Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Một kỷ niệm nhỏ về Lê Hồng Hà

Một kỷ niệm nhỏ về Lê Hồng Hà

- Nguyễn Ngọc Giao — published 23/11/2016 16:11, cập nhật lần cuối 23/11/2016 16:11



Một kỷ niệm nhỏ về Lê Hồng Hà


Nguyễn Ngọc Giao


Trước năm 1995, khi dư luận trong nước và ngoài nước nghe tên anh Lê Hồng Hà qua vụ thư của ông Nguyễn Trung Thành yêu cầu chiêu tuyết cho cả trăm nạn nhân của ông Lê Đức Thọ trong vụ « nhóm xét lại, chống Đảng », tôi cũng chỉ biết anh qua vài bài viết mà báo Đất Việt (Canada) đã đăng vào những năm cuối thập niên 1980. Nhưng tôi chưa được gặp anh lần nào : tôi được ông « Sáu Búa » (tên mà người ta gọi đằng sau lưng ông Lê Đức Thọ) ra lệnh cấm cửa từ mùa hè 1982.

Đầu tháng 12.1995, anh Lê Hồng Hà bị bắt sau khi người ta gây ra vụ đụng xe đạp với anh Hà Sĩ Phu, để « phát hiện » ra trong túi xách một bản sao chụp thư (ngày 9.8.1995) của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị ĐCSVN, truy ra anh Nguyễn Kiến Giang, rồi anh Lê Hồng Hà, là người đã chuyền tay bản sao chụp cho anh Nguyễn Kiến Giang. Trong một bản tin của Ban văn hoá tư tưởng (nay là Tuyên giáo), người ta còn hàm ý là từ anh Lê Hồng Hà mà báo Diễn Đàn có được bức thư và công bố trong số tháng 1.1996, khiến cho cả hải ngoại đều biết một tài liệu « tối mật của Nhà nước ». Thế là anh Lê Hồng Hà mang cái tội « tán phát » ra toàn thế giới cái tài liệu tối mật đó. Kẹt cho chính quyền ở chỗ này : ông Kiệt gửi thư cho Bộ chính trị với tư cách một đảng viên, uỷ viên Bộ chính trị, chứ không phải dưới tư cách thủ tướng, do đó lá thư không phải là một văn kiện Nhà nước, càng không phải là văn kiện mang dấu đỏ « tối mật ». Cho nên trong hồ sơ vụ án, người ta không dám để văn bản lá thư. Điều đó không ngăn cấm quan toà sử dụng « điều 4 Hiến pháp » để kết án tù cả ba người, anh Lê Hồng Hà 2 năm tù giam.

Nhân đây, cũng xin mở ngoặc để kể lại trong hoàn cảnh nào, chúng tôi nhận được văn bản Võ Văn Kiệt. Thời đó, Việt Nam chưa nối mạng internet. Qua bưu điện, Diễn Đàn nhận được, cách nhau chừng một tuần, vào đầu tháng 11.1995, hai bản, một gửi từ Hà Nội, một từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là hai bản đánh máy khác nhau, nhưng giống nhau như hệt về nội dung (trừ vài lỗi chính tả). Đó không phải là bản chụp lá thư mang chữ ký của ông Võ Văn Kiệt, mà chỉ là bản đánh máy lại. Bản từ Thành phố, ở cuối, lại chua thêm bốn chữ « Thủ tướng Chính phủ » không có trong bản kia, chỉ đề tên « Võ Văn Kiệt » – chắc là do « cậu đánh máy » thêm vào, vì lý do nào đó.

Tài liệu thực, tài liệu thực nhưng ai đó cố ý thay đổi một số câu chữ, hay tài liệu nguỵ tạo ? Đăng hay không đăng ? Đó là những câu hỏi Ban biên tập phải giải đáp. Nguyên tắc của chúng tôi là chỉ đăng những tài liệu chứng thực. Và trong trường hợp này, không thể kiểm chứng với tác giả và càng không thể xin phép tác giả trước khi đăng. Qua những thông tin và trải nghiệm của chúng tôi lúc đó, thì nội dung và văn phong lá thư « đúng » là ý kiến và phong cách của ông « Sáu Dân » (tất nhiên không chính xác hoàn toàn, ngày nay chúng ta được biết, người chấp bút cho ông là anh Nguyễn Trung). Chi tiết làm chúng tôi « nhảy bước » quyết định, là trong bản Hà Nội, có vài chỗ sửa bằng chữ viết tay, rất giống tự dạng của ông Võ Văn Kiệt mà chúng tôi có được mấy bản thủ bút. Thế là Diễn Đàn đã công bố toàn văn bức thư. Và cũng may là, giống như một số « tài liệu nội bộ » mà chúng tôi đăng trên Diễn Đàn, đó là những tài liệu chính thực, chưa lần nào chúng tôi « mắc mưu » của « cơ quan hữu quan » nào cả.

Tôi bị « cấm cửa » hơn 19 năm : tháng 11 năm 2001, mới đặt chân trở lại Hà Nội. « Thoả thuận » qua một người trung gian gần gũi văn phòng thủ tướng (lúc đó là ông Phan Văn Khải – một phó thủ tướng là ông Nguyễn Tấn Dũng) là tôi « hạn chế » các cuộc tiếp xúc, chỉ gặp những người quen biết. Như đã có dịp viết (khi ông Trần Độ từ trần), tôi chấp nhận « điều kiện » ấy, vì tôi không hề có ý định đi gặp những người không quen (trừ phi bị người ta mời tới « làm việc »), với một biệt lệ, là tôi nói rõ với họ là tôi sẽ đến thăm một người tôi quen nhưng chưa bao giờ được gặp là ông Trần Độ, vì lo rằng một lần sau, ông Trần Độ sẽ không còn nữa.

Rốt cuộc (xem bài Trần Độ, Diễn Đàn số 121, tháng 9.2002), tôi không bao giờ được gặp ông Trần Độ. Nhưng tôi lại được gặp một người « không quen » là anh Lê Hồng Hà. Cũng là tình cờ. Hôm ấy, sau khi gặp phóng viên thường trú của AFP ở phố Tràng Tiền, trên đường về 32 Bà Triệu (nơi vợ chồng tôi thuê phòng của Ban Việt kiều Trung ương), đi ngang qua góc phố Ngô Quyền, tôi bỗng nhớ chị Lê Thi (con gái cụ Dương Quảng Hàm) ở số 62 phố này. Tôi bèn đề nghị với vợ tôi : mình ghé qua chào chị Lê Thi (mà chúng tôi đã mấy lần được gặp ở Paris, Lê Thi là biệt hiệu, tên con gái của chị là Dương Thị Thoa – chị có em gái là nhà báo Dương Thị Duyên, mà tôi có dịp quen biết trong thời gian Hội nghị Paris). Cũng phải thú thực, như tôi đã nói với vợ tôi sáng hôm ấy : « Hi vọng sẽ được gặp cả anh Lê Hồng Hà, chồng chị ».

Chị Lê Thi đi vắng. Khi chúng tôi bấm chuông và bước qua cổng sắt đi vào sân, anh Lê Hồng Hà bước ra khỏi phòng trên gác, đứng ở đầu cầu thang, cho biết như vậy và mời chúng tôi lên chơi. (Khi đứng ngoài cổng, bấm chuông, tôi vô tình để ý thấy có hai người đàn ông đứng ở viả hè, nhìn chúng tôi chú mục). Được gặp anh lần đầu, chưa bao giờ trao đổi thư tín, nhưng câu chuyện trao đổi thân mật, như tiếp nối những lần thăm hỏi trước đó. Không hẹn trước, và cũng sắp có một cuộc hẹn khác, nên chúng tôi không dám ở lâu. Tôi nhớ có kể lại việc báo Diễn Đàn đăng bức thư ông Kiệt và ở phiên toà anh bị « vu oan » là đã « tán phát » cho chúng tôi. Anh cười, nụ cười nho nhã như khuôn mặt,  và nói tiếp chuyện khác. Trước khi chia tay, anh tặng chúng tôi cuốn sách về cụ Dương Quảng Hàm mà con cháu và học trò cũ của cụ vừa xuất bản.

hh2 2009, ảnh LCP

Vài ngày sau, vợ chồng tôi được « mời » tới trụ sở Bộ công an ở phố Hàng Bài không xa đó. Hai sĩ quan, một nam (đại tá – như vậy là ngang quân hàm với đại tá Lê Hồng Hà) một nữ (trung tá) mặc quân phục, nghiêm nghị nói : « Chúng tôi được quần chúng nhân dân báo cáo là ngày…. anh chị đã tới phố Ngô Quyền... ». À ra thế. Tôi xác nhận sự việc mà « quần chúng nhân dân » (mà hai đại diện như vậy đã được cắt cử đứng chực ở trước cổng nhà số 62) đã « báo cáo » cho họ : « Đúng thế, chúng tôi đến thăm chị Lê Thi, chị đi vắng, được anh Lê Hồng Hà tiếp. Anh còn tặng chúng tôi cuốn sách mới ra về cụ Dương Quảng Hàm ». Nhìn nét mặt hơi ngơ ngác của hai đại diện công lực, vợ tôi nhanh nhảu chú thích : « Trung học, tôi học chương trình Pháp, nhưng hiểu biết được về văn học Việt Nam là nhờ cuốn Quốc văn trích diễm của cụ Dương Quảng Hàm »… Buổi « làm việc » kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, khá căng thẳng, nhất là khi họ yêu câù chúng tôi phải « cam kết từ nay không làm gì có hại cho đất nươc, báo Diễn  Đàn không đăng những bài có hại cho đất nước ». Không ai hẹn ai, vợ chồng tôi cùng đập bàn – cũng hơi bất lịch sự, vì họ khá lễ độ – bác bỏ các yêu cầu vô lý ấy : « Chúng tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ làm điều gì có hại cho đất nước. Anh chị đừng nói như vậy ». Rồi buổi « làm việc » cũng kết thúc, êm dịu hơn sau khi họ đã làm điều mà họ được chỉ thị thi hành. Về phần tôi, tôi cũng cẩn  thận nói thêm : khi lên đường về lại Pháp, tôi sẽ kiểm lại hành lý, để tất cả những gì trong va li đều do tôi xếp vào.

Tôi làm đúng như đã nói với hai anh chị ấy. Ở sân bay, qua hải quan, hành lý của chúng tôi cũng không bị khám xét. Về tới Paris, kiểm lại, chúng tôi không thấy thiếu cái gì. Trừ cuốn Dương Quảng Hàm.

Sách do gia đình xuất bản, chủ yếu chắc để tặng bàn bè, nên tôi không tìm mua được một bản khác. Hy vọng một ngày kia về Hà Nội, chị Lê Thi còn bản nào cho tôi. Và hy vọng, bản mà anh Lê Hồng Hà cho chúng tôi cũng sẽ giúp được những ai có cuốn sách trong tay, có thêm hiểu biết về văn học Việt Nam.

Chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn, mà tôi muốn nói tới để kết thúc bài này là chuyện khác. Năm 1946, sang thăm nước Pháp, Cụ Hồ lại thăm người bạn quen từ những năm 1920, là Pablo Picasso (xem Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày). Vừa tiếp chuyện, Picasso vừa vẽ ký hoạ chân dung Hồ Chí Minh rồi ký tặng. Cụ Hồ trao bức hoạ cho thư ký riêng đi cùng là ông Vũ Đình Huỳnh. Hè năm 1967, ông Huỳnh bị bắt trong vụ « xét lại chống Đảng » đã nhắc ở trên. Sáu năm tù, ba năm quản chế, không xét xử, không bản án. Khi đến bắt, công an khám nhà, tịch thu tất cả những hình ảnh, tài liệu liên quan tới Hồ Chí Minh. Chân dung Hồ Chí Minh, ký hoạ của Pablo Picasso, biến mất từ đó.

Lãnh đạo hiện nay của ĐCSVN còn nợ các nạn nhân, còn nợ nhân dân sự thực về án oan « xét lại chống Đảng ». Và còn mắc nợ nhân loại bức ký hoạ Picasso nữa đấy.

Nguyễn Ngọc Giao




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us