Người ra đi, tình yêu để lại...
Thương tiếc anh NGUYỄN KIẾN PHƯỚC...
NGƯỜI RA ĐI, TÌNH YÊU ĐỂ LẠI…
Ngô Thị Kim Cúc
Ngày cưới bạn, em không thể có mặt, sau đó Kim Hạnh đã gởi ảnh cưới ra Đà Nẵng cho em. Nhìn ánh mắt bạn, em biết Kim Hạnh hạnh phúc khi có anh ở bên. Chuyển công tác vào Sài Gòn, em càng vui thấy bạn mình thay đổi bởi tình yêu. Kim Hạnh mỗi ngày đi chợ, tự tay nấu hai buổi trưa-tối khác món, bởi anh không thích ăn hai bữa giống nhau trong ngày. Kim Hạnh nói, không muốn anh cảm thấy thiệt thòi khi cưới một cô vợ làm báo…
Cái cô nhà báo anh cưới đó, tổng biên tập tờ báo có số bản in lớn nhứt nước, là một người mà em tuy thân thiết nhưng vẫn có những điều không thể hiểu vì đâu… Những hôm tới nhà chơi, ngủ lại, khi em đã vào mùng ngon giấc, bạn vẫn còn ngồi hí hoáy bên bàn. Sáng hôm sau thức dậy, em đã thấy bạn ngồi lật giở giấy tờ trước bàn tự bao giờ, như thể chưa hề ngủ. Bạn có thể một ngày dự hai cuộc họp sáng-chiều, và trường hợp có thêm cuộc thứ ba vào buổi tối thì bạn có vẻ vẫn khỏe khoắn như thường, vẫn “không sao”… Hình như bạn lấy năng lượng từ chính sự làm việc chớ không phải từ thực phẩm, bởi bạn ăn ít, đúng kiểu chỉ “ăn để mà sống”.
Lập gia đình không làm bạn trễ nải công việc, mà chỉ khiến bạn có thêm sự hỗ trợ, từ một đồng nghiệp, làm tờ báo “to” nhứt nước: tờ Nhân Dân, trưởng văn phòng phía nam. Em đã từng đùa trêu bạn : “Báo đảng cưới báo đoàn, thích hợp quá còn gì…”. Nhưng cũng chính từ thông tin trên tờ Nhân Dân (kỷ niệm sinh nhựt Hồ Chí Minh 19/5/1991, mà bạn lấy đăng lại trên Tuổi Trẻ) đã khiến bạn phải “thôi giữ chức” tổng biên tập (*), rời Tuổi Trẻ, để mấy năm sau đó, được “trên” lơ đi, cho tiếp tục làm báo (chui), mà không được có tên trong danh sách của tòa soạn Sài Gòn Tiếp Thị.
Sâu trong lòng mình, em yêu quý anh vì đã cho bạn em cả hạnh phúc lẫn sự tự hào : được đào tạo bảy năm ở Liên Xô để ra làm sĩ quan tên lửa, và được/bị “lôi” sang làm báo đảng, anh không có sự bảo thủ / cứng nhắc trong tư duy, anh đã viết và tham gia vào những đề tài mà người dân quan tâm, người đọc chờ đợi, anh đứng về phía dân. Không chỉ là con rể, anh còn là người anh lớn của các em trong gia đình, là người đồng nghiệp/tri kỷ của vợ, là bạn dễ thương của tất cả bạn bè Kim Hạnh.
Bệnh ung thư phổi đã lấy đi của anh sức khỏe, nhưng không làm suy giảm sự mạnh mẽ trong anh, khi anh muốn Kim Hạnh giữ kín thông tin này, khiến bạn bè không ai được biết. Trong hai năm chống chọi với bệnh, anh vẫn giữ những thói quen của một người lạc quan và ngăn nắp. Cho tới tận ngày cuối cùng, thật may mắn là anh đã không phải chịu đau đớn như tất cả bệnh nhân ung thư, phải dùng tới morphine để hỗ trợ. Có lẽ đó là an ủi lớn nhứt cho những người yêu quý anh.
Anh đã ra đi, nhẹ nhàng, bình thản. Từ “ Nhân Dân ” – người làm báo đảng/đảng viên, anh đã trở về lại trong Dân, chỉ-là-thường-dân đúng nghĩa/không đảng, điều mà anh đã kiên trì làm cho kỳ được (**).
Em mong anh sớm về tới cõi yên bình, an lạc, còn nơi đây, mọi người vẫn thấy anh đang ở gần bên. Vẫn còn đó tình yêu anh dành cho Kim Hạnh và các con, vẫn còn đó tình yêu mọi người dành cho anh, vẫn còn đó một nhà báo Nguyễn Kiến Phước không bị quyền lực hóa, chỉ làm điều trái tim dẫn dắt…
Kim Hạnh ơi, thấy bạn vẫn tỏ ra “bình thường” trước mặt mọi người, mình hiểu bạn đã rất kiềm nén. Nhưng sau khi đã đưa anh rời nhà, khi trở về và nhập lại vào cuộc sống ngày thường, bạn sẽ soi vào khoảng trống anh để lại, khoảng trống không gì thay thế được. Đó là chỗ dành cho người đàn ông yêu bạn và bạn yêu, bằng tất cả con người mình…
Lâu lắm rồi, chúng ta tuy sống cùng thành phố nhưng hầu như rất ít gặp nhau. Điều đó không quan trọng vì mình luôn biết bạn vẫn đang lăn xả vào cuộc sống/vào công việc, làm như thể ngày mai sẽ không còn được làm nữa, điều mà những kẻ khác luôn nhân danh nhưng lại thường hành động ngược lại.
Lâu lắm rồi, chúng ta không còn ngồi bên nhau, không-chuyện-gì-là-không-kể cho nhau như thuở tuổi hai mươi, khi bạn còn “chìm nổi” ở Hội Văn Nghệ thành phố cho tới khi chuyển sang làm trưởng ban Văn Nghệ rồi phó tổng/tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Mình vẫn nhớ những chuyến ruổi dong khắp Sài Gòn và các tỉnh trên chiếc Suzuki đen dầu dãi, nổ to gần bằng tiếng xích lô máy của bạn. Chiếc xe ấy, dù tòa soạn muốn đổi một chiếc mới – chắc để “giữ thể diện” cho tổng biên tập báo, bạn vẫn nhứt quyết giữ lại để chạy, cho tới ngày rời báo…
Ngày mai, ngày mốt…, bất kỳ lúc nào thấy buồn/trống vắng, bạn cứ ới một tiếng, mình (và mọi người) sẽ chạy tới bên bạn, dù giờ đây có thể chúng ta không cần phải nói gì nhiều mà vẫn thấu hiểu điều đang ở trong tim/trong đầu nhau… Vì dù không còn trẻ trung, lãng mạn một cách thơ dại như thuở nào, chúng ta vẫn tin vào tình yêu thương, vào điều tốt/người tốt…
Cho dù một người tốt vừa mới ra đi, nhưng vẫn còn rất nhiều tình yêu anh để lại…
Ngô Thị Kim Cúc
Chú thích của Diễn Đàn :
(*) Đó là bức thư Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan năm 1929 gửi vợ là Tăng Tuyết Minh (hai người đã thành hôn tháng 10-1926 ở Quảng Châu) – xem nghiên cứu của Hoàng Tranh "Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh" (Diễn Đàn số 121 (tháng 9.2001), tr. 17-20). Lá thư này bị Mật thám Đông Dương chặn lại ngày 14.8.1928, hiện lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại (ANOM, Aix-en-Provence). Nó đă được nhà sử học Daniel Hémery công bố trong tác phẩm HO CHI MINH De L’Indochine au Vietnam, Gallimard, Paris 1990, tr.145. Trong bài Về một tài liệu liên quan sinh hoạt cá nhân của Nguyễn Ái Quốc (Nhân Dân, 19-5-1991) tác giả Bùi Đình gọi đó là "thư gửi bạn" và không kết luận dứt khoát rằng đó là thư của Nguyễn Ái Quốc (lúc đó mang bí danh Lý Thuỵ). Báo Tuổi Trẻ đã đăng lại bức thư. Đó là "giọt nước cuối cùng" (đồng thời là cái cớ) dẫn tới việc cách chức Tổng biên tập của nhà báo Kim Hạnh. Theo nguồn tin của chúng tôi, "tội trạng" của Tổng biên tập báo Tuỏi Trẻ còn nhiều và nặng hơn.
(**)
Theo nguồn tin của Diễn Đàn,
Nguyễn Kiến Phước đã quyết định ra khỏi đảng, đảng bộ báo Nhân Dân
không chấp nhận, anh cương quyết phản đối, cuối cùng, "cấp trên" đã
phải chịu.
NGUỒN : FB
Ngô Thị Kim Cúc
Các thao tác trên Tài liệu