Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Kỷ niệm về ‘Dédé' Van In

Kỷ niệm về ‘Dédé' Van In

- Jean-Noël CRISTIANI, Richard COPANS & Sylvie GADMER — published 12/09/2022 11:05, cập nhật lần cuối 14/09/2022 09:38

Chứng từ của những đồng nghiệp


Kỷ niệm về ‘Dédé’ Van In



Jean-Noël CRISTIANI :


Dédé là người Bỉ, hơn thế nữa, anh là người xứ Flandres. Đối với nhóm “cựu chiến binh” sáng lập Varan chúng tôi, mục đích chính là đào tạo làm “điện ảnh trực tiếp” cho những học viên toàn thế giới, để rồi họ sẽ mở ra những “xưởng đào tạo” ở nước họ.

Khóa đào tạo đầu tiên, muốn có được toàn bộ món tài trợ của Bộ ngoại giao Pháp, phải có một học viên người Âu. Thế là Vincent Blanchet bảo Dédé mày làm học viên người Âu đó, và bảo tôi mày có nhiệm vụ đào tạo học viên này. Khai giảng khóa đào tạo về điện ảnh hiện thực, phản ánh sự thật, mà phải dùng một chiêu trò ma giáo như vậy, chúng tôi thấy tức cười.

Dédé nhập vai rất nghiêm túc. Học viên gương mẫu, anh tới đúng giờ, cần cù làm bài tập, hết sức kính trọng « ông thầy ». « Ông thầy » là tôi thì rất lúng túng. Hai năm trước đó, cùng với Vincent, anh đã thực hiện « Geel », một cuốn phim hay, làm tôi rất ấn tượng. Tôi chẳng có gì để dạy anh nữa. Và mỗi lần tôi lên giọng thầy đời, tôi bắt gặp tia mắt tinh quái của anh. Song Dédé diễn trọn vẹn vở kịch : anh đã hoàn thành cuốn phim tốt nghiệp !

Hiện nay, đến phiên tôi học tập anh về các khóa đào tạo mà anh đã tiến hành ở Nam Phi và Việt Nam.

Hào hiệp và bao dung, Dédé luôn quan tâm tới mối quan hệ giữa các thành viên trong hội Varan. Chị Chantal và anh là trái tim của hội, nồng nhiệt, được mọi người tin cậy, ai cần gì, họ đều có mặt. Họ đã lan tỏa lòng hiếu khách và niềm vui ngày hội.

Lần cuối chúng tôi gặp nhau ở bệnh viện, Dédé kiệt lực, gần như không nói câu nào. Nhưng khuôn mặt anh vẫn rạng rỡ nụ cười, nụ cười Dédé. Nói như chị Chantal, anh đã ra đi, mang theo nụ cười.


Richard COPANS :


Khóa đào tạo đầu tiên ở Hà Nội (năm 2003 hay 2004) tôi đi tiền trạm với Anne Baudry. Mọi sự diễn ra không đơn giản chút nào. Quan liêu cứng nhắc. Khoảng cách quá lớn giữa một bên là quan niệm phim tài liệu của chúng tôi, một bên là hình thức quan phương mà các nhà điện ảnh Việt Nam vẫn quen thực hiện. Chúng tôi cố gắng lội ngược dòng trong bầu không khí nặng nề ấy.

Rồi Dédé tới Hà Nội, với tính tình vui vẻ, truyền cảm. Cái gì anh cũng thấy vui. Bắt đầu là bữa ăn tối với các món cá. Tôi rời Hà Nội, mang theo những mối hoài nghi. Dédé ở lại, rồi trở lại Việt Nam năm này qua năm khác. Những khóa đào tạo nối tiếp nhau, xuất hiện và nảy nở những tài năng – nam có nữ có – ở Hà Nội, ở Sài Gòn, ở Đà Nẵng. Phim tài liệu Việt Nam được trình chiếu khắp thế giới. Và Dédé sung sướng chứng kiến những tài năng nở rộ, chuyển tiếp, nhân lên. Dédé thì vẫn như thế, quan tâm, kiên nhẫn, lạc quan. Dédé, người làm vườn không mệt mỏi.

Đạo lý chính trị của phim tài liệu được Dédé biến thành hành động. Và không bao giờ màng tưởng tới huân chương và danh dự.


Sylvie GADMER :


Dédé thân mến,

Lẽ ra tôi phải gọi như trong tiếng Việt, Ông Đê Đê.

Chúng ta gặp nhau trong một cuộc phiêu lưu lớn về phim tài liệu. Không phải ở Varan, mà ở Archipel 33 của Denis Fred, để dựng cuốn phim của anh, “Ủy ban chân lý và hòa giải ở Nam Phi”.  Tất nhiên, trước đó tôi đã có dịp gặp anh, chung quanh cái bàn gỗ to lớn ở ngõ Mont-Louis (trụ sở Varan, chú thích của người dịch), nhưng phải chăng chúng ta đã thực sự gặp nhau trước 200 giờ phim « rush » ? Tôi đã khám phá ở anh sự kiên trì phi thường, và cung cách hết sức đặc biệt của anh, là hãy để thời gian cho cuốn phim, vì cuốn phim.

Có lần anh bảo tôi, “ Khi thực hiện một cuốn phim, mình chọn một con đường, nhưng rồi có thể nói là mình đứng trong một cái hành lang, đầy những cánh cửa mở ra hai bên, mà mình biết rằng phải chọn đúng cửa. Phải suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định ”. Quá trình dựng phim kéo dài gần một năm trời, cuốn phim của anh nhận được nhiều giải thưởng. Tôi đã có đủ thời gian để nhận thức được công việc của anh : chất lượng những đoạn phim rush, người ta sẵn sang thố lộ những gì thầm kín nhất : những người thân mất đi, nạn nhân của chế độ Apartheid.

Mười năm trước đó, anh đã hướng dẫn khóa đào tạo của Varan ở Nam Phi. Tôi thật ấn tượng về hiểu biết của anh về đề tài cuốn phim. Cách anh “đọc” những hình ảnh thật hấp dẫn. Cho nên, khi tôi chuẩn bị mở khóa đào tạo đầu tiên ở Việt Nam, một dự án mà cá nhân tôi rất thiết tha, thế mà vào giờ chót, tôi không đi được vì cha tôi sức khỏe kiệt quệ (ông Nguyễn Chính Tường, chú thích của người dịch), tôi không thể rời khỏi Paris, tôi đã thố lộ với anh, và anh đã tỏ ra hết sức thông cảm và trọng thị. Tôi ngộ ra là đã chọn đúng người.

Thế là Việt Nam, quê hương thứ nhì của tôi, đã trở thành đất nước thứ hai của anh, có lẽ còn hơn thế nữa.

Một hôm, đùa vui với nhau, ta đã ngồi tính số ngày tháng anh đã ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh : tổng số phải tính bằng năm. Anh đã cống hiến cho các khóa đào tạo ở Việt Nam, không biết bao nhiêu thời giờ, cả tiền nong cá nhân nữa – anh chị đã cho thuê căn hộ ở Paris để có thêm thời gian ở lại Việt Nam – và nhất là niềm đam mê điện ảnh của anh. Hơn 60, 70 thậm chí 80 học viên đã được đào tạo, không biết bao nhiêu giờ điện thoại để hỗ trợ từ xa. Nhưng, anh luôn luôn đề cao người khác, để họ dám đảm đương trách nhiệm của mình.

Quan tâm của anh là làm thế nào để họ làm được phim. Anh muốn truyền lại, không muốn giữ cho mình. Và anh đã thành công ! Những cuốn phim thực hiện trong các khóa đào tạo đã nhận được không biết bao nhiêu giải thưởng tại những liên hoan điện ảnh quốc tế, được trình chiếu vòng quanh thế giới. Đằng sau những thành tựu ấy, anh có mặt, khuyến khích, cổ vũ các tác giả trong những lúc họ cảm thấy cô đơn, hoài nghi nhất.

Và anh đã ủng hộ việc thành lập Varan Việt Nam, mục tiêu tối hậu của người đào tạo là làm sao để người học việc trở thành tự chủ. Tôi rất biết, anh đã gác lại những dự án làm phim, anh đã quên mình, vì công việc của xưởng đào tạo đỏi hỏi rất nhiều, và anh luôn luôn sẵn sàng hy sinh những dự án riêng.

Cảm ơn, vô cùng cảm ơn anh, Ông Đê Đê. Cảm ơn sự cổ vũ không mệt mỏi của anh. Cảm ơn sự hào hiệp, chăm lo mọi người của anh. Những bữa ăn tối tại nhà anh chị, ở Việt Nam cũng như ở Paris, mọi người chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Chúng tôi cảm thấy như ở nhà mình, thoải mái “làm lại thế giới”, và nhất là hoàn thành những dự án, chuẩn bị những dự án mới cho Varan.

Hãy trung thành với tinh thần chia sẻ, truyền đạt và khiêm cung của Đê Đê.


(Kiến Văn dịch)



NGUỒN :

Phát biểu của ba đồng nghiệp của André Van In

trong buổi lễ tang ngày 2.9.2022 tại Père-Lachaise, Paris

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss