Một tấm gương sáng cho thanh niên
NHÀ KHOA HỌC NGUYỄN ĐẠT XƯỜNG
(1914-2006)
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG CHO THANH NIÊN
Võ Quang Yến
Tháng 5 năm 1956, tôi từ Đức về Paris, chạy kiếm một phòng thí nghiệm để dự thảo một luận án tiến sĩ. Vào phòng hóa học hữu cơ viện Radium ở đường Ulm, quận 5, tôi được Giáo sư Bửu Hội tiếp trong một phòng giấy nhỏ hẹp nằm ở đầu phòng. Là người đồng xứ, với lời nhỏ nhẹ, giáo sư giải thích cho tôi trước cần phải dự thảo một văn bằng cao học DES (tiền thân của DEA sau nầy) khoảng một năm học, sau đó mới xin được tương đương văn bằng Đức ở Pháp và giao phó tôi cho người cộng sự, tiến sĩ Nguyễn Đạt Xường. Anh Xường hồi ấy đang còn là Đặc nhiệm Nghiên cứu (Chargé de Recherche) ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp CNRS. Anh không có phòng giấy và tiếp tôi trước một cái bàn nhỏ kê trong hành làng dẫn vào phòng. Là người Nam, anh rất cởi mở, kêu tôi bằng chú và đề nghị tôi gọi lại là anh. Nói cho đúng, lớn hơn tôi 15 tuổi, anh trạc tuổi những người anh của tôi. Anh phân cho tôi một góc bàn làm phản ứng mà tiếng lóng gọi là paillasse (bờ để bát dĩa cạnh bồn rửa chén). Trước mặt tôi là chỗ của anh dược sư Trần Bá Lộc, sau nầy làm Giáo sư y khoa ở viện Đại học Besançon và Chủ tịch Hội các Bác sĩ Việt Nam (Association des Médecins du Vietnam). Bên cạnh tôi có anh kĩ sư Nguyễn Hoằng Nghị sau nầy công tác ở Trung tâm nguyên tử lực CEA. Như tôi, cả hai đều hoàn thành luận án tiến sĩ ở một phòng thí nghiệm khác, nhưng đều có dự đám cưới của vợ chồng chúng tôi năm 1957 mà anh Xường thường khoe đã đứng làm chủ hôn, cảm kích khí khái của chàng trai nhà nghèo, ham học giống mình thời trẻ.
Ông Nguyễn Đạt Xường (bên trái) và ông Bửu Hội (giữa) tại một hội nghị khoa học ở Roma (Ý) năm 1956 (nguồn : ảnh do ông Nguyễn Đạt Xường cung cấp cho tác giả)
Không mất thì giờ, tôi bắt tay ngay vào việc. Mỗi buổi sáng anh Xường ghi vào vở của tôi chất thuốc cần tổng hợp, phản ứng phải thi hành rồi cuối mỗi chiều lại kiểm soát xem công việc đã đến đâu. Cách làm kiểu học sinh trung học nầy có cái lợi là tránh sinh viên buông thả và tự ý muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên tôi thắc mắc là không có một đề tài chính xác, mà lần lượt được giao phó tổng hợp một số các chất naphtyl acetic acid, naphtalen, isatin,… trong chương trình những chất gây ung thư, đủ đề làm những bản báo cáo nhưng không thống nhất thành một đề tài luận văn. Và cái gì phải đến rồi cũng đến : cuối năm thầy Hội và anh Xường bảo tôi cần phải ngồi lại một năm nữa. Cái phiền là không có tiền nhà, không có học bổng, phải đi làm thêm ngoài giờ học như giữ em, dọn bàn,… hay đi hái nho mùa thu truớc kỳ khai giảng, nên thêm một năm học là thêm một năm chạy vạy cực khổ. Qua năm thứ hai, đàm phán mãi đến giữa năm tôi mới có được một điểm chung trong các chất thuốc tổng hợp là nhóm fluor trên các phân tử và đấy là đề tài luận văn cao học của tôi. Trong năm thứ nhì nầy, anh Xường tìm được cho tôi một công việc chế tạo trong một cơ sở thầu lại (sous-traitant) ở Antony làm thuốc nhẹ cân cho các hãng lớn. Vậy là trong mấy tháng liền, buổi sáng tinh sương từ 7 giờ đến trưa, tôi thực hiện các phản ứng trong một nhà kho không sưởi được mệnh danh là phòng thí nghiệm, hai tay cóng cứng những hôm trời quá lạnh, không có chút bảo vệ an toàn sức khoẻ mặc dù vận động những chất độc, để rồi chiều mới đi học cho đến gần giờ đóng cửa của các quán cơm sinh viên. May mà tôi dồi dào sức khoẻ ! Một hôm bị cúm phải nằm ở nhà, hôm sau lại sở tôi thấy một câu anh Xường viết trên cuốn vở của tôi mà hiện tôi còn giữ như một báu vật : « Dans la vie, la réussite est faite de 5% environ d’inspiration et de 95% de transpiration » (Trong đời, sự thành công đạt được là nhờ khoảng 5% cảm hứng và 95% mồ hôi). Lúc còn trai trẻ, bài học nầy thật khó nuốt nhất là mình không phải người lười biếng, nhác học. Nhưng khi về già, nhìn lại đời sống anh Xường, tôi thông cảm thái độ dù bất công của một bậc đàn anh đã từng vật lộn với đời đối với người thanh niên muốn tiến lên trên đường học vấn. Có thể hiểu câu mắng phát xuất từ một tình thương.
Anh Nguyễn Đạt Xường sinh ra ở Trà Vinh ngày 2 tháng 6 năm 1914. Trong những buổi gặp gỡ báo chí ở trong nước sau nầy, anh tự hào cho biết « là mồ côi cha mẹ từ thuở còn nhỏ, anh đã trải qua một cuộc đời hết sức nhọc nhằn, chăn trâu, ở đợ, làm thuê, nhưng vẫn luôn khát khao được học và tìm mọi cách để đi học ». Rời Trà Vinh, anh được học bổng lên học trường trung học Petrus Ký ở Sài Gòn 7 năm để rời trường với mảnh bằng tú tài bản xứ năm 1935. Tuy nhà nghèo, luôn « vẫn chỉ một bộ đồ ka ki mỗi năm một sờn, mỗi năm một ngắn, trông dị hợm » anh luôn học giỏi, đứng đầu lớp, không sờn lòng, quyết chí học và năm nào cũng đạt giải thưởng. Năm 1937, vào tuổi 23, tránh né quan trường thuộc địa, chàng trẻ tuổi ham học thành công lấy tàu thuỷ gần như đi lậu qua Pháp. Ở Paris, anh lần lượt ghi tên học truờng luật rồi trường nha là những ngành quen thuộc thời ấy của những sinh viên nguyên quán thuộc địa, sau cùng theo học những chứng chỉ hóa học ở viện Đại học Quốc gia Nghệ thuật và Nghề nghiệp CNAM, dành cho những người đã đi làm, học lớp buổi tối và cuối tuần, vì bảo đã « nhận thức được ngành hoá là chiếc thìa khoá chủ yếu của thế giới trong tương lai » một hôm lang thang trên đại lộ Boul’Mich xóm La Tinh. Hồi ấy, để có tiền ăn học, anh đã làm nhiều nghề từ quét vườn, bồi bàn, qua nhân viên chạy giấy, đưa thư, chạy vặt. Có lẽ trong dịp nầy anh đã làm quen với cô gái vùng Bretagne (mà anh rất hãnh diện : une bretonne bretonnante !) sau nầy trở thành chị Xường, sinh cho anh ba cô con gái, một bà vợ rất đảm đang nội trợ đồng thời là một phu nhân kín đáo cho nên không bao giờ thấy chị trong những buổi lễ hội, tiếp tân. Trong kỳ thế chiến thứ hai, anh tự nguyện tòng quân vào Trung đoàn 52 bộ binh thuộc địa RIC và giải ngũ với quân hàm thiếu úy. Anh bảo chỉ làm phận sự một công dân Pháp vì anh muốn tỏ lòng biết ơn nước Pháp, một chốn đất lành, niềm nở, thấm đậm những nguyên lý cao thượng về tự do, hào hiệp, nhân đạo. Anh giải thích : bất cứ với một tiềm năng nào của một hột giống Việt Nam, cần phải có nước, có đất mùn tốt, khí hậu thuận lợi ở Pháp, mới nảy mầm, đâm chồi, lớn lên và sản sinh được.
Ông Nguyễn Đạt Xường tại phòng thí nghiệm ở Gif-sur-Yvette
(nguồn : ảnh do ông Nguyễn Đạt Xường cung cấp cho tác giả)
Vào làm việc ở hãng Roussel-UCLAF ở Paris, anh được nhà hoá-dược sư Charles Mentzer (sau nầy được bổ làm giáo sư ở viện Đại học Lyon) đào tạo, hướng dẫn, nhất là trong lãnh vực những coumarin động dục, những vitamin và kháng-vitamin K, những chất mang fluor có hoạt động chống virus,.... Chính ở đây anh đã dự thảo và bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở Sorbonne năm 1947 trên đề tài những chất tổng hợp gây động dục chậm (oestrogènes retard synthétiques). Ngay sau đó anh được tuyển vào Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS, làm trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Bửu Hội ở Viện Radium, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Antoine Lacassagne, Hội trưởng Liên minh Quốc gia Pháp chống Ung thư. Sau đó phòng thí nghiệm dời về Viện Hoá học các Chất Thiên nhiên ICSN ở Gif-sur-Yvette. Tự hào được đào tạo ở Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, nên vào quốc tịch Pháp năm 1954, anh vẫn luôn trung thành với quê hương, tự xưng là một công dân của thế giới thứ ba, luôn sẵn sàng phục vụ đất nước mình và toàn thể những quốc gia đang phát triển. Anh về hưu năm 1979 ở cấp bậc Maître de Recherche tương đương bây giờ với chức Giám đốc Nghiên cứu Directeur de Recherche cấp 2, nhưng vẫn được phép tiếp tục khảo cứu ở Viện Quốc gia Nghiên cứu và Phòng ngừa Lão hoá não INRPVC ở Villejuif rồi ở Phân khoa Dược học tại Châtenay-Malabry. Anh tạ thế ngày 18 tháng 12 năm 2006 thọ 92 tuổi, lúc còn đi lại với phòng thí nghiệm nầy và được an táng ở nghĩa địa Antony. Anh tự hào đã là tác giả hay đồng tác giả 300 công trình nghiên cứu khoa học trong ấy có khoảng 50 bài về hoá học hữu cơ, 65 bài về liệu pháp hoá học và chừng 40 bài về cuộc trị liệu những chứng nấm khuẩn (mycobacterium) như cùi hủi, ho lao.
Ý chí làm thuốc chữa bệnh cứu người của anh Nguyễn Đạt Xường phát xuất từ hồi còn nhỏ. Anh kể chuyện từ Trà Vinh lên Sài Gòn, anh phải đi ngang qua nhiều cửa sông, khúc uốn của sông Cửu Long lấp loáng đằng sau có một trại cùi Cù lao Rồng : anh sửng sờ ghê sợ trước những nạn nhân thua thiệt không may mắn kia hầu như bị phạt nặng suốt đời mặc dầu những thuốc men thuở ban đầu như dầu chùm bao (chaulmoogra), thuốc xanh methylen, và nhất là sự tận tâm của mấy bà xơ dòng Từ thiện. Từ đấy anh ấp ủ trong lòng mong muốn làm thuốc chữa những bệnh của dân nghèo. Gặp Giáo sư Bửu Hội là một may mắn trong đời anh : bắt đầu từ đây anh theo gót ông thầy chế tạo thuốc. Hơn nữa, là người cộng sự đứng đắn, anh cáng đáng mọi tổ chức vật chất trong phòng thí nghiệm, để ông thầy có thì giờ đọc thư tịch, viết báo cáo,… và lo những việc khác ngoài phòng thí nghiệm. Có thể chia những thuốc của anh thành hai nhóm : nhóm thứ nhất là những phân tử nhân tạo tổng hợp có khả năng mang những tính chất dược liệu nhờ có một cấu trúc hay một chức đặc biệt; nhóm thứ nhì là những hoạt chất tìm kiếm trong thảo mộc thường đã được dùng làm thuốc, rồi chiết xuất, xác định cấu tạo để trực tiếp dùng hay nhân tạo tổng hợp những chất tương tự. Phương cách tìm kiếm thuốc mới nầy ngày nay được áp dụng rất nhiều nơi, ở Á Đông cũng như ở bên phương trời Âu Mỹ. Thảo mộc thường được chọn lựa trong các toa thuốc những nước cổ truyền, đặc biệt Ấn Độ và Trung Quốc, hay trong số các cây dân gian châu Phi, Nam Mỹ. Khi có được chất thuốc rồi thì phải tìm phòng thí nghiệm sinh vật học hay công ty dược liệu để xét nghiệm. Và đây là một mặt khác của cuộc khảo cứu chế tạo thuốc. Trong bản kê khai của anh thấy có một số thuốc hiện diện trong Merkx Index và Vidal là hai cuốn sách đầu giường của những hoá sư và bác sĩ, lắm khi cũng thấy kê rõ tên tác giả các chất thuốc.
Trong nhóm thuốc thứ nhất bắt đầu vào khoảng đầu thập niên 50 thấy có tên thuốc Oeplexyl (1950) ứng dụng vào kỳ hậu mãn kinh, và nhất là những thuốc mà ông đã mang nặng trong đầu óc từ thuở thanh niên là những chất chống trực trùng Hansen trong nhóm diamino diphenyl sulfon, Dialide hay diethoxy thiocarbanilid (1950) để chữa phong cùi, sau nầy (1964) anh còn cho ra thuốc Mercapto benzimidazole, Ixoxyl hay Tiocarlide (1953) chữa bệnh lao. Fluorophenyl thiosemicarbazid (1959) là một thuốc sát trùng. Năm 1954, thuốc Frenatol hay paroxypropion ra đời chữa bệnh bướu giáp. Tiếp theo, thuốc chống nấm Atrican hay tenonitrozole được chế tạo (1963) để chữa trị bệnh trùng màng uốn roi đuôi (trichomonase). Satietyl (1964), amphetamin chlorophenoxyacetat (1965) là những thuốc gây biếng ăn (anorexigène) cần thiết cho những ai ăn nhiều và béo mập. Anh Xường không quên nước ta đang còn bị nhiều bệnh dịch ký sinh nhiễm trùng hoành hành như bệnh sốt rét nên anh khảo cứu các chất bêta-resorcylic acid, đặc biệt muối quinin bêta-resorcylat (1996) tác động rất hữu hiệu lên các ký sinh sinh bệnh Plasmodium berghei, P. falciparum. Một vấn đề bận não anh Xường nữa là sự lão hoá, phương cách điều trị những bệnh dính liền với tuổi già, đặc biệt là những chứng thoái hoá như Alzheimer. Chất cholin diethyldithiocarbamat tức DDTC cholin (1987) với khả năng kích thích miễn dịch lớn, chất tetrahydroaminoacridin phenoxybenzoat hay ascorbat (1993) với tác động ức chế cholinesterase, LFL 11 (1989) với phương cách chuyên chở cholin vào thần kinh hệ, THA hay tetrahydroaminoacridin một chất ức chế enzym tố cholinesterase, đã đem lại những kết quả rất đáng khuyến khích. Sau nầy, để đáp ứng yêu cầu của mấy vị lão thành bên nhà, thuốc DDTC cholin được đổi thành Gerontan hay Bảo-thọ để gởi về Việt Nam. Bên lề thuốc men, anh Xường cũng luôn lưu ý đến chuyện ăn uống, biết thưởng thức những món ăn ngon, cho nên khi thấy dầu cà cuống trở thành hiếm có, đắt tiền, anh tiếp tay tiến sĩ Nguyễn Đăng Tâm đã xác định một thành phần chính của dầu, lập chương trình với chị cộng sự Tạ Thu Cúc tổng hợp những chất tương tự phân tử kia nhưng công tác không được đeo đuổi đến cùng.
Bắt đầu từ 1965, phần lớn cuộc khảo cứu của anh chuyển hướng qua phương cách thứ hai : sử dụng những chất thuốc chiết xuất từ thảo mộc. Ba thuốc nổi trội trong số những chất đã được chọn lựa. Chất thứ nhất thuộc nhóm furocoumarin là Psoralene hay Bergaptene chiết xuất từ cây Phá cố chỉ Psoralea coryfolia, thuộc họ Cánh bướm Papilionacea, (cũng có thể chiết xuất từ các cây Citrus bergamia hay Fagara xanthoxyloides) là một thuốc chống bệnh vảy nến (anti-psoriasis), chống bệnh bạch biến (anti-vitiligo), chống u hắc tố (anti-melanoma)… Những bệnh ngoài da nầy phát xuất từ sự rối loạn trong cuộc sản xuất chất sắc màu nâu đen melanin bảo vệ da chống những bức xạ UV mặt trời, đưa đến một tình trạng hỗn độn trong cuộc cấu tạo những tế bào biểu bì. Thuốc có nhiệm vụ thúc tiến cuộc sản xuất melanin. Chất thứ nhì là tabernanthine parachloro phenoxy acetat chiết xuất từ cây Tabernanthe iboga hay cây Pandaca callosa, là một thuốc bổ sức khoẻ, chống mệt mỏi. Anh Xường hãnh diện nhất với chất thứ ba : Celiptium, một thuốc « trị u khối, chữa ung thư đầu tiên của Pháp ». Sự tích thuốc nầy bắt đầu từ giữa thế kỷ 18. Từ năm 1741, nhà thảo mộc người Đức Rumphus đã thấy người dân đảo Moluques dùng nhựa một cây màu vàng, quả đỏ để làm đỡ đau những vết sưng trên mặt và mũi : cây chay lang Ochrosia oppositifolias (họ Trúc đào Apocynaceae). Năm mươi năm sau, một nhà thảo mộc khác, La Billardière, trên đường đi tìm La Pérouse, miêu tả cây Ochrosia elliptica trong vùng Thái Bình Dương. Phải đợi gần một trăm năm sau mới thấy có dược sư Barquissau bảo vệ một luận án ở Montpellier năm 1875 trên đề tài khảo cứu về thảo học, hoá học và dược học cây Ochrosia borbonica là một cây gỗ vàng ở đảo La Réunion. Còn đợi một trăm năm nữa mới có một hoá sư người Úc Dalton chiết xuất những alcaloid trong các cây Ochrosia và tìm ra những tính chất chống u khối của chất ellipticin.
(nguồn : ảnh do tác giả cung cấp).
Công lao của Nguyễn Đạt Xường là chế tạo một dẫn xuất của ellipticin : chất hydroxy ellipticin dưới dạng acetat, mang tên thương mãi Celiptium. Trước anh, năm 1968, Giáo sư Poisson đã chế tạo chất methoxy ellipticin dưới dạng lactat, nhưng bị cho là không ổn định. Đến lượt anh, cộng tác với viện khảo cứu ung thư Gustave Roussy ở Villejuif cạnh Paris và Phòng thí nghiệm dược lý và độc chất cơ bản Toulouse, sau 5 năm tổng hợp và kiểm nghiệm, anh khám phá chất hydroxy ellipticin mãnh liệt gấp mấy trăm lần chất methoxy ellipticin khi thử lên bạch cầu L 1210. Để khảo sát sâu kỹ sự chuyển hoá của thuốc, một cuộc tổng hợp phân tử có đánh dấu C14 được anh cộng sự Nguyễn Văn Bắc thực hiện. Ngay sau đó, thuốc được Tổ chức Quốc gia về Tăng gia Giá trị Khảo cứu ANVAR đăng văn bằng năm 1973 và Phòng thí nghiệm Labaz (Sanofi) chịu nhận chế tạo năm 1976 đồng thời cung cấp kinh phí để tiếp tục cuộc khảo cứu. Bắt đầu từ đây, thuốc được xem xét lâm sàng về mặt chịu thuốc và hữu hiệu. Bước đầu rất khả quan : 20% thuyên giảm ở ung thư vú nặng cũng như ở ung thư thận. Đặc biệt, thuốc không gây những phản ứng phụ như rụng tóc, những tai nạn vì độc tính tim, máu, thần kinh,… như những chất chống u khối khác. Sau khi Tổ chức Âu châu Khảo cứu về Trị liệu Ung thư OERTC xác nhận những kết quả trên (18% thuyên giảm trọn vẹn hay riêng phần) còn Trung tâm François Baclesse thì đạt đến 32% thuyên giảm trên ung thư vú, thuốc được phép đưa ra thị trường (giấy phép nổi tiếng AMM : Autorisation de la Mise en Marché) ngày 8 tháng 2 năm 1982, được Viện Pasteur-Production cộng tác với CNRS lãnh phần phát hành. Từ nay Celiptium được ghi trong bản chính thức 40 chất chống ung thư trên thế giới và được sử dụng trong nhiều trung tâm chữa trị ung thư, trên đủ loại u khối. Sau nầy, anh Xường còn là tác giả hai dẫn xuất khác : hydroxy methyl (acetat) và hydroxy dimethyl ellipticin (chlorid) đều có tác dụng mạnh. Thuốc Celiptium như vậy đóng góp vào sự nâng cao môn pháp liệu hoá học lên ngang hàng với pháp liệu tia X, pháp liệu miễn dịch và phẫu thuật trong cuộc chữa trị ung thư. Riêng phần anh Xường, để vinh dự tổng thể những công tác về hoá học pháp liệu của anh, đặc biệt cuộc tổng hợp thuốc Celiptium, anh được trao tặng huân chương Tư lệnh Quốc công (Commandeur de l’Ordre National du Mérite) ngày 25 tháng 11 năm 1982. Trước đây anh đã được trao tặng huân chương ấy ở mức Sĩ quan (Officier de l’Ordre National du Mérite) năm 1971.
Anh Xường là một trong những khảo viên gốc Việt được trao tặng nhiều giải nhất ở Pháp. Hai lần anh là Lauréat của Hàn lâm viện Quốc gia Y khoa (giải Bergonié 1953 và giải Marchoux 1963), hai lần Lauréat của Hàn lâm viện Khoa học (giải Bariot-Faynot 1955 và giải Mounier de Saridakis 1972), Lauréat của Cơ quan Pháp quốc về Khảo cứu Y khoa (giải Rosen về Ung thư học 1975). Cũng năm 1975, anh được trao tặng Huy chương bạc CNRS và Huy chương bạc Danh dự của Hội Khuyến Thiện. Đồng thời với huân chương Quốc công, anh cũng được trao tặng huân chương Hiệp sĩ Y tế (Chevalier de l’Ordre de la Santé publique) năm 1955. Với những giải thưởng đủ loại nầy, anh Xường rất đuợc kính nể trong thị xã Antony, miền nam Paris, là nơi anh cho xây một biệt thự xinh xắn có vườn tược rộng rãi mà chính anh tự chăm lo trồng cây, hái quả. Nghỉ hưu năm 1979, thường lệ ở tuổi 65, anh có thể "về vườn" thật sự, vui vẻ với gia đình, cây cỏ. Nhưng là một người năng động lại luôn nghĩ đến đồng bào bên kia phương trời, những người dân trong thế giới thứ ba, nghĩ đến những nguời thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men đủ thứ, anh thành công làm lưu tâm và thuyết phục được Giáo sư dược lý học Jean Robert Rapin, Giám đốc Viện Lão học INRPVC trong khuôn khổ bệnh viện Kremlin Bicêtre, dành cho anh một chỗ để tiếp tục cuộc khảo cứu của mình. Tràn đầy tham vọng, mặc dầu phòng thí nghiệm thô sơ, điều kiện khảo cứu thiếu thốn, anh lao mình vào trong một loạt nhiều đề tài : thuốc chống mệt, chống rượu, chống bệnh vảy nến, cai nghiện ma túy, phòng ngừa nghiện thuốc lá, chữa trị các bệnh cơ, sida, Alzheimer, ung thư phổi, xơ cứng rải rác (sclérose en plaques), muối giàu iôt cho đồng bào sắc tộc ở trên núi,…Mộng của anh Xường là thành công chế tạo cho được một viên thuốc ngừa thai để giải phóng người phụ nữ đồng thời đem lại tiện nghi cho gia đình. Trong một lúc anh tin tuởng vào hột cây Solanum aculeatissimum thuộc họ Cà Solanaceae mà người đàn bà Tây Tạng sử dụng để tránh thai nghén. Có được 30 hột, anh cho nảy mầm ở Phòng thí nghiệm Phytrotron của CNRS ở Gif-sur-Yvette, đem trồng trong vườn của mình và thu lượm được nhiều kilô quả mọng, đồng thời cũng gởi hột về nhiều trại nuôi trồng ở Việt Nam. Nhưng công tác quá đồ sộ cho một người dù đầy nghị lực. Anh cũng có chương trình một viên thuốc ngừa thai dành cho đàn ông, mang tên Gossipol, có tính chất diệt trừ tinh dịch và hứa sẽ biếu không cho tất cả các đấng mày râu thế giới thứ ba ngày nào thuốc được đưa ra thị trường. Anh đã tuyên bố : « Tất cả lợi nhuận các thuốc của tôi sẽ chia làm 5 phần : một phần năm cho Hồng thập tự Pháp (nước giàu và là nước của nhà tôi) và bốn phần năm cho Hồng thập tự Việt Nam (nước nghèo và là tổ quốc của tôi) ».
Với một tinh thần yêu nước thương nòi như vậy, khi về Việt Nam, anh Xường lẽ tất nhiên được xem như là một thần tượng. Báo chí không ngớt lại phỏng vấn, hỏi tin. Báo Nhân Dân (1982) đề tít : « Nhà khoa học Việt kiều Nguyễn Đạt Xường được chính phủ Pháp tặng huân chương ». Báo Thanh Niên (1989) vinh danh « Một nhà bác học Việt kiều luôn nghĩ làm lợi cho tổ quốc quê hương ». Báo Nhân Dân Chủ Nhật (1994) nâng cao tấm lòng « Một nhà khoa học lớn thiết tha với đất nước ». Báo Người Cao Tuổi trình bày cả một con đường để noi gương « Cậu bé chăn trâu trở thành nhà bác học ». Ngoài những nhà báo, các nhà nhà lãnh đạo cũng như Hội người cao tuổi đều có ân cần tiếp anh. Gặp gỡ báo Sài Gòn Giải Phóng, anh không quên nhắn nhủ : « Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là phải có ý chí và biết nuôi hoài bão đẹp. Nhờ đó mà từ một cậu bé có hoàn cảnh hết sức bất hạnh tôi đã vươn lên và đạt ít nhiều thành công trong khoa học ». Tất cả các bài báo, ngoài chuyện thăm viếng của anh, những thuốc men anh đem về biếu đồng bào như thuốc chữa trị phong hủi gởi về trại Bến Sắn, có một điểm chung là đều có bàn tới một công việc cụ thể mà anh đã thực hiện : hợp tác với nhà khoa học trẻ nữ Giáo sư Mai Kim Liên của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật trong công trình sáng chế viên kẹo Bimin tức BM1 cai nghiện ma tuý. Kẹo chứ không phải thuốc ! Bimin là ánh bình minh sẽ tìm thấy sau khi cai nghiện. Báo Thanh Niên (1989) giải thích trong một tít bài : « Bình minh cho những con người đã bước vào bóng đêm ». Dược liệu chủ yếu được tổng hợp bào chế từ cây cỏ Việt Nam, không gây độc hại, dễ sử dụng : sâm bố chính Hibiscus sagittifolius (họ Bông Malvaceae), ac ti sô Cynara scolymus (họ Cúc Compositae), mạch môn đông Ophiopogon japonicus (họ Hành tỏi Liliaceae), lạc tiên Passiflora foetida (họ Lạc tiên Passifloraceae), đỗ trọng Eucommia ulmoides (họ Đỗ trọng Eucommiaceae). Đây là một thành tựu lớn của ngành hoá dược và y học Việt Nam được thế giới biết đến gần đây. « So với các phương pháp chữa trị trước đây, thuốc Bimin có ưu điểm là giá thành rẻ, người bệnh không bị vất vả, nguy hiểm. Hiện nay, một số công ty nước ngoài như Thái Lan, Nam Triều Tiên…đã có đề án hợp tác sản xuất và tiêu thụ Bimin ». Tuy nhiên kẹo Bimin chỉ là một công trình nhỏ, sự nghiệp của anh Xường còn lớn hơn trong một lối nhìn chung, « khi đã bước sang tuổi 80 gần đất xa trời, giáo sư còn tham gia đào tạo và chuyển tải các trí thức cũng như các bí mật công trình của mình cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, do chính giáo sư lựa chọn từ các tiêu chuẩn đạo đức và tài năng… »
Với đạo lý « cây có cội, nước có nguồn, lá phải rụng về cội », lẽ tất nhiên anh Xường luôn hướng về Việt Nam, luôn sẵn sàng phục vụ đất nước tuy anh luôn tranh thủ cho một sự hài hoà giữa hai nền văn minh, hai xã hội Âu Á khác nhau. Anh thường nói : « Một dược phẩm chẳng những trị lành bệnh mà còn phải đến tận tay những người bệnh nghèo khổ ». Anh thích nhắc Saint-Exupéry : « Sự cao quý của một ngành nghề là đoàn kết con người » để khiêm tốn thêm vào « và giúp đỡ họ ». Đây hết còn tinh thần nhà kĩ nghệ muốn làm giàu mà là lòng mong muốn của một nhà khoa học thực sự luôn nhắm phụng sự người dân nghèo. Nhìn lại con đường đã đi, nhẫn nại, cần cù, luôn luôn kiếm cách vượt khó giảm nghèo, mạnh dạn tiến lên, Nguyễn Đạt Xường thật đã là một tấm gương sáng cho thanh niên ngày nay.
Võ Quang Yến
Xô thành mùa xuân Đinh Hợi 2007
Các thao tác trên Tài liệu