Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Một bộ óc lớn đã ngừng tư duy

Một bộ óc lớn đã ngừng tư duy

- Tương Lai — published 12/06/2008 12:38, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Tưởng nhớ anh "Sáu Dân"



MỘT BỘ ÓC LỚN ĐÃ NGỪNG TƯ DUY


Tương Lai


Làm sao lấp được nỗi trống trải quá lớn này khi không thể lẩn tránh được sự thật nghiệt ngã về việc ra đi của con người ấy lại đúng vào lúc này, lúc mà dân tộc đang cần ông, nhân dân đang kỳ vọng ở ông. Một nỗi đau cứ gậm nhấm, giằng xé không sao dịu đi được. Nhưng liệu có đúng là bộ óc lớn Võ Văn Kiệt đã thật sự ngừng tư duy khi trái tim lớn ấy đã ngừng đập? Có lẽ vừa đúng vừa không đúng.

Đúng, vì không ai thoát khỏi quy luật của sự sống và cái chết. Có nỗi đau dày vò khi một người như vậy lại đột ngột nằm xuống. “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, câu thơ mộng mị của người nhạc sĩ tài hoa mà bình sinh ông Sáu Dân hết mực yêu thương ấy cứ như vận vào sự nghiệt ngã của thân phận con người, bất kể họ là người bình thường vẫn gặp gỡ hằng ngày hay những vĩ nhân từng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử.

Nhưng không đúng, nếu hiểu rằng tư tưởng khi đã thâm nhập được vào quần chúng, sẽ trở thành sức mạnh vật chất. Sức mạnh ấy sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển. Và rồi, động lực ấy sẽ không ngừng vận động. Quá trình vận động ấy sẽ là quá trình không ngừng nảy nở, thanh lọc, loại bỏ trong sự nâng cao và thăng hoa. Mà ngẫm nghĩ kỹ, những gì mà bộ óc lớn ấy có được chính là nhờ vào ý chí và trí tuệ của nhân dân mà Võ Văn Kiệt đã hấp thu được qua sự gắn bó máu thịt với cội nguồn đó suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhờ tính chất “Dân” đó mà Sáu Dân trở thành chính mình, tạo nên dấu ấn của riêng mình trong cuôc đời này. Môt nhà lãnh đạo có thể ra đi, đi tạm thời hay đi vĩnh viễn, nhưng nhân dân thì bất tử. Những ai mà tư tưởng được hình thành và phát triển từ nguồn mạch nhân dân, thì nhân dân sẽ biết cách làm cho nó sinh sôi nảy nở trong sự sống bất tận của dân tộc.

Những người đã từng biết về Võ Văn Kiệt thì đều hiểu rằng nét nổi bật của con người ấy là sự gắn bó máu thịt với mạch sống dân tộc. Nhờ sự gắn bó với cuộc sống hàng ngày của dân, khi giữ trọng trách bí thư của một thành phố vừa mới giải phóng với bao bề bộn, ngổn ngang, cũng như khi nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu Chính phủ đối diện với những thách đố cam go, ông đã biết phải chọn ra cái gì là khâu đột phá, tập trung vào đó để mở lối ra. Chọn được mũi đột phá vì ông vững tin và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, phát hiện được kịp thời nhưng sáng kiến của quần chúng, đến tại chỗ tìm hiểu, thu nhận kiến thức và kinh nghiệm, chú ý kiểm tra tính xác đáng của từng chủ trương từ những phản hồi của thực tiễn. Con người ấy không thích nói lý thuyết, không phải vì ông coi thường lý luận, mà vì ông tin rằng, từ hoạt động thực tiễn mới nảy sinh ra những chất liệu sống của những quyết sách đáp ứng đúng quy luật của đời sống. Với ông, quy luật ấy mới chính là sự đúc kết lý luận giàu hơi ấm của thực tiễn. Con người ông, vì vậy, là con người hành động. Không phải là hành động cảm tính chủ quan, mà hành động sau khi đã lắng nghe nguyện vọng của quần chúng, chân thành và tỉnh táo tranh thủ ý kiến chuyên gia, rồi tự mình, bằng sự trải nghiệm của chính mình mà nắm bắt được mạch sống của đất nước, rồi biết và dám đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định ấy.

Đường dây tải điện Bắc Nam là ví dụ tiêu biểu về dấu ấn Võ Văn Kiệt đã tạc vào đất nước, in đậm trong lòng dân. Và trong lòng dân, việc rạng sáng sau ngày đóng cầu dao dẫn điện đường dây tải Bắc Nam ấy, người đứng đầu Chính phủ đã vào trại giam thăm hỏi, tặng huy hiệu kỷ niệm đầu tiên công trình lịch sử này cho người có công lớn nhưng lại đang phải thụ án tù. Vị Thủ tướng đã mở sâm banh chúc mừng ông nguyên Bộ trưởng ngành điện ngay trong phòng giam. Một ứng xử chưa có tiền lệ thấm đẫm tính nhân văn và tinh thần nghĩa hiệp rất Nam Bộ của tính cách Sáu Dân. Ứng xử ấy, tinh thần ấy không thể có, nếu không có một bản lĩnh dám chịu trách nhiệm đến cùng làm cho hình ảnh Võ Văn Kiệt sống mãi trong lòng dân. Mà khi đã nằm trong lòng dân thì bất tử.

Bằng bản lĩnh của người hiểu rõ sứ mệnh trước nhân dân mình, Võ Văn Kiệt tìm mọi cách để gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi, thảo luận với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, những đồng sự trong cấp lãnh đạo, những cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương, những trí thức, những người hoạt động lý luận, những nhà giáo dục, những nhà khoa học, đặc biệt là các nhà kinh tế, các doanh nhân, những nhà văn hóa, những luật gia, nhà sử học, văn nghệ sĩ…

Ông không đến với họ chỉ với tư cách là Thủ tướng, ông đến với họ như một người bạn biết lắng nghe, học hỏi và chia sẻ. Vì vậy mà ông tích lũy cho mình những hiểu biết, những tri thức phong phú thật sự cần thiết cho việc hoàn thành trọng trách nhân dân đã trao cho ông. Một số quyết sách từ cương vị Thủ tướng của ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trong đời sống của đất nước, tạo dựng được nền móng kinh tế và xã hội của sự nghiệp Đổi Mới. Điều này không phải chỉ nhân dân ta ghi nhận mà dư luận quốc tế cũng đánh giá cao cống hiến của ông. Đưa tin chỉ mấy tiếng sau khi ông từ trần, Đài BBC gọi Võ Văn Kiệt “là kiến trúc sư của công cuộc Đổi Mới ở Việt Nam”.

Khi rời khỏi trọng trách người đứng đầu chính phủ, và ngay cả khi không còn giữ nhiệm vụ cố vấn BCHTƯ, con người ấy không một phút giây ngừng nghỉ cho đến khi đột ngột phải nằm xuống. Sức hút Võ Văn Kiệt là sự tỉnh táo và năng động trong ứng xử trước mọi tình huống, mạnh mẽ và sáng tạo trong tư duy với tuổi đời, tuổi Đảng đã vượt cái ngưỡng phải dành thời gian cho công việc để nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Chuyện ấy không những xa lạ mà là “kỳ cục” với ông, như cách ông đã bộc bạch với bạn bè và người thân.

Những người có may mắn gần ông, hiểu việc ông làm, biết mục tiêu cao cả mà ông nhẫn nại và kiên trì dũng cảm thực hiện, theo không kịp tốc độ dẻo dai và cường tráng của bước chân ông trong những chuyến đi về các địa phương trong cả nước, song hành với tốc độ của mạch tư duy mới mẻ, hiện đại không có chút hơi hướng nào của tuổi ngoài 80 mà bạn bè gọi đùa là “U90”, đã thường nói với nhau hết sức ngạc nhiên không hiểu ông Sáu Dân lấy đâu ra một nghị lực sung mãn đến vậy.

Đọc, ông cũng đọc rất nhiều với những ghi chú cần thiết giữ nhịp cho sự tìm tòi và suy ngẫm. Nghe, ông cũng nghe rất chăm chú và kỹ lưỡng những ý kiến của người đang nói chuyện để hiểu họ, hiểu cuộc sống, và tích lũy cho mình những hiểu biết. Với ông, không có độc thoại áp đặt và ban phát tư tưởng, chỉ có đối thoại để chân thành và nghiêm túc lắng nghe nhằm làm sáng tỏ chân lý cuộc sống. Ông không ngại thẳng thắn tranh luận, nhưng cũng biết chờ đợi và cảm thông. “Ai cũng có những phút bực dọc mất bình tĩnh, nhưng do không nắm chắc được thông tin nên đâm ra phiến diện và hạn chế trong cách nghĩ, cách phản ứng. Mình phải biết chờ đợi họ, cung cấp thông tin cho họ, có vậy mới đoàn kết và khai thác được sự đóng góp của họ và cũng là giúp đỡ họ”, ông căn dặn những người cùng làm việc khi gặp gỡ, đối thoại với anh em ở xa mới về.

Vì thế mà ông có rất nhiều bạn. Bạn theo đúng ý nghĩa của chữ ấy. Bạn trong nước và bạn quốc tế. Bạn cùng lứa tuổi và bạn vong niên. Họ đến với ông thoải mái thân tình, vượt qua mọi câu nệ khi tìm gặp một vị cựu Thủ tướng. Những “Hai Lúa” của miệt vườn đồng bằng Sông Cửu Long thoải mái bộc lộ những bức xúc, những dự định của họ. Đồng bào người Dao ở thung lũng Điện Biên tít tắp Lai Châu, Tây Bắc phải di dời lên nơi ở mới nhường đất cho công trình xây dựng thành phố Điện Biên, họ lập hợp tác xã mới và mời ông làm xã viên danh dự, thân tình coi ông như người nhà. Ông Sáu cứ phàn nàn mãi là trong chuyến đi vừa rồi, ông đã lỡ hẹn với họ một chuyến về thăm.

Ông có thể bỏ bữa cơm nhà để nhận lời mời đến bữa nhậu ngẫu hứng của một vài văn nghệ sĩ quen biết. Cánh khách nhậu bữa ấy thật bất ngờ khi ông có mặt chỉ sau 30 phút được mời, vừa thân tình ngồi xuống ghế vừa nói “sợ các cậu đợi lâu mất hứng”!

Chuyến đi thăm các tỉnh miền Trung sau những tàn phá nặng nề của bão lũ vừa rồi, ông dừng lâu ở xóm công nhân lao động hỏi cặn kẽ bữa ăn, chỗ nằm, điều kiện làm việc và sinh hoạt sau cả ngày lao động căng thẳng. Đi về, ông gặp những người làm xã hội học mà ông quen biết để yêu cầu tiến hành một cuộc khảo sát nghiêm túc về đời sống người lao động ở các khu công nghiệp nhằm hình thành những kiến nghị cụ thể gửi cho ông để ông chuyển đến những người có trách nhiệm.

Với ai, ông cũng tìm được cách gợi mở để họ nói lên ý nghĩ và trình bày chính kiến, những cái đó làm giàu có thêm tư tưởng của ông, tiếp thêm năng lượng cho dòng tư duy mạnh mẽ của ông, khiến ông có thể bắt kịp nhịp sống của đất nước, của thời đại. “Mừng quá, tư duy của ông ấy vẫn mạnh mẽ, quyết liệt, vừa nhuần nhị chất truyền thống, vừa mới mẻ tính hiện đại”, đó là nhận xét của một nhà trí thức nước ngoài trong bữa cơm thân mật sau buổi làm việc mà ông ân cần căn dặn phải thật tế nhị, đạm bạc nhưng thật chu đáo và thân tình.

Ông có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với nhiều nhà lãnh đạo của nhiều nước Châu Á và thế giới, trong đó có những nguyên thủ quốc gia đã là những người bạn chí thiết của ông. Ông cũng không bỏ lỡ dịp gặp gỡ đại diện của các tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa khu vực và toàn cầu, các chính khách, nhiều nhà trí thức, nhà báo nước ngoài khi ông còn tại nhiệm cũng như khi ông lui về. Điều ấy đã giúp ông cập nhật và làm phong phú thêm, mới mẻ thêm tri thức và kinh nghiệm hoạt động ngoại giao để trao đổi với những người có trách nhiệm. Đối ngoại dân tộc là tư tưởng chỉ đạo trong chính sách và hoạt động đối ngoại mà ông tích lũy được, xem lợi ích dân tộc là tối thượng, lấy phục vụthúc đẩy kinh tế làm nhiệm vụ chính yếu trong khi phát triển mạnh mẽ quan hệ bạn bè và đối tác tin cậy của mọi quốc gia, trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Bề dày kinh nghiệm và tri thức trong hoạt động đối ngoại của ông là vốn quý của đất nước mà những người có hiểu biết hết sức trân trọng.

Vốn quý ấy cũng như tri thức quản lý và những hiểu biết phong phú của ông về văn học nghệ thuật được tích lũy từ sự đào luyện trong cuộc sống từ những bước đầu của người thanh niên nông dân tình nguyện dấn thân theo gương các chị, các anh tham gia “Nam Kỳ Khởi nghĩa” những năm 1940, rồi trưởng thành dần lên thành người cán bộ trung kiên của Đảng. Ngót nửa thế kỷ trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến hai cuộc kháng chiến, con người ấy sống trong lòng dân , được dân cưu mang chở che, ông hiểu rõ sức mạnh và trí tuệ của người nông dân cũng như của các tầng lớp nhân dân yêu nước. Quả đúng là nhờ tính chất “Dân” của Sáu Dân, nhờ sự nỗ lực học hỏi cộng thêm một “năng lực trời phú” mà có người dõi theo cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gọi rất đúng đó là “thiên bẩm” của ông, một nông dân chính cống đã trở thành người trí thức với hàm nghĩa đầy đủ và tốt đẹp của danh hiệu “người trí thức”.

Đúng như câu thơ của Việt Phương, người bạn chí thiết và gần gũi của Sáu Dân vừa gửi vào để đọc cho Hiếu Dân, con gái của ông nghe trong giờ phút đau thương này :


Người dân nghèo ít học thành trí thức
Có trong mình người trí thức chân quê
Những mơ ước suốt môt đời hừng hực
Tìm đường đi bằng đức biết lắng nghe

Bộ óc của Sáu Dân là bộ óc của một con người, một người dân, một nhà lãnh đạo, một trí thức. Vì thế, dòng tư duy mạnh mẽ của bộ óc ấy đang sông mãnh liệt hơn bao giờ hết trong mạch tư duy của dân tộc, trong ý chí và khát vọng của nhân dân, đang phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp cao cả của đất nước vượt qua mọi thách thức.

Anh Sáu Dân ơi, xin đọc Anh nghe những lời thơ thiết tha Kính viếng hương hồn anh Sáu Dân của Việt Phương , cũng là lời quặn đau của chúng tôi :

Người có biết đời cần người đến thế
Đời cần người lúc này bao xiết kể
Người đừng đi đừng đi đừng đi…
Người đừng đi đừng rời bỏ đời này

Người còn đây trong tiến trình dân tộc
Những mầm non giàu sức bật vươn lên
Những công trình dở dang cần hoàn tất
Và ánh trăng vằng vặc ở bên thềm

Những hàng me đường Sài Gòn vẫn hát
Dòng Cửu Long đang bát ngát phù sa
Người không đi mà được về bên Bác
Trong bạt ngàn thơm mát những mùa hoa


TpHCM ngày 12.6.2008

TƯƠNG LAI

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss