Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Người ngồi nhìn mưa dầm đã ra đi

Người ngồi nhìn mưa dầm đã ra đi

- Thanh Thảo/DĐ — published 08/12/2015 15:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Nhà văn Trang Thế Hy vừa từ trần đêm nay (8.12.2015)

thanh thảo


Người ngồi nhìn mưa dầm đã ra đi


Nhà văn Trang Thế Hy, tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại Châu Thành, Bến Tre, vừa từ trần vào lúc 0g50 ngày 8.12.2015 tại nhà riêng (Khu phố 1, phường Phú Tân, Bến Tre). Lễ viếng bắt đầu lúc 9g hôm nay và lễ động quan lúc 12g30 ngày 10-12.

Nhà văn Trang Thế Hy còn có các bút danh khác: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm. Ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. 


Tác phẩm đã xuất bản:

- Nắng đẹp miền quê ngoại (truyện ngắn, 1964)
- Mưa ấm (tập truyện ngắn, 1981)
- Người yêu và mùa thu (truyện ngắn, 1981)
- Vết thương thứ mười ba (tập truyện, 1989)
- Tiếng khóc và tiếng hát (truyện ngắn, 1993)
- Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (tập truyện ngắn, 2000)...
-Đắng và ngọt (tập thơ, 2009)

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm Râu Rồng.
- Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.
- Tặng thưởng loại A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001cho tập truyện Nợ nước mắt...

(theo trang Hội Nhà văn TPHCM).

Ngoài bài viết dưới đây, mà chúng tôi vừa nhận được của nhà thơ Thanh Thảo, xin mời bạn đọc đọc lại một vài bài viết về Trang Thế Hy trên mặt báo này:

- Người hiền của văn chương Nam Bộ, Nguyên Ngọc;

- Hai nhà văn già và cô gái trẻ, của nhà báo Minh Nguyễn viết về Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc và Nguyễn Ngọc Tư;

cùng nhiều bài khác về ông hoặc tác phẩm của ông được đăng trên báo chí trong nước (mà Diễn Đàn giới thiệu trong mục Thấy trên mạng).


Nhà văn Trang Thế Hy bên cạnh bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ
(Ảnh: TL, báo Thế giới Tiếp Thị)


Nhà văn Trang Thế Hy đã lặng lẽ về trời vào một ngày cuối năm (0 giờ ngày 8/12/2015), thọ 91 tuổi. Ông mất ngay trong khu vườn dừa rộng rênh và xơ xác của ông. Những cây dừa lão sẽ không còn được thấy một ông lão có dáng đi liêu xiêu, có đôi mắt nhìn xa xăm, đúng như nhân vật của ông trong truyện ngắn nổi tiếng “Hai người ngồi nhìn mưa dầm”. Trong hai người ấy, có một người là Trang Thế Hy. Bây giờ thì Trang Thế Hy không còn ngồi ở hiên nhà nhỏ bé của ông nhìn mưa dầm trên vườn dừa nhà mình nữa. Nhà văn-người làm vườn khắc khổ ấy đã ra đi. 

Tôi nhớ, vào giữa năm 1971, khi mới vào chiến trường Nam Bộ, có lần tôi được một người bạn cùng cơ quan-nhà văn Lưu Kiểng Xuân- rủ qua “cứ” Văn Nghệ-B2 thăm nhà văn Trang Thế Hy mà hồi đó anh Tư Xuân hay gọi bằng tên thân mật là ông Tư Sâm. Tôi chưa được quen biết ông Tư Sâm, nhưng nghe Lưu Kiểng Xuân kể nhiều chuyện về văn và người của ông, nên rất ngưỡng mộ. Tiếc là chuyến đi ấy chúng tôi không được gặp Trang Thế Hy: ông đã đi công tác chiến trường. Nhưng trên đường về, qua những trảng cỏ voi mênh mang, tôi đã viết được bài thơ “Những dấu chân qua trảng cỏ”, về sau thành tên tập thơ đầu tay của tôi. 35 năm sau, tôi mới lần đầu được gặp Trang Thế Hy ở ngay ngôi nhà trong vườn dừa của ông thuộc huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Lần ấy tôi đi với nhà thơ Chim Trắng -cũng là người quê Bến Tre- một người bạn thân thiết với tôi từ hồi ở chiến trường. 

Trang Thế Hy là người kháng chiến cũ, ông tham gia trọn vẹn cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là người đã nhiều lần qua đồng Tháp Mười từ chiến tranh, Trang Thế Hy để lại nhiều giai thoại, trong đó có giai thoại ông luôn có sẵn trong “bòng” vài trăm cái lưỡi câu, và một sợi dây nhợ. Cứ mỗi khi xuồng giao liên tới trạm giữa đồng nước, Trang Thế Hy lại giở “đồ nghề” là mớ lưỡi câu, dây câu của ông và “tác nghiệp”. Ông câu cá đủ cho bữa cơm của cả đội công tác. Điều đó khiến tôi khi nghe chuyện đã hâm mộ ông ngang với hâm mộ những truyện ngắn ông viết một cách hết sức cẩn trọng, hết sức chiu chắt. 

Là nhà văn đặc chất Nam Bộ, Trang Thế Hy đồng thời là người có kiến thức văn học uyên bác. Ông rất giỏi tiếng Pháp, đọc được tiếng Anh, và chịu đọc rất nhiều nhà văn cổ điển từ Nga tới Pháp, từ Tây Ban Nha tới Trung Quốc. Ông nói với tôi, ông tâm đắc nhất với Sê-khốp, và “chịu” nhất Lỗ Tấn. Ông có thể đọc thuộc lòng một câu văn của Lỗ Tấn hay của Sê-khốp, khi coi đó là những châm ngôn văn học dành cho mình. Những nhân vật ám ảnh suốt cuộc đời nhà văn Trang Thế Hy là những người nghèo khổ, những người lận đận trong cuộc đời, những người luôn khiến ông mắc nợ họ. Đó là cái “nợ nước mắt” đúng như một truyện ngắn được lấy làm tên cho một tuyển tập của ông: “Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác”(2001). 

Là nhà văn Nam Bộ đặc sắc, nhưng cái đặc sắc của Trang Thế Hy có khác với cái đặc sắc của Nguyễn Quang Sáng hay Sơn Nam. Cái khác ấy nằm ở những khoảng lặng, những day dứt, những khắc khoải trong văn ông, nó khiến ai đã một lần đọc văn ông đều không sao quên được. Trang Thế Hy là nhà văn của những tâm trạng đứt nối, những nghĩ đi rồi nghĩ lại mà chỉ một nhà văn yêu thương nhân vật mình tới cỡ nào mới có lối viết như thế. Đó đúng là “Người hiền Nam Bộ” như một nhà văn nổi tiếng ở miền Trung đã từng nhận xét về Trang Thế Hy. Đó là một nhà văn thực sự minh triết, nhưng không bao giờ rời xa số phận cụ thể của con người. Trang Thế Hy hé cho ta nhìn thấy những góc khuất trong mỗi phận người, những “giọt nước mắt đời không thấy”(Sê-khốp) vào một lúc tình cờ nào đó, như khi ta ngồi nhìn mưa dầm, chẳng hạn. Văn Trang Thế Hy chiu chắt nỗi yêu thương con người, nhất là những con người “nhỏ bé”-theo đúng tinh thần của văn học Nga khi đưa hình tượng những “con người nhỏ bé” như một hình tượng chủ đạo và nhân văn. 

Tôi nghĩ, rồi người ta còn đọc Trang Thế Hy rất lâu về sau nữa, dù văn ông không gây nên bất cứ “tiếng nổ” nào. Ông đã góp phần quan trọng, bằng văn học của mình, làm vẻ vang cho dòng văn học đặc sắc của Nam Bộ. Và của Việt Nam. 

Vĩnh biệt ông !


Thanh Thảo

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us