Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Lê Bầu (1931-2009)

Lê Bầu (1931-2009)

- Châu Diên — published 08/02/2009 13:34, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


LÊ BẦU (1931-2009)


Người đi dưới rừng thông

CHÂU DIÊN


LÊ BẦU (1931-2009)

Nhà văn Lê Bầu đã từ trần ngày 7.2.2009 tại Hà Nội, sau nhiều tháng chống trả bệnh ung thư máu hiểm nghèo, thọ 78 tuổi.  Lễ tang sẽ tổ chức ngày 10.2.2009.

Lê Bầu sinh ngày 28 tháng 2 năm 1931 tại Hưng Yên, đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau những tác phẩm đầu tay Đi thực tập, Thông reo... gần đây ông liên tiếp cho ra đời tiểu thuyết Ngã ba cô đơn và những tập truyện ngắn Những năm tháng trôi qua, Hai người buồng bên kia, Gương mặt buồn, Dòng sữa trắng... Được biết cuốn hồi kí ông đang viết đã bị bạo bệnh cắt ngang. Nhà văn Lê Bầu còn được biết như một dịch giả lớn của văn học Trung Quốc đương đại : Tể tướng Lưu gù, Nỗi hoài hương dằng dặc, Ô-sin, Tần xoang, Thị trấn Phù Dung

Dưới đây là bài viết về Lê Bầu của bạn ông, nhà văn Châu Diên (toàn văn do tác giả gửi cho Diễn Đàn).

Tôi rất tin vào thuyết tác động của địa lý đến tính cách con người; trong trường hợp Lê Bầu, tôi càng thấy thuyết đó đúng, ít ra là thuyết đó không sai. Rất dễ để lý giải về một con người thơ mộng và hào hiệp như Lê Bầu bằng chốn quê Hưng Yên, nơi từ xửa xưa các cụ đã tạo ra từ hoang sơ lau sậy cái huy hoàng ngơ ngác Chử Đồng Tử trước tòa nhà lộng lẫy Tiên Dong… Tuổi thiếu niên, thời thuộc Pháp, Lê Bầu sống ở bãi Phúc Xá, Hà Nội, cái vùng đất hồi ấy vẫn còn nhang nhác bờ lau bãi sậy quê xưa, chưa chật chội bon chen như vào một thời khác… Lớn lên chút nữa, Lê Bầu sống ở Bắc Giang, ngửa mặt ra phía trước là thấy những quả đồi đầy thông xanh và bông lau trắng, quay mặt lại phía sau là thấy rừng rậm Thái Nguyên huyền bí… Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Lê Bầu lên Thái Nguyên học trung học, lại được sống giữa những quả đồi đầy tiếng thông reo nắn dòng cho con sông máng nước kéo dài như một giai điệu trong vắt, ngày ngày nhìn về quê, mơ màng nhìn ngọn đồi Mỏ Thổ nơi giặc Pháp đóng đồn, nhìn về núi Con Voi sừng sững mà sao mềm mại, chỉ vì lòng người mềm mại.

lebau

Sẽ dễ hiểu cái tác động địa lý đó khi có tập truyện ngắn đầu tay của Lê Bầu. Sau hội nghị những người viết văn trẻ đầu tiên năm 1959, nơi Lê Bầu gặp gỡ các bạn văn đầu tiên của đời mình, rồi sau đó hầu như mỗi người đều ra một tập truyện ngắn thể hiện cái cốt cách riêng, thì Lê Bầu cũng đóng góp bằng một tập truyện ngắn có tên chung Thông reo. Con người ấy lúc nào cũng như đang đi dưới hàng thông xưa, ngay cả khi viết báo với những đề tài sát sàn sạt với đời thường, được đẩy lên khi viết truyện ngắn là thể loại rất gần với thơ, và khi đời đã nhướm màu mệt mỏi, Lê Bầu vẫn còn bám víu vào được với đời nhờ những trang văn dịch không kém phần thơ mộng của Giả Bình Ao.

Cái thơ mộng ở Lê Bầu như thể từ trong mạch máu tuôn ra. Lê Bầu thơ mộng ngay trong đời sống hàng ngày, ngay với con cái trong nhà. Lê Bầu tự đặt ra chuyện để kể cho con được vui. Như chuyện vì sao ở lưng lại có rôm. Hồi đó, Lê Bầu đã có thêm bé Hà, con bé có bím tóc vắt vẻo ngự trị trước bàn làm việc. Sau mỗi lần từ Hà Nội về Bắc Giang thăm con, gặp chúng tôi Lê Bầu thường có chuyện kể về con, và tôi rất có ấn tượng với câu chuyện rôm do Lê Bầu bịa ra kể cho cháu Hà nghe. Tôi hoàn toàn hình dung được trong tưởng tượng một nhà văn vừa xoa lưng con gái vừa đặt ra câu chuyện, mà cái kết thật bất ngờ, sau khi chạy nhẩy một hồi mà muốn đuổi rôm đi thì phải vào bếp vục một bát cơm nguội ăn với muối vừng, ăn xong thế nào rôm cũng bỏ đi sạch.

Lê Bầu yêu con mình, yêu thương cả con cái của các bạn. Trong những năm chiến tranh phá hoại, bè bạn khi có việc gấp gáp thường gửi con cho Lê Bầu, và đó là địa chỉ yên tâm nhất. Cho đến bây giờ anh em bạn vẫn còn nhắc “ chuyện lấy vợ ” của cậu Hải Âu con trai Dương Tường. Bố mẹ hỏi “ lớn lên lấy vợ con thích lấy ai ? ”, Hải Âu không ngần ngừ đáp luôn, “ con lấy chú Bầu ”. Bạn bè có thể nhờ Lê Bầu đạp xe đi hàng chục cây số đưa giúp con cái tới nơi sơ tán hoặc đón giúp con cái từ nơi sơ tán về. Những đứa trẻ ngày ấy nay đã thành những người năm mươi sáu mươi, và tất cả bọn họ đều vẫn chú cháu với Lê Bầu như với người thân trong gia đình.

Vào cái thời đó, một người hiền hoà mẫu mực như Lê Bầu rất được đánh giá cao. Có lần, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, khi đó đang làm bí thư chi bộ, đánh đố vợ một người bạn trong nhóm chúng tôi : “ Đố bà biết, trong các bạn của chồng bà, chúng tôi ai là đảng viên ? ” Người đàn bà đó đã nói ra một nhận xét sai mà đúng như thế này : “ Trong các ông, chỉ có hai đảng viên Lê Bầu và Dương Tường thôi ”. Lê Bầu và Dương Tường không là đảng viên, thế mà có lúc bị phạm tội “ chống Đảng ”. Oan nhất cho Lê Bầu là sau khi viết truyện ngắn Những hòn đá lang thang. Lê Bầu viết truyện đó vì nhớ một người bạn cũng lãng mạn đã bỏ anh em để ra đi theo một đoàn địa chất. Chuyện chỉ có thế thôi, nhưng bị bóp méo thành chuyện khác. Lê Bầu phải đi lao động ở nhà máy cao su Sao Vàng. Đi thì đi vậy, hồn nhiên thâm nhập thực tế, học nghề làm săm lốp, và viết báo, viết bút ký về những công nhân thủ đô, trong những bài viết vẫn không quên và không thiếu tiếng đàn thánh thót ngay trong những năm đêm đêm bầu trời thủ đô hằn lên đạn lửa và tiếng bom gần xen với tiếng súng xa…

Tôi đồ chừng rằng chính vào những tháng ngày vất vả đó mà Lê Bầu đã nghĩ đến việc viết hồi ký. Một con người thơ mộng như thế chắc chắn phải nung nấu một cuốn hồi ký của đời mình, vì những truyện ngắn mang từng mảnh hồi ức không còn đủ chỗ cho những nỗi niềm đầy ắp quá khổ. Nhưng tật nể nang đã lôi Lê Bầu đi sang dịch thuật. Lê Bầu đã dịch nhiều, từ Ô-sin qua Lưu Gù sang Đặng Tiểu Bình, tất cả đều theo yêu cầu của bè bạn làm tại các nhà xuất bản. Nhưng có lẽ phải tìm được Giả Bình Ao và chỉ khi bắt gặp Giả Bình Ao thì mới có nơi chốn đắc địa cho một nhà văn quên đi việc làm ra tác phẩm của riêng mình để chỉ còn tập trung vào việc sáng tác lại một hoặc những tác phẩm tưởng đâu như chính mình cũng vừa làm ra như thế ấy. Quên sao được lần đầu dịch xong Thị trấn Phù Dung, Lê Bầu gọi bạn bè đến cho sách, và quên mất mình đang ngồi trong căn buồng vài mét vuông ở phố Phùng Hưng, vẫn say sưa khoe cái chữ “ con ngòi Hĩm ” mình tìm ra để diễn đạt cho hết ý tứ nhà văn Trung Hoa đương thời.

Kể từ đó, hơn chục năm, Lê Bầu đã dịch liên tục Giả Bình Ao, đến độ ở Hà Nội, khi giới thiệu Trần Đình Hiến với ai, người ta nói “ đây là Mạc Ngôn ”, còn Lê Bầu thì thành “ đây là Giả Bình Ao ”, chưa có trường hợp thứ ba. Điều đó cũng hàm nghĩa Mạc Ngôn được Trần Đình Hiến diễn đạt thấu đáo sự sắc sảo thâm trầm, còn Lê Bầu đã khiến Giả Bình Ao hiện lên với toàn bộ sự thơ mộng đến đau lòng của một nông thôn đáng yêu ngay cả khi nổi loạn tàn bạo. Chỉ một chữ “ Tần xoang ” mà Lê Bầu trằn trọc bao nhiêu ngày : nên dịch thành “ điệu Tần ” hay cứ để nguyên “ Tần xoang ” cho có âm hưởng của thơ ?

Con người thơ mộng luôn luôn đi dưới tiếng thông reo ấy rồi cũng có lúc giáp mặt với thực tại bệnh tật đắng cay. Bè bạn giao cho tôi công việc nói thẳng sự thật với Lê Bầu. Tôi đã làm nhiệm vụ. Tôi đã lấy đi mất cái ảo tưởng quá ư hồn nhiên của Lê Bầu cho rằng mình vẫn còn biết bao nhiêu Giả Bình Ao chưa dịch xong, thì bệnh tật nào rồi cũng qua khỏi thôi. Cháu Hà gọi điện báo cáo, “ bố cháu khóc…

Thì cũng phải khóc chứ ? Cả một đời nheo mắt nhìn đời, lúc nào cũng như đi dạo dưới một rừng thông đang reo trong gió, giờ cũng phải biết khóc chứ ? Biết làm thế nào ? Nhưng là những giọt nước mắt của người mơ mộng dưới gốc thông reo. Rồi ra ai mà chẳng có một vị trí vĩnh cửu dưới một gốc thông reo. Không dám nói chắc mọi trường hợp, nhưng riêng với Lê Bầu, có thể đoan chắc điều này : hễ còn nghe tiếng một ngọn thông đang vi vu, chắc chắn bè bạn sẽ còn nghĩ ấy là Lê Bầu đó…

Hà Nội, 13-12-2008

Châu Diên

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss