Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Từ Lê Phổ đến Le-Tan

Từ Lê Phổ đến Le-Tan

- Đỗ Tuyết Khanh — published 31/05/2012 10:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


Từ Lê Phổ đến Le-Tan,
ba thế hệ nghệ sĩ tài danh


Đỗ Tuyết Khanh



Nói đến Lê Phổ, có lẽ không cần phải giới thiệu dài dòng. Ông là một trong những hoạ sĩ tiên phong và nổi tiếng nhất của Việt Nam. Lê Phổ sinh ngày 2.8.1907 tại Hà Đông, tỉnh Hà tây, trong một gia đình thế tộc. Cha ông là Lê Hoan, làm quan từ các triều vua Đồng Khánh, Thành Thái và dưới triều vua Duy Tân, năm 1909, làm Tổng đốc Hải Dương và được phong Khâm sai đại thần xứ Bắc Kỳ (vice-roi du Tonkin) đi tiễu trừ Đề Thám. Vai trò của Lê Hoan, thường bị xem là tay sai của thực dân Pháp, thật ra hãy còn nhiều nghi vấn vì có những chứng từ cho thấy có thể ông đã hoạt động hai mang và gián tiếp ủng hộ các phong trào kháng chiến chống Pháp.

lepho

Hoạ sĩ Lê Phổ

Lê Phổ theo học khóa đầu tiên (1925-1930) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École supérieure des beaux-arts d'Indochine), chịu ảnh hưởng của hai người thày chính là các hoạ sĩ Pháp Victor Tardieu và Joseph Inguimberty. Năm 1931, ông sang châu Âu lần đầu tiên, làm phụ tá cho Tardieu ở hội chợ đấu xảo thuộc địa tại Paris, rồi đi thăm Bỉ và Ý, ngưỡng mộ nghệ thuật Phục hưng và nghệ thuật tôn giáo của châu Âu. Năm 1933, sau khi đã được học bổng theo học trường Mỹ thuật Paris, ông trở về làm giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và theo yêu cầu của Bảo Đại, vẽ chân dung nhà vua và hoàng hậu Nam Phương, trang trí nội cung ở Huế. Năm 1934, ông sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa Trung Quốc, đặc biệt đời Tống và đời Minh. Năm 1937, ông trở lại Pháp làm giám đốc nghệ thuật khu Đông Dương của Hội chợ triển lãm quốc tế và định cư từ đấy ở Paris cho đến khi qua đời tháng 12 năm 2001. Năm 1946, ông thành hôn với bà Paulette Vaux, con gái một sĩ quan Pháp và ký giả của các báo Time và Life. Họ có hai người con trai: Lê Kim và Pierre Lê Tân.

Tranh Lê Phổ liên kết hai nền hội họa Đông – Tây, sinh thời ông đã gặp gỡ và kết bạn với những hoạ sĩ nổi tiếng như Matisse và Foujita. Ông đã có nhiều triển lãm chung và riêng trong nhiều nước, tranh của ông được trưng bày tại Musée d’Art Moderne ở Paris và Oklahoma Museum of Art (Hoa Kỳ) và hiện diện trong nhiều bộ sưu tập tư nhân.

Vài tác phẩm tiêu biểu của Lê Phổ :


tonkin

Paysage du Tonkin (tranh sơn mài  - 3 mảnh - 201x240 cm)



maudon

Bình hoa mẫu đơn (tranh lụa - 46,5x61,5 cm)



longme

Lòng mẹ



giai nhan

Giai nhân màu áo nắng, tranh sơn dầu, 1984


Hoạ sĩ từ cha đến con


Sinh năm 1950 tại Neuilly, ngoại ô sang trọng của Paris, Lê Tân hay Pierre Le-Tan, tên chính thức của ông, cũng là hoạ sĩ như cha nhưng hoạt động đa dạng trong nhiểu lĩnh vực khác nhau: viết sách, làm album, vẽ quảng cáo thời trang, thiết kế cảnh trí điện ảnh (cho phim Quadrille của Valérie Lemercier năm 1997), thiết kế vật dụng, đồ đạc và trang trí nội thất, và vẽ hình bìa cho hơn 100 cuốn sách xuất bản tại Pháp, Anh và Mỹ. Ông là bạn và hoạ sĩ tâm đắc của nhà văn nổi tiếng Pháp Patrick Modiano, vẽ hình bìa cho đa số các ấn bản bỏ túi của nhà văn này, và cùng Modiano viết ba quyển Memory Lane (1981), Poupée Blonde (1983) và Villes du sommeil (1993). Ông cũng vẽ hình bìa cho sách của nhiều tác giả khác như John Train, Marcel Aymé, Mario Soldati, Harry Mathews, Peter Carey, Raymond Carver, Jean-Benoît Puech, Nigel Williams, Garrison Keillor, Sam Sheppard, v.v., cộng tác với các nhà xuất bản Folio của Pháp và Faber&Faber của Anh.

Pierre Le-Tan vẽ áp phích, vẽ quảng cáo cho những thương hiệu nổi tiếng như cửa hàng Galeries Lafayette, tập đoàn Suez, các công ty thời trang Gucci và Lanvin. Ông thiết kế túi xách của công ty Mỹ Coach, hộp đựng thuốc Jouvence de l’Abbé Soury, một loại thuốc trợ tĩnh mạch rất phổ biến ở Pháp từ 250 năm. Các tranh hoạ hình của ông cũng xuất hiện trong các tập san lớn như New York Times Magazine, Vogue, Fortune, Madame Figaro, Tattler Magazine, Atlantic Monthly, Harper's Bazaar, Town & Country, The World of Interiors, v.v.

Pierre Le-Tan đã có nhiều buổi triển lãm các sáng tác của ông tại các thành phố Paris, New York, München, Milano, Châlons-sur-Saône và Tokyo. Năm 2004, Viện bảo tàng quốc gia Reina Sofia ở Madrid tổ chức triển lãm toàn bộ tác phẩm của ông. Gần đây nhất, tháng 5.2012, Gallery East of Mayfair triển lãm tranh của ông tại Dennis Servers House ở Luân Đôn.

Con đường đến với nghệ thuật và thành công của ông dễ dàng, suôn sẻ một cách hiếm có. Hai anh em Lê Kim và Lê Tân lớn lên trong một gia đình trưởng giả và trí thức, thấm nhuần nghệ thuật từ bé. Pierre Le-Tan kể lại : « Tôi là một cậu bé hơi khác lạ, thích đi thăm các viện bảo tàng và cửa hàng đồ cổ hơn là đá banh. Tôi ngồi nhìn cha tôi vẽ. Thay vì đồ chơi, ông cho tôi những bưu ảnh in đủ loại tranh vẽ và tranh khắc gỗ Nhật bản, và những quyển sách Tàu, Nhật cổ. Tôi đã học vẽ qua những bức ảnh và quyển sách ấy. Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã biết tôi chỉ muốn hai thứ ở đời : vẽ và tác phẩm nghệ thuật. » Chỉ sau ba tháng ở Académie des arts décoratifs de Paris, tiền thân của École nationale supérieure des arts décoratifs (EnsAD) ngày nay, ông quyết định bỏ trường, tự học. Năm 17 tuổi, theo lời khuyên của một người Mỹ, bạn của gia đình, ông gửi những hình vẽ đầu tiên đến toà soạn báo The New Yorker. Tập san rất nổi tiếng của giới trí thức Mỹ này chọn giữ vài tấm trước khi đăng thành trang đầu của hai số báo. Lúc ấy Pierre Le-Tan mới chỉ 19 tuổi, còn ở với cha mẹ, vô tư không nghĩ cả đến việc lãnh thù lao. Từ đó ông thường xuyên cộng tác với The New Yorker và bắt đầu một sự nghiệp đa dạng, đưa ông thành một tên tuổi lớn trong các giới chuyên môn, tuy ít được biết đến trong công chúng.

Pierre Le-Tan còn nổi tiếng là một người sưu tầm mỹ thuật rất độc đáo và sắc xảo, có uy tín và ảnh hưởng đến mức có thể chi phối sự lên xuống của những trào lưu trong giới hâm mộ nghệ thuật. Được cha khuyến khích, ông đã bắt đầu sưu tầm đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật từ năm 7, 8 tuổi và vẫn còn say mê cho đến ngày nay. Trong một đoản văn về bạn, Patrick Modiano viết « Hắn có thể biến mất trong nhiều ngày để đi tìm một bức tượng cổ được nghe nói đến. » Pierre Le-Tan trước đây có một bộ sưu tập khổng lồ các sáng tác của Christian « Bébé » Bérard (1902-1949), một hoạ sĩ và thiết kế thời trang, cảnh trí sân khấu được giới sành điệu ở Pháp rất yêu chuộng trong những năm 1920-1930. Với năng khiếu tuyệt vời trong nhiểu lĩnh vực khác nhau, Bérard kết hợp các kỹ thuật và thể loại thành những công trình đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành cảnh trí sân khấu và điện ảnh những năm 1930-1940. Công trình nổi tiếng nhất của ông là bộ cảnh trí thực hiện cho phim La Belle et la Bête của Jean Cocteau năm 1946. Sau khi ông lên cơn đau tim, đột tử tháng 2.1949 trên sàn sân khấu Marigny, nhà soạn nhạc Francis Poulenc đã soạn bài Stabat Mater (1950) để tưởng niệm ông và Jean Cocteau đã đề tặng ông cuốn phim Orphée (1950).

Triển lãm tranh của Pierre Le-Tan tại München (Đức) năm 1984, Galerie Bartsch & Chariau viết như sau trong lời giới thiệu: « Như Christian Bérard cách đây 50 năm, ông đã trở thành thần tượng của một nhóm người yêu cái đẹp, tinh tế và điệu nghệ. »

Trong một bài phỏng vấn dài, Denis Cosnard, chủ nhiệm đặc trang về kỹ nghệ của nhật báo kinh tế Les Échos, cuối cùng hỏi Pierre Le-Tan về nguồn gốc Việt của ông. Ông trả lời : « Không, tôi chưa bao giờ đặt chân đến xứ sở này. Tôi muốn dừng lại ở một Việt Nam chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng tôi cảm thấy mình rất Á đông. Tôi sống ở Paris, ba đứa con lớn có gốc Do thái và quốc tịch Anh, đứa con út một nửa là Phi châu, nhưng con người Á đông ở tôi là một thực tế. Tôi mang dáng dấp Á đông, cư xử như người Á đông, với tính giữ kẽ của người châu Á. Tôi cũng Á đông khi vẽ những thứ đơn giản, với những đường nét chính xác, tỉ mỉ, ngay cả khi phải diễn đạt cái mông lung ».

Denis Cosnard kết luận : « Pierre Le-Tan, hoạ sĩ Á Đông ? Có thể lắm. Ông thường vẽ những phong cảnh rất Tây phương, những bến cảng của Dublin, tấm bảng của một quán nước trong đêm hắt ánh đèn ra cuối một con đường không tên, một cái sân trong khu chung cư, một nhà để xe ở ngoại ô. Nhưng ở mỗi nơi đều có một hình bóng nhỏ bé, cô đơn và yếu đuối như người lữ hành dưới chiếc dù rách. Người đi bộ u hoài ấy, chính là ông ». i

  nyker1 nyker2 nyker3  

3 trong 18 trang bìa báo The New Yorker của Pierre Le-Tan,
các số 14.6.1976, 15.9.1980 và 14.2.1970 (phát hành ngày Valentine Day)


Một số bìa sách của Pierre Le-Tan:


  bia1 bia2 bia3  
  bia4 bia5 bia6  


tui1

tui2

hopthuoc

Túi xách Coach

Hộp đựng thuốc
Jouvence de l’Abbé Soury



letan&fille

letan&enfants

Pierre Le-Tan và con gái, Olympia

Pierre và các con, Olympia, Cleo và Alexis


Nghệ sĩ từ con đến cháu


Pierre Le-Tan thành hôn năm 1975 với một phụ nữ Anh gốc Do Thái, có ba người con, Alexis, Olympia và Cleo Le-Tan. Ông và bà Plum Le-Tan chia tay nhau năm 2002 và từ đó ông chung sống với bà Toboré, một phụ nữ Phi châu. Họ có một đứa con trai, Edouard, sinh năm 2003.

Cả ba anh chị em Alexis, Olympia và Cléo đểu nổi tiếng trong giới thượng lưu ăn chơi, tiệc tùng và sống về đêm ở Paris. Họ đều hoạt động như DJ, giao lưu với những nhân vật tên tuổi của giới văn nghệ sĩ và jet-set, đầy cá tính và ngổ ngáo, nhưng nổi trội nhất là Olympia từ vài năm nay nghiễm nhiên trở thành một trong những người sáng tạo và thiết kế thời trang rất ăn khách hiện nay.

Như cha, Olympia Le-Tan có theo học trường mỹ thuật nhưng tự học là chính. Cũng như cha, cô rất sớm lọt vào những nơi hiển hách nhất của ngành nghề: mới 19 tuổi, cô đã làm việc cho nhà tạo mẫu Karl Lagerfeld ở xưởng thiết kế công ty thời trang Chanel. Ở đó cô gặp Gilles Dufour và hợp tác với ông trong bảy năm, đầu tiên trong khuôn khổ của các nhà Chanel rồi Balmain - trước khi cả hai bị sa thải vì đã táo tợn bảo siêu người mẫu Claudia Schiffer mặc một áo thung ghi hàng chữ « Balmain Bitch » (con đượi của Balmain) - và sau đó dưới nhãn hiệu riêng của Gilles Dufour.


Từ năm 2004 Olympia Le-Tan trở thành một DJ ăn khách, không thể thiếu trong những buổi tiệc tùng thết đãi của các tài tử điện ảnh như Kirsten Dunst, các công ty thời trang như Yves Saint Laurent và Balenciaga, các tập san thời thượng như Purple Magazine. Hoạt động DJ đưa cô đi khắp nơi, từ Paris đến Tokyo, nhưng cô vẫn coi đó như một thú tiêu khiển hơn là nghề nghiệp. Tháng 9.2009, cô tung ra một tập hợp ví cầm tay với nhan đề « You can’t judge a book by its cover” (Đừng đánh giá một quyển sách qua cái bìa) kết hợp hai cái cô đam mê: thêu thùa (thừa hưởng tử bà nội Paulette) và thú đọc sách, yêu văn chương (thừa hưởng từ cha). Những cái ví mang tên « clutch », « book-bag » và « minaudière » là những hộp vuông, có hình dạng và kích thước một quyển sách, nắp là một lớp phớt dạ (feutrine) thêu chữ và hình ảnh của ấn bản đầu tiên những tác phẩm trứ danh của văn học thế giới. Phía trong lót vải chọn lựa từ những tấm vải đẹp nhất, quí nhất. Tất cả đều làm bằng tay, công phu và tỉ mỉ, những kiểu phức tạp nhất đòi hỏi cả ba, bốn chục giờ công. Mỗi kiểu sản xuất giới hạn chỉ 16 bản (16 tháng10 là ngày sinh nhật của Olympia), giá trên 1000 euros nhưng vẫn bán chạy như tôm tươi. Khách hàng là tài tử điện ảnh, người mẫu, ca sĩ, và những fashionistas, fashion victims (tín đồ thời trang) áp dụng triệt để triết lý « cái gì càng hiếm, càng đắt thì càng phải có cho bằng được ». Các tên gọi cũng thích hợp với đối tượng của món hàng xa xỉ này : « clutch » có nghĩa là túm lấy, nắm chặt. Quả vậy, cái ví không quai, lúc nào cũng phải cầm khư khư trong tay, chỉ có thể dùng để đi dạ hội, hay để tạo dáng khi dừng chân cho các nhiếp ảnh bấm máy trước khi bước lên thảm đỏ vào liên hoan phim. « Minaudière » là một từ cổ, có nghĩa là một hộp nhỏ bằng vàng hay bạc, chỉ đủ chứa vài món đồ trang điểm cho các bà các cô quí phái. Động từ « minauder » có nghĩa là nhí nhảnh, làm duyên, õng ẹo. Vừa làm dáng vừa tỏ ra mình cũng sính văn chương, còn gì lịch lãm bằng!

Vài kiểu clutch của Olympia :

mmebovary lolita shakespeare

Các cô đào Clémence Poésy với « La Belle et la Bête » (Jean Cocteau) ở buổi khai chiếu phim Harry Potter ở Luân Đôn, và Natalie Portman với « Lolita » (Vladimir Nabokov) ở buổi khai chiếu phim Black Swann ở New York

michelle

Tài tử Michelle Williams khoe « The Misfits » (Arthur Miller) ở lễ trao giải BAFTA 2012 của British Academy of Film and Television Arts

clemence portman

chanderNhưng đằng sau cái hào nhoáng ấy là một nghệ sĩ thật sự có tài năng, óc sáng tạo và cá tính. Tất cả bắt đầu bằng những túi xách Olympia tự khâu cho mình với những vải vụn dùng lại khi còn làm việc cho Chanel. Sarah Lerfel, chủ nhân cửa hàng Colette, concept store nổi tiếng ở Paris, thấy các túi này là đặt ngay một số để bày bán. Rồi người này rỉ tai người khác, những đơn đặt hàng đến ngày càng nhiều từ các cửa hàng thời thượng ở nhiều nước, biến cái nghịch ngợm ban đầu thành cả một cơ sở kinh doanh, tuy vẫn thủ công nhưng với doanh thu đáng nể. Ngoài các minaudières, Olympia cũng chế tạo hành lý da, túi xách có quai, vẫn theo mô hình bìa sách.


onthe road bunny

Tháng giêng năm nay, Olympia được mời tham dự hội chợ thời trang Pitti ở Ý để trưng bày tại Museo Bellini của thành phố Firenze một triển lãm với chủ đề“Sei borsette in cerca d’autore” (Sáu cái túi đi tìm tác giả), nhái theo vở kịch kinh điển “ Sei personaggi in cerca d’autore” (Sáu nhân vật đi tìm tác giả) của kịch gia Luigi Pirandello (1867-1936, Nobel văn chương 1934).

Trong khung cảnh thanh lịch của một dinh thự vừa là bảo tàng riêng vừa là phòng trưng bầy của một gia đình buôn bán đồ cổ, Olympia tạo lại không khí một khuê phòng với những ví và túi xách phỏng theo các tác phẩm Ý, dàn dựng lại qua ảnh chụp một số cảnh quen thuộc của vài phim Ý bất hủ.


deserto

aventura

Il Deserto rosso (1964, với các diễn viên Monica Vitti và Richard Harris) và L’Avventura (1960, với Gabriele Ferzetti, Monica Vitti và Lea Massari) là hai phim của đạo diễn Michelangelo Antonioni. Otto e mezzo - 8 ½- (1963) là phim của Federico Fellini với Marcello Mastroianni, Anouk Aimée và Claudia Cardinale.


mangano

Olympia Le-Tan “thủ vai” Silvana Mangano với tư thế nổi tiếng trong phim Risso amaro (1949) của đạo diễn Giuseppe De Santis.

Một điểm thú vị đáng nêu lên là khi bước vào lãnh vực thời trang, Olympia cũng theo dấu chân của ông nội. Năm 1934, Lê Phổ đã cải biên kiểu áo dài Le Mur của Cát Tường, phối hợp với kiểu áo tứ thân truyền thống thành hình dạng chiếc áo dài tân thời, vừa gợi cảm vừa dung hoà cũ và mới, vẫn còn được mặc ở Việt Nam ngày nay.

Olympia còn có tài dễ gây thiện cảm và lôi cuốn người khác vào những cái “bốc đồng” của mình. Cuốn phim hoạt hình Mourir auprès de toi do Spike Jonze và Simon Cahn thực hiện từ 3000 bản thêu bằng dạ phớt của cô đã được chọn chiếu trong nhiều liên hoan, ở Locarno (Thuỵ Sĩ), Stockholm, Cannes và Venezia. Tất cả xuất phát từ một câu bông đùa. Khi Spike Jonze xin Olympia làm cho mình một cái ví, cô nói dỡn: “Được, nhưng anh phải làm cho em một cuốn phim!”.

Giai thoại ấy phần nào tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp cho tới nay của người nghệ sĩ còn rất trẻ này (Olympia sinh năm 1977). Cũng như đối với cha cô, thành công và tiếng tăm đến với cô dễ như đùa, mọi cánh cửa như tự mở ra cho họ ngay tiếng gõ đầu tiên. Pierre Le-Tan và các con của ông là nghệ sĩ, phóng túng và độc đáo, với những năng khiếu của con nhà nòi. Họ có sự tự tin và vô tư của những người sinh ra trong nhung lụa, lớn lên trong một môi trường ưu đãi, chỉ làm những gì mình thích mà không thắc mắc đến thành công hay thất bại. Olympia thổ lộ : “Mẹ tôi xuất phát từ một gia đình nền nếp, người Anh Do Thái, nên cố gắng giáo dục chúng tôi theo khuôn phép. Bà thích hình ảnh một người vợ, người mẹ mẫu mực, với những đứa con ngoan, học trường danh tiếng, ăn mặc đẹp đẽ. Còn cha tôi dạy dỗ con như thể ông và chúng tôi đều là trẻ con cùng trường mẫu giáo. Ông chả cần biết chúng tôi sẽ xây dựng những sự nghiệp gì, ông chỉ mong chúng tôi được sống theo sở thích. Điều đó đã cho chúng tôi phần nào đầu óc tự do.” ii

Thế giới của Alexis, Olympia và Cleo Le-Tan là thời trang, phòng trà, ánh đèn màu, một thế giới ăn chơi, tiêu thụ và hưởng thụ, của giai cấp thượng lưu. Một thế giới bling-bling, xa hoa phù phiếm, ồn ào, rất xa vời không khí tĩnh lặng, tao nhã toát ra từ những bức tranh xưa của ông nội. Mỗi thế hệ lại làm gia đình Le-Tan cách xa thêm, trong không gian và giòng máu, dòng dõi họ Lê ở Hà Tây. Pierre Le-Tan, nửa Việt nửa Pháp, còn thấy mình là Á Đông tuy chưa hề đến Việt Nam và chắc không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt. Olympia, Cleo và Alexis chỉ có 25% máu Việt, phần còn lại chia đều giữa Pháp, Anh và Do Thái, từ phong cách đến cuộc sống, hoạt động văn nghệ hay nghệ thuật, không có dấu vết gì của Việt Nam. Edouard Le-Tan thì còn có thêm giòng máu Phi châu. Thế hệ thứ tư của hậu duệ vị Khâm sai đại thần nhà Nguyễn là một cô bé mới 7 tuổi, con gái của Alexis, có cái tên rất jazzy là Dizzie, tuy còn vài phần trăm gốc Việt nhưng, không kể làn da trắng hồng và đôi mắt xanh trong veo rất to, từ trong ra ngoài chắc không còn gì của Á đông nữa.

Nhưng biết đâu đấy, vài chục năm nữa, Dizzie Le-Tan (hay một người cháu, chắt khác trong dòng họ Le-Tan) có thể lại phá lệ, không đi theo truyền thống văn học nghệ thuật của các thế hệ trước mà say mê sử học, chú ý đến một thời kỳ xa xôi của một đất nước không kém xa xôi, và lần từng bước trong những kho tư liệu để tìm ra câu trả lời, hơn một thế kỷ sau, cho những gì đã xảy ra giữa nhà nước Pháp, triều đình nhà Nguyễn, Lê Hoan và Hoàng Hoa Thám.

Đỗ Tuyết Khanh

Tháng 5.2012

Xem thêm :

Đinh Cường, « Lê Phổ: Những đóa hoa hái từ một giấc chiêm bao » trên Cỏ Thơm
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=821&Itemid=53

  • Olympia Le-Tan, Pitti 2012

http://www.zootmagazine.com/2012/01/25/olympia-le-tan-pitti-2012/


Chú thích :


i Denis Cosnard, Pierre Le-Tan : Le promeneur mélancolique, Les Échos, série limitée, n° 46, 8 septembre 2006,
http://reseau-modiano.pagesperso-orange.fr/letanpromeneur.htm

ii Valérie Fromont, Olympia du bout des doigts, Le Temps, 16.5.2012


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us