Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Mấy mẩu ký ức về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn

Mấy mẩu ký ức về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn

- Hoàng Dũng — published 03/07/2011 10:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


Mấy mẩu ký ức về
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn


Hoàng Dũng




1. Đúng ba mươi năm trước, lớp cao học của chúng tôi học môn Phương pháp nghiên cứu do thầy đảm trách. Học trò đạp xe đến nhà thầy để học. Đó là một ngôi nhà ở khu chợ trời Hòa Bình. Muốn đến nhà đôi khi phải luồn lách qua cái chật chội và ồn ào chợ búa. Nhà có cái cổng sắt, không có chuông. Khách đến, quen lệ cứ việc lay cái xích sắt khóa cổng, chủ nhân nghe thấy sẽ ra đón. Bên vách nhà sát cổng còn có một dòng chữ viết bẳng gạch non, nét vụng về, chắc của trẻ con, mà chủ nhân cứ mặc kệ, không xóa: “Nhà này có Tây”. Nhà trồng một cây ngọc lan cổ thụ, cành lá che rợp sân. (Năm 1986 cô Nona dạy lớp nghiên cứu sinh chúng tôi, gần như buổi học nào cô cũng lấy từ túi xách ra tặng mỗi đứa một phong bì tự làm bằng giấy báo – hồi đó khó khăn, kiếm một cái phong bì tử tế hay giấy trắng để làm phong bì, là chuyện không dễ – trong có vài bông hoa ngọc lan.)

Chỉ buổi đầu tiên là đầy đủ học trò, sau đó thầy chia hai ba người vào một nhóm, mỗi nhóm học một buổi riêng. Chúng tôi đứa nào cũng hăm hở, lấy giấy bút ra ghi lời thầy giảng. Thầy thủng thẳng pha trà mời chúng tôi, rồi bắt đầu câu chuyện. Phải, chỉ là chuyện. Chúng tôi nghe, thỉnh thoảng lại hỏi thầy. Và không biết từ bao giờ, giấy bút thành ra thừa thãi. Chỉ là trò chuyện chơi thôi.

Thầy nói về những vấn đề lý thú trong ngôn ngữ học – những gì người ta đã giải quyết và những gì đang còn dang dở. Thầy cũng không nói thẳng cần phải làm gì, cách thức như thế nào. Nhưng chuyện nào cũng đầy sức gợi ý. Qua dăm ba bữa “trò chuyện” với thầy, chúng tôi nhóm nào cũng nảy ra đề tài và thực sự bắt tay vào nghiên cứu. Bài báo đầu tiên của tôi đăng tạp chí Ngôn ngữ là kết quả của khóa học như thế. Cho đến nay, tôi chưa thấy ai dạy như thầy Nguyễn Tài Cẩn.

Ngày tôi đến nộp bài nghiên cứu, thầy đọc góp đôi ba ý cho tôi tự sửa, rồi đặt bài viết sang một bên, bắt đầu một câu chuyện mới. Tôi hỏi thầy: “Thưa thầy, em có học với thầy Cao Xuân Hạo. Nghe lời giảng của thầy Hạo, em vừa mê vừa sợ. Thầy Hạo giỏi quá, uyên bác quá, khiến em thấy nghiên cứu khoa học là cái gì vượt quá sức mình. Trong khi đó, học thầy, em lại cả gan nghĩ rằng mình cũng có thể nghiên cứu được.” Thầy lặng đi, trả lời: “Anh Hạo rất giỏi nhưng lâu quá, đến hơn 20 năm, không được đi dạy, nên không nắm được tâm lý người học. Anh Hạo được trở lại dạy học, chắc anh ấy sẽ nhanh chóng thay đổi cách dạy thôi.”

2. Một chiều mùa hè năm 1991. Thầy đánh trần, mang tai còn cài cây bút chì, rót nước mời. Tôi lấy cuốn sách, kính cẩn đặt trên bàn: “Thưa thầy, em xin tặng thầy cô cuốn sách vừa mới mua.” Đó là cuốn Từ điển Việt Bồ La nổi tiếng của Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, được chụp nguyên gốc kèm bản dịch tiếng Việt, vừa phát hành trước đó vài tháng. “Quý quá! Quý quá!”, thầy giở đọc vài trang, rồi đứng dậy đi vào trong, vừa đi vừa nói: “Bây giờ thì hoả thiêu nó được rồi.” Lát sau thầy đi ra, tay ôm một chồng giấy khá dày. Tôi ngỡ ngàng. “Nó” đây chính là cuốn Việt Bồ La chép tay. Giấy đã ngả vàng, nhiều trang rách nát. “Cô Nona chép ở Nga đấy. Muốn có tài liệu làm việc thì chỉ còn một cách là chép thôi. Không thể ngồi chờ người ta in.”

Tôi thấy xấu hổ. Hồi đó ở Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội có một bản photocopy Từ điển Việt Bồ La, chỉ cho đọc tại chỗ. Tôi ngày ngày lên thư viện cày cục chép những đoạn cần thiết, mất hàng tháng, thấy nản vô kể. Trong khi cô Nona Stankevich chép toàn bộ cuốn từ điển!

Mấy tháng sau, trong một lần đến thăm thầy, tôi được thầy hỏi: “Này ông xem [thầy đáng tuổi cha tôi, nhưng luôn luôn gọi học trò như thế], tại sao de Rhodes lại ghi âm này bằng hai cách? Trước đây, cô Nona chép tay, nên đọc tôi không nhận ra, nay nhờ bản in chụp, mới thấy được.” Tôi giật mình! Tôi đang làm luận án về ngôn ngữ học lịch sử, cuốn Việt Bồ La là tài liệu thiết yếu, thường phải tra cứu luôn, thế mà không phát hiện ra chuyện này. Về nhà, tôi đọc đi đọc lại, cũng không sao trả lời được câu hỏi của thầy. Vài tháng sau nữa, thầy nói với tôi: “Tôi đã hỏi ông Gregerson, mà ông ấy cũng chịu thua, bảo lâu quá ông không đọc từ điển de Rhodes, nên không thể trả lời gì được.” Kenneth Gregerson đã có một công trình dày dặn gần 60 trang công bố năm 1969, căn cứ vào Từ điển Việt Bồ La để phân tích âm vị học tiếng Việt Trung đại, mà cũng bí!

Năm 2000, trong một hội nghị khoa học, duyên may tôi gặp Linh mục Đỗ Quang Chính, một trong những người dịch cuốn từ điển này, mới biết sự thực rất đơn giản: người sửa bản in thừa nhiệt tình cách mạng mà thiếu tri thức ngôn ngữ học, đã tự tiện và công phu “tô lại cho rõ” những chỗ mờ trên bản in chụp cuốn Việt Bồ La, cần mẫn đến mức có trang làm sai lệch đến vài chục chỗ! In chụp, mà lại sai, đó là điều không ai có thể ngờ được. Tôi thiết tha xin Linh mục viết bài nói rõ sự thực đó và giúp gửi in trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Nhận được e-mail của tôi về chuyện này, thầy mừng lắm, nói: “Một bài báo hữu ích và quan trọng. Nó tránh cho các nhà nghiên cứu nhiều nhầm lẫn đáng tiếc.”

3. Bọn học trò chúng tôi thường lè lưỡi than khó khi đọc công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt của thầy. Quả thật nếu thiếu kiến thức nền về ngữ âm học, về lịch sử tiếng Việt, về chữ Hán và âm vận cổ tiếng Hán, thì khó lòng hiểu thấu đáo những gì thầy viết trong cuốn sách. Luận văn sau đại học và phó tiến sĩ của tôi đều về ngôn ngữ học lịch sử, và đều may mắn được thầy nhận hướng dẫn; cuốn sách dẫu khó đến mấy tôi cũng phải cố gắng mà “gặm”. Thỉnh thoảng có chỗ nào khó quá, tôi xin gặp thầy và lần nào thầy cũng vui vẻ giải thích cặn kẽ.

Nhưng có một điều băn khoăn mãi, mà không dám hỏi. Tài liệu tham khảo chính in cuối sách gồm ba phần: 1. Về lý luận chung; 2. Về lịch sử tiếng Việt; và 3. Về lịch sử tiếng Hán. Những tài liệu trong thư mục đều có tính chuyên sâu, rất có ích. Trừ hai cuốn đầu tiên ở mục Về lý luận chung: một là cuốn Mác, Ăng-ghen, Lê-nin bàn về ngôn ngữ và một là Chủ nghĩa Mác và những vấn đề ngôn ngữ học của Sta-lin. Ôi chao! Chúng tôi là dân chuyên ngành ngôn ngữ học, mà đọc Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt của thầy còn muốn tắc thở, làm sao mấy ông ngoại đạo Mác, Ăng-ghen, Lê-nin và Sta-lin có thể giúp soi sáng được vấn đề hóc búa này! Vả chăng trong toàn bộ cuốn sách, thầy tuyệt nhiên không hề trích dẫn các ông lấy một câu!

Rồi một hôm, tôi đánh bạo hỏi thầy: “Thưa thầy, tại sao phải đưa hai cuốn sách này vào Tài liệu tham khảo?”. Thầy nhìn tôi, đứa học trò ngô nghê sinh trưởng ở miền Nam. Rồi thầy cười, không trả lời. Đột nhiên thầy nói qua chuyện khác: “Ông ạ. Có lần tôi suýt chết đấy. Cần dẫn ví dụ kết hợp với những từ ngữ nào, mình đưa ra vô bổ, vô chính phủ, vô dụng, vô duyên, vô đạo, vô ích, vô kỷ luật, vô lại, vô lý, vô nhân đạo, vô ơn, vô phúc, vô sản… Chuyện ngôn ngữ học thuần tuý, không để ý gì. Cho đến lúc có anh chỉ ra: “Tại sao anh đưa vô sản vào một chuỗi các từ ngữ xấu nghĩa thế?”. Toát cả mồ hôi!”

Hoá ra hai tài liệu tham khảo ấy là miếng võ thầy phải thủ thế, để đề phòng kẻ xấu bụng.

Những miếng võ như thế, thầy có nhiều lắm. Như một lần một lãnh đạo cao cấp muốn triệu thầy đến gặp, mà thầy không thể từ chối được. Đến hôm người nhận nhiệm vụ đánh xe đến đưa thầy đi, thì thấy thầy ú ớ chỉ chỉ tay vào miếng đu đủ xanh đắp trên má, một cách chữa bệnh quai bị theo dân gian. Mà bệnh quai bị thì ai cũng biết, rất hay lây! Người ta đành đánh xe không trở về, vì không dám làm cho lãnh đạo bị lây bệnh! Như một lần, năm 1965, buộc phải viết một bài mà thầy không thích, thầy ký bằng một cái tên lạ hoắc: Nguyễn Tăng. Lãnh đạo thắc mắc, thì thầy giải thích đại ý là bài này có công của cô Nona, nên phải ghi tên của cả hai người. Mà Nguyễn Tài Cẩn, Nona Vladimirovich Stankevich – thầy cố tình đọc tên đầy đủ của cô sao cho thật dài – thì loằng ngoằng quá, nên viết tắt Nguyễn (Tài Cẩn) Tăng (Stankevich) cho tiện!

Nhiều năm về sau, thầy tâm sự với tôi: “Cô Phạm Thị Hoài học với ông Trần Đình Hượu, nhờ ông Hượu đưa đến gặp tôi. Nhưng tôi từ chối không gặp. Cô ấy không hiểu đâu! Trong con mắt sắc sảo của cô ấy, tôi chỉ là tay trí thức trùm chăn mà thôi. Với tôi, gắng sao cho người ta để mình yên thân làm khoa học đã là vất vả quá rồi.” Năm 2008, gặp Phạm Thị Hoài ở Berlin, tôi có thuật lại lời thầy. Chị Hoài trầm ngâm: “Hồi ấy trẻ, tôi không hiểu thật.”

4. Một lần đọc bài tranh luận của tôi đăng trên báo, thầy nói: “Viết thế là được. Nhưng cần chú ý thêm về cách viết.” Nhân tiện, tôi hỏi thầy xung quanh chuyện thầy và một học giả rất nổi tiếng tranh luận học thuật với cụ Đào Duy Anh. Thầy cười: “Ông ấy cứ hỏi tôi: “Tại sao anh với tôi đều viết bài tỏ ý không đồng tình với cụ Đào, mà cụ gặp tôi không thèm chào, còn gặp anh thì giao tình vẫn thắm thiết?”. Chẳng có gì bí mật: Ông ấy viết: “Đào quân viết…. Cũng Đào quân viết… Lại Đào quân viết…”. Đay nghiến như thế thì ai chịu được. Tôi chọn cách khác: Trình bày tất cả giải pháp có thể có, trong đó tất nhiên có cả giải pháp của cụ Đào. Rồi phân tích một cách khách quan chỗ mạnh chỗ yếu của từng giải pháp, để xác định giải pháp tối ưu. Cụ Đào là nhà khoa học, cụ vui lòng chấp nhận một cách giải quyết khác với cụ, miễn là có lý lẽ. Thế thôi!”.

Táo bạo trong khoa học mà khéo léo trong xử thế, đó là thầy Nguyễn Tài Cẩn. Điều đó thể hiện ngay trong cuốn sách đầu tay của thầy: Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Với cách nhìn cấu trúc luận, thầy phân tích danh ngữ tiếng Việt ra thành một sơ đồ 7 vị trí, trong đó vị trí trung tâm là danh từ. Vấn đề là trong một danh ngữ [loại từ + danh từ] như con gà, thì con hay mới được coi là trung tâm? Đây là điều rất quan trọng, vì từ trung tâm là từ duy nhất có thể có quan hệ cú pháp với từ ở ngoài danh ngữ, quyết định đặc điểm ngữ pháp của toàn danh ngữ. Và trong chính văn, thầy cho rằng từ trung tâm, chứ không phải con. Người đọc ơ hờ có thể lướt qua chục trang phụ lục Vài ý nghĩ hiện nay in ở cuối sách. Tuy nhiên, chính trong phụ lục này, thầy nói rõ có hai cách giải quyết: (a) hoặc cho con mới là trung tâm ngữ pháp, còn cũng là trung tâm, nhưng chỉ là trung tâm từ vựng; (b) hoặc cho chính con mới là trung tâm, còn là thành tố phụ. Cần nhớ rằng vấn đề đang xem xét ở góc độ ngữ pháp, cho nên giải pháp (a) thực chất là đồng nhất với giải pháp (b). Và nếu cho trung tâm là loại từ, thì khác gì nói loại từ chính là danh từ, vì đây là danh ngữ, nghĩa là tổ hợp chính phụ có trung tâm là danh từ (quả nhiên, gần cuối phụ lục, thầy khẳng định loại từ là danh từ). Đó là cách nói khéo léo, để chiều ý phái chủ trương là trung tâm, mà vẫn bảo vệ được phát kiến khoa học của mình. (Tôi nhớ trong một lần nói vui, thầy bảo: “Trong bữa ăn, là trung tâm, còn trong ngữ pháp, con mới đóng vai trò ấy!”). Theo truyền thống, trong những kết hợp [hư từ + thực từ] thì thực từ bao giờ cũng được xem là trung tâm. Đó là một giáo điều (thầy diễn đạt ít sốc hơn: thói quen), chứ thiếu hẳn căn cứ vững chắc. Cuốn sách hoàn thành năm 1960, còn Vài ý nghĩ hiện nay viết năm 1974. Mãi 14 năm sau thầy mới nhận ra mình sai lầm ư? Không! Thầy nói rõ: “[…] sau khi vừa viết xong bản chuyên luận thì chúng tôi đã phát hiện ngay ra được rằng cách giải quyết đó nhiều chỗ có lẽ chưa thật ổn […]”. Thế tại sao thầy không sửa ngay trong chính văn? Cũng là để tránh những phản ứng không cần thiết, hẳn vậy. Thầy Cao Xuân Hạo, trong một lần trao đổi riêng, đánh giá rất cao việc thầy Nguyễn Tài Cẩn từ bỏ “lý thuyết loại từ” để chấp nhận tư cách danh từ của nó, cho rằng thầy Nguyễn Tài Cẩn còn đi trước rất nhiều các nhà ngôn ngữ học trên thế giới về vấn đề này.

5. Năm 2008 Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh tổ chức một hội nghị khoa học, đúng vào lúc thầy từ Moskva về Hà Nội. Anh em trong Hội liền mời thầy vào chơi. Anh Phạm Lân, một học trò của thầy, nay về hưu, là chủ một khách sạn kiêm quán ăn, mời thầy đến ở. Tôi “xin phép” vợ, đến ở cùng phòng với thầy, để được hầu thầy.

Ngày nào thầy cũng gửi e-mail cho cô Nona, “báo cáo” tình hình. Thầy đọc để tôi đánh máy; thư có đánh số, lên đến vài trăm. Thỉnh thoảng thầy còn điện thoại cho cô nữa. Tôi còn trẻ, đi công tác, thỉnh thoảng mới điện về nhà. Thầy cô tuổi đã cao, tình yêu còn nồng nàn hơn cả đám học trò con cháu nữa. Nghe tôi trêu, thầy cười bảo: “Mỗi lá thư, mỗi lần điện thoại, là một liều thuốc đối với cô. Ngày nào không có, là cô hoảng hốt ngay.”

Anh em định tổ chức cho thầy đi chơi một chuyến sông nước miền Tây, nhưng khi ngỏ ý, thì thầy nói: “Tôi ao ước được đi thăm Cà Mau, được thấy vùng Đất Mũi. Già rồi, sợ không còn dịp nào nữa.” Thế là hai thầy trò đáp máy bay về Cà Mau.

Lúc ở sân bay Tân Sơn Nhất, cô nhân viên Vietnam Airlines nhìn thầy, có vẻ ái ngại. “Cụ lớn tuổi thế này, đi máy bay có sao không?”; mấy năm trước đưa thầy đi Đà Lạt bằng máy bay, tôi cũng đã nghe câu hỏi đó.


camau1

Thầy Nguyễn Tài Cẩn (đứng giữa), nhà giáo Thái Văn Long,
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Cà Mau (trái) và tác giả (phải)

Mũi Cà Mau cách thành phố Cà Mau đến hơn 100 km, phải đi chừng 50 km đường bộ, rồi lại đi hơn 50 km nữa bằng ca nô. Thầy đã hơn 80 tuổi, trèo lên trèo xuống ca nô, có khi phải… bò, vất vả quá. Ca nô chạy tốc độ cao, như ngựa lồng, xé nước trắng xoá. Hai bên sông Gành Hào nhà cửa thưa thớt, mấy nếp nhà tranh nghèo choài ra mặt sông. Tôi ngồi bên cạnh, chốc chốc liếc nhìn thầy. Mặt thầy luôn tươi tỉnh, không tỏ một chút gì mệt mỏi.


camau2

Thầy Nguyễn Tài Cẩn hướng mắt ra Mũi Cà Mau

Nơi tận cùng đất nước là đây. Thầy cùng nhà giáo Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Cà Mau và tôi trèo lên tượng đài hình con thuyền, cánh buồm trắng nổi bật hàng chữ đỏ:

MŨI

CÀ MAU

800.37’.28’’. VĨ ĐỘ BẮC

1040.43’’. KINH ĐỘ ĐÔNG

Đứng ở đây, có cái cảm giác như đang cưỡi thuyền tiến ra biển. Xa mờ phía kia, là mũi Cà Mau, “ngón chân cái” của Tổ Quốc. Trong ánh nắng vàng chói mà dịu dàng nửa như mật ong, nửa như lụa, khuôn mặt thầy sáng bừng.

Rồi thầy rảo bước đến sát mép nước. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy đứng lặng, mắt hướng ra phía mũi Cà Mau, Thầy trầm ngâm, rượi buồn. Thoáng chốc, trong tôi vẳng lên câu nói của thầy mấy hôm trước: “Già rồi, sợ không còn dịp nào nữa.”

Hôm sau, thầy trò đi thăm Hòn Đá Bạc, một thắng cảnh của Cà Mau, ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cách thành phố Cà Mau chỉ chừng 1 giờ đi xe hơi. Đường đi ngắn hơn, nên trước khi đi, thầy trò tranh thủ viếng Quan âm cổ tự và Thần Minh miếu, ngay trong thành phố Cà Mau.

­

Thầy Nguyễn Tài Cẩn đi xem ôm ra Hòn Đá Bạc

­­­­Đền chùa ở đây không có gì thật đặc sắc. Nhưng thầy cứ săm soi đọc kỹ lưỡng mấy dòng chữ Hán khắc trên bia, có lúc dừng lại ngẫm nghĩ. Nhớ xưa kia trong hoàn cảnh sơ tán để tránh bom Mỹ, thầy cũng “tò mò” như thế, lân la đến chỗ đền miếu để xem có tài liệu gì hữu ích cho khoa học chăng. Và thầy khám phá ra bản khắc Cao thượng ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh, lưu giữ ở Linh Tiêu quán, xã Đức Thượng, tỉnh Hà Tây (cũ), một cứ liệu quan trọng giúp thầy viết hai bài báo khoa học, về sau thành một chương trong công trình nổi tiếng Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.

(Và cũng không khỏi nhớ lại chỉ trước đó một tuần, khi còn ở Sài Gòn, chúng tôi tổ chức cho thầy đi thăm một khu du lịch nổi tiếng, rộng đến 450 ha ở Bình Dương. Thành quách nguy qua, đền đài tráng lệ, kỳ hoa dị thảo, có cả những con thú hiếm quý như sư tử trắng, tê giác trắng, hổ trắng, công trắng,…; chủ nhân còn kỳ công cho khắc thơ của mình trên đá trên gỗ ngay từ cổng vào cho đến những xó xỉnh bên trong. Thầy cũng có vẻ háo hức, nhưng sau khi chăm chú đọc một vài bài thơ, quan sát cách bài trí nội thất, liếc nhìn các công trình xây dựng, vẻ mặt thầy càng lúc càng thay đổi. Cuối cùng, thầy nói, gọn và dứt khoát: “Trọc phú!”. Rồi không thăm thú gì nữa, thầy trò ghé vào quán nước. Ngồi nghỉ một chốc, thầy đòi về Sài Gòn. Chuyến tham quan tưởng kéo dài cả ngày, chấm dứt sớm hơn dự kiến.)

Xe không đến thẳng được Hòn Đá Bạc. Từ chỗ đậu xe hơi, phải đi khoảng đường khá xa, qua một cây cầu dài và hẹp, mới đến nơi. Thầy ngồi xe ôm, mặt vẫn tươi tỉnh, như không hề có chuyến đi vất vả hôm qua về Đất Mũi, như chưa hề là ông lão hơn 80.

Hòn Đá Bạc là một ngọn núi nhỏ nhoài ra biển, sóng vỗ rì rào. Đường lên đỉnh khuất khúc, cây cối mát rượi, dưới tàng cây là hàng ngàn tảng đá rải rác hay chồng chất, có thể tưởng tượng ra đây là bàn tay tiên, kia là bàn chân tiên, nọ là sân tiên, cầu tiên,…

Nhìn từ xa, Hòn Đá Bạc như một hòn non bộ khổng lồ giữa biển xanh bao la. Hòn chỉ cao 50m, nhưng không phải là không vất vả đối với một người sức yếu. Thầy thong thả trèo, chậm mà chắc, lên tới tận đỉnh.

Trên đỉnh hòn, có một tượng đài kỷ niệm chiến thắng của Công an Việt Nam. Thầy đi quanh tượng đài, nhìn ngắm, lẩm bẩm: “Ai lại làm như thế!”. Tôi nhìn theo hướng mắt thầy, giật mình vì thầy nói đúng: tượng đài là một nhóm 4 chiến sĩ công an và một nữ dân quân (?) áo quần tề chỉnh, tư thế hiên ngang, trong khi 5 tên địch thảm hại quỳ trên mặt đất, hoàn toàn trần truồng! Có lẽ nhà điêu khắc vì say sưa về hình thể, mà quên đi tính nhân văn chăng?

*

*    *

Mới đó thôi, mà đã là vĩnh viễn. Đứa học trò là tôi nhớ thầy, viết lan man mẩu ký ức này sang mẩu ký ức kia.

Còn vài ngày nữa là tro cốt của thầy được đưa về Nghệ An.

H. D.



Nguồn : Bài viết cho cuốn sách Nguyễn Tài Cẩn - học giả "bất yếm, bất quyện", Tạp chí Văn hoá Nghệ An xuất bản. Đây là bản gốc do tác giả gửi cho Diễn Đàn với lời chú : "Một số tạp chí có đăng lại nhưng đều cắt bớt hoặc sửa đổi ẩu lắm, và đều không có ảnh".

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us