Ngọn núi lửa phủ tuyết trắng
Paul Vergès (1925-2016)
Ngọn núi lửa phủ tuyết trắng
Nguyễn Ngọc Giao
Ngọn núi lửa phủ tuyết trắng, một nhà sử học phương Tây đã dùng hình ảnh ấy để nói về tướng Võ Nguyên Giáp. Cách đây gần mươi năm, khi có dịp phỏng vấn ông Paul Vergès ở Saint-Denis, thủ phủ đảo La Réunion, nhìn khuôn mặt mà 83 năm tuổi đời đã mang diện mạo hiền triết, mái tóc ngắn, bạc trắng, lời nói nhẹ nhàng, mạch lạc, nhưng vẫn sôi sục nhiệt tâm, dù đó là câu chuyện tương lai 50 năm nữa của La Réunion, hay chuyện thời trai trẻ khi thấy "hoàng thân An Nam" (vua Duy Tân) bị giam lỏng, đi bách bộ dưới sân, tôi bỗng nghĩ : hình ảnh ngọn núi lửa phủ tuyết trắng "vận" rất trúng vào ông già này.
Nói đến núi lửa, ai cũng nghĩ tới hoả diệm sơn Piton de la Fournaise của đảo La Réunion vẫn đang hoạt động. Cả hòn đảo này là hòn núi cao 7000 mét tính từ đáy biển, 3000 mét tính từ mặt biển Ấn Độ Dương. Tra Google, thì đêm 9 rạng ngày 10 tháng mười 2006, tuyết đã rơi trên Piton khi nó đang phun lửa. Cảnh tượng chắc phải kỳ vĩ lắm. Nhưng ngọn núi lửa phủ tuyết trắng mà tôi nói đây, xin hiểu theo nghĩa bóng. Mặc dù cả cuộc đời của Paul Vergès (sinh đẻ ở Ubon,Thái Lan) gắn bó với hòn đảo này. Nói tới La Réunion + đời sống chính trị, người ta nghĩ ngay tới Paul Vergès, ít ai nghĩ tới Raymond Barre, cũng sinh trưởng ở đây, và là bạn đồng học của Paul Vergès, một thời làm thủ tướng Pháp. Khó mà gắn bó hơn : Paul Vergès hoạt động chính trị liên tục 61 năm trời (ông là chính khách lâu năm nhất trên chính trường Pháp), từ nghị viên thành phố, đến đại biểu Quốc hội Pháp, thượng nghị sĩ (niên trưởng của Thượng viện), nhiều năm làm chủ tịch Vùng, là người sáng lập Đảng cộng sản La Réunion (1959) và trong mấy thập niên, làm chủ tịch đảng.
Paul Vergès từ trần ngày 12.11.2016 vừa qua, thọ 91 tuổi. Cuộc đời hoạt động của ông, trên mạng có khá nhiều, báo chí và sách vở cũng thế, khi ông còn sống, và khi ông mất. Ở đây, với độc giả Việt Nam, tôi chỉ xin nói tới vài khía cạnh liên quan tới Việt Nam, và vài nét về con người mà tôi có may mắn được tiếp cận vào mùa hè năm 2008, trong đoàn làm phim "Đi tìm dấu tích ba Vua".
Như đã nói trên, Paul Vergès sinh tại Ubon (Thái Lan) ngày 5.3.1925. Cha ông là bác sĩ Raymond Vergès, người Pháp ở đảo La Réunion, lúc đó làm phó lãnh sự Pháp tại Ubon. Mẹ ông là người Việt Nam, bà Phạm Thị Khang, giáo viên. Theo sổ khai sinh (ngày 1.4.1925 làm tại lãnh sự quán Pháp, ngày đó Raymond Vergès đi công tác xa, một viên thư ký lãnh sự tiến hành thủ tục), thì Paul là anh em song sinh với Jacques (sau này là luật sư Jacques M. Vergès, trạng sư nổi tiếng của cáo già nazi Klaus Barbie và tên khủng bố quốc tế Carlos). Họ đúng là anh em ruột, nhưng Jacques là anh, sinh ngày 20.4.1924 tại Savannakhet (khi ông Raymond còn làm kỹ sư kiêm bác sĩ ở đó). Tại sao có sự kỳ bí này ? Cả hai anh em là con ngoại hôn của bác sĩ Vergès với nữ giáo viên người Việt ở Lào, bà Phạm Thị Khang. Anne-Marie, vợ chính thức của ông, đã mất từ năm 1923. Dễ hình dung ra không khí giới thực dân ở Đông Dương thời đó : các ông Tây có thể "encongayer" thả dàn, nhưng lấy vợ an-na-mit thì không. Sang Thái Lan, xa không khí thuộc địa, phó lãnh sự mới có thể mượn tay viên thư ký để khai sinh cùng ngày cho Jacques và Paul. Một hai năm sau, vẫn ở Thái Lan, ông thành hôn chính thức với bà Khang. Nhưng cũng như bà Anne-Marie, bà Khang mất sớm. Hai anh em mồ côi mẹ, được gửi về đảo sống với bà nội, trong khi chờ đợi cha hồi hương làm giám đốc y tế La Réunion. Câu chuyện khai sinh giả mạo, không khí kỳ thị "con lai" trong môi trường thực dân đã tác động thế nào đến sự hình thành nhân cách và định hướng chính trị của họ ? Nhiều nhà báo và tiểu sử đã không ngần ngại lí giải sự chọn lựa chính trị của Jacques Vergès, người được gọi là "trạng sư của quỷ" (avocat du diable) bắt nguồn từ đó, từ sự căm thù tất cả những gì của hệ thống thực dân, đế quốc, dẫn tới ý muốn tìm mọi cơ hội để gây rối cho hệ thống đó (bảo vệ cho Klaus Barbie, cho Carlos...). Điều chắc chắn là những nhà tâm phân học tài tử ấy không dám áp dụng mô hình hấp dẫn đó cho "người em song sinh" kia là Paul Vergès.
Tuổi thiếu niên của họ kết thúc y như nhau khi năm 1942, cả hai anh em đều đầu quân tham gia kháng chiến – cựu hoàng Duy Tân cũng ủng hộ kháng chiến và tướng De Gaulle nên bị tên thống đốc đảo (theo Pétain) an trí tại khu nhà thương điên bỏ hoang, nằm trong khuôn viên khu bệnh viện : gia đình bác sĩ Vergès ở trong đó, và từ ban-công trên lầu, Paul Vergès đã nhìn thấy "le prince d'Annam" đi bách bộ trong sân. Cũng nên nói thêm : chắc chắn Duy Tân từng gặp bác sĩ Raymond Vergès vì ông là nhân vật chủ chốt trong phong trào Mặt trận bình dân 1936, và ngày nay, chúng ta còn có tấm ảnh Duy Tân đứng phát biểu trong một cuộc mít tinh, đằng sau có lá cờ đỏ búa liềm cộng sản. Ủng hộ De Gaulle hay ủng hộ Mặt trận bình dân, Kháng chiến Pháp, đối với Duy Tân, là con đường đưa Việt Nam tới độc lập, và biết đâu, sẽ đưa ông trở lại quê hương.
Quyết định chính trị quan trọng của Paul Vergès năm 1945 liên quan tới Việt Nam quê mẹ : ông từ chối đi sang Đông Dương trong quân đội viễn chinh Pháp, dưới danh nghĩa "giải giới quân đội Nhật" (việc này, đồng minh đã trao cho Anh và Trung hoa Dân quốc), thực chất là tái lập đế chế Pháp ở "cõi Đông Pháp" theo chủ trương của tướng De Gaulle (hai mươi năm sau, Charles de Gaulle mới tỏ ý "tiếc" trong bức thư gửi chủ tịch Hồ Chí Minh). Hai mươi mốt tuổi, Paul Vergès trở về đảo, tham gia hoạt động chính trị (đảng viên ĐCS Pháp) – cha ông lúc này được bầu làm thị trưởng kiêm đại biểu Saint-Denis tại Quốc hội Pháp. Năm 1959, Paul Vergès thành lập Đảng cộng sản La Réunion (PCR) vì ý thức được vị thế của đảo, vừa là bộ phận của lãnh thổ Pháp, vừa nằm trong thế giới thứ ba. Trong thập niên 1960, theo ông kể, PCR đã nhiều lần lên tiếng thúc đẩy các đảng cộng sản thân Liên Xô tăng cường ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. "Có lẽ vì vậy mà năm 1969, tháng 9, tôi được mời sang Hà Nội dự đám tang chủ tịch Hồ", ông nói.
Jacques Vergès (1924-2013) và Paul Vergès (1925-2016)
Sự gắn bó với quê mẹ của Paul Vergès
còn thể hiện ở một nét khác : ông nắm rất rành lịch sử những người Việt
Nam đặt chân lên đảo từ năm 1861 (hơn nửa thế kỷ trước khi cha con
Thành Thái và Duy Tân bị đầy sang đây). Trước khi bay sang La Réunion,
tôi đã có dịp tham khảo hồ sơ lưu trữ ở Aix-en-Provence (CAOM) và sách
báo ở Thư viện Quốc gia Pháp (BNF). Ngay khi nghe tin quân đội Pháp
đánh chiếm Sài Gòn năm 1859, viên thống đốc La Réunion đã gửi công văn
cho đồng sự ở Sài Gòn đề nghị gửi nhân công An Nam sang làm phu đồn
điền. Tại sao có sự nhạy bén và khẩn trương như vậy ? Bởi vì từ năm
1848 (nửa thế kỷ sau Cách mạng 1789), Pháp đã huỷ bỏ chế độ nô lệ,
chính quyền thực dân ở đảo phải gấp rút mộ phu ở Ấn Độ và Trung Quốc để
thay thế nô lệ Châu Phi đã cạn nguồn. Thế là chuyến tàu đầu tiên chở
"chân đăng" từ Sài Gòn đã cặp bến từ năm 1861. Nhưng hiểu biết của đoàn
làm phim chúng tôi ngừng ở con số những phu phen đã được gửi sang ba
chuyến trong thập niên 1860. Nhờ Paul Vergès chúng tôi mới được biết là
chính quyền thực dân không mặn mà cho lắm với nhân công đến từ "An Nam"
: nhanh chóng, họ khám phá ra rằng đó không phải là những công nhân "tự
nguyện" ký hợp đồng, mà là những nghĩa quân đã bị bắt làm tù binh. Và
họ lại sớm tham gia công đoàn, đấu tranh đòi quyền lợi. Điều đó giải
thích tại sao mãn hạn 3 năm hợp đồng, ít người ở lại, vì bản thân không
muốn, và mấy ông chủ đồn điền càng không lưu luyến.
Ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi giữ lại từ con người Paul Vergès là bản lĩnh một nhà lãnh đạo và tầm nhìn xa khác thường của ông. Song song với việc đấu tranh cho quyền bình đẳng của hòn đảo nửa thuộc địa, Paul Vergès đã biết vượt qua làn ranh tả-hữu, tranh thủ được sự kính trọng và ủng hộ của phe đối lập phái hữu để cùng nhau đấu tranh với chính quyền Paris, và Uỷ ban liên hiệp Châu Âu ở Bruxelles, giành được những ngân sách đáng kể nhằm phát triển cơ sở kinh tế. Nhờ thiết bị về năng lượng gió (bờ biển phía đông nhìn ra Ấn Độ Dương đón gió), năng lượng mặt trời (phần đông các ngôi nhà đều lợp mái "pin mặt trời"), và biogaz (từ bã mía), La Réunion hầu như tự túc về năng lượng (trừ xăng dầu cho xe hơi).
Paul Vergès ý thức rất sớm về biến đổi khí hậu. Ông là chủ tịch ONERC (Observatoire national sur les effets du réchauffement climatique / Đài quan sát quốc gia về hiệu ứng nóng khí hậu) liên tục từ ngày cơ quan này thành lập năm 2001. Song song với viễn kiến đó là tầm nhìn quốc tế về vị trí của đảo La Réunion. Trong thế kỷ 19, đảo nằm trên đường hàng hải Á-Âu khi tàu bè phải vòng qua mũi đất Nam Phi. Từ ngày kênh đào Suez mở ra, La Réunion mất đi vị trí đó. Rồi đây, trái đất nóng dần, băng sơn Bắc Cực tan thêm, đường hàng hải sẽ đi vòng phía bắc châu lục Âu-Á, Suez cũng sẽ mất đi vị trí chiến lược - kinh tế của nó. Tương lai La Réunion mấy chục năm tới sẽ ra sao ? Kết thúc cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ mà đề tài chủ yếu là... vua Duy Tân, Paul Vergès say sưa nói với chúng tôi : Nửa sau thế kỷ 21 này, Đông Á và Đông Nam Á sẽ là một trung tâm kinh tế lớn của thế giới, và nửa nam Phi Châu là nguồn tài nguyên tự nhiên to lớn chưa được khai thác, La Réunion nằm ở giữa con đường hàng hải nối liền hai khu vực lớn ấy, cả vấn đề là đảo chúng tôi phải chuẩn bị ra sao để làm chức năng trung chuyển trên con đường huyết mạch ấy.
Năm ấy, ông 83 tuổi. Năm nay, khi từ biệt cõi trần, ông đã mừng sinh nhật lần thứ 91 từ nửa năm trước.
Cuộc đời của Paul Vergès gắn bó với hòn đảo nhỏ nằm giữa đại dương, dân số chưa tới một triệu người. Nhưng tầm nhìn của ông là tầm nhìn quốc tế, toàn cầu, vượt rất xa giới hạn một đời người.
Nguyễn Ngọc Giao
24.11.2016
Các thao tác trên Tài liệu