Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / LÊ BẦU trung thực lương thiện đến từng hơi thở

LÊ BẦU trung thực lương thiện đến từng hơi thở

- Bùi Ngọc Tấn — published 08/02/2009 14:11, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21



LÊ BẦU
trung thực lương thiện đến từng hơi thở 

Bùi Ngọc Tấn

          Biết Lê Bầu không được khoẻ nên khi Nguyễn Khải mất, tôi gọi điện lên cho anh :

          – Cụ ơi ! Sức khoẻ cụ dạo này thế nào? Cụ Nguyễn Khải 79 tuổi đi rồi đấy. Cụ cũng bằng tuổi Nguyễn Khải, chúng tôi lo lắm. Tuổi 79 tuổi là cái tuổi rất gay. Nhiều người đi năm 79 lắm đấy.

          Đầu kia Bầu cười trong máy :

          – Mình vẫn bị cái tiền đình. Đi lại trong nhà không sao. Đi ra ngoài hơi chuếnh choáng. Thế thôi.

          Tiếng Bầu không còn chắc, đanh, vang như trước. Anh tiếp :

          – Yên tâm. Không hề gì. Tuần tới mình sẽ theo Hội Văn Nghệ dân gian Hà Nội đi Trung Quốc.

          Tôi giẫy nẩy :

          – Tiền đình mà còn đi Trung Quốc. Ông Vũ Bão đấy. Đi hạp long cầu Bãi Cháy rồi bị...

          – Sang ngay bên kia biên giới thôi. Có một cái làng toàn người Việt. Nhiều cái thú lắm.

          Anh đã đến được cái làng toàn người Việt ấy. Đã hỏi chuyện họ. Đã mua được một ít sách tiếng Trung Quốc đem về dịch, kiếm ăn. Cứ nghĩ chỉ là tiền đình... Thì ra mầm bệnh đã ủ từ ngày ấy.

          Trong mấy anh em chúng tôi, Bầu là người khoẻ nhất. Ăn uống kham khổ nhưng làm việc như một con ngựa. Không tính những Thông reo (1961), Đi thực tập (1960)..., chỉ kể những sáng tác sau này của anh : tập truyện ngắn Những năm tháng trôi qua, tiểu thuyết Ngã ba cô đơn, tập truyện ngắn Hai người buồng bên kia. Rồi Gương mặt buồn, Dòng sữa trắng... Và dịch : Nỗi hoài hương dằng dặc, Thị trấn Phù dung, Ô sin, Tể tướng Lưu gù... Hội nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải cho anh về sáng tác và dịch thuật.

          Năm 2007, mặc cho tôi thúc giục Bầu viết tiếp tập hồi ký, anh chỉ cười :

          – Mình cố (dịch) cho xong Tần Xoang của Giả Bình Ao đã. Rồi sẽ làm tiếp hồi ký.

          Tần Xoang dịch ra tiếng Việt dài tới hơn 2000 trang đã hút kiệt sức anh. Tôi vốn dĩ không mấy thích thú văn chương Giả Bình Ao, gắt lên với anh :

          – Ông ơi. Có thể ông Giời cho chúng ta sống, nhưng thời gian còn làm việc được thì không nhiều đâu.

          Ngay từ đầu những năm 2000, tôi đã được đọc những chương đầu tiên trong tập hồi ký của anh. Tập hồi ký kể lại những ngày anh còn nhỏ, mẹ anh đem anh ra chợ (Hà Nội) bán hàng, anh đã trở thành đứa trẻ của mọi gian hàng. Các bà đều gọi anh là thằng Bầu vì anh bầu bĩnh, mũm mĩm. Thế là anh có tên Bầu. Và cũng vì anh tên Bầu nên bố anh mang tên Bí. (Cụ phải đổi tên để tránh mật thám Pháp bắt). Tập hồi ký dở dang ấy kể lại những ngày anh xuýt sa vào vòng lao lý, đi đâu cũng có người theo dõi, không được viết, không được in, không được ký tên vì là một phần tử đáng ngờ, cơ quan đã cấp giấy giới thiệu lên tham quan công trường cầu Thăng Long rồi lại cấp tốc cho người phóng xe đến nhà thu lại. Tập hồi ký có đoạn anh bị đột nhập khám nhà, có cuộc họp lấy ý kiến quần chúng, anh làm ông bí thư chi bộ Xuân Sách toát mồ hôi vì nhất định phản đối một người cơ hội vào Đảng... Quyển hồi ký nói về anh, về những biến động xã hội, thăng trầm lịch sử ấy vẫn cứ dở dang. Bởi những bài báo kiếm sống, bởi những đề nghị dịch của những nhà xuất bản, những đầu nậu sách mê tài dịch tiếng Trung Quốc của anh... Bởi cái đầu máy hơi nước già nua Lê Bầu vẫn còn phải kéo quá nhiều toa. Bởi anh không ngờ số phận nghiệt ngã lại nhằm đúng anh mà ra đòn. Và không ngờ ngón đòn hiểm đến thế.

          Khi anh vào bệnh viện, tôi lên Hà Nội, cùng Dương Tường đến thăm anh. Trước mắt tôi, một Lê Bầu hoàn toàn khác. Gầy, nằm dán xuống nệm, nửa thức nửa ngủ, thở và nói thật khó khăn. Lúc ấy vẫn còn hy vọng. Lúc ấy các bác sĩ vẫn còn đang hội chẩn.

          Khi tôi về Hải Phòng, điện thoại của con gái anh đuổi theo tôi, báo tin mới nhất : Anh bị ung thư máu giai đoạn cuối ! Không phải ung thư một bộ phận nào đó để có thể cắt đi. Mà ung thư máu ! Giai đoạn cuối !

          *

          Mấy anh em chúng tôi cố kết cùng nhau hơn nửa thế kỷ đã 5 người ra đi : Hứa Văn Định, Mạc Lân, Vũ Bão, Nguyên Bình, Lê Bầu. Chỉ còn lại Dương Tường, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh và tôi.

          Mỗi người bạn mất đi là một phần cuộc sống của tôi mất đi, là một khoảng trời trong tôi sụp đổ. Nhưng cái khoảng trời Lê Bầu với tôi lớn quá. Tôi và anh học với nhau từ thuở thiếu thời. Trường Hàn Thuyên những năm 49-50 của thế kỷ trước. (Trường Hàn Thuyên với những sản phẩm nổi cộm khó quên : Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn, Dương Thu Hương, Đỗ Chu, rồi Nguyễn Quang A...). Có chuyện gì trong cuộc sống sóng gió của tôi mà Lê Bầu không chia sẻ. Mới đây, vào thành phố Hồ Chí Minh, gặp lại bạn học cũ, nghe tôi báo tin Lê Bầu mắc bạo bệnh, Nguyễn Đăng Cảnh, người cùng một pô pốt với Lê Bầu xé tờ lịch treo tường, chép vào đó bài lục bát cậu học sinh Lê Bầu viết về cái pô pốt của mình và tôi đã đọc cho Bầu nghe bên giường bệnh:

          Ai về qua huyện Phú Bình
    Vào thăm pô pốt điển hình chúng tôi
          Chúng tôi có một cái nồi
    Để trên nóc chạn chuột lôi xuống gầm
          Chúng tôi có một cái mâm
    Bằng sàng tuột cạp vân vân...

                                                   lê bầu

          Lê Bầu cười từ thuở học sinh xa xưa ấy. Anh cười trong suốt cuộc đời anh. Cười trong khó khăn. Cười trong hiểm nguy. Cười để sống.

         Im bặt rồi tiếng cười vang lên từ giữa thế kỷ trước tới đầu thế kỷ này, sảng khoái, hồn nhiên, thách thức. Lê Bầu mất đi, cuộc sống hôm nay mất đi một người trung thực, một người lương thiện. Trung thực lương thiện đến từng tế bào, từng hơi thở. Một người làm việc cho đến khi chết.

          Lê Bầu mất đi, tôi không chỉ mất một Lê Bầu với phổ kỷ niệm bao trùm gần trọn một đời người, tôi còn mất cả nguyên mẫu ông Lê Bàn trong tiểu thuyết của tôi.

Bùi Ngọc Tấn

Hải Phòng, 8.2.2009



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss