kho tài liệu tiếng Việt cho Thư Viện Harvard-Yenching."

Xin ghi chú là “nguồn cung cấp thông tin” nầy phải là một người làm việc ở Harvard vì biết tôi tặng sách và có nhận được một số tiền, tuy không chính xác. Tài liệu báo cáo mật của FBI khác cho biết là nhân viên của FBI đã đến gặp một giáo sư Harvard và bảo người đó cắt tiền tài trợ của tôi nên tôi phải bán kho tài liệu. Đây là một việc làm trái nguyên tắc, nếu không nói là bất hợp pháp. Năm ngoái (2018) tôi đã đưa báo cáo đó lên trang FB của tôi để cho thấy là có những học giả Mỹ tuy bề ngoài được coi là lương thiện, nhưng thật ra không có lương tâm. Nhưng chuyện bao vây kinh tế là lối làm thường của các cơ quan an ninh ở nhiều nước và những người cộng tác với các cơ quan nầy có những lý do riêng của họ, trong đó có lý do tưởng như vậy là yêu nước. Cho nên dẫu tôi biết chính xác vị giáo sư đó là ai, tôi không để lộ tên ra làm gì.

Thật ra những khó khăn đối với cá nhân tôi và nhiều người Mỹ một phần là do các cơ quan an ninh của Mỹ cố tình dung túng những phần tử bạo động. Qua việc đọc mấy nghìn trang báo cáo của FBI đã được giải mật thì tôi cũng thấy họ tìm mọi cách để reo rắc nghi ngờ là chống chiến tranh và chính sách của Mỹ ở Việt Nam là Cộng Sản. Và đã bị nghi ngờ là Cộng Sản thì các nhân viên của họ, nếu không tìm được lý do chính đáng để đàn áp, thì rỉ tai cho các phần tử bạo động ra tay. Tuy nhiên họ không dám quá lộ liểu như cách làm của Trump bây giờ.

Kèm theo đây là một báo cáo của Văn phòng Chưởng lý vùng Boston, bang Massachusetts, cho FBI về việc mưu sát tôi (tài liệu 3). Tài liệu 4 là một lá thư của “Liên minh vùng Boston chống đăng ký đi quân dịch” nói rằng họ phải tổ chức bảo vệ tôi khi tôi đang thuyết trình. Họ nói là họ rất ân hận là tánh mạng tôi bị đe doạ trong khi tôi trình bày trước công chúng. Thật ra một số diễn giả nổi tiếng Mỹ chống chiến tranh hay chính sách đế quốc của Mỹ cũng gặp khó khăn. Nhưng người ta đặc biệt nhắm vào những người da màu gốc nước ngoài như tôi vì dễ biện hộ cho việc làm sai trái của họ. Đối với tôi, mãi đến sau khi Mỹ và Việt Nam “bình thường hoá quan hệ” năm 1995 thì đe doạ đến an ninh bản thân mới bớt dần. Tuy nhiên tôi có cảm nhận là từ khi Trump lên làm tổng thống thì nhiều người da màu chống chính sách của ông ấy đang càng ngày càng bị đe doạ.

TL3

Tài liệu 3

TL4

Tài liệu 4

Ở đây tôi xin nhấn mạnh rằng tôi luôn luôn tìm mọi cách để tránh nổi tiếng để khỏi bị ganh tị và ghét, tuy đã hoạt động xã hội thì âm thầm cách nào đi nữa cũng có người biết đến. Do đó tôi cố tạo quan hệ cá nhân thật tình với cả những người khác chính kiến vì mong rằng khi họ thấy chuyện quá bất bình thì họ bênh vực hay tìm cách bảo vệ.

Kèm theo đây tôi xin đưa lên 4 trang (tài liệu 5) để chứng tỏ việc vừa nói ở trên. Trang 1, có đóng mấy chữ “Mật” (Secret) là lá thư của William F. Weld, uỷ viên công tố của Bộ Tư Pháp chính phủ Liên Bang tại vùng Massachusetts cho FBI về việc đe doạ tính mạng của tôi sau khi nhận được thư ngày 17 tháng 8 năm 1985 của American Friends Service Committee cho Robert S. Mueller III, lúc đó là trợ lý uỷ viên công tố thứ nhất (First Assistant U.S. Attorney) của Bộ Tư Pháp Liên Bang (tài liệu 5, trang 2). 

TL5.1

Tài liệu 5, tr.1

TL5.2

Tài liệu 5, tr.2

Cùng với thư cho Mueller III có đính kèm 2 trang “Tuyên bố bày tỏ sự lo ngại” (Statement of Concern) với chữ ký của 152 người khắp cùng nước Mỹ [tài liệu 5, trang 3 và 4].

TL5, tr3

Tài liệu 5, tr.3

TL5, tr4

Tài liệu 5, trang 4

Thư của Weld do Mueller ký tên thay. Mueller sau nầy làm giám đốc FBI từ năm 2001 đến 2013. Gần đây ông là “luật sư đặc biệt” (special counsel) của Bộ Tư Pháp trong việc điều tra vụ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và liên hệ với Nga và Trump. Weld là thống đốc bang Massachusetts từ năm 1991-1997 và ngày 15 tháng 4 vừa rồi đã công bố làm ứng cử viên của đảng Cộng Hoà năm 2020 để đối đầu với Trump. Weld nhỏ hơn tôi một tuổi, sinh năm 1945, nhưng học trước tôi hai năm tại Harvard College (ra trường năm 1966). Tôi có quen với ông nầy và gặp nhau nhiều lần trong khi còn đang học, cũng như sau đó. Nhưng tôi không muốn tự đem chuyện cá nhân trình bày với ông ta. Do đó American Friends Service Committee viết thư cho Mueller vì lúc đó ông ta đứng đầu “văn phòng tội phạm” (Criminal Department), dưới quyền của Weld.

Tôi kể chuyện trên để cho biết là nếu không có nhiều người ủng hộ và có quen biết nhiều thì có thể tôi đã bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ hay bị các cơ quan an ninh của Mỹ làm ngơ để cho các phần tử bạo động “xử lý” rồi. Đó là lý do tại sao tôi đã ngần ngại trong bao nhiêu năm là nếu để cho nhiều người ở Mỹ biết những gì đã xảy ra cho tôi, tuy tôi có quen biết nhiều ở Mỹ, thì có thể những người ít quen biết sẽ ngần ngại hoạt động cho công bằng xã hội hay chống những chính sách mạo hiểm của Mỹ. Nhưng tôi nghĩ trước tình thế hiện nay, ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, các thế hệ trẻ nên dấn thân với hiểu biết và khôn ngoan của họ vì tương lai là của họ.

Sau khi được thư ngày 29 tháng 8 năm 1985 của William F. Weld (United States Attorney) và Robert S. Muller III, cùng với thư của một số thượng nghị sĩ, tôi được mời vào gặp ông giám đốc FBI tên William H. Webster. Ông nầy làm giám đốc năm 1878-1987 và sau đó làm giám đốc CIA (Central Intelligence Agency = Trung tâm Tình Báo) từ năm 1987 đến năm 1991. Tôi có trình bày việc dung túng bạo lực để đe doạ những người khác chính kiến sẽ có hại cho nước Mỹ về xa về dài như thế nào. Ông Webster sau đó ra lịnh cho hai phó giám đốc có mặt trong buổi họp, trước sự chứng kiến của cựu Bộ trưởng Tư pháp Ramsey Clark (1966-1969), là nên thành lập một “nhóm hành động chống khủng bố chính trị” (an anti-political terrorist task force) và bổ nhân viên để bảo vệ tôi. Nhóm hành động nầy sau đó kết hợp với các nhóm an ninh của các bộ khác và các bang để trở thành “Joint Terrorism Task Force” và được dùng để khủng bố các thành phần chống đối. Do đó nhiều người hoạt động xã hội ở Mỹ phàn nàn là vì tôi mà họ bị khủng bố!

Thật ra không biết ông Webster có biết rằng chính nhóm nầy đã tiếp tục theo dõi tôi cho mãi đến năm 1995 (và có thể còn tiếp tục sau đó nữa) hay không! Không biết nhóm này hay là ai đã dùng những trò rất đê tiện để phá hại gia cang của tôi. Các tổ chức an ninh thường nghiên cứu tâm lý các đối tượng và gia đình rất kỹ. Nếu đối tượng không có thể bị dụ dỗ hay cài vì tiếng tăm, tiền bạc và mỹ nhân kế, thì các tổ chức nầy nhằm vào vợ, chồng, và người thân của các đối tượng đó. Đối với những người vợ thì họ cài những đứa đàn ông hay dụ dỗ và khéo nịnh, nhưng quen với gia đình, tìm cách lân la nói ra nói vào. Rốt cuộc “xấu trai không bằng chai mặt” và rồi làm ly tán gia đình người ta. Có nhiều trường hợp như thế.

Kèm theo đây là báo cáo mật ngày 6 tháng 10 năm 1993 của trụ sở FBI ở New York cho ông giám đốc [tài liệu 6]. Trang đầu nói rằng “nguồn [chỉ điểm] rất tin cậy trong quá khứ cho biết có một cặp vợ chồng đến thăm tôi ở Boston từ ngày 11 tháng 9 đến 12 tháng 9 năm 1993.” Nhà tôi lúc đó ở Watertown (sát thành phố Boston) và năm 1992 đến 1994 tôi nghỉ dạy ở nhà vì bị sốc chuyện riêng và vì lúc đó cũng đang nghiên cứu ở Harvard và lâu lâu về Việt Nam thỉnh giảng. Báo cáo lầm lẫn tôi là “học giả Việt Nam tại đại học Harvard”, rồi câu sau đó lại nói tôi là sinh viên. Nguồn chỉ điểm cũng không biết rõ chính tôi đã dẫn cặp vợ chồng nầy đi thăm các nơi, kể cả “Indian reservation” ở Nantucket. Tôi biết cặp vợ chồng nầy là ai. Họ từ California, và bỗng nhiên xin đến thăm tôi một tuần vì khi đó họ biết chỉ có mình tôi ở trong một căn nhà khá lớn. Sau khi đọc báo cáo của FBI tôi mới vỡ lẽ là họ được phái đến để dò la xem tôi ra sao.

TL6, tr1

TL6, tr2

Tài liệu 6, tr.1 và 2

Câu cuối của trang 1 đến hết đoạn đầu trang 2 dịch sát nghĩa như sau: “LONG được mô tả như là người cực kỳ đồng cảm với các phong trào ủng hộ SRV (Socialist Republic of Vietnam = Cộng hoà Xã hội Việt Nam). Thông tin nguồn [chỉ điểm] nhận được cho biết là LONG gần đây thật mất tinh thần vì vợ đã bỏ đi với người khác và LONG không hiểu tại sao, cứ khóc tới khóc lui.”

Thật ra tôi hiểu rõ tại sao và đã cố gắng hết sức mình. Bọn thủ đoạn đã làm tôi đau, nhưng lầm tưởng là đã đánh cho tôi ngã gục.


Ngô Vĩnh Long


Cập nhật ngày 24/6/2019.


Sau loạt bài được tập hợp lại thành bài trên đây, GS Ngô Vĩnh Long đã viết tiếp nhiều bài về các diễn biến tiếp theo, tuy tập trung vào hoạt động của chính mình nhưng cũng cho thấy môi trường báo chí và hoạt động học thuật tại Mỹ những năm đó (cuối thập niên 1970 đến giữa thập niên 1980) bị ảnh hưởng nặng nề của chính trị Mỹ như thế nào.Mời bạn đọc bấm vào các đường dẫn dưới đây để xem các bài viết nói trên.

Bài ngày 23/6, hay tại sao Ngô Vĩnh Long không thể được bổ nhiệm làm giáo sư ở Harvard dù có Thư giới thiệu nhiệt thành của nhiều học giả lừng danh thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu của ông.

Bài ngày 8/6, và ngày 13/6 liên quan tới việc mưu sát ông tại đại học Harvard vào tháng 4/1981, khía cạnh báo chí và học thuật.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss