Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Mạc Ngôn

Mạc Ngôn

- Đoàn Tử Huyến — published 12/10/2012 10:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Giải Nobel văn chương 2012


Mạc Ngôn, Tác giả tiêu biểu của nền văn học
Trung Quốc đương đại


 Đoàn Tử Huyến

 

MN

Nhà văn Mạc Ngôn, người vừa được trao giải Nobel văn chương 2012, được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của văn học Trung Quốc và được Hiệp hội Nhà văn Châu Á bình chọn là một trong những nhà văn có triển vọng nhất trong thế kỉ XXI. Sáng tác của ông là sự kết hợp giữa những thủ pháp của chủ nghĩa Hiện đại và bút pháp truyền thống, giữa cái huyền ảo và cái hiện thực, làm thay đổi diện mạo nền văn học đương đại Trung Hoa.
Diễn Đàn trân trọng cảm ơn nhà biên khảo, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã cho phép đăng lại đây tiểu sử tóm tắt và giới thiệu vài tác phẩm chính của Mạc Ngôn.

 

Mạc Ngôn  (莫言 Mò Yán, nghĩa là “Kiệm lời”), sinh ngày  17/02/1955, tên thật là Quản Mạc Nghiệp (管谟业) xuất thân từ một gia đình nông dân tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Năm 12 tuổi, gặp Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976), ông phải bỏ dở tiểu học và tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, đi chăn dê, luôn bị đói khát và cô đơn. Thời gian này, ông tự học và đọc sách rất nhiều, say mê tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovski (1) (Nga), Rừng thẳm tuyết dày của Khúc Ba, Bài ca thanh xuân của Dương Mạt, tiếp nhận các tác phẩm văn học Khai Sáng (thế kỉ XVIII) của Phương Tây…. Năm 1976, Quản Mạc Nghiệp nhập ngũ, nhờ tự bồi dưỡng trở thành giáo viên trong quân đội; năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986, rồi chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp; từ năm 1988 – 1991 làm nghiên cứu sinh sáng tác thuộc Học viện Văn học Lỗ Tấn, trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Tuổi thơ chịu đựng đói nghèo, trải qua những lo lắng tủi nhục về miếng cơm manh áo trong thời kì kinh tế bần cùng, chính trị bất ổn khiến nhà văn tương lai có cái nhìn về cuộc đời và con người một cách chân thực và sâu sắc, ảnh hưởng rõ nét đến tính cách và sáng tác của ông. 

Năm 1981:  Bắt đầu sáng tác

Năm 1981, Quản Mạc Nghiệp bắt đầu công bố các tác phẩm đầu tay, trong đó có Sông khô (枯河 – Khô hà), Thu thủy (秋水), Âm nhạc dân gian (民间音乐 - Dân gian âm lạc); tiếp đó ông viết Sửu binh (丑兵 - Sửu binh, 1982), Vì con (为了孩子 - Vị liễu hài tử, 1982), Đường lớn nhặt bông (售棉大路 - Thu miên đại lộ, 1983), Gió thổi trên đảo (岛上的风 - Đảo thượng chi phong, 1984), Sông ở trong mưa (雨中的河- Vũ trung đích hà, 1984)… mô tả cảnh vật nông thôn cổ xưa qua lăng kính của tuổi thơ. Nhưng phải đến truyện dài Củ cải đỏ trong suốt (透明的红萝卜- Thâu minh đích hồng la bốc, 1985), được đăng tải trên tạp chí Trung Quốc tác gia và in thành sách ở nhà xuất bản Tác gia xuất bản xã ông mới gây được sự chú ý trên văn đàn. Từ đây bắt đầu xuất hiện bút danh Mạc Ngôn do ông tách chữ Mạc 谟 trong tên ông có nghĩa là “cơ mưu” thành hai chữ 莫 Mạc (không có) và 言 Ngôn (lời nói), ngụ ý là không nên nói nhiều, như lời cha mẹ dặn.

Năm 1986: Cao lương đỏ

Năm 1986, Mạc Ngôn cho ra mắt tiểu thuyết Cao lương đỏ (红高粱) gây xôn xao dư luận, được độc giả bình chọn là “Tác phẩm tôi yêu thích nhất năm 1986”. Đây là hồi ức của người xưng ''tôi'' kể về chuyện đời oai hùng và chuyện tình kì lạ của ông bà nội mình - Từ Chiếm Ngao và Đái Phượng Liên – trong bối cảnh của miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa vào những năm 1920 - 1930. Cô gái xinh đẹp Phượng Liên vừa tròn mười sáu tuổi bị cha mẹ tham giàu gả cho con tài chủ họ Đơn bị bệnh hủi. Đoàn đưa dâu trên đường về nhà chồng gặp bọn cướp chặn đường, anh phu kiệu Từ Chiếm Ngao(2), vốn nguyên là thổ phỉ, đã dũng cảm chống trả; từ đó cô có cảm tình với anh. Hai đêm tân hôn với chồng, nhờ có con dao nhọn giấu sẵn trong người, cô vẫn giữ được mình trinh nguyên. Ba hôm sau, Từ Chiếm Ngao chặn đường bắt cóc Phượng Liên khi cô về thăm bố mẹ, và nghe tiếng gọi của tình yêu cuồng nhiệt, hai người ân ái giữa cánh đồng cao lương. Khi quân Nhật xâm lược kéo đến tàn phá quê hương, Từ Chiếm Ngao tập hợp nghĩa quân chống giặc, trở thành một Tư lệnh anh hùng của quân du kích. Phương Liên cũng trở thành du kích cùng chiến đấu bên cạnh Từ Chiếm Ngao, và một lần bà đã đón nhận cái chết thật nhẹ nhàng, thanh thản… Các nhân vật trong Cao lương đỏ đầy khí phách, sống ngang tàng và lạc quan như những ngọn cao lương vút thẳng tắp lên trên bầu trời Cao Mật - một nét điển hình sẽ lặp lại trong nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn. Với họ, cao lương là cuộc sống, là khí trời, là tình yêu, là tất cả. Cao lương là nơi họ trở thành kẻ cướp, thổ phỉ, cũng là nơi họ trở thành anh hùng cứu quốc, là không gian để họ yêu, họ chết… Cao lương đỏ là tác phẩm thuộc dòng văn học "phản tư" của Trung Quốc, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, nhìn lại cha ông và nhìn lại chính mình và là cuốn sách mở đầu cho bộ tác phẩm Gia tộc Cao lương đỏ (红高粱家族 - Hồng cao lương gia tộc) gồm Cao lương đỏ, Rượu cao lương, Nhà quàn cao lương, Cẩu đao, Da chó. Tác phẩm  được giải thưởng văn học Mao Thuẫn năm 1985 - 1986, giải thưởng văn học quốc tế của Italia năm 2005. Bộ phim cùng tên do Trương Nghệ Mưu chuyển thể từ tác phẩm này đã đoạt giải Con Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 1988 (*).

Từ năm 1987: Giai đoạn sáng tác sung sức

Năm 1987, truyện dài Hoan lạc (欢乐) của Mạc Ngôn đăng tải trên tạp chí Nhân dân văn học, kể về một thanh niên rời quê nhà ra thành phố, nơi diễn ra những niềm hoan lạc điên cuồng của thời mở cửa và cả những suy ngẫm của thân phận con người. Tác phẩm nhận được nhiều bình luận từ phía người đọc và nhà phê bình. Mùa thu cùng năm, tiểu thuyết Châu chấu đỏ (红蝗 - Hồng hoàng), một câu chuyện kì lạ và táo bạo về tính dục thể hiện một phong cách viết dữ dội và tinh thần mãnh liệt của ngòi bút tác giả. Châu chấu đỏ cùng với Cao lương đỏ, Củ cải đỏ trong suốt tạo thành bộ ba tác phẩm Mạc Ngôn tam hồng làm nên “hiện tượng Mạc Ngôn”. Năm 1989, tiểu thuyết (tạm dịch) Hình chó trắng trời thu (白狗秋千架 - Bạch cẩu thu thiên giá) của ông được giải thưởng của báo Đài Loan. Mùa xuân năm 1991, ông sáng tác truyện vừa Hoa bông trắng (白棉花 - Bạch miên hoa) là thiên sử thi về cây bông và số phận những con người gắn bó với cây bông trên vùng đất quê hương nhà văn. Gặp lại chiến hữu (战友重逢 - Chiến hữu trùng phùng)(3) là tiểu thuyết viết về số phận những người lính trong cuộc chiến tranh nơi biên giới Trung - Việt. Năm 1893 là thời điểm ra đời một trong những tác phẩm được đánh giá cao của Mạc Ngôn là Tửu quốc (酒国).

Năm 1995: Phong nhũ phì đồn

Tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn (丰乳肥臀)(4) ra đời vào tháng 9 năm 1995 và ngay trong năm ấy được trao giải thưởng cao nhất về truyện, nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học ở Trung Quốc. Tác phẩm khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa từ đầu thế kỉ XX tới những nãm mở cửa cuối thế kỉ thông qua số phận các thế hệ một gia đình. Lỗ Toàn Nhi là một cô gái nhà quê, 16 tuổi lấy chồng là Thượng Quan Thọ Hỉ; mẹ chồng khát cháu trai nối dõi tông đường nhưng vì chồng bất lực nên Lỗ Toàn Nhi lấy giống đàn ông thiên hạ sinh ra một đàn tám gái, một trai, với đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi giống người. “Phong nhũ phì đồn” là chỉ sự sinh sôi ấy; hình ảnh Lỗ thị là biểu tượng người phụ nữ Trung Quốc trong một xã hội vừa nhiễu nhương vừa coi rẻ nữ giới. Chỉ riêng với sự “phong phì” ấy Lỗ thị đã xứng đáng là một bà mẹ vĩ đại. Còn đám con, được sinh ra trong lúc đất nước đang cơn biến thiên, chia rẽ, họ mỗi người chọn một con đường, một cách sống, một cách chết, đồng lòng hoặc thù ghét nhau theo sự chọn lựa chính kiến trên đường đời khổ ải, nhưng họ có một điểm tựa chung là người mẹ Lỗ thị. Phong nhũ phì đồn ngợi ca thiên chức, ngợi ca cái đẹp của người phụ nữ. Hình ảnh những bầu vú hiện ra khi đứa con trai Kim Ðồng nằm canh mộ mẹ ngước nhìn lên trời gợi nên suy ngẫm “Báu vật trên trời là mặt trời mặt trăng và những vì sao. Báu vật của đời là vú to mông nẩy” – có thể nói, cả lịch sử đất nước được nhà văn tóm gọn trong bốn chữ ấy - phong nhũ phì đồn! Trong tác phẩm này, Mạc Ngôn sử dụng thủ pháp nghệ thuật hòa quyện giữa hiện thực và hư ảo với chằng chịt những mối quan hệ giữa các nhân vật. Trong các năm giao thời giữa hai thế kỉ, nhà văn xuất bản thêm nhiều tiểu thuyết như Trâu (牛 – Ngưu, 1998), Cuộc thi chạy dài ba mươi năm (三十年前的一场长跑比赛 - Tam thập niên tiền đích nhất trường trường bào bỉ tái, 1998), Khóa ngón tay cái (拇指铐 - Mẫu chỉ khảo, 1999), Chú Bảy của chúng tôi (我们的七叔 - Ngã môn đích thất thúc), Con trai kẻ thù (儿子的敌人 - Nhi tử đích địch nhân, 1999)...

Năm 2001: Đàn hương hình

Mạc Ngôn bắt đầu viết tiểu thuyết Đàn hương hình (檀香刑, hình phạt bằng cọc gỗ đàn hương) vào năm 1996, xuất bản năm 2001, năm 2003 giành được giải văn học Mao Thuẫn với 100% phiếu bầu. Toàn bộ tác phẩm gồm ba phần, 18 chương, và mỗi chương đều dùng phương thức nhân vật tự thuật, cấu tứ bắt nguồn từ hí kịch Miêu Xoang, một loại nhạc dân gian rất thịnh hành ở vùng Đông Bắc Cao Mật. Cuốn tiểu thuyết kể về những sự kiện lịch sử xảy ra trên mảnh đất Cao Mật dưới thời nhà Thanh, từ sự xâm lược của các thế lực đế quốc bên ngoài đến sự phản động của quan lại triều đình, tất cả tập trung vào trường hợp oan gia khốc liệt giữa người đàn bà Tôn Mi Nương, một phụ nữ đẹp nổi tiếng, tràn đầy sức sống, và bốn người đàn ông: Tôn Bính - cha đẻ của Mi Nương, trạng nguyên của nghệ thuật hát Miêu Xoang; Triệu Giáp - bố chồng của Mi Nương, trạng nguyên của nghề đao phủ (số đầu người lão đã chặt còn nhiều hơn số dưa hấu trong vùng mỗi năm); Tiểu Giáp - chồng Mi Nương, một anh thợ giết mổ chó đang tập sự để nối nghiệp đao phủ của cha; và Tiền Đình - người tình của Mi Nương, tên quan huyện có tài nhưng bạc nhược. Thông qua thảm kịch trớ trêu và oan nghiệt (cha đẻ của Mi Nương trở thành phạm nhân cuối cùng dưới “nghệ thuật giết người” điêu luyện của bố chồng nàng), nhà văn lên án sự tàn bạo, độc ác của các triều đại phong kiến đã gây nên biết bao sự đau thương, thảm khốc cho mỗi con người và gia đình. Qua Đàn hương hình, người đọc biết được cả lịch sử của các hình thức tra tấn tử hình ở Trung Quốc.

Những năm đầu thế kỉ XXI

Bước sang thế kỉ mới, Mạc Ngôn tiếp tục tạo được dư luận trong giới phê bình văn chương. Trong cuốn tiểu thuyết Bốn mươi mốt phát đạn pháo (四 十一炮 - Tứ thập nhất pháo, 2003), bằng góc nhìn của một đứa trẻ, nhà văn thuật lại những thay đổi của nông thôn Trung Quốc trong thập kỉ cuối của thế kỉ XX, vừa có ý nghĩa hiện thực vừa phản ánh ảo tưởng của trẻ thơ. Tác phẩm được đánh giá nhiều sáng tạo về ngôn ngữ và mang đậm tính thời đại. Năm 2006, ông xuất bản Sống thác đọa đày (生死疲劳 - Sinh tử bì lao) kể về lịch sử nông thôn Trung Quốc trong suốt 50 năm cuối thế kỉ XX, đặc biệt xoay quanh đề tài quan hệ giữa nông dân với đất đai. Người kể chuyện trong tiểu thuyết chính là Tây Môn Náo - một địa chủ của làng Tây Môn - bị bắn chết trong đợt cải cách ruộng đất và liên tục trải qua sáu kiếp luân hồi: Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu, Tây Môn Lợn, Tây Môn Chó và Tây Môn Khỉ. Trong thân xác loài vật, linh hồn của Tây Môn Náo đối thoại với trần gian, với những phận người buồn bã trong bối cảnh xã hội trải dài từ thuở cải cách ruộng đất qua cách mạng văn hóa đến năm đầu thế kỉ mới, tất cả đều lăn lóc trong sự tranh chấp giữa tình yêu và quyền lực, danh lợi và lương tâm. Tiểu thuyết Ếch (蛙) của ông được xuất bản vào những ngày cuối năm 2009 với cốt truyện xoay quanh cuộc đời và công việc của nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông thôn Cao Mật phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá thai. Ở tác phẩm này Mạc Ngôn lại có sự đổi mới phong cách viết và nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả Trung Quốc.

Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt và được đón nhận nồng nhiệt.



Một số bản dịch tiếng Việt:

- Cao lương đỏ, Lê Huy Tiêu dịch, tái bản nhiều lần.

- Báu vật của đời, Trần Đình hiến dịch, tái bản nhiều lần.

- Đàn hương hình, Trần Đình Hiếu dịch, tái bản nhiều lần.

- Rừng xanh lá đỏ, Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn Học, 2003.

- Truyện, Lê Bầu dịch, NXB Văn Học, 2004.

- Bốn mươi mốt chuyện tầm phào, Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn Học, 2004.

- Tửu quốc, Trần Đình Hiến dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2004

- Tạp văn Mạc Ngôn, Võ Toán dịch, NXB Văn Học, 2005.

- Chuyện của cậu bé hay nói khoác, Nguyễn Thị Thại dịch, NXB Lao động, 2005.

- Chuyện văn và đời, Nguyễn Thị Thại dịch, NXB Lao động, 2005.

- Tổ tiên có màng chân, Thanh Huệ, Bùi Việt Dương dịch, NXB Văn Học, 2006.

- Sống đọa thác đày, Trần Trung Hỷ dịch, NXB Phụ Nữ, 2007.

- Thập tam bộ, Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2007.

- Tứ thập nhất pháo, Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2007.

- Con đường nước mắt, Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn Học, 2008.

- Ma chiến hữu, Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn Học, 2008.

- Bạch miên hoa, Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn Học, 2008.

- Hoan lạc,  Trần Trung Hỷ dịch, NXB Văn Học, 2008.

 

Chú thích:

(1) Nicolai Ostrovski (Николай Островский): Nhà văn nổi tiếng Liên Xô, được xem là biểu tượng của niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới, tác giả của tiểu thuyết  Thép đã tôi thế đấy được thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ say mê.

(2) Tên nhân vật này có dịch giả phiên là Dư Chiêm Ngao.

(3) Cuốn sách Chiến hữu trùng phùng được dịch sang tiếng Việt là Ma chiến hữu (Nhà xuất bản Văn Học, 2008) với cách làm bìa và quảng cáo cẩu thả, lệch lạc đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận bạn đọc.

(4) Phong nhũ phì đồn nghĩa là Vú to mông nẩy, khi dịch sang tiếng Việt do yêu cầu của cơ quan quản lí văn hóa dịch giả phải đổi thành Báu vật của đời.

(*) Trong nguyên tác, tác giả ghi nhầm là phim này được giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes năm 1994, ở đây chúng tôi sửa lại chi tiết này cho đúng (Diễn Đàn, 15.10.2012)

Nguồn : Trích từ tập sách 108 nhà văn thế kỉ XX-XXI, Đoàn Tử Huyến biên soạn, nxb Lao Động – TT VHNN Đông Tây, 2012, với sự cho phép của tác giả.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us