Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Một nén hương cho ba

Một nén hương cho ba

- Từ Huy — published 24/06/2010 08:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Một năm qua, ngày nào tôi cũng nói chuyện với ba, điều lẽ ra tôi phải làm khi ba còn sống. Ngày của tôi bắt đầu cùng với cái nhìn của ba, cái nhìn có rất nhiều sắc thái trộn lẫn vào nhau trong sự nổi trội của nét nhân hậu bao dung.


Một nén hương cho ba




Từ Huy


Ngày ba mất, tôi nghĩ rằng không cần phải cầu cho linh hồn ba siêu thoát, dù mẹ đã làm tất cả những gì có thể. Bởi lẽ, thật đơn giản, ba đã siêu thoát ngay khi còn sống. Ba, người không vẩn đục bao giờ. Thầy Lê Thái Phong, bạn ba và thầy tôi, đã nói như vậy. Ba có thể âu lo, đau đớn, dằng xé, cay đắng, tức giận, sợ hãi nữa, nhưng không vẩn đục. Thanh khiết. Thanh khiết cả nơi nét mỉa mai, vừa có gì ngạo nghễ, vừa có gì xót xa, còn đọng lại trên nụ cười mơ hồ trong khung ảnh.

Không còn ba. Cần phải làm quen với cảm giác rằng từ nay chúng tôi sẽ vĩnh viễn thiếu bàn tay run run của ba, thiếu những câu đùa tếu, thiếu giọng đọc thơ truyền cảm, thiếu những bình luận đau đáu về thế sự, thiếu nụ cười và đôi mắt tinh anh thỉnh thoảng vẫn ngân ngấn nước của ba.

Một năm qua, ngày nào tôi cũng nói chuyện với ba, điều lẽ ra tôi phải làm khi ba còn sống. Ngày của tôi bắt đầu cùng với cái nhìn của ba, cái nhìn có rất nhiều sắc thái trộn lẫn vào nhau trong sự nổi trội của nét nhân hậu bao dung.

Giờ đây trong những ngày không ba, tôi hình dung lại những tháng năm ba đã sống để hiểu ba. Ba đã dùng toàn bộ cuộc đời để viết, dù viết không nhiều. Chỉ để lại một số tác phẩm ít ỏi. Nhưng cuộc đời ba chính là một tác phẩm, theo nghĩa ba dùng nó để bảo vệ những giá trị quan trọng đối với ba. Ba đã dùng chính cuộc đời luôn thua thiệt, cuộc đời thanh sạch, tinh khiết (không có từ nào chính xác hơn những từ đó) để bảo tồn và tạo dựng các giá trị. Ba đã sống như một giá trị. Bằng lối sống của mình, ba chống lại sự băng hoại và tan rã xung quanh. Giống như một cái cây chống lại sự ô nhiễm của môi trường bằng màu xanh của mình và bằng cách toả ra khí oxy. Ba đã sống đúng như những lý tưởng của ông: nhân ái, thẳng thắn, trung thực, liêm khiết, trọng danh dự, bao dung, cao thượng. Chúng tôi đã đi khắp nơi, rồi quay về nhà để thực sự hiểu ý nghĩa của hai từ “ cao thượng ”. Cách mà ba đã sống, đã hành xử với con người, với đời, phải được gọi là như thế: cao thượng. Có những điều ba ghét cay ghét đắng: tham lam, giả dối, nịnh bợ, hèn hạ… Ở ba không có sự thù hận, không có sự đố kỵ. Ba chịu thiệt thòi. Có những thiệt thòi tự nguyện, đó là khi ba chủ động từ chối các quyền lợi mà ông cho rằng nếu nhận sẽ tự làm hạ thấp nhân cách của ông, làm ảnh hưởng đến phẩm giá của ông. Ba đã sống đúng như cái tên của mình: Chính Tâm, một tấm lòng cương trực, trung thực. Ba hoàn toàn xa lạ với những nhỏ nhen tầm thường, ba không biết tới sự ganh tị, hiềm khích và thù hằn càng không. Ba đã sống cuộc đời của một người bình dân, một người thường dân, một cách đặc biệt. Ba là một minh chứng cho sự kết hợp giữa tính chất đặc biệt và tính chất bình dị. Ba đã kiên quyết thực hiện các nguyên tắc sống của mình, đến mức người đời có thể cho là ông gàn dở. Ba hoàn toàn hiểu rõ và sử dụng sự gàn dở ấy như một phương thức bảo tồn nhân cách và phẩm giá, như một phương thức để giữ gìn sự trong sạch. Và chúng tôi tự hào về sự gàn dở của ba. Bạn bè ba đã nhìn sự gàn dở đó như một giá trị. Nhờ nó mà ba có những người bạn tri kỷ: những người giống như ba, những người lặng lẽ làm một cái cây bình dị dùng màu xanh để chống lại sự ô nhiễm. Ba đã không thoả hiệp, chịu đựng rất nhiều nhưng không thoả hiệp. Ba thoát tục ngay giữa cõi đời này. Ba trôi qua cuộc đời, thanh đạm như một làn hương trinh bạch. Cần có bao nhiêu can đảm để có thể sống được như ba? Nhưng có lẽ câu hỏi không phải được đặt ra theo cách ấy. Bởi vì ba đã sống như vậy một cách tự nhiên, không phải cố gắng, như chính ba vốn vậy. Vào thời kỳ khốc liệt nhất của bệnh tật, có lúc ba đoán biết được những nỗi lo âu của chúng tôi, những nỗi lo âu rất đời thường về một mối quan hệ giữa cá nhân tôi và một người nào đó, ba nói: “Hãy cư xử sao cho đáng là một con người!” Giờ đây tôi hiểu rằng ba chọn cách sống ấy, ẩn mình lặng lẽ trong thua thiệt và cách xa vật chất, là để làm một con người theo quan niệm của ba. Ba đã sống với một ý thức đầy đủ rằng cần phải sống như thế nào cho ra một con người. Ba không thể thoát khỏi những hệ luỵ của cả một thời đại, nhưng luôn ý thức đầy đủ về việc LÀM NGƯỜI. Ba muốn chống lại rất nhiều điều : sự giả dối (đầu tiên là nó), bất công, ngang trái, bạo lực, sự độc đoán, sự suy thoái về đạo đức, sự tàn lụi về văn hoá. Và rồi ba hiểu rằng, tôi đoán vậy, ba chỉ có thể chống lại chúng bằng một cách duy nhất: bằng cách tạo ra một hình ảnh đối lập lại với chúng, tạo ra một lối sống đối lập lại với tất cả những thứ đó. Và ba đã làm điều ấy với sự can đảm tự nhiên của mình, can đảm mà không cần phải cố gắng. Tâm hồn ba lan toả một năng lượng huyền bí trong khu vườn của chúng tôi, khu vườn khiêm nhường nơi mỗi cành lá, mỗi gốc cây phả ra sự trong sạch tự nhiên của chúng.

Tính cách đặc biệt của ba có lẽ được di truyền từ ông nội, một người cũng hết sức đặc biệt trong sự bình dị của mình. Một người cũng hết sức cao thượng trong cuộc sống nghèo nàn cơ cực của mình. Ông nội đã vì công việc chung mà đem các con gửi lại cho anh em, sau một đêm “ rũ áo ” ra đi nhận nhiệm vụ được giao. Một tinh thần trách nhiệm như thế, sự vô tư và hào hiệp như thế chỉ có thể là phẩm chất của núi, những ngọn núi tạo thành một vòng tròn xa xa bao quanh ngôi làng đã sinh ra ông nội và ba.

Đám tang ba, những người nông dân có bộ mặt của đồng ruộng, những bộ mặt của cánh đồng ngày hạn hán, họ đứng đón ba, họ chờ đưa tiễn ba. Họ biết ba suốt đời nghĩ về họ, day dứt vì các vấn đề của họ, họ biết ba đã muốn làm nhiều điều cho họ dù không thể. Họ hiểu tấm lòng ba, họ hiểu ba sống là để viết về họ. “ Đồng đất thân quen ”, đó là cái tên ba đã đặt cho cuốn tiểu thuyết của mình. Sau khi lập gia đình, chủ yếu ba sống ở Vinh, một thành phố nhỏ ở miền trung, nhưng tâm hồn ba bay bổng qua nhiều thế giới nhờ kho sách vở mà ba không ngừng bổ sung. Nhưng dù có bay tới những miền đất nào đi nữa thì ba vẫn bị kéo về cái góc làng ấy, nơi đã đón ba vào đời. Cái làng mà từ đó nhìn ra bốn phía đều thấy núi. Núi phải chăng là cội nguồn của sự chính trực và bao dung nơi ba ?

Nhân giỗ đầu ba, 25 tháng 5 Canh Dần

TỪ HUY

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us