Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Không gì buồn bằng làm như thiên hạ vẫn làm…

Không gì buồn bằng làm như thiên hạ vẫn làm…

- Đặng Nhật Minh & Văn Nghệ Trẻ (pv) — published 01/08/2010 23:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Bài phỏng vấn đạo diễn Đặng nhật Minh do báo Văn Nghệ Trẻ thực hiện

Phỏng vấn đạo diễn Đặng Nhật Minh


Không gì buồn bằng làm
như thiên hạ vẫn làm…



Báo Văn Nghệ Trẻ : Xin ông cho biết, những bước chân đầu tiên ông đã đến với điện ảnh như thế nào? Những khó khăn của thời gian đó mà đến bây giờ ông vẫn còn nhớ?


Đạo diễn ĐNM: Tôi đến với điện ảnh là do tình cờ, run rủi của số phận, hoàn toàn không có sự chuẩn bị từ trước. Tôi không hề được đào tạo Điện ảnh ở Liên xô, Trung quốc hay ở trong nước như tất cả các đạo diễn VN khác. Do vậy tôi phải tự tìm hiểu cái nghề này theo cách riêng của mình. Nếu có ai đó nhận thấy trong sáng tác của tôi có cái gì đó không giống với những đồng nghiệp đi trước hoặc cùng thời, có lẽ là do đặc điểm trên. Khi tôi bước chân vào điện ảnh (những năm 60), nền văn nghệ VN là một nền văn nghệ phục vụ công nông binh. Tôi cũng được giao làm vài phim như vậy và rồi nhanh chóng tự thấy vô cùng chán ngán cái thứ phim ảnh kiểu này. Chúng hoàn toàn xa lạ với tôi. Đã có lúc tôi toan từ giã nó. Nhưng rồi có người khuyên nếu không thích làm những phim như vậy thì thử viết cái mà mình thích, mình cảm thấy rung động xem sao. Nếu không được, hãy từ giã cũng chưa muộn. Bộ phim truyện đầu tiên do tôi tự viết kịch bản rồi tự đạo diễn có tên là Thị xã trong tầm tay được viết ra trong hoàn cảnh đó. May thay không khí văn nghệ hồi đó đã bắt đầu cởi mở hơn nên bộ phim đã được trên cho làm, lại còn được giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim VN lần thứ 7 năm 1983. Sau phim đó tôi quyết định không từ bỏ Điện ảnh nữa mà thấy có thể tiếp tục làm phim với điều kiện kịch bản phải do mình tự viết ra, nói về những điều mà mình quan tâm muốn giãi bầy cùng người xem. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy yếu tố quan trọng đã giúp tôi tìm ra con đường đi riêng cho mình là: Biết khước từ những cái mà mình không thích, cho dù những cái đó được khích lệ và cổ xuý rùm beng. Khi đã biết khước từ thì ắt sẽ tìm được cái gì đó riêng cho mình. Con đường mà tôi đã chọn không giống ai nên tôi gặp khó khăn, trở ngại là chuyện đương nhiên. Một thời gian dài, hầu như những phim tôi làm ra không bao giờ được coi là dòng phim chính thống của Điện ảnh VN, chúng thường bị duyệt lên duyệt xuống rất nhiều lần. Có phim còn bị một vị lãnh đạo cao cấp phê phán là nói xấu cán bộ cách mạng, rồi sau đó không ai dám chiếu nữa như phim Cô gái trên sông, hay bị báo chí nhất loạt đánh “ hội đồng “ như phim Thương nhớ đồng quê vì cho là tôi có cái nhìn đen tối về nông thôn VN... Nhưng may thay người ta vẫn cho tôi tiếp tục làm phim.


Ông có thể cho biết vài nét về thân thế, sự nghiệp của mình?


Cha mẹ tôi đều là người Huế. Cha tôi là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, năm 1942 đã lên đường sang Nhật Bản du học để nghiên cứu về nấm và vi sinh. Nhưng rồi ông đã gác lại công việc nghiên cứu khoa học đang dang dở ở nước ngoài, trở về nước tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong rừng sâu Việt Bắc, ông đã chế tạo nước cất Penicilline để cứu chữa vết thương cho bộ đội. Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông lại lặn lội khắp miền rừng núi và các khu căn cứ địa KC cũ để thực hiện một chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có.

Năm 1954 sau khi mẹ tôi mất ở Việt Bắc trong những ngày cuối cùng trước khi về tiếp quản thủ đô, cha tôi lúc ấy mới 44 tuổi, đã ở vậy nuôi con, lấy sự nghiệp khoa học, lấy việc cứu giúp con người làm niềm vui cuộc sống. Chiến tranh tiếp tục leo thang ra miền Bắc, để bảo vệ thành quả tiêu diệt sốt rét trên một nửa đất nước, ông đã xung phong vào chiến trường Trị Thiên, nghiên cứu vắcxin chống sốt rét nhằm ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia vĩ tuyến 17. Và ông đã ngã xuống ở chiến trường, trong một trận bom B52 của Mỹ tại chiến khu Thừa Thiên.

Tôi học tiểu học ở Huế rồi theo gia đình lên chiến khu Việt Bắc, học tiếp lớp 5 ở Trường Tân Trào Tuyên quang. Năm 1950 tôi được sang Trung quốc học tiếp phổ thông tại trường Thiếu nhi VN. Học hết trung học tôi được nhà trường cử sang Liên xô học tiếng Nga, về nước được cử làm phiên dịch, dịch lời thoại trong các phim Liên xô ở cơ quan Phát hành phim. Năm 1963 chuyển sang Trường điện ảnh dịch tài liệu cho học sinh học. Năm 1969 chuyển về Hãng phim truyện VN, thoạt đầu làm phó đạo diễn rồi đạo diễn phim truyện.


Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm thú vị ở những bộ phim đầu tiên mình thực hiện?


Bộ phim tôi làm đạo diễn đầu tiên lại là một phim tài liệu, làm năm 1965 có tên Theo chân người địa chất. Phim dài 50 phút. Kỷ niệm về bộ phim này là những chuyến đi theo chân những người địa chất lập bản đồ khoáng sản. Nhờ làm phim đó mà tôi có dịp đi khắp núi rừng cho đến hải đảo xa xôi trên toàn miền Bắc VN để thấy tận mắt đất nước mình thật là đẹp.


Trong những bộ phim mình từng thực hiện, phim nào ông cảm thấy tâm đắc nhất? Tại sao?


Phim Cô gái trên sông làm năm 1987. Đó là phim tôi tâm đắc nhất vì ở đó tôi đã thực hiện được cái chức năng cần phải có của người nghệ sỹ là cảnh báo để ngăn ngừa những bi kịch có thể xẩy ra trong đời sống. Tôi lên án sự bội bạc, quay lưng lại với nhân dân của mình, quay lưng lại với những người đã giúp mình làm nên chiến thắng. Phim này đã được Cộng hoà dân chủ Đức trước đây mua đem về lồng tiếng Đức để chiếu cho khán giả Đông Đức xem. Tháng 4 năm 2005 kênh truyền hình ARTE của Châu Âu đã chiếu phim này nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày VN thống nhất (30/4/1975).


Phim nào ông không hài lòng và muốn làm lại nhất? Tại sao?


Tôi vốn là người cầu toàn nên phim nào xem lại tôi cũng muốn được sửa lại chỗ này hay chỗ khác. Nhưng người làm đạo diễn điện ảnh chỉ được làm một lần, không như người đạo diễn sân khấu có thể sửa đi sửa lại tuỳ thích sau mỗi đêm diễn. Nhưng biết đâu cái thú của nghề đạo diễn điện ảnh lại ở chỗ anh chỉ được làm một lần ?


Dường như ông rất “có tay” chọn nữ diễn viên? Nhiều nữ diễn viên dù chuyên nghiệp hay không chuyên, đều toả sáng sau khi tham gia phim của ông, tạo nên những vai diễn ghi dấu ấn (Lê Vân, Minh Châu...), hoặc được ghi nhận trong một số giải thưởng của hội nghề nghiệp (Minh Hương)


Đúng là trong chuyện này tôi có nhiều may mắn, gặp được những diễn viên thích hợp với các nhân vật trong các phim của mình. Những giải thưởng mà họ có được là do công sức và tài năng cuả họ. Tôi chỉ góp một phần nhỏ là đặt họ vào đúng cái tâm trạng, cái tình huống mà họ có thể diễn xuất tốt nhất rồi bấm máy vào đúng cái giây phút họ diễn tốt nhất đó. Có thể nói các diễn viên làm việc với tôi không vất vả nhọc nhằn mà rất thoải mái bởi vì tôi biết cách gợi ý cho họ chính xác những ghì tôi muốn thấy ở vai diễn của họ. Ít khi tôi yêu cầu họ diễn đi diễn lại một cảnh nhiều lần. Phần lớn tôi chỉ quay mỗi cảnh một hoặc hai đúp là cùng.


Diễn xuất của những diễn viên không chuyên đem lại sự khác lạ cho bộ phim, nhưng có tác dụng không tích cực nào không?


Cái khác của những diễn viên không chuyên với các diễn viên chuyên nghiệp ở chỗ các diễn viên không chuyên chỉ có thể diễn tốt một lần trong một phim nào đó rồi thôi. Họ có thể xuất thần loé sáng một lần trong đời. Còn các diễn viên chuyên nghiệp giỏi, họ có thể hoá thân vào các vai diễn khác nhau và đều thành công như nhau.


Những lúc không bận bịu với bộ phim nào, ông thường thư giãn bằng những thú vui gì ?


Những lúc rỗi rãi tôi thích đi bộ lang thang thả mình vào đời sống của hè phố. Tôi thích nhất là những lúc cầm ô đi dưới mưa.


Người cha của mình, Bác sỹ Đặng Văn Ngữ, có ảnh hưởng như thế nào tới ông? Và ảnh hưởng của gia đình dòng dõi đối với ông ?


Cha tôi mất đi … gia tài mà ông để lại cho tôi là tình yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân mình, đất nước mình, là lòng thương yêu con người, sự cảm thông sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người. Ông không biết rằng những cái đó cũng chính là nền tảng cơ bản cho mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Những gì tôi làm được trong điện ảnh cũng chính nhờ đã thừa hưởng được ít nhiều cái di sản tinh thần đó.

Mẹ tôi sinh trưởng trong một gia đình quan lại nhưng đã hy sinh tất cả cho sự nghiệp khoa học của chồng, nuôi dạy con cái rồi theo chồng đi Kháng chiến. Đức hy sinh của bà đã để dấu ấn sâu đậm trong tôi qua hình ảnh những người phụ nữ trong các phim mà tôi đã làm.


Quan điểm về làm nghệ thuật của ông? Ông có từ chối kịch bản nào không vừa ý không? Hầu hết những bộ phim gây ấn tượng của ông có phải đều do ông tự viết kịch bản?


Như trên tôi đã nói đã có lúc tôi toan từ giã điện ảnh, từ chối làm phim theo những kịch bản minh hoạ chính trị mà mình không thích. Nhưng khi đã quyết định tiếp tục làm điện ảnh, không có ý định từ giã nó nữa thì tôi tự xác định cho mình một cách có ý thức rằng: mỗi một phim do tôi tự viết kịch bản rồi tự làm đạo diễn phải là những lời tâm sự với ngưòi xem về những vấn đề mà tôi quan tâm, về những nỗi niềm mà tôi xúc động trong cuộc sống. Nếu những lời tâm sự đó được người xem đồng cảm thì tôi thấy thật hạnh phúc. Còn nếu không thì đành chịu, nhưng dầu sao tôi cũng đã thành thật với chính mình. Tôi không biết gọi đó là quan điểm gì ?


Theo ông, để vực dậy nền điện ảnh Việt Nam, chúng ta nên làm những gì ?


Cái thiếu nhất của phim ảnh chúng ta là sự sâu sắc và tinh tế. Không có tiền của hay phương tiện kỹ thuật hiện đại nào có thể bù lấp khoảng trống đó được. Chỉ có sự nỗ lực của từng người, một khi tất cả cùng nhận thức đầy đủ về sự thiếu hụt đó.


Hầu hết những bộ phim ông làm đều có chút gì đó của quá khứ, của sự hoài cổ, dường như gợi lại những ký ức xa xôi của mỗi người. Vậy ông có thử sức với những đề tài hiện đại, phản ánh cuộc sống ngày nay không?


Tôi cũng đã làm nhiều phim về đề tài hiện đại như: Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Trở về, Mùa ổi… tất cả đều nói về cuộc sống hôm nay. Trong những phim đó tôi đã đề cập khá đầy đủ những vấn đề mà xã hội VN đang quan tâm. Nói chung tất cả những kịch bản do tôi tự viết ra rồi tự thực hiện đều xuất phải từ những trải nghiệm của bản thân mình, lục ra từ trong ký ức của mình. Tôi không đi quan sát, thâm nhập thực tế ghi ghi chép chép như người ta vẫn thường làm. Thực tế nó tự vào trong tôi lúc nào không biết. Nếu gọi là đi thực tế thì tôi đi thực tế ngay trong tiềm thức của chính mình. Cái cảm giác hoài cổ mà cô nói có thể bắt nguồn từ đó.


Những bộ phim ông làm, thường có sự khác biệt so với xu hướng điện ảnh chung của những thời kỳ đó. Nghĩ lại, ông có thấy mình “liều” không khi chọn cách làm khác với mọi người như vậy?


Đúng là nghĩ lại tôi thấy mình cũng liều và những khó khăn trắc trở đến với tôi trong sáng tác điện ảnh là điều có thể hiểu được. Nhưng nếu bây giờ được bắt đầu lại từ đầu tôi vẫn liều như vậy. Trong nghệ thuật không gì buồn bằng làm như thiên hạ vẫn làm, phải có cái gì đó riêng của mình.


Về bộ phim gần đây nhất của ông: “Đừng đốt”, tính đến nay phim đã được trình chiếu tại bao nhiêu nước? Khán giả ở những nơi đó đã bày tỏ những gì sau khi xem phim.


Kể từ khi phim ra mắt khán giả vào tháng 5 năm 2009 cho đến nay ở VN vẫn còn có người xem. Phim đã được giới thiệu tại 5 nước. Có một đặc điểm chung là khán giả ở đâu cũng đều cảm động. Tôi đã được chứng kiến những giọt nước mắt của nhiều khán giả sau những buổi chiếu phim ở trong cũng như ngoài nước.


Năm 2008, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của ông đã được CNN bình chọn là một trong 18 phim hay nhất châu Á. Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc chung quanh sự kiện đó? Và ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm nho nhỏ về bộ phim này?


Khi được tin này đương nhiên tôi thấy vui và ngạc nhiên nữa. Một phim làm đã hơn 20 năm, nay vẫn còn được bên ngoài người ta nhớ đến và đánh giá cao là một điều bất ngờ đối với tôi. Kỷ niệm về bộ phim thì có nhiều… toàn là những kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ một lần bà Lê Mai, mẹ của nữ diễn viên Lê Vân gặp tôi hỏi : Anh đang quay phim gì mà con Lê Vân về khoe với tôi đêm qua con vừa quay một cảnh hay lắm mẹ ạ. Chi tiết này có thể diễn viên Lê Vân đã quên nhưng tôi vẫn còn nhớ. Cảnh quay đó là cảnh chị Duyên (nhân vật trong phim mà Lê Vân đóng) chạy qua cánh đồng trong đêm, sau khi bỏ dở giữa chừng vở chèo mà cô đang diễn tại đình làng.


Trong phim của ông, dường như thân phận người phụ nữ, ở bất kỳ thời kỳ, hoàn cảnh nào cũng được tập trung khắc hoạ đậm nét hơn cả. Ông có thể giải thích tại sao ?


Có lẽ do hồi nhỏ tôi sống với mẹ là chính. Cha tôi đi du học ở Nhật xa. Hình ảnh của bà đã ăn sâu trong ký ức của tôi như một biểu tượng của người phụ nữ VN hy sinh tất cả vì chồng vì con. Tôi vẫn nghĩ rằng ngưòi phụ nữ là tấm gương phản ánh cuộc đời, qua thân phận của người phụ nữ ta có thể thấy được thân phận của cả đất nước.


Cảm xúc của ông về Hà Nội? Từng đặt chân tới nhiều nơi trong và ngoài nước, những cảm nhận của ông về Hà Nội so với những nơi đó như thế nào? Ông có bao giờ mong muốn làm một bộ phim thật đặc sắc về Hà Nội không?


Mỗi lần ra nước ngoài cái làm tôi nhớ nhất về Hà nội là đời sống vỉa hè của nó. Không đâu có đời sống sinh động, hấp dẫn như trên các vỉa hè ở Hà nội. Tôi sinh trưởng ở Huế nhưng Hà nội là nơi tôi đã gắn bó suốt hơn 50 năm qua. Có thể nói tôi là người Hà nội. Năm 1997 tôi đã làm một phim truyện về Hà nội có tên : Hà nội – mùa đông 1946, nói về những ngày cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt. Trước những nhân nhượng của chính phủ VN những người cầm quyền Pháp ở Đông Dương một mực quyết dùng vũ lực để giữ lại thuộc địa của mình. Kết quả sau đó là 9 năm chiến tranh với biết bao nhiêu xương máu của cả 2 bên. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ của người Pháp và là một bi kịch của người VN. Ngoài ra tôi còn có phim Mùa ổi đề cập đến những thăng trầm của một gia đình trí thức Hà nội trong những năm mới giải phóng cho đến ngày nay. Hà nội luôn hiện diện trong tâm trí tôi và chắc chắn đến một ngày nào đó sẽ thức dậy trong tôi thành một kịch bản phim tiếp. Chủ đề của phim đó có thể là sự thay đổi quá nhanh của thành phố này trong guồng máy của nền kinh tế thị trường, một sự thay đổi phải trả giá bằng sự đánh mất những vẻ đẹp, những giá trị tinh thần vốn có của nó. Khi làm phim Hà nội – Mùa đông 46 chúng tôi đã vô cùng vất vả đi tìm, cải tạo từng góc phố, từng đoạn vỉa hè còn dáng dấp của Hà nội thời Pháp thuộc. Đó là phim làm vào năm 1996. Nếu làm bây giờ chắc chắn những bối cảnh hiếm hoi như vậy cũng không còn. Sau những biến thiên của lịch sử, qua thử thách của thời gian đến nay có thể nói một cách khẳng định rằng kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp là thích hợp nhất với thành phố này. Nó đã tạo nên cho Hà nội một vẻ duyên dáng không nơi nào có được. Những công trình kiến trúc như Nhà hát lớn thành phố, Chủ tịch phủ, Bắc bộ phủ, … cùng hàng trăm ngôi biệt thự xinh xắn ẩn mình dưới những tán lá xanh um ven những con phố trong lòng Hà nội là những giá trị vô giá. Tiếc rằng chúng đang bị mai một dần. Nhiều ngôi nhà như vậy đã bị đập đi để xây lên đó những toà nhà cao tầng với kiến trúc vô hồn nhằm mục đích làm văn phòng cho thuê, hoặc làm chung cư cao cấp để bán.


Hiện nay, ông đã có dự án làm phim nào mới sau “Đừng đốt” chưa? Ông có thể “tiết lộ” đôi nét về dự án đó (nếu có) được không?


Hiện tôi có 3 kịch bản đã viết xong. Một kịch bản chuyển thể theo tiểu thuyết Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân về đề tài chiến tranh chống Mỹ, hai kịch bản khác về đề tài cuộc sống hiện tại. Tôi ước ao có tiền để thực hiện cả 3 kịch bản đó cùng một lúc, có nghĩa là quay một lúc cả 3 phim. Tôi có thể làm như vậy nếu có những ngươi tổ chức sản xuất giỏi giúp. Nhưng nhà nước năm nay chỉ tài trợ cho điện ảnh một phim truyện nhựa, suất đó đã được phân, còn các nhà sản xuất phim tư nhân thì kịch bản của tôi chắc chắn không hợp khẩu vị của họ. Họ chỉ thích làm phim giải trí với những cảnh “ hot ” phục vụ cho thị hiếu của đám thanh thiếu niên con nhà giầu ở các thành phố lớn. Đành chờ sự may mắn vậy.


Theo ông, vấn đề của các nhà làm phim Việt Nam hiện nay là gì? Nhà làm phim Việt Nam hiện nay quan tâm đến điều gì? Thể loại phim nào hiện nay đang được ưa chuộng và ngược lại?


Từ sau khi xã hội VN vận hành theo cơ chế thị truờng có nghĩa là sau Đổi mới (1987) thì Điện ảnh VN cho đến nay đã hình thành 2 khu vực rõ rệt : Khu vực điện ảnh tư nhân và khu vực điện ảnh nhà nước. Khu vực điện ảnh tư nhân hiện chiếm 60% sản xuất phim truyện nhựa (4 trên 7 phim sản xuất năm 2009) và 90 % sản xuất phim truyền hình trong cả nước (1800 trên 2000 tập phim mỗi năm). Trong lĩnh vực phát hành thì khu vực tư nhân chiếm 95% thị trường trong cả nước. Trong lĩnh vực này có sự tham, gia ngày càng mạnh mẽ của các nhà phân phối và phát hành phim của nước ngoài (chủ yếu là Mỹ). Khu vực sản xuất và phát hành của tư nhân trong tương lai không xa sẽ chiếm lĩnh toàn bộ sinh hoạt điện ảnh ở VN. Khu vực nhà nước sẽ co lại và nhà nước chỉ tài trợ ngân sách cho việc sản xuất phim tài liệu, hoạt hình và một vài phim truyện nhựa để phục vụ những ngày kỷ niệm lớn hoặc những nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Nhà nước hiện đang có chủ trương cổ phần hoá 3 Hãng phim của nhà nước là Hãng phim truyện VN, Hãng phim truyện I ở Hà nội và Hãng phim Giải phóng taị TP HCM.

Từ sau khi VN ký hiệp định thương mại với Mỹ (2003) rồi gia nhập WTO (2007) thị trường điện ảnh ở VN đã mở rộng cửa cho phim nước ngoài (không hạn chế số lượng và thời lượng chiếu trên màn ảnh). Kết quả là phim của Hollywood đã chiếm lĩnh 75% thị trường điện ảnh VN và tiếp tục sẽ chiếm lĩnh một thị phần áp đảo hơn trong tương lai. Trong cuộc cạnh tranh này điện ảnh VN không có cách gì để kháng cự lại. Họ chỉ còn trông chờ vào việc sản xuất phim cho truyền hình để thu lợi nhuận qua quảng cáo. Đó là lĩnh vực mà Hollywood còn chưa nhòm ngó tới. (Hiện nay trung bình mỗi năm nhập 120 phim để chiếu ở các rạp ; còn phim truyền hình nước ngoài thì nhiều gấp ba con số đó, phần lớn là những phim bộ Trung Hoa và Hàn quốc)

Điện ảnh VN ngày nay là một bộ phận không thể tách rời của SHOWBIZ. Muốn tồn tại được nó buộc phải nhắm vào đối tượng khan giả có tiền, đó là đám thanh thiếu niên con cái những gia đình giầu có ở các đô thị lớn (Hà nội, TP HCM). Phim ảnh làm ra phải chiều theo thị hiếu của đám khán giả đó. Kết quả đã hình thành một giòng phim giải trí để phục vụ cho khán giả tuổi “ t e e n ”. Khuynh hướng đó đang trở thành chủ đạo trong nền điện ảnh VN, được cổ suý bởi những phương tiện truyền thông đại chúng. Những phim đi ngược lai khuynh hướng đó (phần lớn là những phim do nhà nước sản xuất) đều bị thua lỗ nặng vì không được làm PR như các phim của tư nhân và không được đám khán giả trẻ con nhà giầu hưởng ứng. Có người còn khẳng định rằng phim ảnh bây giờ làm ra là để phục vụ tuổi “ t e e n ”, phải được tuổi “ t e e n ” chấp nhận. Đám khán giả này chỉ thích những phim hành động (theo kiểu Hollywood) hoặc những phim melo bắt chước Hàn quốc hay những phim giải trí có nhiều cảnh “ hot ”. Đó là khuynh hướng chủ đạo trong điện ảnh VN hiện nay, kết quả của sự Đổi mới, mở của trong lĩnh vực điện ảnh,


Theo ông, làm thế nào để tăng cường, bồi dưỡng đội ngũ làm phim Việt Nam hiện nay?


Trong bối cảnh như trên, đội ngũ những người làm điện ảnh VN có sự phân hoá rõ rệt. Đại đa số, nhất là các đạo diễn trẻ, đều chạy theo khuynh hướng làm phim giải trí. Các nhà sản xuất phim tư nhân sẵn sang trả tiền nhuận bút cao cho các đạo diễn (gấp 5 lần hơn làm phim cho nhà nước) với điều kiện phim của họ phải đáp ứng thị hiếu của khán giả trẻ con nhà giầu để thu được nhiều lợi nhuận. Những phim này chất lượng nghệ thuật thấp kém, lai căng bắt chước phim nước ngoài (chủ yếu là Mỹ và Hàn quốc) nhưng những người làm phim lại được trả nhiều tiền và nhà sản xuất có lãi để có thể tái sản xuất. Chỉ còn lại một số ít đạo diễn không muốn thích nghi với guồng máy thương mại trong điện ảnh, trông chờ ở ngân sách của nhà nước để có thể làm những phim như mình mong muốn. Nhưng nguồn ngân sách đó ngày càng teo dần (cụ thể năm 2010 nhà nước chỉ tài trợ cho 1 phim truyên nhựa mà thôi). Ngoài ra cũng cần kể đến một vài đạo diễn trẻ không muốn chạy theo guồng máy làm phim thương mại, mà muốn làm những phim thể nghiệm tìm tòi về hình thức như những nhà làm phim độc lập. Họ trông chờ vào các quỹ tài trợ của nước ngoài để thực hiện những thể nghiệm của mình về ngôn ngữ điện ảnh, mà phần lớn là những tìm tòi về hình thức hơn là nội dung (sex là một chủ đề thường được khai thác trong các phim của họ).

Hàng năm có 50 đạo diễn tốt nghiệp tại Trường điện ảnh ở Hà nội và trường điện ảnh tại TP HCM. Cả nước hiện có chừng 5-60 đạo diễn đang hành nghề và hầu như tất cả đều làm cho các Hãng phim tư nhân để sản xuất phim truyền hình và thi thoảng làm một vài phim truyện nhựa để chiếu vào các dịp Tết. Nhu cầu bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ là không có bởi họ làm phim liền tay, không nghỉ (trung bình một tập phim truyền hình họ phải quay trong 1 hoặc 2 ngày theo yêu cầu của nhà sản xuất). Nhưng có một điều cần ghi nhận là những người làm việc cho dòng phim giải trí của tư nhân có đời sống sung túc vì thu nhập của họ khá cao so với mặt bằng hiện nay của người VN. Có thể nói đó là thành quả của công cuộc Đổi mới ở VN trong lĩnh vực điện ảnh và người hưởng thành quả này nhiều nhất là những ngưòi làm phim trẻ.


Thị trường phim hiện nay tại Hà Nội đang phát triển như thế nào, theo ý kiến của ông? Làm thế nào để phát triển công việc kinh doanh này?


Như trên tôi đã nói : Thị trường điện ảnh ở VN không lâu nữa sẽ nằm toàn bộ trong tay các nhà sản xuất và phân phối phim tư nhân (người VN và người ngoại quốc). Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực sản xuất phim tài liệu và hoạt hình và thỉnh thoảng sẽ tài trợ cho một vài phim truyện nhựa. Ngoài ra nhà nước vẫn sẽ giữ độc quyền về kiểm duyệt phim trước khi chiếu ra rạp cho khán giả.

Cũng như trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào đều cần có những nhà đầu tư. Hiện chỉ có những nhà đầu tư (VN và nước ngoài) trong lĩnh vực phân phối phát hành, nhập phim, xây rạp chiếu bóng. Trong lĩnh vực sản xuất việc đầu tư còn dè dặt vì e ngại sự cạnh tranh của phim ngoại nhập nhất là phim của Hollywood. Chưa có một nhà đầu tư nước ngoài nào nhẩy vào lĩnh vực này. Có thể họ đang thăm dò và sẽ nhẩy vào trong tương lai ? Biết đâu lúc đó sẽ mở ra một trang mới cho điện ảnh VN ?


Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khoẻ cùng thành công.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss