Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / "KỸ THUẬT DIỄN ĐÀN PHÁP LÝ"

"KỸ THUẬT DIỄN ĐÀN PHÁP LÝ"

- Trần Đình Sơn Cước — published 07/09/2015 00:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


"KỸ THUẬT DIỄN ĐÀN PHÁP LÝ"


Trần Đình Sơn Cước



Trong hồi ký " Tôi bị bắt", nhà thơ Trần Vàng Sao kể lại :

"...Khoảng tháng 12/ 1979, tại Phòng Văn Hoá Thông Tin thành phố Huế đã xảy ra việc "Biên bản 68 trang". Vì vụ này tôi (Nguyễn Đính, Trần Vàng Sao) bị đẩy về xã Hương Lưu. Những người lãnh đạo thành phố nầy đã quy tội tôi và một số người khác là đã kích động, xúi giục cán bộ nhân viên Phòng Văn Hoá Thông Tin quấy phá, làm loạn, chống lãnh đạo, thoá mạ Đảng. Biên bản 68 trang đánh máy là biên bản của các buổi họp ngày 7-12-1979 của công đoàn Phòng Văn Hoá Thông Tin, Phòng Thể Dục Thể Thao tố cáo ông Trưởng Phòng VH &TT thành phố đã lợi dụng việc thảo luận của cán bộ nhân viên về dự thảo Hiến Pháp mới để buộc tội một số cán bộ là không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; và trong quá trình làm việcc ông đã lợi dụng khả năng, kể cả những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ nhân viên dưới quyền của ông ta làm thủ đoạn tiến thân v... v...

... Biên bản gửi lên Thành Ủy. Nguyễn Đức Hân, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Huế, phụ trách văn xã, đến Phòng VHTT họp các cán bộ chủ chốt vừa vuốt ve, vừa trấn áp, đe dọa và nói cho họ biết tôi là người như thế nào: lập trường và tư tưởng phản động, chống Đảng, chống chế độ, làm thơ nói xấu Hồ chủ tịch... Sau màn gợi ý, thổ ngọt và hăm dọa, ngày 19/12, ngày 21/12 và ngày 31/12/1979, Nguyễn Đức Hân hầm hầm kéo 1 đoàn cán bộ thành ủy và ủy ban nhân dân đến Phòng VHTT để đàn áp.

Nguyễn Đức Hân kết tội tôi và 5 anh em khác là "một làn gió độc, 1 đám hồng vệ binh lộn xộn, có xu hướng biệt phái, xúi giục, quấy phá, gây chia rẽ nội bộ, dùng cách đấu tranh hợp pháp chống địch ngày trước để đấu tranh chống ta nhằm làm một cuộc đảo chánh nội bộ, thoá mạ Đảng, xúc phạm đến tổ chức...

Và những người đồng lòng với tôi rồi mỗi đứa mỗi ngả, bằng cách nầy hoặc cách khác".(1)

Tôi là 1 trong 5 "anh em" của "làn gió độc", là người "dùng cách đấu tranh hợp pháp chống địch ngày trước để đấu tranh chống ta...".

Cách "đấu tranh hợp pháp" đó là gì? Đó là trong 3 ngày họp đàn áp mà nhà thơ Trần Vàng Sao kể ở trên, đến lượt mình phát biểu, tôi ghi sẵn từng điểm 1, 2, 3,... trong tờ giấy cầm tay và trình bày rõ, mạch lạc, bẻ gãy từng điểm đàn áp của phái đoàn như một luật sư biện hộ trước toà. Đó là kỹ thuật diễn đàn. Tôi là cựu sinh viên trường đại học Luật Khoa Huế (dù bấy giờ không xa chỗ tôi đứng tranh luận, cũng cùng trên con đường Lê Lợi nổi tiếng của Huế, trường đại học Luật Khoa Huế của tôi đã bị xoá sổ, phân chia thành những căn hộ ăn ở của cán bộ nhân viên chế độ mới), kỹ thuật tranh luận mà tôi sử dụng là kỹ thuật tôi học được từ môn học "Kỹ thuật diễn đàn pháp lý". Người dạy tôi môn học đó là luật sư Bùi Chánh Thời, giáo sư thỉnh giảng của đại học Luật Khoa Huế.


hinh-1

Luật sư Bùi Chánh Thời (đeo kính, phía sau, bên trái) trong một
phiên toà biện hộ cho Linh mục Chân Tín (phía trước bên phải).
Nguồn ảnh: blog Bùi Văn Phú

Vào những năm 1970, Luật sư Bùi Chánh Thời là một trong những luật sư nổi tiếng của Toà Thượng Thẩm Sài Gòn. Ông được sinh viên chúng tôi ngưỡng mộ vì ông là luật sư vác áo ra toà để biện hộ cho các nhà hoạt động chính trị đối lập, đặc biệt biện hộ cho các tờ báo, tạp chí Điện Tín, Đại Dân Tộc, Tin Sáng, Đối Diện, Trình Bày... thường bị Bộ "hốt, cắt, đục" (chữ dùng của giáo sư Nguyễn Ngọc Lan) tịch thu và truy tố ra toà tiểu hình.

Năm đó, luật sư Bùi Chánh Thời dạy năm thứ nhất hai môn bán niên (có thể gọi là môn phụ): Kỹ thuật diễn đàn pháp lý và Triết thuyết luật học. Tôi háo hức mong được thấy mặt ông luật sư nổi tiếng từ Sài Gòn ra Huế dạy. Tôi hình dung hình tướng ông phải bệ vệ (như luật sư Trương Đình Dzu?) hoặc tiếng nói ông phải hùng hồn (như luật sư Võ Văn Quan?). Nhưng không. Ông cao, người thanh tú, mang kính trắng gọng mỏng nhẹ. Ông có dáng dấp một nhà giáo, một nghệ sĩ ( ông làm thơ, vẽ tranh ký bút hiệu Như Trị) hơn là một một luật sư có hoạt động chính trị xã hội. Nghe ông giảng bài lại không phải là một luật sư hùng biện như tôi tưởng. Giọng ông nhỏ nhẹ, giọng Quảng Ngãi, hơi khó nghe một chút, nhưng vì ông luôn nở nụ cười, và ánh mắt đôi khi cúi xuống trang giấy như đang cười thầm một điều chi ý vị, khiến ông dễ chiếm cảm tình của thính giả.

Ông không có cours in sẵn như các môn dân luật, kinh tế. Ông giảng bằng miệng và sinh viên ghi chép. Về môn " Triết thuyết luật học" ông giảng về các học thuyết chính trị pháp luật đông phương tây phương. Ông phân tích nhân trị, pháp trị, tội phạm bẩm sinh và tội phạm xã hội... Ông nhắc đến Montesquieu, J.J. Rousseau, Tocqueville, Machiavelli,... Chúng tôi là những sinh viên năm thứ nhất, những cậu học trò từ trung học bước thẳng vào đại học, nghe chỉ để nghe chứ chưa chắc đã lĩnh hội được hết. Riêng môn "Kỹ thuật diễn đàn pháp lý", lớp học sinh động hẳn lên. Ông giảng và chúng tôi nhận thức ra rằng luật sư không nhất thiết phải là nhà hùng biện đại tài với những cử chỉ khoát tay, phất áo điệu nghệ, mà họ trước hết phải là người thuyết phục quan toà, thắng đối phương bằng diễn đạt nội dung chặt chẽ, lý luận sắc bén... Tôi có đôi nét giống ông về vóc dáng, có chút nhỏ nhẹ trong lời nói như ông. Nhìn ngắm ông, nghe ông giảng bài khiến tôi thêm chút tự tin, để sau nầy lên năm thứ ba, không chút ngần ngại, tôi chọn theo ban tư pháp với mơ ước trở thành một luật sư. Chị Diệu Tần (sau đó vào Sài Gòn học trường Quốc gia Hành chánh) và tôi xung phong làm thuyết trình viên trong các buổi thực hành môn học của ông. Không biết có phải từ đó hay không mà tôi được ông chú ý và theo ông cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ.

...Giữa năm thứ ba tôi phải vào Sài Gòn cư trú, tôi tìm đến thăm ông tại nhà riêng của ông trên đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận. Ông tiếp tôi thân tình như những người em trong gia đình. ( Đó là các em vợ ông: Nhà văn, bác sỹ Lữ Kiều Thân Trọng Minh, nhà nghiên cứu Thân Trọng Mẫn, cháu vợ của ông, Phó giáo sư, tiến sỹ Hà Thúc Huy... Những người này về sau tôi cũng kết thân và coi nhau như anh em, bè bạn). Bấy giờ bên ngoài xã hội, báo chí vẫn thường đưa tin về hoạt động chính trị của ông. Ông được coi thuộc phái phật giáo Ấn Quang, một trong những cố vấn của nhóm tướng Dương Văn Minh. Ông bận rộn công việc ở văn phòng luật sư, ở toà án, các cuộc hội họp, thường rất khuya ông mới về nhà. Gặp được ông không phải dễ. Nhưng mỗi lần gặp ông là nhận được sự niềm nở, hỏi han chăm sóc ấm áp. Đôi lần tôi tới thăm ông ở mảnh vườn nghỉ cuối tuần của ông ở Cầu Kinh. Những lúc đó ông cùng các con đắp bờ nuôi cá, trồng cây... cười đùa cùng vợ con rất bình dị. Ông thân mật bàn luận thời sự cùng tôi và cho tôi một số lời khuyên. Ở ông tôi chỉ thấy tấm lòng yêu nước, tình tự dân tộc, khát vọng hoà bình, như tôi đã gặp ở nhà thơ Ngô Kha khi tôi còn ở Huế.

Tốt nghiệp xong đại học, tôi đến tìm ông và ngỏ lời xin được vào tập sự tại văn phòng ông. Luật sư đoàn Toà Thượng Thẩm Sài Gòn lúc bấy giờ đông lắm. Số lượng luật sư thực thụ và luật sư tập sự lên đến hằng trăm người. Một sinh viên mới ra trường tìm được một văn phòng luật sư nhận cho tập sự rất khó, huống hồ vào được những văn phòng luật sư nổi tiếng. Văn phòng của ông lúc đó đã đủ người tập sự, thế nhưng khi tôi ngỏ lời, ông chấp nhận ngay. Ông bảo: "chờ thầy một lúc để thầy chuyển văn phòng về địa điểm mới." Văn phòng của ông hiện tại chung với văn phòng luật sư Đoàn Ý ở đường Gia Long, gần Toà Thượng Thẩm. Ông đang mua căn nhà ở góc đường Phan Thanh Giản, Pasteur, xây dựng tầng dưới thành văn phòng của ông.

Tôi chờ. Tôi tìm một công việc tạm thời để đợi. Tôi dần dà trở thành người thân trong gia đình của ông. Khi ngoài cổng gắn lên tấm bảng đồng là lúc tôi chính thức về đó tập sự mỗi ngày. Khác với các văn phòng tập trung ở các đường phố quanh toà án, văn phòng mới của ông tọa lạc ở một nơi yên tĩnh, ấm áp không khí gia đình vì phần sau và lầu trên là nơi gia đình ông ở. Tôi vẫn chơi đùa với người con trai út của ông trước thảm cỏ xanh dưới gốc cây mận trắng mỗi sáng hoặc mỗi chiều trước và sau giờ làm việc. Văn phòng vẫn vang lên tiếng đàn piano của người con gái của ông sau giờ tan học. Gia đình của ông ra vào bằng cổng phía sau, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng được gặp cô, vợ ông, giáo sư trường nữ trung học Gia Long, bước qua văn phòng thân mật chào hỏi nhân viên chúng tôi...

Chính trường miền Nam những năm cuối cùng sôi động. Ông lại vắng mặt ở văn phòng nhiều hơn. Mỗi sáng, ông lướt qua hồ sơ, ghi chú và dặn dò đôi điều với thư ký và tập sự. Ông đi mãi cho đến khuya mới về. Qua báo chí, tôi biết ông thường gặp gỡ, họp hành với các nhóm chính trị được gọi là thành phần thứ ba. Luật sư tập sự chúng tôi thay ông ra toà để xin hoãn phiên toà hoặc dự những phiên toà đơn giản... Công việc tưởng như êm trôi theo ngày tháng. Nhưng... tháng tư 1975!

Sau 1975 tôi không thấy ông giữ một chức vụ gì trong chế độ mới mặc dù ông cũng có một số bạn trước đây tham gia Mặt trận Giải phóng và Chính phủ lâm thời.

Những năm sau đó, mỗi lần từ Huế vào Sài Gòn (cũ) tôi đều ghé thăm ông tại nơi ở mới đường Trần Quang Diệu. Bên tách trà đơn sơ, thầy trò chỉ biết ngậm ngùi, lặng yên không muốn nhắc nhớ điều chi. Tôi hiểu tâm trạng của ông. Tôi nghe người nhà kể lại mỗi đêm phải đi họp tổ dân phố vì ông là người "biết chữ" nên lãnh phần đọc báo Nhân Dân cho bà con nghe. Ông đọc một hơi liền tù tì, không chấm không phẩy; đọc từ nhan đề cho tới dấu chấm hết. Tình cảnh đó của ông sau nầy tôi còn đọc thấy trong hồi ký của kỹ sư Võ Long Triều, cựu Tổng Trưởng, cựu dân biểu, cựu chủ nhiệm nhật báo Đại Đoàn Kết. Hồi ký có đoạn về ông:

"... Anh bạn Luật Sư Bùi Chánh Thời, vừa là cố vấn luật pháp vừa là cố vấn chính trị, luôn cả cố vấn tình cảm. Anh và tôi sát cánh với nhau cho đến sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, và mãi cho đến ngày tôi trở lại tù lần thứ hai. Chúng tôi buồn vì tình hình đất nước, chán tình đời, Thời và tôi cùng với cựu Nghị Viên Dương Văn Long uống rượu gần như mỗi ngày, nửa say nửa tỉnh. Tôi còn nhớ giữa anh và tôi xẩy ra một chuyện khôi hài là có lần tôi yêu cầu anh lập hồ sơ, tôi đứng tên kiện chính phủ về một vụ bất hợp lý gì đó. Anh trả lời luật lệ không có điều khoản đó, Thời cho tôi là thằng “nông dân có bằng cấp” nhưng chắc chắc không biết luật bằng anh ta. Tôi khẳng định điều tôi yêu cầu là hợp lý, bổn phận anh là tìm phương cách, tìm cho ra luật để mà thực hiện. Cãi nhau chí chóe, Anh Thời giận bỏ đi còn nói vói thêm một câu “ông cả vú lấp miệng em”. Về nhà anh ta tức giận bỏ ăn bỏ ngủ ra công soát lại từng điều khoản của bộ sách luật với mục đích sẽ trở lại xỉ vả tôi một trận nên thân, cho tôi bỏ cái tính cãi chầy cãi cối. Không ngờ khoản 4 giờ sáng chuông điện thoại nhà tôi reo, bắt ống, tôi nghe tiếng của Bùi Chánh Thời bên kia đầu dây cười ha hả nói:

- Tôi kiếm được rồi.

- Cái gì?

Anh Thời đọc cho tôi nghe nguyên văn bằng tiếng Pháp một điều khoản luật có thể dựa vào đó mà lập hồ sơ đưa ra toà. Anh nói tiếp: Tôi tha tội cho ông đó. Nếu không có điều luật nầy ông sẽ biết tay tôi.

Anh Thời hiện định cư ở Úc Châu, nếu có đọc truyện nầy chắc anh cũng mỉm cười nhớ bạn ngày xưa. Có lẽ nhớ nhiều nhứt là mấy câu thề chính tay anh thảo. Tôi đốt hồ sơ không hết nên còn sót lại, cũng như một bài viết khác nặng ký hơn, do Lý Chánh Trung thảo. Việt cộng xét nhà bắt gặp, hạch hỏi tôi nhiều ngày, tôi chối quanh co vì không muốn lôi đầu mấy thằng bạn đã đầu hàng chạy theo địch vào tù. Nghĩ rằng điều đó cũng vô ích thôi. Trời sập rồi, ân oán làm chi nữa... ".

Tôi gọi điện thăm ông. Hỏi: "Thầy có đọc hồi ký của ông Võ Long Triều đoạn viết về thầy?". Ông trả lời: "có". Và bên kia đầu dây tôi chỉ nghe tiếng ông cười...

Tháng 9 năm 2008 trong bài báo "Hồi tưởng của một sinh viên trường Luật Sài Gòn khoá 1958" của luật sư Đoàn Thanh Liêm đã nhắc đến ông và những người bạn đồng khoá khác như luật sư Nguyễn Tường Bá, giáo sư Cao Huy Thuần... rồi tự thán "lớp tuổi chúng mình thì đều đã "thất thập - bát thập" cả rồi, đều đã "gần đất xa trời" cả lũ rồi mà".

Thật vậy, sức khỏe của ông hiện giờ không cho phép ông đi xa được nữa. Nhân nhớ lại một chuyện nhỏ của tôi có liên quan gián tiếp đến ông, tôi ghi lại như một lời cảm ơn ông đã truyền dạy cho tôi những kiến thức, trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, nhờ áp dụng nó, mà tôi đã không bị trừng phạt như bị đẩy xuống làm chân liên lạc xã như nhà thơ Trần Vàng Sao, hay "tan tác" như một vài bạn khác. Nhờ áp dụng "kỹ thuật diễn đàn" (bị gọi là "cách đấu tranh hợp pháp chống địch ngày trước... " ) mà tôi được cấp giấy giới thiệu vào Sài Gòn (cũ) tìm chỗ chuyển công tác, một cách đẩy tôi ra khỏi Huế thân yêu của tôi!

Trần Đình Sơn Cước

(Cleveland-San Jose 7/2015)

------------------------

(1) "Tôi bị bắt " hồi ký Trần Vàng Sao, lưu trữ ở trang web của giáo sư Trần Hữu Dũng: VIET-STUDIES



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us