Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nguyễn Quang Riệu và niềm đam mê chia sẻ tri thức khoa học

Nguyễn Quang Riệu và niềm đam mê chia sẻ tri thức khoa học

- Hà Dương Tường — published 09/01/2021 00:30, cập nhật lần cuối 23/11/2021 11:31

Nguyễn Quang Riệu 

và niềm đam mê chia sẻ tri thức khoa học


Hà Dương Tường



Vĩnh biệt anh Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn học với nhiều công trình để đời - trong đó có việc phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3), được Giải thưởng Hàn lâm viện Khoa học Pháp 1973, nhưng vẫn luôn luôn đau đáu về việc chia sẻ tri thức của mình với công chúng rộng rãi, nhất là công chúng Việt Nam, luôn luôn mong mỏi xây dựng ngành thiên văn học ở quê hương mình. Tôi xin kể trong bài viết ngắn này vài câu chuyện, sự kiện liên quan tới niềm đam mê đó.

Trong bài viết Phát triển và giảng dạy ngành khoa học vũ trụ đăng trong Kỷ yếu Humbold, 2011, anh đã trình bày khá sâu về những khía cạnh cơ bản, thực nghiệm và ứng dụng xen kẽ với nhau của ngành này, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện nay, cũng như thực tiễn của ngành tại Pháp và nhiều công việc cụ thể mà anh đã tiến hành để thực hiện mơ ước phát triển nó ở Việt Nam.

Chuyện đầu tiên, nhiều người đã viết, chỉ xin nhắc lại sơ. Năm 1995, anh đã tổ chức được một Hội thảo quốc tế kết hợp với quan sát nhật thực toàn phần ở Phan Thiết và sau đó để lại toàn bộ thiết bộ quan sát mang theo (mà anh vận động được Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ) cho Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài thiên văn Phủ Liễn để mở ra chuyên ngành thiên văn học.

Câu chuyện về Nhà chiếu hình vũ trụ ở Hà Nội có lẽ ít người biết hơn

Sau Hội thảo này, anh tiếp tục nhiều lần về nước giảng dạy Vật lý thiên văn và làm cầu nối giữa các nhà khoa học Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực. Đặc biệt, anh có vai trò quyết định trong một đề án hợp tác Pháp - Việt để xây dựng một Cung Khoa học trong đó có một Nhà chiếu hình vũ trụ (planetarium) giữa lòng Hà Nội - theo gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với những máy chiếu hiện đại để giới thiệu với công chúng bầu trời sao và những hiện tượng thiên văn quan sát được trong vũ trụ. Đây là một công cụ sư phạm đặc biệt hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi, và có khả năng lôi cuốn nhiều sinh viên học sinh đi vào con đường khoa học từ những quan sát được mô tả trong các buổi chiếu hình vũ trụ ấy. Hầu như các thủ đô và các thành phố lớn trên thế giới hiện nay đều có một hay nhiều planetarium, Paris có hai cái, một ở Palais de la Découverte, một mới hơn ở Cité des Sciences de La Villette. Trong đề án, phía Pháp do Đại Sứ Quán chủ trì, mua tặng những thiết bị quang học đắt tiền và cung cấp khả năng kỹ thuật. Phía Việt Nam do Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội chủ trì, cung cấp một miếng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng, v.v.... UBND đã chọn một khu đất 2000 m2 trong Công viên Thống Nhất cấp cho đề án.

Cung Khoa học HN

Sơ đồ Cung khoa học tại thủ đô Hà Nội

Công việc đang tiến hành thì...

Anh Riệu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện không thành của đề án cũng đã khá lâu nhưng tới giữa năm 2007 anh mới quyết định công bố nó khi đọc một bài trên tờ VietnamNet mang tiêu đề Công viên Thống nhất sẽ chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn nói tới đề án này một cách mập mờ, xuyên tạc. Bài phản hồi của anh gửi VNN được báo đăng với tựa đề Không "xin" được đất công viên xây nhà chiếu hình vũ trụ?, nhưng nay thì đường dẫn tới nó đã bị xoá bỏ (trong khi bài kia vẫn còn !). May mà lúc đó chúng tôi đã đăng bài anh trên Diễn Đàn, sau khi trả lại cái tít gốc của bài : Về đề án nhà chiếu hình vũ trụ. Đường dẫn về bài này vẫn có giá trị.

Tới khoảng năm 2010, khi ở Hà Nội nổ ra cuộc tranh cãi khá căng thẳng về một dự án khách sạn cũng trong Công viên Thống nhất, với vốn đầu tư đến 13 triệu USD, với diện tích đất mà nhà đầu tư xin được của thành phố lên tới 10.000m2, tôi mới hiểu là cái dự án văn hoá khoa học vô vị lợi của anh quá nhẹ ký... May mà trước sự phản đối của dư luận đối với việc xây khách sạn trên một mảnh đất lớn của Công viên Thống nhất, cái dự án nặng ký kia rút cục cũng phải huỷ bỏ (vào năm 2013). Planetarium chỉ là một nạn nhân bên lề (victime collatérale) của cái mà sau này người ta gọi là tranh chấp "lợi ích nhóm", nhưng đó là chuyện khác.

Sách báo phổ biến khoa học

Anh Riệu đã xuất bản nhiều sách báo phổ biến tri thức khoa học tới công chúng Việt Nam. Ở Pháp, báo Diễn Đàn hân hạnh được anh cộng tác thường xuyên, với ít nhất mỗi năm một bài trong hướng này (mà bạn đọc có thể tìm lại khi gõ tên anh, "Nguyễn Quang Riệu" trong ô tìm kiếm của trang diendan.org). Ví dụ như bài Ánh sáng nguyên thuỷ nhân năm Ánh sáng quốc tế 2015, hay bài Phát hiện sóng hấp dẫn: một thành tựu thiên văn trong năm 2017 giới thiệu thành tựu được giải Nobel Vật lý năm đó. Bài này phần mở đầu có tiểu đề "Phòng thí nghiệm vũ trụ" chắc hẳn là quen thuộc với những bạn đọc các cuốn sách phổ biến thiên văn học mà anh đã xuất bản trong nước trong hai chục năm qua, trong đó có cuốn Vũ trụ – phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại... Những cuốn sách đầy chất thơ của một người suốt đời say mê làm việc trong phòng thí nghiệm thiên nhiên diệu kỳ ấy ("diệu kỳ" cũng là chữ anh hay dùng khi nói về phòng thí nghiệm ưa thích của mình) : Sông Ngân khi tỏ khi mờ, Vũ trụ huyền diệu, Những con đường đến với các vì sao, Lang thang trên dải Ngân hà, Bầu trời tuổi thơ...


Vài chuyện khác

Bản thân tôi (và một số bạn bè trong vùng Paris) còn được nghe anh giảng rất cụ thể và sinh động về thiên văn học qua những chuyến đi thực tế hấp dẫn. 

Lần gần đây nhất cũng đã hơn 20 năm, vào tháng 8 năm 1999, nhân có nhật thực toàn phần quan sát được tại Pháp, trên một vùng rộng ở phía bắc Paris ngang qua thành phố Compiègne nơi tôi đang giảng dạy. Theo gợi ý của anh Riệu, tôi tổ chức buổi quan sát nhật thực trong một khu vườn của nhà trường, anh Riệu mang tới một chiếc kính thiên văn nhỏ, những người tham dự tự túc mua kính râm để nhìn lên mặt trời khi nó bị trăng ăn, anh cũng sẽ có bài giảng ngắn về nhật thực cho những người tham dự. Tiếc là hôm ấy trời quá xấu, chỉ thi thoảng màn mây mới rách một chút cho người xem, nhưng cũng là một kỉ niệm khó quên.

 

Compiègne, 11.8.1999.
Anh Riệu mặc áo veste trắng, chị Ngà, vợ anh là người đứng thứ 5 từ trái sang.

Trước đó, có lẽ vào những năm 1980 là mấy chuyến đi thăm Đài thiên văn vô tuyến (radioastronomie) tại Nançay trong vùng đồng quê Sologne (180km về phía Nam Paris - nhắc các bạn nếu có dịp ghé thăm, đây cũng là một vùng ăn rất ngon), tiếc là tôi không còn giữ tấm ảnh nào. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cái "kính thiên văn" chẳng có một tí kính nào, mà chỉ là một chiếc ăng ten. Thực ra, quan sát và tìm hiểu vũ trụ qua sóng vô tuyến mới là chuyên môn chính của anh, khác với những nhà thiên văn dùng mắt ! Hồi đầu tháng 12.2020, nhân sự kiện Kính vô tuyến của Đài thiên văn Arecibo (Porto Rico) sụp đổ, tôi có viết vài chữ nhắc lại kỉ niệm chuyến đi Nançay và hỏi thăm sức khoẻ của anh trong mùa dịch, anh trả lời rất nhanh, đi thẳng vào nội dung câu hỏi, cho thấy ở tuổi 89 anh vẫn rất minh mẫn và vẫn theo dõi thời sự liên quan tới nghề nghiên cứu của mình. Xin trích vài câu:

Kính vô tuyến Arecibo sụp đổ là một sự kiện không hay, tuy có tuổi thọ 60 năm cũng đã là cao. Kính càng lớn thì có độ nhậy và độ phân giải càng lớn. Xây những kính thiên văn khổng lồ như kính Arecibo có đường kính 300 m hay kính Nancay lớn tới 300x35 m  là vấn đề nan giải. Các nhà thiên văn xây kính Arecibo trên miệng một cái hố thiên nhiên hình lòng chảo có sẵn ở những vùng đất đá vôi dễ bị lở thành hố. Vùng Sologne-Nançay không có hố lòng chảo nên được xây ngay trên mặt đất. Khuyết điểm của những loại kính khổng lồ này là  không quay để theo dõi được các thiên thể, mà phải đợi khi thiên thể đột nhập vào tầm nhìn của kính. Những thiết bị của kính Arecibo để thu tín hiệu được treo bằng cáp ở tiêu điểm (focus) của kính. Sự kiện sụp đổ kính là do dây cáp bị đứt và những thiết bị  nặng hàng trăm tấn rơi xuống, làm hỏng bề mặt cuả kính. Kính Arecibo và kính Nancay chủ yếu đã được dùng để quan sát  những thiên thể như thiên hà, pulsar, hành tinh, v.v...phát ra trên những bước sóng dài (centimet). Kinh Arecibo và kính  Nançay cũng đã được dùng để thu tín hiệu do các nền văn minh, nếu có, bên ngoài trái đất  phát ra. 

Ngày nay những hệ kính thiên văn cỡ nhó cách xa nhau hàng nghìn kilomet, hoạt động tương quan (en correlation) với nhau theo phương thức giao thoa (interferometrie) để có độ phân giải cao. Mới đây Trung Quốc cũng đã xây xong một kính vô tuyến có đường kính 500 m loại Arecibo và được đặt tên là Fast. Kính Fast có độ nhạy cao hơn khoảng 3 lần kính Arecibo và được xây ở vùng Quế Châu, Tây Nam Trung Quốc.

Tiếc rằng đó lại là lần cuối tôi được trao đổi với anh. Vĩnh biệt Anh


Hà Dương Tường

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us