Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nguyễn Lê Đồng (1948-2014)

Nguyễn Lê Đồng (1948-2014)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 24/04/2014 12:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Thương nhớ "Tiểu Đồng"


Tin buồn



Nguyễn Lê Đồng
(1948-2014)



Chúng tôi đâu đớn báo tin, anh Nguyễn Lê Đồng đã từ trần sáng ngày 24 tháng 4-2014 tại Nha Trang, thọ 66 tuổi.

Lễ hỏa táng sẽ cử hành ngày 25.4 tại Nha Trang, lễ nhập cốt vào chùa Kỳ Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn, ngày 26.4.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn cùng anh chị Nguyễn Lê Trang và toàn thể tang quyến.

Thương nhớ Tiểu Đồng


Sáng nay, Nguyễn Đôn Phước báo tin : "Lê Đồng đã ra đi sáng nay vào lúc 5 giờ" (0g giờ Paris ngày 24.4.2014). Tôi không sửng sốt, vì hai tuần trước, Phước đã ra Nha Trang thăm và gửi ảnh Đồng vừa ra khỏi cơn hôn mê trên giường bệnh viện. Vài ngày sau, được tin Đồng đã tỉnh táo và hồi phục 80 %. Sửng sốt là lúc đó, khi được biết anh bị tiểu đường, và bệnh nặng đã biến chứng vào những tháng chót. Cái chết được báo trước. Càng ngậm ngùi thương nhớ một con người dễ thương, cần cù, tận tụy, kín đáo đến độ, nếu không có dịp thân cận, chắc có gặp nhiều lần vẫn dễ quên.


Ở hội quán Rue du Petit-Musc (quận 4 Paris),  chúng tôi quen gọi anh là "Tiểu Đồng". Ban đầu, là để phân biệt với "anh Đồng" (Huỳnh Trung), chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, lớn hơn hơn 20 tuổi và cũng cao hơn Đồng nhiều phân. Miết rồi, cái tên "Tiểu Đồng" vẫn còn lại, có lẽ vì nó hợp với tạng con người nhỏ nhắn, khiêm tốn ấy.


Chúng tôi làm việc với nhau từ đầu thập niên 1980, khi báo Đoàn Kết chuyển từ khổ A3 bốn trang, sang tập san A4 ra hàng tháng. Du học ở Thụy Sĩ, Đồng chuyển sang Pháp, học nghề in ở trường St-Etienne, rồi lo phần in ấn của báo Đoàn Kết. Đó là thời kì mà việc in chuyển từ máy linotype (tại nhà in của anh Phùng Công Khải, Meudon) sang máy in điện tử. Cuối thập niên 80, máy tính Mac SE ra đời, chúng tôi lại đổi kĩ thuật lần nữa. Từ đó, biên tập viên không nộp bài đánh máy hay viết tay trên trang giấy, mà phải nộp bằng đĩa. Công việc của Tiểu Đồng không nhẹ hơn, vì lúc đó phải sáng chế (nhà sáng chế là Đoan Hùng) và sử dụng bộ chữ tiếng Việt dùng cho Mac (lúc đó, trên thị trường chỉ có bộ chữ tiếng Việt cho PC). Chính với cái máy Mac SE này (còn khá cồng kềnh và nặng nề so với thế hệ laptop ngày nay, nhưng khi nó ra đời là cả một cuộc cách mạng kĩ thuật), mà Tiểu Đồng đã phải ngồi đánh toàn bộ cuốn "La philosophie de Staline" của anh Trần Đức Thảo. Lúc đó, Đồng đã chuyển sang làm việc cho công ti Vietnam Diffusion, đánh máy ngoài giờ làm việc trong nhiều buổi tối.


Tôi cũng không nhớ Tiểu Đồng trở về sống trong nước năm nào. Chỉ biết anh đã làm nhiều công việc khác nhau, như hướng dẫn du lịch (cho du khách nói tiếng Pháp) cho đến nghề photoshop (lại một kĩ thuật mới) và tiếp tục cuộc đời độc thân, chỉ giao tiếp với vài tay bạn nhậu (đám nhậu này hình thành từ Quán Monge những năm 80). Về cuộc sống riêng tư, thực ra tôi không biết gì. Sáng nay mới biết năm 1954, cha đi tập kết, Tiểu Đồng là con út, ở lại với mẹ. Ấy là chúng tôi vẫn duy trì quan hệ bạn bè, anh em : thời gian làm báo chung, tất nhiên Tiểu Đồng vẫn về nhà tôi ăn uống, mấy lần đi nghỉ hè chung ; từ ngay Đồng về nước, mỗi lần Đồng trở qua Pháp, mỗi lần tôi về nước (trừ lần cuối, năm 2008, hội thảo ở Nha Trang thì Đồng lại về Sài Gòn) chúng tôi đều gặp nhau. Những lần ấy, Đồng chuỵện trò cởi mở, không khép kín như giữa đám đông, nhưng giữa chúng tôi vẫn có khoảng cách, một phần vì tuổi tác, phần khác vì tôi không phải là "bạn nhậu".


Hiểu Đồng và viết về Đồng, về những uẩn khúc làm nên một con người, phải là một "bạn nhậu" của anh. Có may mắn làm việc nhiều năm cùng với Tiểu Đồng và có quan hệ anh em với anh, tôi chỉ có đôi dòng này để tưởng nhớ người đã khuất và chia sẻ sự mất mát với anh Nguyễn Lê Trang và gia đình.

Nguyễn Ngọc Giao

Paris, 24.4.2014

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us