Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Chị Mai Ninh

Chị Mai Ninh

- Mạch Nha — published 29/01/2025 23:15, cập nhật lần cuối 28/03/2025 11:15

Chị Mai Ninh


Mạch Nha



Ngày mới quen, nội cái tên chị đặt cho hai cô con gái không thôi đã khiến em «Ồ!». Đan Thu và Âu Lan. Thật thơ! Thật lạ! Tên chị cũng lạ. Profil cũng lạ. Nhà vật lý học làm việc cho trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS), nghe gồ ghề, tưởng khô khan công thức nhưng lại là một văn nhân người mảnh, hồn thanh, văn tình.


Những năm tháng tham đọc và viết cho nhau ấy, chữ Việt không bỏ dấu mà mail quấn miết mail. Không cắt đuôi thì lắm chuỗi mails dài mấy cây số có dễ ! Tình trạng «Sous le charme» kéo dài, tình bạn si mê pha chút tính chiếm hữu y hệt tình trai gái, khác biệt duy nhất là không có cái vụ kia. Và hơn tình trai gái ở chỗ có nhiều chuyện chỉ có người cùng giới mới có thể hiểu nhau, nói được với nhau. Thời ấy chưa có emoji, chỉ có chữ. Chữ cười mỉm, chữ khóc oà, chữ nôn nao, chữ mong mỏi, chữ nhõng nhẽo, chữ ăn ý, chữ ngóng, chữ lo, chữ hờn, chữ a, á, ớ, ù, ờ…


Hai mươi năm trước, khi nụ cười còn tươi từ trong mắt tươi ra thì bụi lưu cữu cũng đà kha khá. Chị viết:« Em là nắng mai, chị cỏ úa trong vườn.». Em lóc cóc: «Sáng đọc buồn, chiều đọc lại cũng buồn!» Chị gõ lại : «Khi viết không buồn, đọc lại buồn!» Rồi chẳng biết đặt tựa là gì cho bài thơ bốn tay, thôi thì gọi đại nó là Những Chữ Rồi Cũng Giống Nhau, chịu không ? Ok, nghe sắc sắc không không ra phết, mà em thì đang khoái khẩu món này. Chị không nói gì thêm, viết một cái mail khác, chỉ em cách đổ bánh bèo ngọt. Ăn cho nó bớt…tửng.  


Hai chị em ngồi nghe chị Hồng Anh vừa chơi tây ban cầm vừa hát nhạc Trịnh Công Sơn, chị bảo: «Thích bài này ghê!» Có chút bồi hồi trong phút chia tay…Có chút lệ nhòa trong lúc hôn nhau… Có chén rượu chờ trong quán đêm đêm… Có những bạn bè xanh như người bệnh… Có đếm từng giờ trong khi nằm bệnh… Có nhiều quá, mà toàn có chuyện hổng ham! Cà rỡn, nhưng em cũng thấy thích cả nhạc lẫn lời dù lúc ấy chưa hề ngồi quán rượu đợi ai, chưa nếm trải chuyện vừa hôn vừa khóc và cũng chưa có bạn bè đau ốm. Em đã nghe bài hát bằng trái tim tươi trong thân thể khỏe. Chị khác, nét mặt nghiêm và buồn.


Thời kỳ gián bò đầy đầu, em hỏi khi chúng ta đứng cách nhau 3 bước: «Em chết, chị khóc không?» Chị trầm giọng : «Ai chị thương chị đều khóc.» Gian bếp trong ngôi nhà ở Anguerny lúc ấy tối lù mù. Xế chiều thì phải.


Thời chị ở Caen, một lần bỏ vô hộp thư chị bài tản văn nóng hổi, chị còm ngay lập tức : «Đấy là một khúc hoan ca.» Em sướng rân. Chị dọn về Vũng Tàu, gửi cho chị bài thơ mới ra lò, được hồi âm bằng thơ: «Em như sóng nhỏ trong tim chị, mãi mãi thì thầm tiếng biển xa.» Vẫn sướng, mà hết rân. Rầu rầu sao đó. Có phải vì chữ «xa»? Và, sao không «Em là» mà lại «Em như» nhỉ ? «Em là» nghe phê hơn. Em đã nghĩ vậy nhưng không dám «trao đổi», xưa nay chỉ có chị «đề nghị sửa», không có chuyện ngược lại.


Chị thích biển. Khi cu Chồi lên ba, Quang và em đem nó đi ngắm biển cùng chị và một số bạn bè khác, chúng ta im lặng nhìn tàu về từ khơi rồi lờ lững rời bến như một lẽ thường tình. Sự chấp nhận điều hiển nhiên có đến có đi ấy bị con trẻ làm gián đoạn khi nó quýnh quáng giơ bàn tay nhỏ lên cuống cuồng vẫy gọi: «Tàu ơi, đừng đi!» Chúng ta phì cười.


Thằng bé lên năm, chị bắt đầu về thu xếp lại (*) bằng việc rời bỏ ngôi nhà lớn, dọn về nơi nhỏ gọn hơn. Ngày dọn nhà, chị cầm lên để xuống hết món đồ này đến món đồ kia. Gương mặt như Cá Voi Trầm Sát (**) không bằng. Làm sao bây giờ? Cái gì cũng không nỡ bỏ đi. Em theo chị từ xa lông lên từng phòng ngủ, trở xuống tầng hầm, vòng ra ngoài sân, đáo vào nhà bếp, làm độc giả nín thinh đọc đời sống bao nhiêu năm đổ về trong mắt người dọn nhà. Trời chiều chạng vạng rồi mà dùng dằng vẫn không dứt. Cũng thằng bé kéo chúng ta ra khỏi mộng mị, nó hô lớn : «Vứt!» Chị như sực tỉnh, tuân lệnh sếp, vứt. Nhắm mắt vứt! Không nghĩ gì nữa! Tốc độ dọn dẹp trở nên nhanh gọn hẳn.


Dọn nhà xong, chị thư thả hơn, chúng ta rủ rê nhau in sách chung. Em viết Bụi Lưu Cữu Bay Về Từ Biển Của Người Đàn Bà Ở Lại Trong Ngôi Nhà Không Còn Gì Để Tháo Gỡ, Cả Một Chiếc Bóng Cũng Không. Một người bảo Những Chữ Rồi Cũng Giống Nhau, người kia vẫn lắm lời. Nội cái tựa không thôi đếm hết 28 chữ! Chênh lệch tuổi tác nó vậy. Biết sao!


Chị chơi với bố em, gọi bố là anh. Em đồng trang lứa với các con chị nhưng gọi chị là chị. Tiếng Việt quái đản! Tình bạn lạ thường!


Từ lúc biết bố đau, chị hỏi tin hoài, có chút gì hy vọng, chị mừng, kết quả chụp CT bi quan, chị nói giờ chỉ biết cầu nguyện. Đến thăm khi bố mệt nhiều, chị nói : «Cửa nào rồi cũng phải đi qua, phải không anh.» Bố bước qua cánh cửa cuối cùng ấy, em đổ nhào. Chị và chị Miêng ngồi nghe em khóc suốt buổi xong dẫn em ra phố mua cho cái áo đầm.


Rồi cũng đến lúc em dọn nhà, phải bỏ đi nhiều thứ không còn chỗ để trữ mà chiếc áo đầm bụng tím vai xanh ấy, dẫu bao năm chẳng mặc nữa em vẫn không đành nhặt ra khỏi tủ. Cái rờ-xét chép tay ghi «Bánh mì nướng cua Mai Ninh» và cả «Xôi gấc cụ Hoàn», em vẫn ép trong cuốn sổ ghi chép cũ. Giấy ố vàng trêu ngươi thời đại 5G. Em nhớ hôm ấy, sau khi bảo phải dùng trôn bát ịn xôi cho đẹp, chị dặn dò thêm: «Rờ-xét của cụ Hoàn hàng xóm chị đó. Hoàn không có g nghe !» «Xôi mới quan trọng chứ cụ Hoàn có g hay không g, who cares!» Em ngổ ngáo, chị cười tóe trong điện thoại.


Giữa hè năm nay, bạn bè dặn nhau chuẩn bị tinh thần, chị mệt nhiều và muốn bỏ cuộc, vạn nhất mà…thì viết một bài. Em ước làm đứa trẻ lên ba, muốn hét lên: «Tàu ơi, đừng đi!» thì cứ hét chứ không chỉ im lặng chịu trận.


Đã từ lâu, em đồng ý với chị, Những Chữ Rồi Cũng Giống Nhau. Điều chị cần bây giờ là Morphine chứ không phải là chữ. Em viết những dòng chữ này cho ai! Để làm gì ? Người em muốn gửi mỗi khi viết xong cái gì đó là chị. Em thích được chị đọc và bảo em nên thêm dấu phẩy chỗ này, bớt một chữ chỗ kia để mạch văn hay hơn. Hôm qua, gửi cho chị ảnh chụp hoa sen nở mùa hè trong sân chùa Tō-ji, nơi em vừa đi qua, chị còn không xem nổi huống hồ chi chữ.


Chẳng phải chị đã từng an ủi em rằng cơ thể luôn tiếp tục tái tạo tế bào mới và rồi mọi sự sẽ tốt lên? Em không muốn những đoá sen tươi phải chờ lâu trong hộp thư đâu.


Trung tuần tháng tám, 2024

Mạch Nha

_____________________


(*) Về thu xếp lại, ca từ bài Chiếc Lá Thu Phai, Trịnh Công Sơn

(**) Cá Voi Trầm Sát, tựa truyện Mai Ninh  


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us