Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Ngô Mạnh Lân (1931-2012)

Ngô Mạnh Lân (1931-2012)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 17/10/2012 00:15, cập nhật lần cuối 24/10/2017 22:20


Ngô Mạnh Lân
(1931-2012)



Được tin anh Ngô Mạnh Lân đã từ trần tại bệnh viện Georges Pompidou ngày 15.10.2012, thọ 82 tuổi. Lễ động quan sẽ cử hành 9g30 sáng thứ bảy 20.10.2012 tại Hôpital Européen G. Pompidou, 20 rue Leblanc, Paris 15. Lễ tang 10g30 cùng ngày tại đài hỏa táng Nghĩa trang Père Lachaise, Avenue du Père Lachaise, Paris 20 (M° Gambetta).

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với chị Lân và các con.


Anh Lân


Nghe tin anh Ngô Mạnh Lân từ trần, tôi nửa đột ngột, nửa không. Nó đột ngột như khi nghe tin, liên tiếp mấy ngày, những người thân quen lần lượt ra đi : chị Janine Gillon, chị Colette Phạm Ngọc Thạch, và phải kể cả nhà sử học Eric Hobsbawm tôi chưa bao giờ được gặp, nhưng từ mấy năm nay đã vật vã dịch những trang sách của ông. Không đột ngột, vì chỉ hơn một tháng trước đây, tình cờ được gặp anh chị và mấy cô con gái tại quận 13, anh nhất định hẹn vợ chồng tôi đi ăn cơm, mấy ngày sau đó, ở quán Mỹ Lệ Đô -- hôm qua, anh Vũ Ngọc Quỳnh cho tôi biết anh Lân vẫn ưa quán cơm "khách gia" (hakka) này. Bữa ấy, anh tươi cười, nói muốn chào chúng tôi vì tuần sau, anh vào bệnh viện để "tổng tra" : trước đó, mấy lần huyết áp xuống quá thấp... Cuối cùng, thì hơn một tháng sau, bệnh tim đã đưa anh ra đi.

Thực ra, tôi không muốn viết những dòng này, vì hầu như không biết gì mấy về Ngô Mạnh Lân, lại chỉ biết cuộc đời hoạt động của anh rất phong phú, đưa anh đi nhiều nơi trên thế giới, sát cánh với nhiều chiến sĩ thế giới thứ ba, quanh anh như có vòng hào quang biến ảo, bí ẩn, chỉ hé lộ nhờ nụ cười và ánh mắt như tự diễu mình, khiến người đối thoại có thể tin cậy, không đòi hỏi phải tìm hiểu hơn.

Mấy chục năm trời, nhớ lại không quá năm lần được ngồi nói chuyện lâu với anh, mà câu chuyện đều xoáy quanh một nhân vật, một biến cố mà anh quen biết, chứng kiến hay biết rõ. Thành ra, về anh, tôi chưa có dịp hỏi. Lần chót, hơn ba tiếng đồng hồ, coi như tôi "được lời to". Sau khi hỏi nghe anh kể tình hình sức khỏe -- với tất cả sự lạc quan, yêu đời -- tôi muốn tập trung hỏi anh về Trần Đức Thảo, nhất là về bản ghi chép cuộc tranh luận Jean-Paul Sartre - Trần Đức Thảo, đến nay chưa ai tìm ra. Được biết, một bản đánh máy, Trần Đức Thảo đã trao cho giáo sư Nguyễn Văn Chỉ trước khi rời Paris về chiến khu Việt Bắc. Nhưng bây giờ, ông bà Nguyễn Văn Chỉ đã từ trần, không hậu duệ, anh Lân cũng không có thông tin nào thêm. Ngược lại, anh xác nhận cho tôi là đầu tháng tư 1993, Trần Đức Thảo đã nhận được tấm ngân phiếu 10 000 F đầu tiên của hội "Những người bạn của khoa học", và chính anh Lân đã đưa anh Thảo ra ngân hàng mở tài khoản (xem bài Với Trần Đức Thảo, một chút duyên nợ). Câu chuyện lái sang trường Normale Sup', và từ đó, may sao, tôi lại được anh Lân cho biết thêm về một nhân vật mà một anh bạn sử học người Đức nhờ tôi tìm kiếm thông tin : Pierre Đỗ Đình. Nhà văn Pierre Đỗ Đình là bác (anh ruột của mẹ) anh Lân.

Nhờ vậy mà tôi được biết thêm vài chi tiết về cá nhân Ngô Mạnh Lân. Cộng với những thông tin anh Vũ Ngọc Quỳnh vừa cung cấp, xin vắn tắt : anh Lân sinh cuối năm 1931 tại Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), con cả trong một gia đình 6 anh em. Cha anh là bác sĩ Ngô Văn Phi, bạn đồng học với bác sĩ Đỗ Xuân Hợp (khóa 1929), làm phó giám đốc bệnh viện Calmette ở Côn Minh. Năm 9 tuổi, anh theo mẹ về Hà Nội, 16 tuổi sang Pháp học.

Như đã nói ở trên, tôi thực sự không biết gì mấy về các hoạt động nhiều mặt của Ngô Mạnh Lân. Chỉ biết anh đã cộng tác mấy năm với luật sư Jacques M. Vergès làm tạp chí Révolution (giữa thập niên 1960, xuất bản ở Alger, gần như là cơ quan của Phong trào Ba châu lục -- Tricontinentale). Bút hiệu lúc đó của anh là Nguyễn Kiên. Nhân đây, cũng cần mở ngoặc để minh định một điều : anh không phải là tác giả cuốn Le Sud Vietnam depuis Dien Bien Phu, nhà xuất bản Maspéro, mặc dầu tên tác giả ghi ở đầu sách là Nguyễn Kiên. Tác giả thực sự là Nguyễn Khắc Viện, và theo yêu cầu của anh Viện, anh Lân đã đồng ý... cho mượn tên. Tại sao có sự rắc rối này ? Cuốn sách anh Viện trình bày đường lối cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Lúc ấy (đầu thập niên 60) bùng nổ cuộc bất đồng (rồi xung đột) Trung-Xô. Đảng cộng sản Pháp cũng như Liên Xô, chủ trương chung sống hòa bình, nên e ngại đấu tranh vũ trang ở miền Nam có thể dẫn tới chiến tranh thế giới. Phía Bắc Kinh hô hào cách mạng thế giới (để tranh ngôi bá chủ phong trào cách mạng với Moskva), lớn tiếng ủng hộ đấu tranh vũ trang ở miền Nam, nhưng trên thực tế, chỉ chi viện vừa đủ vũ khí nhẹ và gây sức ép để đánh ở mức đại đội (đường lối cầm chân Mĩ, nhưng sợ Mĩ đánh mình, mà một hai năm sau, Mao đã tóm tắt trong thông điệp gửi Mĩ qua nhà báo Edgar Snow "Người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người"). Dài dòng như vậy để bạn đọc hiểu vị trí tế nhị của Nguyễn Khắc Viện : vừa phải giải thích cho công luận vì sao nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành chiến tranh giải phóng, vừa tranh thủ sự đồng tình của Đảng cộng sản Pháp (cho mãi tới cuối năm 1967, khẩu hiệu của ĐCS Pháp trong các cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam vẫn chỉ là "Paix au Vietnam !", "US go home"). Cho nên, Nguyễn Khắc Viện đã phải mượn tên Nguyễn Kiên. Có vay có trả : hai mươi năm sau, ở Hà Nội, anh đã cho anh Nguyễn Kiến Giang mượn tên để xuất bản cuốn Từ điển Xã hội học (Nguyễn Kiến Giang, sau "vụ án xét lại", không được ký tên thực, một số bài báo phải ký tên là Lê Diên).

Sau khi tạp chí Révolution chết yểu, Ngô Mạnh Lân làm việc nhiều năm ở ESCAPE và những cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc. Trong khuôn khổ này, anh đã giao du với nhiều trí thức và nhà hoạt động cách mạng của các nước Thế giới thứ ba. Mong rằng một ngày kia, các nhà sử học sẽ nghiên cứu sâu phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng những năm 1960, 1970 ở ba châu lục Á, Phi, Mĩ Latinh. Tôi tin rằng, qua đó, chúng ta sẽ có dịp biết thêm về những đóng góp của Ngô Mạnh Lân.

Chia tay anh hôm ấy ở Avenue de Choisy, tôi còn hẹn khi anh ra viện, tôi sẽ lại thăm anh ở nhà, để được anh cho đọc thêm những tài liệu về bác anh, Pierre Đỗ Đình, một nhà văn Pháp ngữ, đeo đuổi ước mơ kết hợp hai nền văn hóa Đông Tây, và tiếp tục trao đổi về nhân vật Jacques M. Vergès. Thâm tâm tôi tất nhiên cũng hi vọng biết thêm về hành trình 80 năm của một người anh, bạn thiếu thời với Nguyễn Cao Kỳ (trong một trang hồi tưởng đăng trên tạp chí Etudes Vietnamiennes, anh đã kể cuộc phiêu du không thành của hai người từ Sơn Tây lên chiến khu Tuyên Quang để gia nhập Việt Minh), làm bạn với những Vergès, Ben Bella, Ben Barka... Ước mong ấy không thành, nhưng tôi tin chắc sẽ được đọc về anh, qua những ngòi bút trẻ.

Nguyễn Ngọc Giao

16.10.2012



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss